Trang chủ   >   >    >  
Bỏ kính đi mà vui sống
“Đôi mắt - cửa sổ tâm hồn”. Những người nhìn đời qua “cửa sổ lùa kính” thì luôn tìm cách sống không lệ thuộc vào bốn mắt. Nhưng không phải giải pháp nào cũng tối ưu...

Đến khổ vì… kính

Những người bị các tật khúc xạ: cận, viễn, loạn thị buộc phải sử dụng kính để khắc phục và không tránh khỏi những oái ăm từ đôi gọng này. T.Hải (SV năm thứ 2, ĐHBK) cận thị từ cấp 2. Nhập nhoạng tối, Hải tích cực đi lai đồ giúp mẹ, đâm phải 1 xích lô chở tủ lạnh, may mắn chỉ sây sát nhẹ. Hải hú hồn: “Mình đeo kính hẳn hoi mà cứ loa loá, nhập nhèm chả nhìn rõ cái tủ lạnh...". Gặp lúc mưa gió, họ thường phải dừng xe lau kính. B.Nam (SV năm thứ 3, ĐHKHTN) vượt quãng ngập trên đường Nguyễn Tuân, đang thầm ước kính có gắn cần gạt nước giống ô tô thì nó trơn tuột, mất tăm dưới nước, “đành lúc dắt xe, lúc đi chậm, đội mưa về nhà".

Mùa đông thì thở lên kính - không thấy đường, mùa hè ra mồ hôi nhiều - kính trễ xuống, khi lao động, chơi thể thao, học căng thẳng thì thì hạn chế hiệu suất công việc và sự thoải mái cho người sử dụng. T.Hương (SV năm thứ 1, ĐH Ngoại thương) đi công viên nước Hồ Tây, cứ ấm ức mãi vì thiếu kính không nhìn thấy cảnh vật xung quanh. N.Tiến (THPT Lam Sơn, Thanh Hoá) cứ tiếc hùi hụi vì bị loại khỏi vòng sơ tuyển khi nộp hồ sơ vào ĐH Cảnh sát vì lý do: cận 2D. Tiến tự an ủi: "Chị mình còn đáng tiếc hơn. Lúc thi Y, cận nhẹ, ra trường, lên tới hơn 10 độ. Xin việc trầy trật. Đúng thôi, bác sĩ phẫu thuật mà mắt mũi thế thì…". Bố của Tiến còn tuyên bố: "Các con mà kéo đứa dâu, rể tương lai nào đeo kính về thì miễn cưới...".

Tỉ lệ cận thị học đường hiện nay chiếm tới 20% số học sinh, sinh viên.
Ảnh: Bùi Tuấn

Một số người lại cảm thấy khuôn mặt không hợp với kính, đâm ngại đeo. Gặp ai mắt cũng nhìn trân trân, không "phản ứng" gì. "Suốt ngày mình bị trách vì mặt vênh, thấy quen không chào"- T.Tuyền (SV năm thứ 4, ĐH Nông nghiệp I) thú thật.

Phí đo mắt 3 - 10 ngàn/lần, mắt kính 40 - 180 ngàn/đôi, gọng dùng được cũng phải 100 ngàn trở lên. Đối với T.Dương (THPT Nguyễn Huệ, Hà Tây) là cả vấn đề vì: "Mình nghịch lắm, làm gẫy gọng vỡ kính nhiều, tốn quá không dám xin mẹ tiền thay".

"Gọng" ơi, chào nhé

Từ mong muốn thoát khỏi đôi kính- vật bất ly thân, họ đã tìm đến các loại kính áp tròng, điều trị hoặc phẫu thuật. Theo BS Cung Hồng Sơn (Viện Mắt TW): "Hiện có 2 phương pháp mổ mắt bằng Laser Excimer. Phương pháp PRK áp dụng an toàn và hiệu quả cho cận thị dưới 3D. Phương pháp Lasik là tối ưu. Ưu điểm: chính xác, an toàn, kết quả sau mổ ổn định và có thể điều trị được những bệnh nhân cận nặng”.

Thời gian phẫu thuật từ 7- 10 phút. Bệnh nhân chỉ phải ở lại viện 1 - 2 giờ và không cảm thấy đau trong và sau phẫu thuật. Laser Excimer có thể điều trị: -1D đến -20D (cận thị), +1D đến +10D (viễn thị), 1D đến 7D (loạn thị). Đối với bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên.

Anh Tú (SV năm cuối, ĐH Bách khoa) chỉ cận 1,5D nhưng vẫn tìm đến Viện Mắt TW với mong muốn: “Trút bỏ hoàn toàn mọi rắc rối về kính". Tú kể: "Mình cứ nghĩ phải băng mắt sau phẫu thuật, nhưng chỉ phải đeo kính râm, kiêng trong 1 tháng, thời gian ấy vẫn thoải mái mà nhanh chóng thoát cận…". Không phải ai phẫu thuật xong cũng giảm về "mo" hoặc hết "bệnh" nhanh chóng, nhưng đây vẫn là lựa chọn của nhiều người, bởi: "Có cơ hội để "sáng mắt", dù có thể vẫn cận tầm 2D chăng nữa mình cũng đi mổ và sẽ bỏ kính” - Thu Trang (SV năm thứ 4, HVQHQT) cận 7D quả quyết.

Kính áp tròng khi dùng đặt tiếp xúc với con ngươi. Ưu thế của nó là sự gọn nhẹ, tôn vẻ đẹp, có thể đổi màu mắt đặc biệt là tính thời vụ, đáp ứng nhu cầu của cả người kém mắt và người bình thường, trong những ngày đặc biệt như cưới hỏi, tiệc tùng. T.Vân (SV năm thứ 3, ĐH DLQTKD) được rất nhiều người ngưỡng mộ bởi đôi mắt to, màu hạt dẻ và rất trong sáng. Thật khó mà đoán biết bí quyết "kính áp tròng". Vân có hẳn bộ sưu tập màu kính nhằm thay đổi màu mắt theo ý thích. Vân nói: "Dùng quen rồi, không thấy bất tiện mà lại đẹp. Hôm nào vội không đeo, cứ thấy thiếu tự tin làm sao ấy".

Ngoài ra còn nhiều biện pháp để cải thiện tình hình đôi mắt như: mổ thông thường nay đã được thay thế bằng mổ laser, bấm huyệt, đắp thuốc v.v... Tới đây, với công nghệ mới, giá phẫu thuật mắt có thể giảm xuống 3-4 triệu. Và cơ hội cho người mắc tật khúc xạ sẽ nhiều hơn.

Có thể bỏ kính, nhưng…

Kính áp tròng: 150 ngàn/loại 1 tháng, 180 ngàn/loại 3 tháng; dung dịch tra mắt: 150 ngàn/lọ/tháng; dung dịch rửa kính v.v... Vị chi 1 năm tốn gần 5 triệu. Chi phí phẫu thuật mắt trung bình: 9 triệu, có khi đến 17 triệu, thêm khoản đi lại, khám, ăn uống, kiêng khem sau phẫu thuật… Như vậy, không phải ai cũng đủ kinh phí đi theo xu hướng “thoát khỏi" kính. P.Thảo (18 tuổi, Hà Tây) gia đình làm nông nghiệp, vay mượn cho Thảo đi phẫu thuật mắt để thi HV An ninh. Hiện mắt Thảo lại bị tăng nhãn áp, điều tiết khó khăn trong khi cả nhà cày lưng trả món nợ 10 triệu. Cô T.Hoa (Cán bộ TVQG) có con đi mổ mắt tâm sự: "Khi ký vào tờ cam kết chấp nhận rủi ro có thể có hoặc còn phải đeo kính sau phẫu thuật - tay cứ run run, e có những trường hợp không may…". N.Mai (20 tuổi, quê Gia Lai) lặn lội ra Hà Nội mổ mắt lần thứ 2 cho biết: "Năm ngoái, mình mổ lần 1 nhưng không giảm hết. Năm nay mổ lần 2”. Với những trường hợp như thế, tốn kém và lo lắng cứ thế tăng lên theo cấp số nhân.

Bất cập thứ 2 là thời gian. Đối với phẫu thuật, bệnh nhân khám theo “chỉ định” trong vòng 6 tháng; cách ly mắt với: gió, bụi, ánh sáng gắt, nước, ti vi, vi tính trong khoảng từ 15 ngày - 60 ngày. B.Nam (ĐHKHTN) nói: "Sau khi mổ mình còn phải làm rất nhiều việc, bao thứ cần đọc, bao chương trình nên xem, bao cuộc chơi muốn tham dự…".

Còn P.Thảo, giữa lúc chương trình lớp 12 gấp rút lại phải bỏ ra hơn 1 tháng không đụng sách vở, không đến trường, nay mắt điều tiết kém làm giảm hiệu quả học tập, gây sức ép tâm lý lớn. Trong khi đó, tra dung dịch, đeo vào, tháo ra cũng mang đến không ít phiền toái cho người sử dụng kính áp tròng. T.Vân cho biết: "Lúc nào mình cũng phải mang theo dung dịch nhỏ chống khô, mỏi mắt. Mắt nhắm liên tục trong 10 phút cũng phải tháo kính. Trước khi đeo thì phải nhúng kính, tay vào dung dịch diệt khuẩn...". H.Thuý (25 tuổi, TT Khảo nghiệm giống cây trồng) loay hoay suốt gần 2 tiếng, hết đưa kính vào không xong, lại tìm kính rơi dưới đất khiến chú rể phải chờ mãi mới đón được cô dâu “kính áp tròng"...

Tôi có người bạn đang học tại Nhật đã uống thuốc, bấm huyệt, tập thể dục giảm được từ 6D còn 3D. Sau đó, cô tập điều tiết không dùng kính và hiện chỉ cận 1D. Từ mong muốn thoát khỏi nỗi khổ tâm mà chỉ người trong cuộc mới thấm, vẫn nhiều hy vọng cho ai có ý chí luyện tập, kết hợp hỗ trợ của y học. Tuy nhiên, cái chính là phải biết giữ gìn mắt không bị những tật về khúc xạ.

 Tuyết Anh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: