Trang chủ   >   >    >  
Vị tướng văn võ song toàn
Thượng tướng, PGS Khoa học quân sự Nguyễn Hữu An (1926 - 1995) sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng (xã Trường Yên – huyện Hoa Lư – tỉnh Ninh Bình). Ông tham gia trọn vẹn cả hai cuộc kháng chiến: chống Pháp và chống Mỹ. Ông đã đánh hàng trăm trận và tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch có ý nghĩa chiến lược quyết định chuyển giai đoạn cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Với hơn 50 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác, Thượng tướng Nguyễn Hữu An đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và quân đội giao phó.

Vị tướng của những trận đánh lớn
Nguyễn Hữu An tham gia quân đội từ tháng 8/1945. Đến năm 1949, tại đèo Bông Lau - Lũng Phầy (giao nhau giữa Cao Bằng và Lạng Sơn), ông đã chỉ huy Trung đoàn 174 đánh nhiều trận gây thiệt hại lớn cho quân đội Pháp.
Bước sang năm 1950, trong chiến dịch Biên Giới, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251 chủ công của Trung đoàn 174 (Trung đoàn Cao Bắc Lạng) tiêu diệt đồn Đông Khê (18/9/1950), mở đầu thắng lợi cho chiến dịch. Đây là trận đánh rất quan trọng có ảnh hưởng lớn đến chiến dịch Biên Giới do Đông Khê là một cứ điểm quan trọng, mất cứ điểm này tuyến phòng thủ của Pháp trên đường số 4 sẽ bị cắt đôi. Trận đánh này được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và trực tiếp động viên bộ đội. Đánh Đông Khê chính là nghệ thuật “Đánh điểm để khống chế diện’’, buaộc thực dân Pháp phải tung 2 binh đoàn cơ động chiến lược Sác Tông và Lơ Pa-dơ lên cứu viện và bị tiêu diệt. Chiến thắng này “mở toang’’ biên giới với Trung Quốc nối liền cách mạng Việt Nam với cách mạng trên thế giới. Sau chiến dịch Biên Giới, Nguyễn Hữu An lần lượt giữ các chức vụ như: Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn phó trong các trận đánh ở Bình Liêu, Vĩnh Phúc, Mộc Châu...
Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu An là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 (E174) đại đoàn 316 (F316) - một đơn vị chủ lực rất giỏi đánh công kiên, được giao nhiệm vụ tấn công tiêu diệt cứ điểm đồi A1. Đây là một trong những trận đánh ác liệt nhất, phải đến lần thứ 3 vào đêm 6/5/1954 với cách đánh mở đầu bằng kích nổ 1 tấn bộc phá - tiếp theo, E174 với sự chỉ huy của trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An đã tiêu diệt cả cụm cứ điểm A1, mở “cánh cửa thép” để quân ta tiến nhanh vào trung tâm Mường Thanh, để lực lượng từ hướng đông tiến công vào phân khu Trung tâm cùng các hướng khác, bắt sống tướng chỉ huy Đờ Cát, giành toàn thắng cho chiến dịch.
Năm 1962, Nguyễn Hữu An lên đường giúp bạn Lào trong chiến dịch Mường Sinh, Luông Nậm Thà. Năm 1964, trên cương vị Sư đoàn trưởng, ông cùng Sư đoàn 325 vào miền Nam chiến đấu. Vào đến Tây Nguyên, do khó khăn về bảo đảm hậu cần và tình hình thay đổi, sư đoàn 325 phân tán; hai Trung đoàn xuống khu 5, chỉ còn Trung đoàn 101 ở lại mặt trận Tây Nguyên (chiến trường B3), ông làm Phó Tư lệnh B3. Ông đã trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy Trung đoàn 101 diệt gọn tiểu đoàn biệt động “Cọp đen”, rồi lại đánh thiệt hại nặng trung đoàn 44 chủ lực quân lực Việt Nam Cộng hòa, diệt trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn này. Năm 1965, ông đã trực tiếp chỉ huy trận đánh nổi tiếng ở thung lũng Ia - Đrăng trong chiến dịch Plây - me (chiến dịch đầu tiên mà Quân đội Nhân dân Việt Nam đụng độ với một số lượng lớn quân chủ lực Mỹ đó là Lữ đoàn kỵ binh không vận số 3. Với cương vị Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, ông đã cùng Bộ Tư lệnh bày mưu, tạo thế, kéo quân Mỹ đến thung lũng Ia - Đrăng rồi vận động bao vây tiến công liên tục trong 10 tiếng đồng hồ, tiêu diệt phần lớn tiểu đoàn 1 và 1 đại đội của tiểu đoàn 2 quân Mỹ..., trận đánh phủ đầu và chiến thắng mà chính các tướng lĩnh của Mỹ phải thừa nhận "Ia Đrăng - đã làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam".
Năm 1971, ông là Tư lệnh Sư đoàn 308 tham gia chiến đấu và góp phần cùng các đơn vị khác trong chiến thắng ở mặt trận đường 9 - Nam Lào và được Quân ủy Trung ương điều sang giúp Mặt trận Pa - Thét Lào chiến đấu lấy lại Cánh đồng Chum. Cũng tại chiến dịch này, ông đã phát hiện ra điểm yếu rất lớn của địch là vận tải, tiếp tế chỉ dựa vào máy bay, ông quyết định chỉ đạo dùng pháo khống chế sân bay Cánh Đồng Chum, cắt tiếp tế, đẩy địch vào chỗ đói, thiếu, phải chuyển sang phòng ngự.
Năm 1975, trên cương vị Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang), ông đã xuất sắc chỉ huy Quân đoàn của mình trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Trong chiến dịch Huế Đà Nẵng (từ 21/3 đến 29/3 năm 1975), Quân đoàn 2 do ông chỉ huy đã cùng với Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5 băm nát đội hình Quân đoàn 1 - Quân khu 1 Việt Nam Cộng hòa, khiến gần 10 vạn quân Việt Nam Cộng hòa phải tan tác tháo chạy, bỏ cả căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng.
Với khí thế tiến công thần tốc, Quân đoàn 2 lại ập tới phá vỡ tuyến phòng thủ Phan Rang (16/4/1975), áp sát Xuân Lộc, thọc vào trung tâm Sài Gòn từ hướng Đông - Nam, chiếm và cắm cờ trên Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (30-4-1975). Tại biên giới Tây Nam, ông lại chỉ huy Quân đoàn đi chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, rồi cùng các đơn vị khác tiến vào sào huyệt của chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng Cam-pu-chia, cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng (7-1-1979)...
Những cuốn sách có giá trị cao về khoa học quân sự
Cùng với cuốn hồi kí “Chiến trường mới”, Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã viết tác phẩm “Ba lần tấn công đồi A1”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Hữu An vừa tròn 28 tuổi, là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, được giao nhiệm vụ tấn công đồi A1, một cứ điểm trọng yếu án ngữ phía đông sở chỉ huy của tướng Đờ Cát. Đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng toàn mặt trận làm nên chiến thắng Điện Biên Phú chấn động địa cầu.
Từ những kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường, từ công tác xây dựng và nghiên cứu, giảng dạy trong nhà trường, Thượng tướng Nguyễn Hữu An còn viết hàng chục tác phẩm chuyên về lĩnh vực khoa học quân sự, luận văn quân sự, kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu, về đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội… Trong đó, có nhiều tác phẩm tiêu biểu: Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội; Đánh và đàm - nghệ thuật đấu tranh cách mạng trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh; Về tổ chức quân sự của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước với vấn đề vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh; Chiến thắng Điện Biên Phủ - niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, niềm vinh quang của quân đội nhân dân Việt Nam; Mấy ý kiến về đội ngũ trí thức trong quân đội ta hiện nay; Từ những kinh nghiệm trong chống Pháp và chống Mỹ, nghiên cứu vận dụng vào chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; Đào tạo và sử dụng nhân tài quân sự; Sức mạnh chiến đấu của quân đội là tổng hợp nhiều yếu tố hợp thành; Một số vấn đề về cách đánh trong chiến dịch phòng ngự quân khu; Từ nghệ thuật lấy yếu thắng mạnh tiến tới xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại…góp phần quan trọng trong công tác lý luận quân sự và đào tạo cán bộ cao cấp trong quân đội.

 

 Ngô Xuân Lộc - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :