Trang chủ   >   >    >  
Nhật ký đường về thành cổ Quảng Trị
Từ 11 đến 15 tháng 7 năm 2012, đoàn cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV), ĐHQGHN đã có một cuộc “trở về” đầy ý nghĩa: chuyến “trở về” Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Cuộc trở về này càng ý nghĩa hơn, khi năm nay - 2012, cả nước long trọng kỉ niệm 40 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành Cổ, một bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Ngày 11...Đã thành thường lệ, cứ vào dịp tháng 7 này, khi mùa hè đổ lửa lên mặt đất, những cựu binh Trường ĐHKHXH&NV lại lên đường trở về chiến trường xưa. Cuộc trở về năm nay được ấn định tại hai địa chỉ quen thuộc mà chỉ cần nhắc đến tên của nó, ai cũng đều cảm thấy náo nức: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Thành Cổ Quảng Trị. Đặc biệt với địa danh Thành Cổ Quảng Trị, cuộc hành trình của đoàn lần này sẽ thêm nhiều ý nghĩa: năm nay cả nước long trọng kỉ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị; 40 năm sự kiện 81 ngày đêm cuộc chiến khốc liệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Việt Nam: chỉ với hơn 10ha trong 81 ngày đêm, Cổ Thành Quảng Trị đã phải hứng chịu tới 325 ngàn tấn tấn bom đạn của kẻ thù; 81 ngày đêm, hàng ngàn người con thân yêu của Tổ quốc mãi mãi nằm lại dưới tầng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Có những tấm gương hi sinh đã trở thành huyền thoại. Một trận chiến Stalingrad 81 ngày đêm của Việt Nam...
Chỉ trong chưa đầy mười ngày, tôi đã có hai cuộc trở về những vùng đất từng một thời chứa đựng biết bao huyền thoại. Đoàn đi với sự chuẩn bị hết sức chu đáo của hai thành viên, nay là chủ tịch và phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh của Trường ĐHKHXH&NV: anh Nguyễn Chí Hòa và Phạm Đình Lân. Đoàn đã chọn một lộ trình không thể hợp lý hơn: điểm xuất phát là Đại lộ Thăng Long, nối con đường Hồ Chí Minh lịch sử, cắt đường 1 dọc theo mảnh đất thiêng Nghi Xuân, quê hương Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du; qua Đèo Ngang “bóng xế tà” của Bà Huyện Thanh Quan, đến thành phố Đồng Hới từng một thời cũng được coi là cái túi hứng bom trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Một ngày đi đường mệt mỏi nhưng đầy hứng khởi...
Ngày 12...Chuyến trở về Thành Cổ hẳn sẽ giảm đi phần nào ý nghĩa, nếu chúng tôi không dành hẳn một ngày ghé thăm Động Thiên Đường, một kỳ quan thiên nhiên trong chuỗi hang động Phong Nha Kẻ Bàng của mảnh đất Quảng Bình khói lửa, mà tôi tin rằng sẽ không nơi nào khác trên thế giới có được một kỳ quan tuyệt diệu đến như vậy. Một Vịnh Hạ Long trên cạn? Hay có thể còn tuyệt diệu hơn như thế, vì trong suốt chiều dài 31 km, mỗi một không gian nơi đây dưới bàn tay tinh xảo của hóa công đã trở thành một “tiểu thiên đường”. Đứng trước vẻ đẹp kỳ thú nơi đây, mọi hình dung tưởng tượng của chúng tôi đều trở nên bất lực...Trên suốt cả chặng đường dọc theo rừng Trường Sơn, bây giờ là đường Hồ Chí Minh, nhìn những cánh rừng xanh bạt ngàn, màu xanh bất tận và thanh khiết, chúng tôi đã lấy lại được cảm giác tình yêu cồn cào với đất nước. Phải vào đây, sống giữa màu xanh bạt ngàn của thiên nhiên, núi rừng mới thấm thía rằng, thì hóa ra, ước mơ một cuộc sống thanh bình và hạnh phúc thật giản dị: không cần những ngôi nhà chọc trời, những mảng bê tông xám xịt, những đường phố ồn ào và náo nhiệt xe cộ, người ta mới có hạnh phúc. Bằng cứ là đi trong cái nóng mùa hè lên tới 38oC, nhưng khi chúng tôi đặt chân tới cửa động Thiên Đường, nhìn sự lộng lẫy của bàn tay thiên nhiên tạo hóa, nhiệt độ “bỗng” hạ xuống 20oC, giống hệt như khi ở giữa Sa Pa hay Đà Lạt. Bỗng thấy khâm phục và biết ơn biết bao nhiêu một nhà thám hiểm người Anh nào đó đã có công khám phá ra chuỗi hang động tuyệt diệu này...
Ngày 13... chúng tôi mới thực sự hành trình tới nơi cần đến. Bác lái xe hình như quá quen thuộc với những chuyến đi kiểu này, đã góp ý với chúng tôi cho một lộ trình không thể hợp lý hơn. Cuộc khởi hành bắt đầu từ sáng sớm. Điểm đến đầu tiên sẽ là cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 nổi tiếng một thời. Đoàn dừng lại chụp mấy bức ảnh kỷ niệm. Đất nước thân thương và yêu mến biết bao. Thì ra đây là nơi người lính Cổ Thành năm xưa Lê Bá Dương, người đã có những câu thơ vô cùng xúc động về dòng sông Thạch Hãn, đã từng viết những câu “thần bút”: “Một khẩu súng giữ hai trời Nam, Bắc/ Một dấu chân in màu đất hai miền”. Trước khi đến đây, tôi đã từng nghe nói rất nhiều về Quảng Trị: đây là một vùng đất nghèo, mỗi tấc đất nơi đây đều in dấu vết đạn bom và nghèo khó. Bây giờ thì một Quảng Trị thực sự đang hiện ra trước mắt chúng tôi. Đã gần 40 năm giải phóng, mảnh đất này vẫn hằn lên sự nghèo khó. Màu xanh bất tận của rừng Trường Sơn đã không còn đọng lại nơi đây, những mảnh ruộng bạc màu, lúa thì cằn cỗi và thấp như cỏ. Cho đến lúc này tôi vẫn chưa qua hết được “nỗi ngượng ngùng”, khi nhìn những vạt lúa hai bên đường Quảng Trị, đã quả quyết với cựu binh Nguyễn Bá Thành, rằng đấy là cỏ. Cựu binh Vũ Thanh Tùng hẳn đã nhiều lần đi qua vùng đất này, biết tôi nhầm, anh chỉ mỉm cười mà chưa vội “chấn chỉnh” ngay. Dù sao, sự “hồn nhiên” của tôi cũng nói lên được một điều rằng, mình vẫn còn có lỗi với Quảng Trị, phải làm một điều gì đó cho Quảng Trị...
Cuộc hành trình về Thành Cổ lần này cũng cho tôi “ngộ” thêm được nhiều điều, hiểu thêm được những con người mà bấy nay sống hàng ngày bên cạnh, tôi vẫn chưa hiểu hết về họ. Chẳng hạn, nếu không có chuyến đi, làm sao tôi biết, cựu binh Bùi Duy Dân, thường ngày ít nói và lầm lì, con trai thầy Bùi Duy Tân của chúng tôi, từng là một chiến binh dũng cảm trong trận đánh chiếm nhà thờ Trí Bưu và từng để lại những giọt máu thời trai trẻ nơi đây? Tôi cũng sẽ không thể biết cựu binh Nguyễn Văn Thông từng có những ngày tháng chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị. Lần này đi cùng đoàn, anh đã không quên cầm theo chiếc máy quay cầm tay HD, mà anh giải thích với chúng tôi rằng, nó sẽ giúp anh ghi lại những hình ảnh, để sau này cuộc sống của anh khi về “già” sẽ bớt đi phần nào buồn tẻ. Với cựu binh Phạm Thành Hưng thì chuyến đi này còn ý nghĩa hơn. Chiến trường Đường Chín Nam Lào là nơi anh đã từng chiến đấu trong những ngày quân ngũ. Trên thân thể người cựu chiến binh này vẫn còn để lại nhiều vết đau thương. Nhưng với anh còn một “vết thương” nặng nề hơn, đó là tại nơi đây, nhiều đồng đội của anh vĩnh viễn nằm xuống. Trong suốt cả cuộc hành trình, tìm một chỗ yên tĩnh ở phía cuối xe, với nung nấu, nhất định khi đến Quảng Trị sẽ “cắt đuôi” đoàn, một mình ra nghĩa trang Đường Chín, “thắp cho 5, 6 ông bạn của tôi một nén hương”, với lời khẩn cầu, mong đất nước mình bớt đi nhiều người xấu và “có thêm nhiều người tốt” như các bạn. Cựu binh Phạm Đình Lân, tuy không trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, nhưng anh đã từng hành quân qua đây. Những câu thơ anh viết cho những người con thân yêu của Tổ Quốc, mà cô hướng dẫn viên đọc cho đoàn nghe ngay dưới chân Đài Cổ khiến chúng tôi không cầm nổi nước mắt:
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời cũng tự trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào
Trước khi xe vào Thành Cổ Quảng Trị, chúng tôi đã có một việc làm vô cùng ý nghĩa. Cả đoàn đã ghé qua nghĩa trang Vĩnh Linh, nơi liệt sĩ Trần Nhật Đính, anh ruột Trần Nhật Chính cùng đi trong đoàn, thắp hương cho anh. Tại nghĩa trang này, chúng tôi tình cờ gặp gỡ và được nghe lại một chuyện thú vị và xúc động của người nữ quản trang mà tôi không kịp hỏi tên chính xác của chị. Tôi cũng không có may mắn được trực tiếp nghe câu chuyện ngắn ngủi cảm động chị kể. Nhưng cựu binh Lương Văn Kế, người đã chụp được bức ảnh tươi tắn của người phụ nữ này, trực tiếp nghe chị kể câu chuyện xúc động về cuộc đời mình, thì cứ nhất quyết thuyết phục tôi là hãy viết lại đôi điều gì đó về người nữ quản trang đáng mến thầm lặng nơi đây. Tôi hứa với Lương Văn Kế, nếu có dịp tôi sẽ thực hiện yêu cầu của anh. Còn bây giờ, tôi không muốn những dòng ghi chép nhỏ của đoàn bị cắt ngang bởi một câu chuyện, mà đúng ra nó phải mang tầm cỡ của một thiên tiểu thuyết. Trong đoàn đi của chúng tôi còn nhiều chuyện đáng ghi chép nữa. Đó là câu chuyện về cựu binh Ngô Văn Hoán. Mặc dù đã nghỉ hưu một năm nay, nhưng vẫn như thuở nào, chuyến trở về Thành Cổ lần này vẫn làm anh “náo nức”. Ngô Văn Hoán tâm sự, gia đình anh vừa tìm được hài cốt đứa em trai thân yêu từng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị năm xưa. Lần này về đây anh sẽ cùng người bạn đời của mình, cũng là một cựu binh, đến tận mảnh đất đứa em trai “nằm”, thắp một nén hương cầu mong cho mảnh đất này tìm được sự bình yên vĩnh cửu. Phải đến khi đứng ngay trên mảnh đất Thành Cổ, được tận mắt chứng kiến từng tấc đất, ngọn cỏ nơi đây, nhìn lại những bức hình nhiếp ảnh gia quân đội Đoàn Công Tính chụp, đọc những dòng chữ trên bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết cho những người thân của mình trước giờ hi sinh, tôi mới thấm thía cái giá của sự bình yên dân tộc ngày hôm nay, mà những người lính trẻ cùng thế hệ với tôi phải trả. Nhìn kỹ màu xanh của từng vạt cỏ vươn lên trong cái nắng hè đổ lửa của Thành Cổ, tôi dường như đã ngộ ra được nhiều hơn những gì nhà thơ Thanh Thảo viết trong trường ca "Những người đi tới biển" của anh: “Mười tám hai mươi sắc như cỏ/ Dày như cỏ/ Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ/ Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc?/ Cỏ sắc mà ấm quá phải không em?”. Chỉ ngay phía dưới làn cỏ yếu mềm bên trong Thành Cổ, ngay trong dòng nước trong veo dưới sông Thạch Hãn, hàng ngàn hài cốt những người lính trẻ quấn quýt và chen chúc nơi đây. Hẳn nhiều thập kỷ sau, nỗi đau thương Cổ Thành sẽ vẫn còn lên tiếng. Những mảnh vỡ loang lổ của bức tường trường Bồ Đề mà chúng tôi có dịp ghé thăm sau đó đã nói lên rất nhiều điều...
Ngày 14... Rời Quảng Trị, sáng ngày 14, chúng tôi lại cắt đường Hồ Chí Minh hướng về Nghĩa Trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Tôi vẫn có cảm giác hình như chưa có nơi đâu trên 63 tỉnh thành nước ta, lại có một mảnh đất nhiều nghĩa trang liệt sĩ như ở Quảng Trị. Hình như những đau thương mất mát lớn nhất của cuộc chiến tranh đã hội tụ cả về đây. Gần như ở xã nào, huyện nào, mảnh đất nào của Quảng Trị cũng đều mang trong lòng mình hài cốt những đứa con thân yêu của dân tộc. Khi đến Nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi mới càng thấm thía điều này. Dù sao, chúng tôi cũng được một chút an ủi rằng, những người hôm nay đã làm được một điều có ý nghĩa với những người đã khuất. Nghĩa trang Trường Sơn hôm nay đẹp không kém nghĩa trang Père Lachèse của thủ đô Paris, nơi tôi cũng từng có dịp đặt chân. Tôi không biết chính xác trong cuộc chiến tranh vừa qua, đã có bao nhiêu người lính ngã xuống trên chiến trường? Nhưng đến Nghĩa trang Trường Sơn vào những ngày này, nỗi đau thương hiển hiện trên từng tấc đất. “Đồng đội tôi nằm lại cả trung đoàn/ Đội ngũ chỉnh tề hàng ngang hàng dọc”, người lính và nhà thơ Đoàn Trung Hội đã viết như thế khi đặt chân đến Nghĩa trang Trường Sơn. Để không lãng phí thời giờ, chúng tôi phân công nhau từng người đến thắp hương tại khu mộ của tỉnh mình. Có một câu chuyện xúc động của cựu binh Nguyễn Bá Thành mà tôi không thể không kể. Sau khi tìm đến khu mộ những người lính Hà Tĩnh, anh đã phát hiện ra tên một người lính ở xã anh nằm lại nơi đây. Với lòng tri ân, anh đã lập tức gọi điện về cho những người thân trong xã báo tin và biết rằng người lính đó giờ đây không còn bất cứ người thân nào còn sống. Biết làm sao được? Tại khu Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn này, và còn bao nhiêu nghĩa trang khác trên khắp miền Nam, vẫn còn bao nhiêu hài cốt những người lính chưa có tên, chưa tìm được địa chỉ nơi trú ngụ. Vũ Thanh Tùng và Phạm Thành Hưng tìm về khu mộ Ninh Bình để thắp hương cho những người thân. Tôi và Lê Văn Sinh tìm về khu mộ Thanh Hóa. Tất cả mọi người đều tất tả chạy đua với thời gian để cố tìm được ra một cái tên quen biết nào. Rốt cục, chúng tôi nhận ra, điều đó không còn cần thiết, vì tất cả những người lính nơi đây, xa hay gần, có tên hay không, họ chẳng phải là những người thân thiết của chúng tôi sao? Họ đã đổ máu, nằm lại nơi đây để chúng tôi có được những ngày bình yên thực sự...
Ngày 15...Chia tay Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, lại theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi trở ra Hà Nội. Nhìn lại chặng đường đã đi, dù chỉ ngắn ngủi trong 5 ngày, chúng tôi đã có được những giây phút thật là ý nghĩa. Năm ngày được sống với nhau như trong một gia đình: “chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Người lính Trường Sơn năm xưa Phạm Tiến Duật đã từng viết như thế. Thành viên nữ Tăng Huyền Oanh, tuy còn khá trẻ, đã chăm chút cho chúng tôi từng bữa ăn như một “người chị” trong gia đình. Trưởng và phó đoàn Nguyễn Chí Hòa và Phạm Đình Lân thì luôn nhắc nhở để đoàn không xảy ra sự cố nào đáng tiếc. Cựu binh Nguyễn Long không khác nào một nhà báo chiến trường thực thụ. Anh luôn có mặt để ghi lại những bức ảnh nóng hổi của đoàn. Nguyễn Văn Thông cần cù lặng lẽ ghi lại từng hình ảnh trong chiếc máy quay HD của anh. Các cựu binh Vũ Quang Hiển, Nguyễn Hữu Thụ, Trịnh Đức Hiển, Trần Nhật Chính, Nguyễn Văn Mạo, Trần Văn Nhuệ, Trần Hữu Huỳnh, Trần Thúc Việt, Vương Khả Dũng... mỗi người đều mang trong mình những kỷ niệm riêng về cuộc chiến tranh. Tất cả các anh đều như trẻ ra sau những ngày trở về Thành Cổ...
Ghé qua Cửa Lò, tìm lại một chút mát lành trong màu xanh nước biển nơi đây, bất ngờ gặp một đại gia đình quê Kim Bôi, Hòa Bình trong một quán ăn Ngọc Lặc, Thanh Hóa, xa lạ mà hết đỗi thân thuộc, ngắm lại màu xanh bất tận của rừng Trường Sơn, chúng tôi đã thực sự hiểu được giá trị của những ngày “rời phố”. Cảm ơn các cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV đã chu đáo tổ chức chuyến đi hết sức ý nghĩa này. Chỉ mới trên một chặng đường chưa đầy một phần năm đất nước, mà đã thấy đất nước mình đẹp biết bao nhiêu; thấy bớt đi những nhỏ nhen lo toan trong cuộc đời thường nhật; Thấy xa xót vì lẽ ra đất nước mình phải “to đẹp và đàng hoàng” hơn; thấy mỗi người đang sống hôm nay cần phải có trách nhiệm với những người đã khuất...
Ngay buổi sáng thứ hai trở lại với công việc nhiệm sở thường ngày, nhận được tin nhắn của cựu binh Phạm Thành Hưng (đã kịp cùng gia đình du lịch Singapor): “Tôi đang đứng ngắm nhà phi thuyền Singgapor mà vẫn nghĩ về Cổ Thành Quảng Trị hôm qua, ông ạ”, tôi khẳng định với đoàn trưởng Nguyễn Chí Hòa rằng, cuộc hành trình về Thành Cổ của đoàn cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV đã thực sự thành công tốt đẹp. Anh có một phần công sức ở đó...

 

 Trần Hinh - Bản tin số 261 - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :