Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Chuyển thể truyện tranh : Không đơn giản
Chuyển thể tác phẩm văn học chính thống nổi tiếng thành truyện tranh không lạ lẫm ở nước ngoài nhưng lại khá mới mẻ ở Việt Nam. Đây được xem là một cách phổ cập dễ hiểu những tác phẩm hay trong chương trình giảng dạy của sách giáo khoa. Tuy nhiên, trái với sự thích thú của các bạn trẻ, nhiều độc giả lại chưa tìm được sự đồng cảm bởi phong cách lai căng của truyện tranh chuyển thể.

Tiếp sức từ một dự án
Là một phần của dự án Danh tác Việt Nam của Công ty sách Phan Thị, hàng loạt tác phẩm văn học Việt được coi là kinh điển đã được chuyển thể thành truyện tranh. Trong đó, nổi bật nhất là bốn tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Giông tố (Vũ Trọng Phụng), và Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng). Đây là một cách làm mới mẻ và sáng tạo trong hoàn cảnh văn học Việt đang bão hòa. Mục tiêu của dự án này đã nhận được sự đồng tình, cổ vũ của nhiều người yêu thích văn học Việt. Và không thể phủ nhận một điều rằng những truyện tranh danh tác đã tác động không nhỏ đến việc giúp giới trẻ Việt hình dung một cách khá cụ thể, sinh động và dễ hiểu hơn các tác phẩm tưởng chừng như quen thuộc.
Tuy nhiên, nếu coi việc hướng thanh thiếu niên thay đổi cách nhìn về nền văn học nước nhà thì tính đến thời điểm này dự án Danh tác Việt Nam chưa làm được. Điểm cộng lớn nhất của dự án có lẽ là ở sự táo bạo khi lựa chọn những tác phẩm văn học trước 1945 để chuyển thể. Trên thực tế, với bối cảnh và cốt truyện mang tính thời cuộc những năm này, việc chuyển thể thành truyện tranh cho giới trẻ hiện đại tiên liệu sẽ gặp phải trở ngại trong thể hiện và cảm nhận. Chính vì vậy, những thành công bước đầu của dự án đáng được ghi nhận và cổ vũ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, một trong những tác giả có tác phẩm chuyển thể thành truyện tranh cũng rất đồng tình với cách làm mới mẻ này. Đây được coi là động thái tiếp sức hiệu quả để những người tham gia dự án mạnh dạn và sáng tạo hơn cho các tác phẩm kế tiếp.
Lợi thế hình ảnh của truyện tranh đã giúp các tác phẩm văn học trở nên sinh động và dễ cảm nhận hơn trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ. Những cố gắng tiết chế nét vẽ, bám sát nội dung của các họa sĩ đã mang lại một món ăn tinh thần khá mới mẻ và an toàn. Giữ được phong độ ổn định, nỗ lực đổi mới và nắm vững tinh thần văn học Việt, truyện tranh danh tác hoàn toàn có thể thu hút một lượng độc giả không nhỏ trong tương lai.
Chất thuần Việt là điểm mấu chốt
Cái bóng của thành công bước đầu của truyện tranh chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển cũng không thể che lấp được khá nhiều những hạn chế trong thể hiện của các họa sĩ. Trong đó, trở ngại lớn nhất khi tiếp cận với độc giả chính là những hình ảnh, hội thoại thiếu tính thuần Việt. Vô hình trung, đặc điểm này đã khiến nhiều người nhầm tưởng về xuất xứ cũng như hoài nghi về tinh thần tác phẩm gốc mà truyện tranh muốn chuyển tải.
Vấn đề đầu tiên của truyện tranh chuyển thể là những nét vẽ “manga hóa quá mức”. Phong cách manga được triệt để tận dụng trong phác họa nhân vật. Bởi thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi tạo hình hai nhân vật chị Dậu (Tắt đèn - Ngô Tất Tố) và cô giao liên Thu (Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng) lại na ná giống nhau. Cũng gương mặt thiên thần với những lọn tóc mai buông nhẹ, mũi cao, cằm nhọn, đôi mắt long lanh, lông mày sắc nét, vành môi nhỏ xinh, dáng người thon gọn... Các nhân vật của tiểu thuyết Giông tố trông chẳng khác mấy với tạo hình bộ truyện Thủy thủ mặt trăng hoặc Nữ hoàng Ai Cập. Nhân vật Chí Phèo được tạo hình như tướng cướp, hung thần. Nếu không được giới thiệu trước, sẽ không ít người nhầm tưởng đó là những bộ truyện manga Nhật. Đành rằng truyện tranh cần đến những nét vẽ giản tiện, tươi sáng nhưng trong trường hợp chuyển thể từ các tác phẩm có tuổi đời không nhỏ này, có lẽ các họa sĩ cần cân nhắc lại, làm sao để không biến truyện tranh thành một phiên bản hoàn toàn khác với bản gốc tác phẩm.
Hiệu ứng từ hình ảnh đã kéo theo việc nội dung của tác phẩm cũng được cắt gọt đến mức tối đa và ngắn gọn. Nhiều bạn đọc nhận xét chất văn đã bị hao hụt ít nhiều khi chuyển thể thành truyện tranh. Chân dung các nhân vật bằng hình ảnh đã không thể chuyển tải hết được như bằng câu chữ. Bởi vậy, tham vọng thay truyện tranh bằng truyện chữ là bất khả thi và nhiều bạn trẻ chỉ xem đây là một kênh tham khảo. Phong cách, bút pháp văn chương của các tác giả có truyện được chuyển thể gần như mất dấu trong truyện tranh khi truyện tranh chỉ dùng lời như một phương tiện minh họa thuần túy.
Chuyển thể tác phẩm văn học thành truyện tranh mà vẫn giữ vững được tính thuần Việt và giá trị văn chương nghệ thuật của tác phẩm thì mới thực sự cao tay. Đây cũng là một động thái thể hiện sự tôn trọng, gìn giữ những tác phẩm văn học có giá trị bền vững qua nhiều thế hệ đã được tôn vinh và trân trọng.

 Hạnh Dung - Bản tin số 258
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :