Trang chủ   >   >    >  
Nơi trấn giữ đỉnh cao Tổ quốc
Trong khuôn khổ các hoạt động nâng cao hiểu biết về thiên nhiên, con người và văn hóa vùng miền phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo về Việt Nam học, trung tuần tháng 3 năm 2013, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN tổ chuyến khảo sát ảnh hưởng của quy luật đai cao tới phân hóa cảnh quan tự nhiên - trường hợp dãy Hoàng Liên. Đoàn khảo sát liên ngành do GS.TS. Trương Quang Hải làm trưởng đoàn, gồm có 10 thành viên là cán bộ khoa học thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Khoa Địa lí Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, các nghiên cứu sinh, học viên cao học ngành Việt Nam học. Bên cạnh kết quả khoa học thu được, hành trình vượt qua nhiều thử thách với nhiều trải nghiệm và khám phá thú vị đã mang đến cho mỗi thành viên từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác để rồi vỡ òa trong niềm vui chiến thắng khi đặt chân lên đỉnh Fansipan - không chỉ biểu tượng cho độ cao vật lí đơn thuần mà còn thể hiện khát khao chinh phục những đỉnh cao.

Hoàng Liên Sơn được hình thành cùng thời với dãy Himalaya và cao nguyên Thanh Tạng khi mảng lục địa Ấn Độ va vào và chui xuống dưới một phần mảng lục địa Á - Âu. Trước đây tuổi của đá được nhận định khoảng 65 triệu năm nhưng những phân tích gần đây lại cho thấy đá có tuổi còn cổ hơn nhiều, khoảng 200 triệu năm. Hoàng Liên Sơn - lấy theo tên một vị thuốc, nơi có vườn quốc gia Hoàng Liên là một trung tâm đa dạng sinh học lớn của nước ta, có tổng diện tích vùng lõi 29845 ha, diện tích vùng đệm là 38724 ha. Trong các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận 122 loài thực vật đặc hữu cho khu vực Hoàng Liên, thuộc về 52 họ thực vật mà đa số đại diện cho thực vật ở kỉ Paleogen và nó cũng là những đại diện cho một hệ thực vật ở vùng núi. Phần lớn các loài đặc hữu là những cây có chồi trên, trong đó số loài phân bố ở độ cao từ 1000 đến 1700m là 93 loài, chiếm 76% tổng số loài đặc hữu hệ thực vật của vườn quốc gia. Hoàng Liên Sơn - nơi có đầy đủ các bậc địa hình: từ 0 - 600m là đai nhiệt đới ẩm nội chí tuyến chân núi, 600 - 2600m là đai á nhiệt trên núi và trên 2600m là đai ôn đới trên núi, vì thế đây là địa chỉ lí tưởng để tổ chức chuyến khảo sát phân hóa đai cao ở nước ta.
Nghiên cứu quy luật đai cao, đoàn khảo sát phải xem xét đến tính địa đới, tính địa ô, đặc điểm địa chất, địa mạo… Vượt qua từng bậc địa hình, len lỏi dưới khe nắng của tán rừng rộng, được bao bọc trong bầu không khí mát lành của khu rừng rậm, dường như thiên nhiên đã dạy cho các thành viên bài học về sự đa dạng trong thống nhất. Lớp phủ thảm thực vật phát triển phù hợp với quy luật tác động tổng hợp của các yếu tố, trong đó địa hình đóng vai trò quan trọng nhất. Đúng như nghiên cứu của GS.Nguyễn Nghĩa Thìn, cấu trúc không gian thảm thực vật cho thấy một số quy luật: ở độ cao càng thấp khi chịu tác động mạnh của con người rừng kín nhiệt đới thường xanh được thay thế bằng rừng thứ sinh, tối đa chỉ 2 tầng gỗ, cây có độ cao trung bình chỉ 10m; độ cao từ 1000 đến 2000m, mức độ tác động nhẹ đi, thuộc kiểu rừng á nhiệt đới, có 2 đến 3 tầng, cây có độ cao trung bình đạt 10-13m; từ độ cao 2000m tới 3143m rừng có xu hướng giảm số tầng, chiều cao cây vì thế giảm xuống, thảm thực vật có bản chất giống với thực vật ôn đới đó là các cây lá kim hoặc trảng tre, trảng bụi và trảng cỏ nhiệt đới chịu hạn. Tiếp cận nghiên cứu thảm theo đai cao giúp rút ra những nhận thức chính xác, đồng thời góp phần quan trọng cho công tác quy hoạch bảo tồn của vườn quốc gia Hoàng Liên.
Hành trình Sa Pa - Fansipan lần lượt vượt qua khoảng 20km các đèo dốc quanh co, tiếp tục men theo con đường mòn uốn lượn quanh triền núi, các thành viên có cơ hội quan sát bao quát toàn bộ phong cảnh núi rừng nơi đây - một khu rừng với bạt ngàn cây xanh được phủ bởi những dải nắng vàng óng ánh đan xen vào nhau điểm xuất từng vạt hoa đỗ quyên, hoa lan rừng, hoa mận... như đang cùng nhau khoe sắc; phía xa xa, những bản làng người dân tộc lấp ló qua từng làn sương mỏng.
Thảm thực vật ở đây được chia làm nhiều tầng bậc, dưới chân dãy núi, ở độ cao trên 300m là khối cây gạo, mít, cơi cơi rậm rạp, với đặc trưng thân cao, thẳng, gốc bành rìa. Lên đến độ cao 700m là vành đai nhiệt đới với những vạt rừng nguyên sinh và hệ kí sinh chằng chịt. Từ độ cao 700m trở lên là vạt cây hạt trần, gồm 6 họ với 12 loài khác nhau như cây Pơ mu, với đường kính 1000-2000mm, cao chót vót đến 50-60m. Bên cạnh Pơ mu còn nhiều loại cây gỗ quý hiếm khác như: lãnh sam, thiết sam, kim sam, hoàng đàn,… Cao hơn nữa là các cây họ lá kim ken dày với cây gỗ nhỏ, cây bụi thân luôn sũng nước đặc trưng vì càng lên cao khí hậu càng lạnh và lượng mưa càng nhiều.Vượt lên độ cao 2400m, gió mây như hoà quyện với rừng cây, có lúc xoè tay tưởng như có thể nắm được mây. Các vách đá liên tiếp nhô ra như răng cưa, các cây cỏ mọc lẻ loi bên hốc đá hoặc bám vào các tầng mùn dày. Từ điểm cao 2800m trở lên không còn mây mù, bầu trời quang đãng trong xanh, chỉ có gió ào ạt thổi làm cho thảm thực vật dán mình vào đá. Phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp lè tè khoảng 25-30cm, cả thân trơ trụi, phần ngọn mới có một túm lá phất phơ nên được gọi là trúc phất trần xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ cúc, họ hoàng liên...
Cuối cùng, sau một hành trình dài, gian khổ đỉnh Fansipan đã hiện ra. Fansipan có tên địa phương theo tiếng Thái là"Hủa Xi Pan", có nghĩa là “Phiến đá khổng lồ chênh vênh”. Quả thật, chênh vênh giữa mây trời một khối đá hoa cương mấy trăm triệu năm đã đứng thi gan cùng tuế nguyệt, như người lính hiên ngang trấn giữ đỉnh cao Tổ Quốc. Cả đoàn khảo sát vui mừng khôn xiết, tiến lên đỉnh núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất Đông Dương vốn được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”. Các thành viên trong đoàn nhanh chóng căng ngang biểu ngữ đã chuẩn bị sẵn, kiêu hãnh in vào nền trời cao xanh dấu ấn ĐHQGHN, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (VNU-IVIDES). Trong khi đó, trưởng đoàn, GS. Trương Quang Hải lặng lẽ và cẩn thận, tỉ mẩn thu thập các mẫu đất, đá tại cao điểm địa chất để đưa về phân tích, hoàn thành khâu cuối cùng của cuộc khảo sát trước khi giương cao cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cao Tổ quốc cùng các bạn trẻ.
Đứng ở nơi thiêng liêng, buông tầm mắt để thỏa sức ngắm nhìn non sông, tổ quốc Việt Nam với một niềm tự hào lớn lao, vun đúc thêm tình yêu đất nước, nhận thức về chủ quyền dân tộc. Chuyến đi kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn còn mãi với những ánh mắt rạng ngời tự hào cùng khát vọng vươn tới những đỉnh cao mới của thế hệ trẻ ĐHQGHN.

 Hà Trọng Kiên - Bản tin số 266 – VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :