Trang chủ   >   >    >  
Ngôi đền lưu giữ nhiều bí ẩn
Đền Cao thuộc thôn Đại, xã An Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương toạ lạc trên một ngọn đồi cùng vành đai với 99 quả đồi nổi danh từ câu ca huyền thoại về đàn chim nhạn của người dân nơi đây: “Chín mươi chín con theo mẹ dòng dòng/ Một cô con gái phải lòng bên kia”. Thuộc chuỗi danh thắng Chí Linh bát cổ, song hành với nét đẹp văn hóa, tinh thần, cho đến nay, đền Cao vẫn còn nhiều bí ẩn đã và đang được khám phá.

>>>> Bản tin số 255 (pdf)

>>>> Ngôi đền lưu giữ nhiều bí ẩn (pdf)

Lời húy kị chốn thiêng

Tương truyền, đền Cao thờ 5 anh em họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân xâm lược Tống (năm 981). Sau khi thắng trận, 5 vị tướng đều không nhận thụ phong của Vua mà cùng nhau hóa trong một ngày. Đến nay mộ của các ngài vẫn còn nguyên vẹn tại địa phương. Cũng vào năm 981, đền được xây dựng, đến nay đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Tọa lạc trên một ngọn đồi cao chưa đầy 50m, ngôi đền với bầy ngựa đá, voi đá qua ngàn năm tuổi vẫn được gìn giữ, tôn sùng. Người xưa từng ghi trong thần tích của đền: “Núi không cần cao, nếu có Tiên ở thì là Linh Sơn. Đền không cần nguy nga tráng lệ, nếu có Thần ở thì là Linh Từ”. Đền Cao đã chứng minh một chân lý bất diệt: Sự linh thiêng chính là ở lòng tôn kính trường tồn trong lòng người chứ không phải ở giá trị vật thể.

Về đền Cao, người dân nơi đây vẫn luôn nhắc tới chốn “hậu cung” đầy linh thiêng, u tịch bằng nhiều câu chuyện li kì. Theo các bậc cao niên trong làng, nơi chốn ấy đúng nghĩa với từ “hậu cung” bởi không ai được bước chân vào ngoài một “quan trùm” và bốn “quan đám” được hương khói, ra vào ngày rằm, ngày lễ. Bí ẩn sau cánh cửa Hậu cung được sách cổ ghi chép lại; “Biết không được nói, không biết không được hỏi”. Những người do vô tình hay hữu ý có “ngó nghiêng” vào chốn ấy thì “sống để bụng, chết mang đi”. Gian “hậu cung” của đền nằm trong cùng, sau 3 gian “tiền tế”, 2 gian “trung từ”. Từ khi được xây dựng đến nay, tục lệ đền Cao là chỉ được dâng lễ chay và thắp hương đen với ý nghĩa biểu trưng cho sự thanh cao, thoát tục. Chuyện về cánh cửa bí ẩn rộ lên khi khoảng 20 năm trước, một du khách nằng nặc đòi vào tận nơi để chụp ảnh ai ngăn cản thế nào, vị khách này cũng không nghe còn nói: “Tội vạ đâu tôi chịu”. Những chuyện lạ với vị khách này xảy ra từ ấy. Bảy bức ảnh trong hậu cung người này chụp, khi mang về rửa đều đen như mực. Rồi ba ngày sau, vị ấy đã bị đột quỵ sau một buổi họp. Được đưa đi chữa ở khắp các bệnh viện tại Hà Nội nhưng chưa đầy một tháng sau, vị khách này không qua khỏi. Dư luận trong vùng lại thêm một lần “dậy sóng” với sự việc một thanh niên vì muốn “thử độ thiêng” của đền những ngày cuối năm 2011 đã phạm điều đại kị trước khi vào lễ đền Cao là không được ăn thịt chó. Anh rủ vài người bạn đi làm một bữa thịt chó giải đen cuối năm rồi mặt đỏ bừng bừng lên lễ đền. Chỉ vừa bước lên đến sân nghỉ, còn cách sàn đền chừng chục bậc tam cấp nữa thì chàng trai bỗng ngã dập đầu, chúi mặt xuống đất. Người đi lễ hốt hoảng chạy lại xem thấy nạn nhân miệng cứ há hốc ra, không kêu được mà cũng không cựa quậy gì được. Sau sự việc, bố mẹ của chàng thanh niên nghịch ngợm này đã phải sắm lễ lên đền cầu khấn. Người trong vùng còn rỉ tai nhau việc cấm kị ngồi lên lưng đôi voi và ngựa bằng đá chầu trước cửa đền xuất phát từ sự việc một nhóm thanh niên từ trên huyện về đền chụp ảnh rồi một thanh niên hứng khởi muốn có bức ảnh mình đang cưỡi voi đá, ngựa đá. Mọi chuyện vẫn bình thường đến khi nhóm thanh niên ra về. Vừa bước khỏi cổng đền, cậu thanh niên bị trúng gió bỗng ngã vật ra đất, miệng sùi bọt mép, chịu cảnh bị liệt nửa người bên phải. 

Trong nhiều năm nay ngôi đền chưa từng một lần mất trộm. Ngay cả những năm tháng chiến tranh bom đạn khắp nơi mà đền Cao vẫn còn nguyên vẹn. Người dân nơi đây bao năm qua đã sống chung với những lời húy kị, họ xem đó như luật lệ bắt buộc phải tuân theo và lấy làm tự hào về bản sắc truyền thống được lưu giữ. Những câu chuyện mang đầy chất tâm linh trên phần nhiều do người dân truyền miệng góp phần làm tăng sự huyền bí cho ngôi đền. Mọi lẽ thực hư vẫn còn là ẩn số với bất cứ ai muốn khám phá cõi thiêng, và đền Cao luôn là địa điểm thu hút khách thập phương về tế lễ.

Sự lạ trong rừng lim cổ

Đền Cao nằm trong quần thể lim cổ gần 1000 năm tuổi. Theo ông Phan Văn Đức – Ban Quản lý đền Cao, khu vực này có tất cả 54 cây lim cổ thụ và khoảng 400 cây lim con đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xem xét công nhận cây di sản. Thực tế, trước khi được công nhận bằng văn bản, rừng lim cổ thụ và duy nhất ở khu vực Chí Linh này đã trở thành di sản trong tâm thức của người dân. Không ai dám chặt lim, kể cả nhặt củi khô về đun. Khách thập phương đến đền Cao cùng thường xuyên thắp hương và khấn vái trước các gốc lim ngàn tuổi.

Cụ Thắm – một trong bốn bà “phu” trông nom ngôi đền cho biết: “Người dân chúng tôi vô cùng tự hào về ngôi đền Cao cũng như rừng lim cổ thụ. Những năm 50 thế kỷ trước, thấy nhiều gốc lim to đẹp, vài cán bộ xã chỉ đạo cho người chặt lim về đóng bàn ghế, giường tủ, cày bừa... Các cụ thôn Đại thấy vậy, ùa nhau chạy lên đền, rồi cứ 2, 3 cụ ôm một gốc cây không cho cưa. Các cụ kiên quyết: Cưa chúng tôi trước rồi hãy cưa lim. Vậy là việc chặt rừng lim phải dừng lại. Có chừng hơn chục gốc bị chặt trước đó và đem về đóng đồ dùng. Một thời gian sau, những người dùng đồ đóng từ gỗ lim của đền thi nhau mang giường tủ, bàn ghế lên đền làm lễ trả. Hỏi ra mới biết, những ai chặt lim, xẻ lim làm đồ dùng đều tự dưng gặp hoạ. Nhẹ thì tiêu tán tài sản, nặng thì điên dở hoặc chết. Từ bấy đến nay, người dân địa phương ai cũng ra sức bảo vệ rừng lim”.

Kỳ lạ và cũng gây tò mò nhiều nhất chính là cây lim ở phía Tây của đền Cao. Trên cây có một chiếc bướu hình mặt cáo, cũng có người gọi là đầu hổ. Nhìn trực diện, cái bướu này giống hệt một chiếc đầu cáo. Nhìn từ trên xuống, lại giống một chú khỉ lông vàng. Không biết chiếc bướu xuất hiện từ bao giờ nhưng người dân nơi đây đã thêu dệt nên câu chuyện linh thiêng về ông “Tổ Cụt” trong chiếc bướu này. Ngay dưới gốc cây, một ban thờ Tổ được dựng lên, bởi thế quanh năm có người đến thắp hương khấn vái, lúc nào không gian nơi đây cũng thoang thoảng mùi hương trầm. Các cụ “phu” trong đền kể lại cho khách thập phương rằng: Từ xa xưa lắm rồi, lúc đó người Tàu còn đô hộ xứ ta, chúng giết hết đàn ông chỉ để lại mười hai cô gái xinh đẹp nhất. May mắn trong số trai tráng làng có một người đàn ông trốn thoát và nấp vào bụi dứa. Con chó của giặc đánh hơi được, chúng chọc giáo xuyên phải tay ông. Giữa lúc nguy cấp thì một con cáo nhảy từ bụi dứa ra đánh lừa được giặc, nhờ đó ông thoát chết. Sau này, giặc Tàu lấy cớ ép mười hai cô gái làm vợ bằng cách bắt họ trồng mười hai cây xanh, khi nào cây lên xanh tốt thì phải phục tùng. Chính ông đã bày mưu để mười hai cô gái đuổi giặc đi bằng cách lấy nước sôi tưới từ ngoài vào gốc để cây dần dần chết. Quân giặc bị lừa bịp, sợ “trái ý trời” nên không dám ép uổng. Khi đất nước thanh bình trở lại, ông đi lại với cả mười hai cô. Những đứa trẻ được sinh a đều mang họ mẹ, ông chính là nguồn gốc sinh sôi, nảy nở ra mười hai dòng họ nơi đây. Theo quan niệm của người dân, cái bướu mặt cáo có lẽ chính là hóa thân của ông “Tổ Cụt”.

 Đoàn Lữ - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :