Trang chủ   >   >    >  
Văn hóa xếp hàng
Thực ra tôi cũng chưa nghe thấy ai nói từ “văn hoá xếp hàng” nhưng những gì tôi kể ra đây khiến tôi thật sự tâm đắc với cụm từ này và mong có nhiều người chia sẻ...

Cách đây gần chục năm, tôi và 28 sinh viên khác được sang thực tập tiếng tại Viện Puskin - Liên bang Nga. Buổi sáng đầu tiên trên nước bạn cả đoàn ai cũng đói bụng vì. Chúng tôi rủ nhau đi cửa hàng mua thực phẩm. Sau một hồi len lách, chúng tôi cũng đến được quầy hàng vì buổi sáng quầy thực phẩm khá đông. Do nóng lòng mua hàng nên chúng tôi cũng không để ý nhiều đến những khách hàng xung quanh, cứ len vào, miễn là mua được hàng càng nhanh càng tốt. Tần ngần một hồi tôi cũng chọn được thứ mình cần nhưng không hiểu sao cô bán hàng cứ như không nghe thấy tôi hỏi. Sợ mình nói sai, tôi ngẫm nghĩ vài giây. Rõ ràng là tôi nói đúng. Bất chợt tôi nhận thấy nhiều người đang nhìn tôi với ánh mắt không thiện cảm, cho đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn có cảm giác “thẹn đỏ người”. Một bà người Nga nghiêm giọng nói: "Ocheretchi" (xếp hàng). Tôi ngớ người một lúc rồi hiểu ra rằng cần phải xếp hàng. Ngay lập tức tôi chạy vội xuống cuối hàng với khuôn mặt nóng bừng. Bài học đầu tiên ở nước bạn là trong cửa hàng bán lẻ "cần phải xếp hàng". Tôi cứ nghĩ mãi. ở Việt Nam người ta chỉ xếp hàng trong thời kỳ bao cấp, khi mà mọi thức đều khan hiếm và phải mua theo phân phối. Vậy mà ở một nước văn minh và phát triển như Nga, người ta vẫn cứ xếp hàng dù hàng hoá "ê hề" như thế. Sau đó đi bất cứ nơi đâu trong thủ đô Matxcơva tôi đều được chứng kiến cảnh xếp hàng: ở các cửa hàng, bến xe, tàu điện ngầm hay công viên v.v... và tôi cũng nhanh chóng có thói quen này. Thú thật lúc đầu phải đợi lâu tôi cũng thấy hơi sốt ruột, nhưng sau tôi thấy đó là sự công bằng, là một nét văn hóa đẹp nơi công cộng mà ở ta thật khó mà quen được.

Về nước, chúng tôi vẫn giữ thói quen "xếp hàng". Mua xăng, xếp hàng, bị người ta chen lên mua trước. Có lần tôi lên tiếng góp ý liền bị cự nự gay gắt, sợ quá đành thôi. Đi siêu thị, vào quầy cân rau quả, nếu giữ đúng nguyên tắc xếp hàng, ngay lập tức phải đợi đến khi chen vào tiếp cận nhân viên siêu thị mới xong. Còn ở bến tàu, bến xe thì không cần miêu tả chắc các bạn cũng tưởng tượng được không khí "nhộn nhịp" tại quầy bán vé. Thậm chí người ta xô cả cán bộ trật tự của nhà ga sang một bên để chen lên mua vé cho nhanh. Cái cảnh lộn xộn vui mắt ấy phát triển ở "cấp độ" cao hơn khi nó gây ra tắc nghẽn giao thông hàng ngày tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... làm thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế cho chính mỗi cá nhân nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Vừa qua có dịp sang Singapore, nước láng giềng cách chúng ta hơn 2 giờ đồng hồ đường hàng không, tôi lại có dịp chứng kiến cảnh xếp hàng khắp mọi nơi trên đất nước nhỏ bé và xinh đẹp này. Ngay tại cửa khách sạn nơi tôi ở có hai hàng rào bằng inox, quây vải đỏ xung quanh rất đẹp, giống như người ta vẫn trang trí khách sạn vào ngày lễ. Tôi thắc mắc không hiểu chỗ đó để làm gì. Câu trả lời lại được chính tôi giải đáp. Ngay buổi tối hôm đó, khi đợi taxi ngoài cửa khách sạn, tôi thấy vài người đứng xếp hàng bên trong hàng rào inox tôi nói ở trên. Phải đến khi taxi đến, tôi mới hiểu người ta đang xếp hàng chờ xe. Tôi thầm tự cười mình lạc hậu và chậm hiểu rồi cũng nhanh chóng đứng vào hàng chờ xe. Sau khi dạo quanh các siêu thị ở khu trung tâm tôi lại đón taxi về khách sạn. Rút kinh nghiệm tôi nhìn quanh tìm chỗ xếp hàng. Lại một hàng rào inox trên vỉa hè ngoài siêu thị nhưng nó dài khoảng 30m và kín đặc người. Tất cả đều rất trật tự, bình thản chờ đến lượt mình. Các bác tài cũng cứ tuần tự lái xe đến đúng chỗ đón khách. Đến lượt ai thì người đó lên xe, không chen lấn, xô đẩy. Mặc dù thói quen xếp hàng cũng đã ăn sâu vào ý thức của tôi nhưng điều này thì quả là thú vị và là ấn tượng rất đẹp về văn hoá nơi công cộng của người dân Singapore.

Trở lại cuộc sống và công việc hàng ngày xung quanh tôi, chứng kiến cái cảnh "chạy ngược, chạy xuôi" ở không ít nơi, tôi nghĩ mãi về cái "văn hoá xếp hàng" mà chúng ta chưa quen được dù ngay ở sách tập đọc lớp 2 chúng ta đã từng được dạy về điều này trong một bài thơ mà tôi không nhớ rõ tên:

“Một đàn kiến nhỏ

Chạy ngược chạy xuôi

Chẳng ra hàng dọc,

Chẳng thành hàng đôi

Chúng em vào lớp,

Sóng bước hai hàng,

Chẳng như kiến nọ,

Rối tinh cả đàn".

 Nguyễn Thanh Tú - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 175, tháng 9/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: