Trang chủ   >   >    >  
Khuôn vàng
Đến nhà một sinh viên, tôi thấy khá nhiều sách. Không ít cuốn có đề ngày tháng cậu mua và nơi mua. Không ít cuốn hiện rõ tên tác gỉa biếu cậu. Khá nhiều cuốn có tem ở gáy ghi rõ mã số và tên thư viện trường cùng một dòng chữ đậm ở trang một: “Sách đọc tại chỗ, không cho mượn về nhà”.

“Cháu đúng là con mọt sách, hẳn có đồng tiền nào là hùn vào việc mua sách?” - tôi cất lời khen. Cậu cười. Tôi thăm dò: “Sao cháu dám lấy cả những cuốn không được mang khỏi thư viện, không sợ vi phạm nội quy ư?”. Cậu đáp tỉnh bơ: “Thưa bác! Nội quy ở trường cháu được đăng khắp nơi, từ cổng ra vào đến nhà ăn tập thể, từ thư viện đến sân chơi. Nhưng, nội quy chỉ là nội quy, có ai tuân thủ đâu! Tại thư viện, cuốn sách nào quý có ghi “chỉ được đọc tại chỗ”, là sinh viên dùng đủ thủ thuật mang về nhà, đọc xong chẳng mấy ai tự giác trả lại, cháu cũng làm theo”.
“Con mọt sách này còn là một kẻ trộm sách nữa đây” - tôi nghĩ - “Song, điều đáng trách hơn là nhà trường không nghiêm. Nội quy mà không được thực thi thì đừng có mơ chất lượng giáo dục được đề cao”. Để giúp cháu thêm bài học trong khung cảnh tranh tối tranh sáng này, tôi kể câu chuyện đã được đăng trong T/c “Thế giới trong ta”:
Vào một đêm hè năm 1764, thư viện trường Đại học Harvard bên Mỹ bị cháy trụi. Hôm trước đó, chàng tân sinh viên 17 tuổi tên là John, mượn một cuốn sách quý của mục sư Harvard, rồi lén đưa về nhà, cho dù nội quy thư viên nêu rõ sách ấy chỉ được đọc tại chỗ. (Thư viện này chứa nhiều cuốn sách quý do mục sư Harvard tặng trước khi qua đời, nên nhà trường mang tên ông). Hôm sau, John tự nguyện đem sách trả cho thầy hiệu trưởng Holierk. Không ít người nghĩ thầy sẽ khen John. Song, không thế, thầy thông báo: “Sinh viên John phải nhận kỷ luật đuổi học”. Ông nói: “Dù tôi rất cảm ơn John đã trả sách. Nhưng, nội quy nhà trường mang chất thép, chứa đầy lợi ích chung và riêng. Tôi không thể làm khác”. Lời ông trở thành khuôn mẫu gần 250 năm nay. Ai đến với Harvard cũng đều tuân thủ và ngợi ca việc: “Nhà trường dùng nội quy để quản lý sinh viên”.
Nghe tôi kể đến đây, cậu sinh viên hỏi: “Thưa bác, thế còn tân sinh viên John về sau ra sao ạ?”. Tôi thích câu hỏi này lắm, khen cậu khá lưu tâm đến những bước đi tiếp theo của “những kẻ ham sách và trộm sách”, nên kể tiếp: “Thấm đòn kỷ luật tại Harvard, John rèn mình bằng cách thi vào Khoa Pháp lý, Đại học Colombia. Sau thời gian dồi mài kinh sử nghiêm túc, cẩn trọng và sáng tạo, John tốt nghiệp với tấm bằng đỏ. Tiếp đó, John trở thành một luật sư đầy năng lực. Trong thời kỳ nhân dân Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh giành độc lập, ông tham gia đội ngũ của luật sư Thomas Jefferson (1743-1826), cũng là vị tổng thống Mỹ thứ ba (1801-1809), góp phần đắc lực vào việc soạn thảo “Tuyên ngôn độc lập 1776” nổi tiếng của nước Mỹ, mà Bác Hồ chúng ta có nhắc tới trong “Tuyên ngôn độc” nổi tiếng của Việt Nam 1945. Ông John còn được vinh danh là “Cuốn từ điển pháp lý - Một trong những đại diện ưu tú thực thi tinh thần Harvard”.
Nghe xong chuyện, cậu sinh viên mà tôi gán cho biệt danh “con mọt sách và kẻ trộm sách” lặng đi. Hẳn cậu đang suy tư điều gì. Tôi mong điều ấy không nằm ngoài ý thức: “Phải biết tôn trọng nội quy nhà trường. Bởi đó là một loại khuôn vàng”.

 Ngọc Hà – Nguyễn Hoàng - Bản tin số 265 – VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :