Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Nhà văn Đặng Vương Hưng và “Những lá thư thời chiến Việt Nam”
“Những lá thư thời chiến Việt Nam” là cuốn sách tư liệu đầu tiên về chiến tranh Việt Nam qua những lá thư và nhật ký viết trong thời chiến, vừa ra mắt bạn đọc vào tháng 4/2005 vừa qua, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước.

Ngay từ khi chưa ra đời, thông tin về cuốn sách đã gây sự chú ý đặc biệt trong giới báo chí và công chúng. Người biên soạn - nhà văn Đặng Vương Hưng, hiện công tác tại báo Công an Nhân dân, An ninh thế giới và Văn nghệ Công an đã dành 5 năm để có thể biến ý tưởng của mình thành hiện thực.

Lý giải về nguyên nhân thôi thúc mình đi tìm những lá thư thời chiến, trong một lần được phỏng vấn, nhà văn cựu chiến binh đã bộc bạch với tôi: “ở toà soạn báo, tôi được mệnh danh là “chuyên gia thư”. Tôi được đọc rất nhiều thư và tôi “ngộ” ra một điều: đôi khi chính những trang thư, nhật ký, ghi chép… tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu, chúng có thể gợi mở biết bao nhiêu điều về đời sống tinh thần của xã hội trong quá khứ, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử”.

Quả thật, gần 100 bức thư được công bố trong cuốn sách với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau đã cho thấy chân dung hết sức chân thực và cảm động của những con người thời chiến. Điều đặc biệt là phần lớn tác giả các bức thư đều không còn nữa. Họ đã ngã xuống trong chiến tranh hoặc mất sau khi chiến tranh kết thúc khi vẫn còn quá nhiều điều chưa trọn vẹn trong cuộc sống. Có ba bức thư của anh Nguyễn Văn Trỗi gửi chị Quyên - vợ anh và bố mẹ lần đầu tiên được công bố. Có những bức thư của một người lính vô danh đã hy sinh được một gia đình tìm thấy trong túi áo anh và họ đã trân trọng đặt chúng lên bàn thờ của anh suốt nhiều năm qua. Có bức thư của người vợ gửi cho chồng được tìm thấy bên cạnh di hài của 7 người lính trong hầm ngầm bê tông cốt sắt ở thành cổ Quảng Trị, nhờ đó mà gia đình tìm được tung tích người thân sau hàng chục năm trời bặt tin. Bức thư đạt kỷ lục về thời gian vận chuyển là 22 năm 6 tháng mới tới tay người nhận sau khi đã chu du một vòng từ Việt Nam đến Mỹ, rồi từ Mỹ trở lại Việt Nam dù nơi gửi chỉ cách nơi nhận có 10 cây số. Phần lớn các bức thư đều thể hiện tình cảm thương nhớ gia đình của những người lính đi xa, những lời nhắn nhủ, động viên của người mẹ, người vợ nơi hậu phương, và trên tất cả là sự sẵn sàng hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Trong số đó, có hai trường hợp đặc biệt gây sự chú ý của người đọc bởi những bức thư mang theo cả những tiên cảm kỳ lạ của những người lính về cái chết được báo trước của mình và sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam vào ngày 30/4/1975. Trường hợp thứ nhất là của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, sinh năm 1952, học sinh trường cấp 3 Yên Hoà (Hà Nội), từng đoạt giải nhất văn toàn miền Bắc năm học 1969-1970. Nguyễn Văn Thạc là người thích viết thư, đã viết khoảng 800 trang thư cho bạn bè và gia đình suốt thời gian nhập ngũ. Trong bức thư viết ngày 18/9/1971 gửi cho người bạn gái thân thiết của mình là P., anh đã nhắc đến ngày toàn thắng của đất nước sau đó 4 năm với một niềm lạc quan và những suy nghĩ tinh tế: “Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng mọi giá. Và khó khăn gian khổ, thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn và những bài thơ, bài toán. Đến ngày 30/4/1975, anh sẽ trả lời cho P. câu hỏi: Hạnh phúc là gì?”.

Trường hợp thứ hai là liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sinh năm 1949 tại Thái Bình. Đang là sinh viên năm thứ tư Đại học Xây dựng, anh xung phong đi bộ đội vào chiến trường Quảng Trị đúng vào thời điểm ở đây đang diễn ra những trận đánh ác liệt nhất. Tháng 9/1972, khi được lệnh đưa hàng qua sông Thạch Hãn, anh hiểu rằng đây sẽ là chuyến đi cuối cùng của mình, một chuyến đi xa không hẹn ngày trở về. Anh tự làm một tấm tôn có ghi sẵn tên họ, quê quán, năm sinh thay bia mộ cho mình, xé 10 trang giấy từ cuốn sổ tay viết sẵn bức thư dặn dò kỹ lưỡng mọi người trong nhà về ngày mà mình hy sinh, đặc biệt là chỉ dẫn một cách chi tiết, chính xác nơi mà đồng đội sẽ chôn cất mình trên mặt trận (thôn Nham Biền 1) để khi hoà bình, gia đình sẽ tìm đưa hài cốt mình về quê.

Bên cạnh những bức thư tràn đầy tinh thần chiến đấu sôi sục, phảng phất đâu đó là những nỗi buồn chiến tranh - một mặt trái rất đời thực của chiến tranh. Đó là những người lính với tâm trạng rối bời vì nhớ thương gia đình và bi quan trước chiến cuộc. Đó là những người con gái sẵn lòng gửi trao những cánh thư chỉ với mục đích là chỗ nâng đỡ tinh thần cho những người lính trẻ. Có cả những lá thư của những người lính nguỵ và nỗi lòng chán ghét chiến tranh, nhớ thương gia đình. Tất cả đều chân thực đến cảm động, đến đau xót.

Trong một cuộc giao lưu với các bạn sinh viên Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, nhà văn Đặng Vương Hưng đã kể về sự xúc động và những ám ảnh tâm linh kỳ lạ của mình và đồng nghiệp trong quá trình thu thập các bức thư của quá khứ. Ông đã đọc và tuyển chọn trong hơn một vạn bức thư được sưu tầm trên khắp cả nước, trong đó có những bức thư được ông đọc đi đọc lại đến mức thuộc lòng. Những bức thư ố vàng theo thời gian chứa đựng những con chữ câm lặng cứ theo đuổi tâm trí ông hàng đêm làm ông trằn trọc. Con gái ông, người đánh máy bản thảo cuốn sách cũng tâm sự với bố về sự ám ảnh của những bức thư đặt trên bàn làm cô không ngủ được. Cuối cùng, khi cô cất kỹ chúng vào ngăn bàn thì giấc ngủ nặng nề mới đến. Nhà báo Hồng Nhung của Đài tiếng nói Việt Nam khi đọc cuốn sách để lấy tư liệu làm chương trình, ban đêm để sách trên bàn và có cảm giác như rất nhiều người đang trò chuyện cùng mình. Khi ghé qua chùa Quán sứ, có một vị sư chăm chú nhìn cô, gọi cô lại hỏi rằng: phải chăng cô đang có điều gì trong lòng vì ông nhìn thấy đang có rất nhiều người đi theo cô. Em gái của liệt sĩ Hoàng Kim Giao, một nhân vật trong cuốn sách khi mang sách về nghĩa trang Nam Đàn - Nghệ An, nơi anh trai yên nghỉ, có con bướm rất to cứ quanh quẩn theo chân chị trở về nhà, đậu trên Huy chương của người liệt sĩ và vài ngày sau thì chết trên bàn thờ của anh. Phải chăng có những điều bí ẩn của thế giới tinh thần mà khoa học hiện đại chưa thể giải thích được? Đó là sự giao cảm tâm linh kỳ lạ giữa người sống và người đã khuất hay chỉ là những xúc động, ấn tượng quá mãnh liệt trong tâm trí của người đang sống?

Khi được hỏi về suy nghĩ của mình về ảnh hưởng của cuốn sách trong giới trẻ, nhà văn Đặng Vương Hưng đã bộc bạch: “Những bức thư là những nhân chứng lịch sử của một thời, nó nói cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Cha ông ta đã sống như thế nào, đã yêu, đã hy sinh và cống hiến ra sao…? Tôi muốn góp một cách nhìn mới về chiến tranh thông qua những tư liệu sống động và chi tiết nhất nhằm khắc hoạ hình ảnh những con người với những số phận riêng biệt nhưng đã làm nên hơi thở hào hùng chung của cả thời đại. Những bi hùng, những ám ảnh trong chiến tranh, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học Văn rất cần biết. Biết là để hiểu thấu đáo hơn quá khứ, để tự xây dựng cho mình một lý tưởng sống, hoài bão sống đẹp hơn, có ích hơn cho đất nước và cuộc đời này”...

Toàn bộ số tiền thu được từ cuốn sách sẽ được tác giả dành tặng Quỹ dũng cảm bảo vệ An ninh Tổ quốc của Báo Công an Nhân dân - An ninh thế giới. Trong thời gian tới, tập hai của cuốn sách bao gồm những bức thư thu thập được trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng sẽ ra mắt bạn đọc.

 Lê Thanh Hà - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 170, tháng 4/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :