Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Bữa cơm cuối hạ
Vậy là ngày mai tôi lên Hà Nội tiếp tục học đại học. Hè, thấm thoắt cũng qua đi, bữa cơm cuối hạ cũng đến. Dì đi chợ cố ý mua thêm vài thứ để phần đến chiều nấu cho tôi ăn. Thời gian thoi đưa, tâm trạng tôi thấy hụt hẫng điều gì đó, có lẽ là cái cảm giác xa quê, xa gia đình…

Dì là người cùng xóm, mẹ tôi xấu số qua đời từ khi anh em tôi lên năm, lên ba, cha tôi phải sống trong cảnh gà trống nuôi con. Cuộc sống cứ hun hút cô quạnh, tôi không sao quên được sự trống trải và tuyệt vọng của cha lúc bấy giờ. Sau ngày đó dì đã đến khoả lấp đi chỗ trống ấy bằng tình yêu thương, lo lắng… Thấm thoắt sóng gió cũng đi qua gia đình tôi đã gần hai mươi năm. Dì vẫn âm thầm như ngày xưa, bữa cơm hôm nay cũng vậy. Quây quần gia đình bên nhau có bà ngoại từ trong xóm ra, cậu mợ hàng xóm sang. Dì lấy bình rượu thuốc, loại rượu ngon do chính tay dì nấu rồi đến quầy thuốc mua vài thang thuốc bổ về ngâm, dì rót cho bà, bố, rồi cậu. Cả nhà nhâm nhi, trò chuyện bên mâm cơm thật đầm ấm. Tôi thoáng thấy cay cay nơi sống mũi, thấy nhớ mẹ, nhớ ngày xưa, cái thủa quê tôi còn nghèo lắm. Mảnh đất xứ Thanh cằn cỗi quanh năm nắng gió, đi ra mắc núi, đi vào cách sông, ruộng đồng khô hạn, mất mùa liên miên. Có lần bố và dì phải ăn sắn, nhường khoai cho anh em tôi (vì khoai mềm và dễ ăn hơn sắn), một chút cơm thì phải nhường cho các em còn nhỏ. Bọn chúng tôi chăn bò, đói, thường hái rau má ra sông rửa sạch bỏ vào mồm nhai rồi lại đùa nghịch. Tuổi thơ, với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đói khổ đã nâng giấc cho lũ trẻ chúng tôi khôn lớn. Để đến hôm nay cái đói đã lùi xa, cái nghèo cũng đang mất dần, thay vào đó là một cuộc sống mới. Quê hương tôi hôm nay đang từng bước “thay da đổi thịt”.

ng bắt đầu từ chính sách cho vay vốn xoá đói giảm nghèo để làm ăn, nhiều gia đình mua được cả xe máy, tivi, lắp điện thoại… Mâm cơm dì tôi nấu cũng theo đà đó mà có nhiều món hơn. Những món ăn mang đậm tính truyền thống mà dẫu có đi đâu tôi cũng không quên được, nhất là cà muối ăn với canh cua. Dì nói: "Có chi mô. Cua ở ngoài đồng, rau cà ở vườn, cá thì dưới ao, vịt gà… mọi thứ của nhà hết". Những lời nói mộc mạc quê mùa của dì mới quý làm sao. Quả đúng vậy. Nhà nước đang có chính sách cho vay vốn đầu tư mô hình trang trại, với mục đích tận dụng lao động nhàn rỗi để phát triển kinh tế. Các hộ gia đình quê tôi đã và đang nhập cuộc. Bố tôi cũng vậy, cả ngày cần mẫn bên vườn cây, ao cá, vịt, gà, lợn mọi thứ đan xen vào nhau cứ bận bịu tối ngày.

Rồi cánh đồng năm mươi triệu/ha là cơ hội làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Phong trào này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo. Thực hiện chủ trương toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, quê tôi đang phấn đấu được công nhận Làng văn hoá cấp tỉnh. Nếp sống văn hoá dần đi vào cuộc sống của mỗi gia đình. Điện, đường, trường, trạm… được nâng cấp, ngày một khang trang hơn. Tối đến nhà văn hóa đông như mở hội, trẻ em - người già, các đoàn thể cùng vui chơi. "Quê hương đổi mới thật rồi". Tôi bỗng thốt lên như vậy. Cả nhà nhìn tôi cười, bố nói: "Phải, đổi mới rồi, học đi con, rồi mai mốt về làm cho quê hương giàu hơn, mới hơn"...

 Huy Thủy - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :