Trang chủ   >   >    >  
Lớn lên từ tiếng hát ru
Nghệ sĩ - ca sĩ Nguyễn Đăng Kiên sinh năm 1976, trong một gia đình viên chức tại Hải Dương. Ngay từ hồi nhỏ, anh đã được bà và mẹ ru bằng những làn điệu dân ca, đặc sắc vùng đồng bằng Bắc Bộ - một kho tàng phong phú đậm chất nhân văn. Bởi vậy, lên 10 tuổi, Kiên đã thuộc nhiều làn điệu dân ca và chèo. Sau khi tốt nghiệp PTTH (năm 1994), anh lên đường nhập ngũ và ra quân (năm 1996), anh đăng ký thi vào Khoa kịch hát dân tộc - chuyên ngành diễn viên chèo, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh.

Để nghề yêu mình
Vốn yêu thích và đam mê dân ca từ nhỏ, bản thân mẹ cũng là thành viên của đội hát chèo ở thôn nên anh đã được “thừa hưởng” cái “men văn nghệ” từ gia đình. Vào bộ đội, Nguyễn Đăng Kiên được đơn vị bầu chọn làm “quản ca” của tiểu đội với sở trường là những làn điệu dân ca và chèo. Cũng từ môi trường quân đội này, anh đã phát huy khả năng bẩm sinh về dòng nhạc dân tộc đậm chất trữ tình và mang tính nhân văn sâu sắc. Cũng chính từ sức hút ở dòng nhạc dân tộc có từ hàng trăm năm này mà anh rất đam mê rồi dành trọn tình cảm cho thể loại dân ca và làn điệu chèo. Khi thi vào Khoa Kịch hát dân tộc, Kiên đã trình bày môn thi nghệ thuật bằng hai làn điệu chèo “Lới lơ” và “Quân tử vu dịch” đạt điểm số tối đa. Vào học chuyên ngành với đúng sở thích, Nguyễn Đăng Kiên đã phát huy hết sở trường và cháy hết mình với những giai điệu mang âm hưởng tinh tế, sâu sắc với những làn điệu ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ…
Bên cạnh đó, anh yêu dòng nhạc dân tộc cũng bởi làn điệu dân ca và chèo với ngôn từ cô đọng, ý tứ sâu xa, xúc động và truyền cảm đối với người nghe, người xem. Mặt khác, thể loại dân ca là loại hình nghệ thuật dân gian mang tính tập thể cao, người hát không chỉ là diễn viên, mà tất cả mọi người đều có thể tham gia hát đối đáp trao gửi tình cảm cho nhau. Đối với loại hình nghệ thuật chèo bao gồm múa, hát, âm nhạc. Giữa người xem và người diễn có sự giao lưu. Lời văn trong tích trò mang đậm màu sắc trữ tình của ca dao tục ngữ, tràn đầy tính lạc quan trong tiếng cười thông minh, hóm hỉnh và trí tuệ.
Anh tâm sự: Tôi trở thành diễn viên chèo và hát dân ca như “cái duyên”… “trời định”. Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi may mắn được về công tác tại Nhà hát chèo Hà Nội, được làm việc với những nghệ sĩ chèo “gạo cội” hàng đầu Việt Nam đương đại như: Xuân Hinh, Quốc Anh, Quốc Chiêm…Chính những nghệ sĩ này đã “truyền lửa” cho tôi niềm say mê trong lao động nghệ thuật thực thụ. Các anh lao động nghệ thuật bằng chính cái tâm của mình và đều phải “vật lộn” hàng chục năm mới khẳng định được tên tuổi của mình trong lòng khán thính giả. Bởi vậy, tôi rất ngưỡng mộ, trân trọng và luôn tôn kính họ như những người thầy thực thụ trên sân khấu biểu diễn. Trong thời gian công tác tại Nhà hát chèo Hà Nội, tôi đã tham gia nhiều vở diễn phục vụ công chúng: Vào vai Lí Thường Kiệt (vở Thái uý Lí Thường Kiệt); Dương Lễ (vở Lưu Bình Dương Lễ); chèo hiện đại, vào vai Hải (vở Chuyện tình sinh viên)…gây ấn tượng trong lòng công chúng. Và tôi luôn quan niệm rằng: Đối với bất kỳ nghề nào cũng vậy, mình đã chọn thì phải yêu nghề thì… nghề mới yêu mình!
Gắn cuộc đời với dòng nhạc dân tộc
Năm 2007, nghệ sĩ Nguyễn Đăng Kiên chuyển về công tác tại Đoàn ca nhạc dân tộc (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) với công việc thu thanh và hát các bài hát dân ca phục vụ khán, thính giả. Về Nhà hát, anh được làm việc trong môi trường hiện đại, năng động với công việc mới là thu thanh các bài hát; sưu tầm, phục dựng lại các bài dân ca, chèo cổ và biểu diễn. Đặc biệt, anh vinh dự được hát phục vụ theo yêu cầu của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, bạn nghe đài ở vùng sâu, vùng xa trên mọi miền đất nước. Cũng chính xuất phát từ lòng đam mê dòng nhạc truyền thống đã giúp anh dần khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng khán giả.
Anh tâm sự: Khi mới về Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi hơi “bỡ ngỡ” do đặc thù của công việc mới. Tuy nhiên, với sự tận tình của tập thể nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công của Đoàn ca nhạc dân tộc đã giúp đỡ và tạo mọi điều kiện nên tôi đã nhanh chóng hòa nhập với guồng quay của đoàn. Đặc biệt, tôi vinh dự được làm việc với chị Hồng Ngát (Phó giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam); cô Hoàng Thanh, chị Hồng Liên, Minh Phương - những người thầy, người đồng nghiệp rất tâm huyết với nghề và là những người có giọng hát hàng đầu ở dòng nhạc dân ca hiện nay giúp đỡ, chỉ bảo rất tận tâm.
Tuy nhiên, đứng trước “làn sóng” phát triển dòng nhạc thị trường và phong cách biểu diễn “quá lố, quá phô” như hiện nay mà vẫn được giới truyền thông “tung hô, lăng xê” bị dư luận và báo chí lên tiếng thời gian gần đây là không thể chấp nhận được. Có nhiều ca sĩ biểu diễn những bài hát vô bổ - vô nghĩa “nhạc không ra nhạc”, quanh quẩn những vần điệu “anh yêu em,…em yêu anh”, có nhiều bài hát giai điệu na ná giống nhau… đã ảnh hưởng xấu đến thị hiếu âm nhạc của một bộ phận giới trẻ. Do chạy theo thị hiếu thị trường, không ít nhạc sĩ viết các bản nhạc vô nghĩa nhằm thu hút một bộ phận giới trẻ đã gây phương hại đến dòng nhạc truyền thống... Mặt khác, phong cách ăn mặc biểu diễn của không ít ca sĩ hiện rất đáng báo động, thậm chí là rất lố lăng. Họ tự cho mình cái “quyền ăn mặc”, thích mặc trang phục nào thì mặc gây phản cảm đối với những khán, thính giả thưởng thức âm nhạc chân chính. Ca sĩ Nguyễn Đăng Kiên nhấn mạnh: Nhìn vào dòng nhạc thị trường và cách thể hiện của một số ca sĩ trẻ rất thiếu chuyên nghiệp hiện nay, tôi cảm thấy rất chạnh lòng và rất buồn về sự xuống cấp của âm nhạc thị trường. Thậm chí, nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi rằng tại sao những bản nhạc tầm thường như vậy, những ca sĩ thiếu chuyên nghiệp biểu diễn như vậy mà vẫn được một bộ phận giới trẻ nồng nhiệt hưởng ứng?! Thật không thể hiểu nổi! Tôi cảm thấy tiếc nuối cho nhiều nhạc sĩ, ca sĩ ở dòng nhạc truyền thống có tài thực sự, tên tuổi của họ đã làm nức lòng người nghe một thời và cả trong hiện tại. Song có lẽ, ở nhiều nhà hát, nhiều ca sĩ có tên tuổi do không biết cách “tự đánh bóng mình” nên rất ít người biết đến và không được tôn vinh một cách xứng đáng.
Ca sĩ Đăng Kiên khẳng định: Cho dù ngày nay thị hiếu thưởng thức âm nhạc trong công chúng có nhiều thay đổi, nhưng với anh vẫn luôn say mê, theo đuổi và khảng định bản thân mình từ dòng nhạc dân ca, chèo truyền thống của dân tộc. Và dường như, dòng nhạc dân ca đã ngấm vào “máu” và “gắn” cuộc đời anh với dòng nhạc truyền thống của dân tộc. Anh luôn lấy lời khuyên từ những nghệ sĩ lớn mà cả cuộc đời họ dành cho dòng nhạc dân tộc như: cố nghệ sĩ Mạnh Tuấn, Chu Văn Thức, Diễm Lộc, Minh Thu, Khắc Tư, Xuân Hanh, Trần Quốc Trương, Xuân Hinh, Quốc Anh,…đây là những giọng ca quý và hiếm đã khẳng định được chỗ đứng của mình ở dòng dân ca hàng đầu Việt Nam đương đại. Anh mong rằng, các bạn trẻ và ca sĩ trẻ hiện nay đừng coi trọng việc “thị trường hóa” quá mức mà hãy học tập hết mình, “cháy” hết mình với nghệ thuật và phục vụ công chúng vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Dự định trong thời gian tới, anh cùng tập thể Đoàn ca nhạc dân tộc của Đài tiếp tục bảo tồn, sưu tầm, phục dựng các bài hát dân ca ba miền Bắc - Trung – Nam (hiện anh đã phục dựng và hát nhiều làn điệu cổ dân ca Phú Thọ, Hà Nam như: Đố hoa, Hát ống (dân ca Phú Thọ); Đồng tiền vạn lịch (dân ca Hà Nam…) và sẽ phát hành một đĩa CD lưu lại những giai điệu của các bài dân ca ba miền và một đĩa CD các bài hát đã được thu thanh đi cùng năm tháng để phục vụ công chúng, bạn nghe đài.

 Đài Sơn Lộc - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :