Trang chủ   >   >    >  
Hãy cùng khiêu vũ
Nhạc nổi lên: bản Waltz bất hủ của Bethoven. ánh đèn sáng rực phản chiếu qua những tấm gương lớn và trên mặt sàn bóng loáng càng thêm lung linh, rạng rỡ. Từng đôi nhảy xoay tròn, những bước chân nhịp nhàng, những khuôn mặt hào hứng, say mê..., tất cả làm nên một không khí cởi mở, vui tươi. Văn hoá khiêu vũ ở Hà Nội, từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tinh thần không thể thiếu của trong cuộc sống hiện đại ngày hôm nay.

Những vũ điệu sang trọng và lãng mạn của Châu Âu, những vũ điệu sôi động và gợi cảm từ Mỹ La tinh xuất hiện ở Việt Nam có lẽ đã lâu lắm, nhưng những năm gần đây mới thực sự trở thành một hoạt động thường xuyên, sôi nổi, đầy cuốn hút. Nền kinh tế mở cửa đòi hỏi sự giao lưu hội nhập lớn như một nhu cầu tất yếu của sự phát triển. Văn hoá do đó cũng đứng trước những cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc rộng mở. Việt Nam không phải là đất nước của những nàng công chúa khiêu vũ một đêm hết ba đôi giày, không có những nàng Lọ Lem mải khiêu vũ với hoàng tử tới quên cả giờ về. Nhưng chính không khí dân chủ và cởi mở nơi đây là mảnh đất mới mẻ cho những vũ điệu phương xa tìm đến và ở lại, làm phong phú cho đời sống văn hoá tinh thần con người nơi đây.

Dĩ nhiên, cái mới không bao giờ ngay lập tức được chấp nhận. Đã từng có những quan niệm khắt khe và oan ức cho khiêu vũ. Nếu thấy những người cao tuổi đi khiêu vũ, người ta sẽ cho đó là “chơi trống bỏi”, còn thanh niên đi nhảy sẽ bị coi là “hay hớm gì cái trò vô bổ xa xỉ ấy”. Tóm lại là hoạt động khiêu vũ được nhìn ở góc độ tiêu cực nhiều hơn. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Sinh hoạt khiêu vũ, còn gọi là nhảy đã chứng tỏ được sự phù hợp, tính tích cực của nó trong cuộc sống hôm nay. Đó là một hoạt động giải trí hấp dẫn, giống như những bài tập thể dục nghệ thuật vậy, nó giúp người ta mở rộng giao lưu, làm mọi người gần gũi, thân thiện nhau hơn. Cuộc sống ngày nay thật bận rộn, hối hả làm con người đôi khi cảm thấy mệt mỏi, nhưng sau những vũ điệu, người ta có được sự thoải mái trong cơ thể và niềm vui trong tinh thần. Hơn nữa, khiêu vũ đã trở nên khá phổ thông, hãy thử tưởng tượng xem, trong những cuộc vui, những lễ hội, mọi người tưng bừng trong những vũ điệu, còn ai đó ngồi một chỗ ngắm nghía vì không biết nhảy thì sẽ thấy mình lạc lõng tới mức nào. Giờ đây, người ta coi khiêu vũ là một sinh hoạt lành mạnh và được khuyến khích.

ở Hà Nội, các sàn nhảy, các câu lạc bộ khiêu hoạt động rất sôi động, các sàn và các câu lạc bộ mới được mở ra nhiều, đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt ngày càng cao. Câu lạc bộ khiêu vũ tại trường Đại học Văn hoá mở đã lâu, số lượng người tham gia đông không thể kể hết, những khoá học cơ bản và nâng cao được tổ chức liên tục. Rồi Cung văn hoá Hữu Nghị, Hàng Trống, 88 Hàng Buồm... đều là những địa chỉ học và sinh hoạt có tiếng. Các câu lạc bộ thường chỉ sinh hoạt vào tối chủ nhật hoặc một số tối nhất định trong tuần, còn các sàn nhảy có sàn mở tất cả các tối, có sàn mở ba buổi sáng, chiều, tối vào tất cả các ngày. Điều này cho thấy nhu cầu khiêu vũ rất cao.

Thanh niên học nhảy và sinh hoạt ở các câu lạc bộ rất đông, còn ở sàn thì tuỳ nơi, có sàn rất đông thanh niên như ở Vũ trường Kinh Đô 57 Cửa Nam, có sàn lại chủ yếu là người trung niên, người đã về hưu như sàn Núi Trúc, phố Núi Trúc. Có lần vào một chiều giáp Tết, tôi với bạn lạc vào sản nhảy Núi Trúc: không một bóng thanh niên! Người già dĩ nhiên thua thanh niên về mặt hình thể, thể lực, nhưng bù lại họ có thời gian, lòng nhiệt tình và sự say mê. Kể ra thì nhiều cặp các cụ nhảy vui là chính, nhưng thú thực có một số cặp các cụ nhảy rất uyển chuyển, tình tứ, thanh niên chưa chắc đã hơn. Sự khác nhau trong khiêu vũ giữa thanh niên và những người có tuổi là do tuổi quyết định. Thanh niên thích và nhảy đẹp những điệu mạnh mẽ, sôi động, như Bebop, Chachacha, Mambo, Paso, Jive, điệu khó nhảy như Tango; còn người già ưa những điệu nhẹ nhàng như Waltz, Rhumba, Boston. Có một tình trạng là trong thanh niên, nam tham gia khiêu vũ nhiều hơn nữ, câu lạc bộ trường Đại học Văn hoá những khoá nâng cao có khi thiếu nữ trầm trọng, nam nào đã tìm được một nữ cùng tập thì phải cố mà giữ. Trái lại ở độ tuổi các cụ, nữ lại nhiều hơn. Bởi vậy ở các sàn luôn có những chân nhảy nam có nhiệm vụ mời các quý bà khiêu vũ. Nhưng nói chung những người mê khiêu vũ có một bạn nhảy cố định là tốt nhất, sự hiểu nhau, hợp nhau trong khiêu vũ quyết định lớn đến việc cặp nhảy đó có nhảy đẹp hay không.

Đi khiêu vũ thì phải chú ý đến ăn mặc một chút, không ai ăn mặc kiểu lôi thôi bụi bặm vào sàn nhảy. Nói chung nam giới với quần âu và sơ mi là đủ lịch sự, nhưng nữ giới thì tương đối phức tạp. Thường thì các bạn gái trẻ không cầu kỳ lắm, váy áo khá đơn giản, cốt sao cho nữ tính, còn các bà các cô thì mặc váy kiểu dạ hội, dài, xoè, lấp lánh kim tuyến. Do đó sàn nhảy nào cũng có phòng cho các bà các cô thay trang phục.

Nhạc là một yếu tố cực kỳ quan trọng, không có nhạc không thành khiêu vũ. Nhạc nền cho các điệu nhảy luôn là các bản nhạc kinh điển. Dành cho Waltz có “Sông Danube xanh”, “Sóng Danube”..., Tango có “Tango Achentina”, “Cánh buồm xa xưa”, một số bản Tango tiền chiến Việt Nam, Rhumba có “Tuyết rơi”, “Romeo và Juyliet”... Nhạc cho Chachacha, Mambo, Bebop, Rap thì vô cùng phong phú và được thay đổi thường xuyên, dễ hiểu bởi nhạc của giới trẻ bây giờ luôn sôi động, nếu hôm trước ở đài mới hát “Mắt nai chachacha” thì hôm sau ở sàn nhảy đã rộn ràng giai điệu đó, Mambo thì gần đây bản “Bailamos” rất được thịnh hành.

Nói chung, các sàn nhảy luôn tiện nghi hơn câu lạc bộ. Sàn ở câu lạc bộ chỉ là một phòng rộng được trang trí đèn màu, đèn xoay tạo hình. Còn sàn nhảy có hệ thống đèn phong phú, sàn gỗ bóng và tường lắp gương lớn, trần và những khoảng trống được trang trí khá cầu kỳ, cũng phục vụ cả đồ uống. Tuỳ từng điệu nhảy mà cách sử dụng đèn khác nhau, những điệu sôi động như Chachacha, Bebop. Mambo, Rap huy động tối đa đèn xoay đèn màu, những điệu Waltz, Tango, Boston thì để đèn sáng rực, trong khi điệu Slow tình tứ rất ít đèn.

Các điệu nhảy đều có nguồn gốc phương Tây, duy có điệu Namvon lại đến từ Lào, còn gọi là Tango chậm hay Tango Lào. Điệu Namvon nhẹ nhàng, đơn giản, dễ học, dễ nhảy, nhảy đôi hay nhảy tập thể theo vòng tròn đều rất vui. Chính vì vậy, Namvon được nhiều người thích.

Tại một câu lạc bộ khiêu vũ, tôi hay nói chuyện với một bác trai tuổi đã ngoài 65. Một hôm bác dẫn đến câu lạc bộ một bác gái và giới thiệu đây là vợ bác. “Các bác mới về ở với nhau được mấy tháng thôi. Vợ bác mất được một năm vì bệnh ung thư, còn chồng bác ấy mất đã lâu. Hai bác gặp nhau khi đi tập thể dục buổi sáng. Con cái lớn hết rồi nên bây giờ hai bác lấy khiêu vũ làm vui”. Tôi nhìn bác trai đã thạo nhảy tập cho bác gái từng bước chân cảm thấy vô cùng cảm động, cảm thấy cuộc sống cũng thật đáng sống, cảm thấy những vũ điệu đẹp hơn bao giờ hết. Những người có tuổi khiêu vũ thuần tuý là giải trí, thanh niên khiêu vũ phần vì giải trí, phần thì mê nó như một môn nghệ thuật thật sự, phần thì vì công việc. Rất nhiều sinh viên đã có thể kiếm thêm tiền cho việc học hành ở các trường đại học bằng việc phục vụ ở sàn nhảy. Tôi đã từng ngạc nhiên khi gặp một số bạn quen của câu lạc bộ tại sàn nhảy với tấm thẻ ghi tên đeo trước ngực.

Trong suy nghĩ của nhiều người, sàn nhảy vẫn là một nơi xa xỉ. Thực tế ở Hà Nội, văn hoá khiêu vũ không còn là điều gì lạ lùng nên sàn nhảy không phải là nơi không thể đến được. Chỉ với 20.000- 30.000 đồng bạn đã có thể có một tối vui vẻ với người bạn nhảy của mình. Vấn đề là bạn có biết nhảy hay không thôi. Hơn nữa, lại có rất nhiều địa chỉ để chọn lựa: sàn nhảy Núi Trúc, câu lạc bộ Hà Nội Trẻ ở Cầu Giấy, sàn nhảy ở tầng ba chợ Hôm phố Huế, vũ trường Bàn cờ, vũ trường Kinh đô, câu lạc bộ 88 Hàng Buồm, câu lạc bộ Cung văn hoá Hữu nghị...

Để biết khiêu vũ giải trí thì cũng dễ, nhưng để biết khiêu vũ như một môn nghệ thuật thì khó vô cùng, phải có năng khiếu, phải say mê và đầu tư nhiều công sức tập luyện. Nhảy đẹp không phải chỉ thuộc bài, đúng nhạc là được. Cái đẹp phải toát lên từ sự mẫu mực mà đầy sáng tạo của các động tác, các bước nhảy phải có hồn. Tiếc là ở Việt Nam, khiêu vũ mới chỉ dừng lại ở chỗ là một hoạt động giải trí.

Câu chuyện về khiêu vũ vẫn còn dài, còn nhiều điều để nói. Khiêu vũ là một hoạt động lành mạnh có văn hoá, sự phát triển của khiêu vũ đã cho thấy điều đó. Ngày nay khi mà các tệ nạn xã hội vẫn là một vấn đề đau dầu thì việc thu hút các đối tượng, nhất là thanh niên vào các hoạt động giải trí lành mạnh là điều rất đáng kể. Chỉ mong sao không có ai lợi dụng những vũ điệu vào những việc không chính đáng. Bản thân những vũ điệu là đẹp, và khiêu vũ làm mọi người gần nhau hơn, là nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới để từ đó học hỏi những gì tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của mình.

 Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - Số 167 (tháng 1/2005)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: