Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Hai lần rơi nước mắt
Những kỷ niệm khó quên đầu đời của người lính trẻ có thấm nước mắt, phôi pha trong cảm xúc một thời của lứa những thanh niên măng trẻ mới rời xa mái ấm gia đình để quăng mình vào cuộc thử lửa. ông Trần Văn La (Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Đào tạo Sau đại học, ĐHKHXH&NV) đã say sưa kể cho tôi nghe...

Mưa rừng ơi...

Tháng 10/1972, thực hiện lệnh tổng động viên chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, tân binh trẻ ở mọi vùng quê khác nhau, thuộc nhiều lứa tuổi đã gặp nhau và cùng hành quân trên tuyến đường 559 - tức đường mòn Hồ Chí Minh sau này. Tôi, 17 tuổi, là một trong số những tân binh trẻ nhất của đơn vị. Chúng tôi đi bộ, cứ 3 ngày lại nghỉ một ngày để tắm rửa và nhận lương thực, vũ khí cho những ngày hành quân tiếp theo. Đi bộ và đi bộ, cứ đằng đẵng bám vào đoàn quân cho đến khi vào tới căn cứ Lộc Ninh (Bình Phước). Trên đường hành quân, cứ từng chặng lại có những trạm nghỉ chân. Chắc rằng người tân binh nào khi đặt chân lên đường mòn Hồ Chí Minh cũng nhớ chặng đầu cầu: Trạm số 1. Chặng này có thể coi là sự thử thách lớn nhất của những người lính từ vùng đồng bằng, đô thị miền Bắc khi tiếp cận môi trường rừng núi. Hôm ấy, đơn vị chúng tôi bắt đầu đi từ sáng cho tới tận non chiều vẫn chưa vượt được 2/3 đoạn đường đến đỉnh binh trạm. Còn trạm ở đâu, không ai trong đám lính trẻ biết được. Họ chỉ nghe lờ mờ rằng vượt qua đỉnh núi kia mới tới. Nhưng trời sắp tối rồi mà đỉnh núi thì hãy còn xa lắm.

ở ngoài miền Bắc, dù đã được tập luyện nhiều nhưng lính trẻ mới chỉ làm quen với địa hình đồng bằng, chưa từng nếm mùi vất vả của việc phải leo lên những dốc núi cao sừng sững, địa hình hiểm trở. Sức chịu đựng của chàng thanh niên đồng bằng, cái dẻo dai của tuổi 17 cũng không thi gan được với độ cao của dốc. Và thú thực, chưa bao giờ tôi thấy mệt mỏi rã rời như vậy. Mồ hôi vã ra, miệng thở dốc nhưng dường như vẫn không thu được khí trời vào lồng ngực. Dốc dựng đứng. Càng hít không khí càng thấy tức bụng. Đầu óc choáng váng, đầu gối muốn khụy xuống. Nhưng nếu ngã xuống, chắc chắn những người sau sẽ đổ theo. Hàng người bám chặt lấy nhau, giống như một dây leo có quá nhiều quả đậu, sắp đứt đến nơi do không chịu được sức nặng.

Trời sắp mưa, xung quanh chúng tôi là một màu đen kịt. Không còn nhìn thấy gì. Chúng tôi chỉ biết bám sau ba lô của người đi trước để bước tiếp. Không ai biết mình đang đứng ở đâu, đi đến đâu và xung quanh như thế nào... Bỗng có mệnh lệnh truyền từ đầu hàng quân xuống: Đây là một con dốc rất dài, phải đến ngày mai mới tới binh trạm. Đoàn dừng tại chỗ, các đơn vị lo cho bộ đội ăn, nghỉ. Những tiếng xôn xao nổi lên trong hàng quân: Nghỉ ở đâu? Làm thế nào mà nghỉ được ? Trời sắp mưa rồi! Lấy cái gì để ăn?... Không nhà dân, không lán trại, không có tiếng cười nói của dân quân hay các cô, các bác. Cũng không có những cô gái với tiếng cười ròn và làn da mát rượi mà chúng tôi đã quen ở những trạm nghỉ trên tuyến hành quân Ninh Bình - Thanh Hoá - Nghệ An. Chẳng có gì cả, chỉ có rừng. Những lo lắng chưa kịp tắt thì trời đã đổ mưa. Mưa rừng, một cơn mưa kỳ lạ - ấy là cảm nhận ban đầu của những chàng trai đồng bằng khi mới bước chân vào cửa rừng Trường Sơn.

Mưa rất to. Nước ào ào như trút. Đứng trên địa hình dốc cao, cảm giác như nước cứ xối xả quật, quét, cuốn cuồn cuộn ngày càng mạnh xuống đoàn quân. Chẳng còn để ý đến ba lô, đồ đạc bị cuốn ào đi. Không hề có kinh nghiệm tránh mưa rừng, chúng tôi hoảng hốt. Trong tiếng mưa rơi ào ạt, có tiếng quát rất to đột ngột vang lên: "Căng tăng lên!", "Mắc võng lên!". Khốn nỗi, thực hành trên sa bàn, địa hình đồng bằng ngoài Bắc là một chuyện, còn ở đây, đối diện với rừng thật, núi thật, lại có mưa rừng như roi quất lại là chuyện khác. Đấy là chưa kể đến sự lo lắng, hoang mang, đói mệt đang làm tê liệt tinh thần con người. Cũng có anh mắc được võng nhưng không căng được tăng vì gió quá mạnh. Có người căng được tăng nhưng không mắc được võng vì cây rừng quá to không có đủ dây để chằng.

Bộ đội Trường Sơn: Ngủ tăng, võng và nấu ăn bằng bếp "Hoàng Cầm".
Ảnh: Bùi Tuấn

Nhưng hình như có một quy luật nằm trong bản năng sống của con người: Họ, dù trong đêm tối đen như mực, vẫn tìm đến bên nhau trên những cánh võng, dưới những tấm tăng mỏng mảnh. Quần áo sũng ướt, đầy bùn đất. Ba lô, súng đạn, lương thực không biết trôi đi đâu. Mưa vẫn tiếp tục đổ. Nhưng họ càng ôm lấy nhau thì lại càng lạnh. Người nào người nấy rét run cầm cập. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh phổ biến trong những người lính Trường Sơn thời kỳ đó - bệnh sốt rét: cơ thể lạnh buốt, cái lạnh từ trong phát ra mà bao nhiêu chăn, màn đắp lên cũng không có kết quả gì.

Bỗng có một người nảy ra sáng kiến: từng nhóm người dưới mỗi tấm tăng hay trên cánh võng cởi bỏ quần áo để bớt lạnh và dùng hơi ấm thân nhiệt của mình sưởi ấm cho nhau. Họ ôm lấy nhau. Thật kỳ lạ là cái lạnh dường như bớt đi. Người ta cũng không còn nghĩ tới cái đói nữa. Họ chỉ mong trời thôi mưa. Không chỉ riêng tôi, tự nhiên, nước mắt ai cũng chảy ra. Vì nhớ nhà, vì bị sốc trước những khó khăn thực tế lần đầu được nếm trải, hay vì sự gắn bó, sẻ chia của tình đồng đội, đồng chí lần đầu tiên được họ cảm nhận thấm thía trong hoàn cảnh rất đặc biệt ấy? Nhưng chắc chắn trong thâm tâm của mỗi người, họ không thể hình dung được thiên nhiên núi rừng lại khắc nghiệt, dữ dằn thế, đường Trường Sơn lại gai góc, can trường thế. Và sự mệt mỏi, căng thẳng về tinh thần lại nặng nề đối với con người đến thế. Phía trước, chắc chắn sẽ còn tiếp những khó khăn mà họ chưa hình dung ra. Đấy là một sự thật trong đoạn đầu của cuộc đời lính chiến hành quân trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Ăn tết trong rừng Trường Sơn

Tiếp sau trạm 1, chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Sáng đi, chiều nghỉ. Đa số chúng tôi không hề biết được những nơi mình đã qua là nơi nào. Mãi sau này, tôi mới biết mình đang hành quân trên đất Lào. Càng đi sâu vào đất bạn, chúng tôi càng quen với rừng, với mưa rừng, quen thêm nhiều điều thú vị của cảnh sắc thiên nhiên. Nhưng tuyệt nhiên không có một bóng người. Đúng là Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn có sự khác biệt về thời tiết. Nếu Đông Trường Sơn như một mụ gái già đỏng đảnh, sớm nắng chiều mưa bao nhiêu thì Tây Trường Sơn lại khô khan, nóng bỏng bấy nhiêu. Cát nóng như rang. Cái khô hanh của nóng rát toả một mùi khét cháy vào không gian. Và cũng vì thế, rất nhiều người đã gặp phải căn bệnh lạ do thời tiết gây ra: bệnh chảy máu cam.

Chúng tôi hành quân theo lịch trình cũ: đi 3 ngày nghỉ 1 ngày. Ngày nghỉ, tiểu đội chia nhau đi nhận gạo, thực phẩm, kiếm cải quanh chỗ đóng quân. Cứ hai người buộc tăng vào bốn đầu gậy xuống suối lấy nước. Không kể phải canh chừng bọn Funrô. Thời tiết khó chịu, công việc vất vả nhưng vì quen dần, lại cũng được nghỉ ngơi nên cũng có những giây phút đùa vui. Vào cuối một buổi chiều đầu năm 1973, qua một chiếc radio bán dẫn, chúng tôi nghe tin Hiệp định Paris đã được ký kết. Có lẽ, không ai sung sướng hơn người lính khi nghe thấy tin này. Chúng tôi nhớ đến gia đình, người thân, tưởng đến một ngày đoàn tụ không xa. Vui hơn khi lần đầu tiên trong suốt bao nhiêu năm, mọi người được ăn một cái Tết trong yên bình trong rừng Trường Sơn.

Theo lệnh của Đại đội trưởng, mỗi tiểu đội (12 người) cử 3 người dưới sự chỉ huy của Tiểu đội phó đi nhận lương thực cho 3 ngày Tết. Trong suy nghĩ của chúng tôi, Tết trong quân đội chắc hẳn là to với nhiều thịt, cá, rau chứ không hẩm hiu, buồn bã như ở vùng quê nghèo của mình. Hơn nữa, suốt mấy tháng ròng rã hành quân, chúng tôi rất ít được ăn các chất tươi. Rau rất hiếm còn thịt thì hầu như không trông thấy. Món ăn thường xuyên là một viên Maggi - tương khô cô đặc của Trung Quốc cho vào một xoong nước lớn, thả vào đó một ít rau rừng. Thế nên, cứ nghĩ đến ăn Tết là ai cũng hớn hở. Quả là cái rã rời của đôi chân qua những chặng đường dài mệt mỏi vẫn không thể so sánh với sự thúc giục dữ dội, cồn cào của dạ dày khi nghĩ tới một bữa cỗ Tết.

Chúng tôi trò chuyện rôm rả, vừa sửa soạn chặt cây lấy củi làm bếp, vừa kể cho nhau nghe những món ăn độc đáo của quê mình. Và ai cũng muốn trổ tài mời nhau một món ăn của quê hương. Chao ơi, cái ước muốn nhỏ bé ấy nếu trong hoàn cảnh khác thì đã không tha thiết đến thế. Nhưng mãi đến 5 giờ chiều vẫn không thấy 3 đồng đội trở về. Hay là lương thực nhiều quá nên không thể đi nhanh được? Lương thực cho cả 3 ngày.

Tết chứ ít gì!

Rồi đồng đội tôi cũng trở về. Người đi đầu cầm trên tay dăm cây cải Mèo đã héo. Người thứ hai vẫn đeo cái ba lô lép kẹp như lúc ra đi. Người thứ ba cầm một gói lá, trong đó là dăm củ sắn chừng như được bới lên khỏi mặt đất đã lâu nên thâm lại, vỏ héo quắt với một miếng thịt bé bằng bàn tay. Thôi, thế là cũng có thịt, có rau, có sắn. Hẫng hụt rồi cũng qua đi. Vậy, ăn tất hay để dành đến ngày mai? Tiểu đội trưởng quyết định: ăn ngay cho nó tươi. Một cái xoong 12 lít được đặt lên bếp, trong là dăm cây rau cải, vài miếng sắn. Trên cùng là vài miếng thịt nổi lên một cách tội nghiệp. Nhưng có thịt, có rau, mùi thơm của nồi canh cũng có khác. Chỉ tôi, một anh người Nam Định trêu: "Nếu có thêm miếng bì thì rang gạo làm nem thính chiêu đãi các bạn".

Lúc đầu, không ai dám gắp. Mọi người dường như đều muốn kéo dài giây phút thưởng thức bữa ăn khiêm tốn ấy. Thế rồi thì ăn, thi nhau ăn, ăn rất ngon và ăn cũng rất nhanh. Đến độ không ai kịp nhận ra mùi vị của miếng ăn nữa. Nhưng, miếng thịt đưa lên miệng sao mà khó ăn thế, bởi nó bốc ra mùi thum thủm do ướp muối để quá lâu ngày. Liếc nhìn đồng đội vẫn đang ăn ngon lành, tôi chẳng dám mở miệng. Chần chừ! Trong giây phút quyết định, đưa miếng thịt vào miệng mà nước mắt tôi cứ trào ra...

 Tùng Lâm (ghi) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 173, tháng 7/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :