Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Kí ức canh rau tập tàng
Nhà tôi nghèo, sớm sớm mẹ vẫn đi ngắt rau mùng tơi, rau dền, rau sam mỗi thứ một ít, bó chung lại thành từng mớ nhỏ gọi là rau tập tàng. Mẹ mang đi bán những chợ hôm, chợ mai dưới quê, chợ cóc, chợ xốm trên huyện, trên tỉnh.

 
 
Mẹ dành dụm những đồng tiền lẻ gom góp lại thi thoảng cải thiện bữa cơm có thịt cho gia đình. Bố tôi vẫn đi câu cáy, mò ốc về cho bát canh tập tàng của mẹ thêm đậm đà. Tôi đã lớn lên nhờ được ăn quanh năm, bốn mùa những bát canh rau tập tàng dân dã quê nghèo.

Mùa hè ăn rau tập tàng mát ruột khi mẹ dằm vào quả me, quả sấu, mùa đông ăn canh rau tập tàng ấm lòng khi cho thêm một nhánh gừng giã nhỏ. Ði học xa nhà hơn chục cây số, buổi trưa lũ bạn thường ở lại ăn bún, ăn phở, tôi vẫn cố gắng đạp xe về để được húp canh rau tập tàng của mẹ. Lớn rồi vẫn nhớ lời ru bên cánh võng: “Canh tập tàng ngon, con tập tàng khôn”. Ðó là những ngày mẹ sinh chị em tôi mà vẫn phải ăn canh tập tàng thay bữa. Người ta thường bảo: “Ðói ăn rau, đau uống thuốc” nhưng tôi lớn lên không phải uống viên thuốc nào nhờ những bát canh rau tập tàng có vị thuốc của mẹ: khổ qua đắng vị mát, rau ngót vị thanh giải độc.

Khi bố mẹ tôi xếp hàng mua từng mớ rau thời tem phiếu thì rau tập tàng không cần mua, chỉ cần nhặt nhạnh ngoài đê, ngoài bờ giậu, ngoài góc vườn đã có món canh cho cả nhà.

Rau tập tàng ông tôi còn gọi là rau nháo nhác. Tới khi ông tôi đã già, trí nhớ lộn xộn quên quên nhớ nhớ, ông chỉ nằm, lắc đầu với mọi thức ăn nhưng khi mẹ bưng lên mời ông món canh rau, ông reo vui như gặp lại bạn cũ: “rau tập tàng”. Ông mất đi, rau tập tàng xanh vòm mộ ông yên bình.

Thời sinh viên cùng bạn ăn canh rau mì tôm, ăn lẩu rau, ngày ngày đi chợ mua những mớ rau mềm cọng, xanh lá, bóng mượt mà lãng quên đi món rau tập tàng của mẹ. Một ngày, bỗng giật mình khi bắt gặp mớ rau quen trong gánh hàng rong của bà cụ ngồi trên vỉa hè, thấy nhớ nao lòng hương vị thanh ngọt của rau tập tàng quê nhà.

Ở Hà Nội mùa này, ngày lũ lụt mớ rau muống giá ba mươi nghìn đồng, thấy xót lòng vườn rau dại của mẹ ở nhà bây giờ gà đang bới.

 Hồng Quyên - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :