Trang chủ   >   >    >  
Không thể mai một truyền thống cha ông
Từ Sơn (Bắc Ninh) có 283 tiến sĩ, riêng xã Phù Khê đứng đầu Phủ Từ Sơn với 130 người. Đặc biệt, Phù Khê là nơi sinh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Từ vùng đất giàu truyền thống
Thị xã Từ Sơn trước kia thuộc huyện Ngàn Đông Ngàn (thời Gia Long) là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, cách mạng, tiêu biểu cho văn hóa vùng Kinh Bắc xưa. Đó là truyền thống cách mạng, năng động trong các hoạt động kinh tế, giao thương buôn bán; đặc biệt vùng đất này nổi tiếng thông minh, hiếu học. Cũng tại vùng đất này từ lâu dân gian đã truyền tụng: “Dốt Đông Ngàn hơn người ngoan thiên hạ”. Thời phong kiến Phủ Từ Sơn đứng đầu cả nước về khoa mục, những người đỗ đạt. Từ Sơn có 283 tiến sĩ, riêng Đông Ngàn là huyện đứng đầu Phủ Từ Sơn với 130 người.
Nhiều người Phù Khê đã đỗ đạt thành danh, tính từ đời Trần Thái Tông (1239) đến năm 1748, nơi đây đã có 15 người đỗ tiến sĩ, 2 người đỗ Thám hoa và hàng trăm người đỗ hương, cống, sinh đồ. Đặc biệt, cụ Quách Đồng Dần đến năm 68 tuổi mới đi thi và đỗ tiến sĩ. Cụ là tấm gương hiếu học tiêu biểu không chỉ của Phù Khê, mà danh tính của cụ được dân gian truyền tụng, ngợi ca khắp cả nước: “Sáu mươi tuổi mới vỡ lòng / Đến năm sáu tám đã ông nghè rồi”.
Hiện nay, xã Phù Khê có 9044 nhân khẩu. Trong đó, độ tuổi đi học từ 3 – 21 tuổi là 2.350 đạt tỷ lệ 30% dân số. Mỗi năm, xã Phù Khê có tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trung bình từ 30 – 50 người. Hiện tại, xã Phù Khê có gần 20 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; hàng chục người có trình độ thạc sĩ ở các chuyên ngành khó học. Và đây cũng là một trong những cái nôi của phong trào khuyến học, khuyến tài rất phát triển ở tỉnh Bắc Ninh.
Đối với truyền thống yêu nước và cách mạng, Phù Khê là một địa danh nổi tiếng được ca ngợi trong các làng cổ của người Việt, được ví là đất đế vương “Tam Cổ, Ngũ Phù” nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa (bao gồm Cổ Bi, Cổ Bá, Cổ Pháp và Phù Đổng, Phù Lưu, Phù Khê, Phù Chẩn, Phù Ninh). Người Phù Khê cần cù sáng tạo trong lao động và giàu lòng yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức cường quyền. Đặc biệt, Phù Khê là nơi sinh của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 1928, khi mới 16 tuổi. Và đến tháng 3/1938, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng lúc chưa đầy 26 tuổi. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn là tấm gương sáng cho nhân dân học tập, noi theo. Ngày 17/1/1940, đồng chí bị địch bắt và ngày 26/8/1941, đồng chí đã anh dũng hi sinh trước mũi súng của kẻ thù với 29 tuổi đời, 11 tuổi Đảng, trong đó có 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại một dấu ấn lịch sử chói lọi, mãi mãi không phai mờ trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cao đẹp.
Cái nôi của nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng
Bên cạnh truyền thống khoa bảng và cách mạng, Phù Khê còn được biết đến là cái nôi của nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng từ thời xa xưa (cách đây khoảng 2.000 năm) và được coi là đất thợ của Kinh Đô. Hiện nay, đình làng vẫn còn thờ 7 cụ tổ của 7 nghề, trong đó có cụ tổ nghề chạm trổ. Tuy nhiên, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhất là bị hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đã khiến làng nghề xơ xác. Nhiều nghệ nhân trước khi mất đã không kịp truyền lại nghề cho con cháu và nghề truyền thống này đã bị mai một trong suốt thời gian dài, có lúc tưởng chừng bị thất truyền…Đến năm 1962, lãnh đạo thành phố Hà Nội khi đó là ông Trần Sâm đã giao trọng trách cho ông Nguyễn Kim bằng mọi giá phải khôi phục lại nghề chạm khắc truyền thống của cha ông.
Ông Nguyễn Kim kể lại: Sau nhiều năm cùng bố làm nghề ở phố Hàm Long – Hà Nội, ông đã quyết định bỏ phố về làng với hi vọng phục dựng nghề truyền thống. Khi về làng, ông thật xót xa khi tậm mắt chứng kiến cảnh “cả làng” không còn ai biết đục, biết gọt…”. Chưa hết, địa điểm không có, ông phải mượn sân đình để “dựng trường” mở lớp dạy đục đẽo cho người dân. Mặt khác, các loại dụng cụ thiết yếu như: đục móng, đục xén, đục chàng cho thợ… ông đều phải cất công tìm sắt và rèn lấy đồ nghề. Nhiều loại đục có cấu tạo phức tạp như tỉa không thể tự rèn, ông không quản ngại đi bộ hàng chục cây số để tìm mua. Sau đó ông bắt tay vào tuyển thợ, chú ý chiêu mộ thanh niên vào để dạy nghề. Và cũng từ khóa học đầu tiên này, một giáo án đào tạo nghề chạm trổ đầu tiên do chính tay ông soạn thảo đã ra đời. Qua 6 khóa đào tạo, ông đã cho “ra lò” 300 thợ cả và họ tiếp tục “sản sinh” ra các người thợ tiếp theo. Hiện nay, làng Phù Khê có 2 nghệ nhân, hơn 400 thợ cả, có rất nhiều trẻ em 14 – 15 tuổi đã có tay nghề cứng.
Hơn 50 năm trong nghề chạm trổ (14 tuổi ông Kim đã theo cha ra Hà Nội làm nghề), nghệ nhân này đã cho ra đời nhiều tác phẩm lớn, có ý nghĩa chính trị, lịch sử như: Chân dung đồng chí Nguyễn Văn Cừ, tượng danh tướng Lý Thường Kiệt cao 1,80m được làm bằng chất liệu gỗ mít, tượng sư cụ Kim Tửu – chủ trì chùa Trấn Quốc (Hà Nội), tạc 12 con hổ cho đồng chí Trường Chinh làm quà tặng cho 12 nước... Ông tâm sự: “Nghệ nhân là một nghệ sĩ đa tài, bởi vậy phải hiểu được tâm tư, tình cảm của nhân vật (bức tượng), phải thuộc bản chất, hành động của nhân vật đó. Đối với gia đình, tôi luôn dạy con cháu trong gia đình phải khép mình vào sạu khắt khe, không dẽ dãi với gì mình có, học hỏi trong nghề nghiệp. Tôi lấy tượng La Hán chùa Tây Phương và tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt để răn con cháu trong nhà…
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Phù Khê cho biết: Hiệt tại, xã có 7 công ty, hợp tác xã với hơn 80% dân số địa phương tham gia phát triển kinh tế từ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và chạm trổ truyền thống. Thu nhập bình quân từ 1,2 – 3 triệu đồng/ người/ tháng. Riêng thợ có chuyên môn cao, lành nghề có thu nhập từ 8 - 15 triệu đồng/ tháng. Tổng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt từ 13 - 18 triệu đồng/ người/ năm. Ngoài nghệ nhân Nguyễn Kim, xã Phù Khê còn có hàng chục thợ giỏi khác như: ông Đàm Văn Vĩnh (Tấn Bào), Nguyễn Văn Cẩn (thôn Phù Khê Thượng), Đỗ Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Cương…cho thu nhập mỗi năm hàng tỉ đồng và tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở trong và ngoài địa phương.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, để từng bước khắc phục những tồn tại, khó khăn, đưa nghề truyền thống phát triển, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch và dự án khả thi trong những năm tới, trong đó tạo điều kiện xây dựng nhà máy chế biến lâm sản Bông Mai trên diện tích 5ha, giúp doanh nghiệp có mặt bằng mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, quy hoạch khu làm dịch vụ sản xuất đồ gỗ tạo mặt bằng cho các hộ xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm, tập kết hàng hóa, bãi đỗ xe…, khuyến khích thành lập công ty, đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng. Mặt khác, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban ngành thị xã và tỉnh Bắc Ninh xúc tiến, quảng bá sảm phẩm đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống vươn ra thị trường thế giới.

 Ngô Xuân Lộc - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :