Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Đôi bạn hát và hơn 70 năm say mê quan họ
Giữa những ồn ào bên ngoài nơi một thị xã đang chuyển mình nhanh chóng, có một ngôi làng nhỏ nằm nép mình trong không khí yên bình của làng quê quan họ. Từ nơi ấy đã nuôi dưỡng những tâm hồn quan họ. Và cũng chính quan họ đã tạo ra những tình bạn đẹp đẽ giữa những con người sinh ra để sống chết vì quan họ...

Tình bạn từ ngôi làng quan họ

ở làng Y Na, chẳng biết tự bao giờ, quan họ đã trở thành lẽ sống tinh thần, là nét đẹp văn hoá không gì thay thế được. Từ xa xưa, cứ mỗi dịp xuân về, những người lao động hiền hoà trong làng lại nhộn nhịp với sắc áo the đen của những liền anh, cùng màu tươi tắn, thướt tha của những vạt áo tứ thân trên mình liền chị.

"Quan họ không đơn thuần là một loại hình nghệ thuật ca hát. Mà thực chất, hát quan họ chỉ là phương tiện biểu đạt tình cảm của những liền anh, liền chị, của những người lao động thiết tha yêu đồng ruộng, quê hương Kinh Bắc" (Đỗ Thanh Khiêm - Sở VHTT tỉnh Bắc Ninh). Cũng chính quan họ đã làm đẹp hơn, phong phú hơn cuộc sống tinh thần, tạo ra những tình cảm mãi mãi cùng năm tháng. Đó chính là tình cảm của những người sinh ra đã cùng chọn quan họ là lẽ sống tinh thần, cùng say mê tới quên mình với thú chơi quan họ. Để hôm nay, chúng ta còn được nghe những điệu quan họ mượt mà từ đôi liền chị đã 70 năm cùng nhau ngược xuôi Kinh Bắc cùng quan họ.

Năm nay 86 tuổi, nghệ nhân quan họ - báu vật nhân văn sống, Vũ Thị Chịch đã có 70 năm tuổi nghề. Từ nhỏ được theo các liền anh, liền chị đi trước sinh hoạt quan họ, cụ sớm có lòng yêu nét đẹp văn hoá quê hương mình sâu sắc. Năm 15 tuổi, cụ đã ngày ngày ra đình theo học hát những điệu quan họ quê nhà. ít năm sau đó, cũng chính bằng giọng hát mượt mà, đằm thắm của mình, cụ đã tìm thấy sự đồng cảm với người bạn đời để đắp xây một gia đình hạnh phúc.

Chỉ cách nhà nghệ nhân quan họ Vũ Thị Chịch có vài nóc ngói, có một ngôi nhà nhỏ cũng đã chứng kiến ngoài 70 năm tuổi nghề của một liền chị cùng thời, nghệ nhân quan họ Lê Thị Tịnh. Từ ngôi nhà ấy dẫn ra đình làng Y Na cũng cùng chung một đường, một ngõ với nhà cụ Chịch, tình bạn của cặp liền chị quan họ đã bắt đầu từ chính con ngõ nhỏ.

Ngồi têm trầu, những miếng trầu têm cánh phượng thật ngon mắt trước hiên nhà, hai cụ trầm ngâm nảy với nhau những làn điệu đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Tiếng thời gian như vọng lại từ đâu đó, dẫn hai cụ về với gốc đa, giếng nước bên cạnh sân đình. Nơi ấy, từ lúc đầu xanh tuổi trẻ, hai cụ đã cùng hoà vào niềm say mê quan họ.

Hai cụ bỗng nhìn nhau cả cười. Có lẽ, các cụ đang thả mình về kỷ niệm ngày xưa, với những lần đang học thì chê điệu khó rồi bỏ về một cách ngây ngô, cho tới khi cả hai cụ cùng trở thành một cặp hát quan họ hay có tiếng nơi quê hương Kinh Bắc. Cuộc đời và tình bạn của cặp hát theo dòng thời gian trôi chảy. Giờ, họ ngồi với nhau, ăn những miếng trầu têm cánh phượng, cùng hát cặp với nhau để nhớ về những ngày tháng giờ đã thành quá khứ phía sau lưng…

Chơi quan họ - niềm say mê cả cuộc đời

Cụ Chịch vừa móm mém nhai trầu vừa kể lại một câu chuyện thật hóm hỉnh. Ngày ấy, hai cụ vẫn thường được người ta mời đi hát hội ở các nơi. Mà cả hai cụ mê lắm, cứ đâu mời hát là đi, các cụ chẳng chối bao giờ cả. Một lần, nhà cụ Chịch có giỗ gia tiên. Đúng hôm đó, người ta mời cụ đi hát. Nghe cụ Tịnh sang gọi, cụ Chịch cầm đĩa xôi từ bếp lên nhà, cứ vừa đi vừa khấn cho mau xong còn đi hát.

Cụ Chịch bảo: Ngày xưa, các liền anh, liền chị đi chơi quan họ với nhau chứ không phải là đi hát. Nói chơi quan họ tức là những người chơi quan họ quan hệ với nhau như anh em họ hàng. Nhà người này có việc thì người kia sang làm giúp. Nhà người kia có chuyện vui thì người này sang dự mừng. Đau ốm thì tới hỏi thăm nhau rồi trông nom, giúp cho nhau nhiều việc khác nữa. Đấy chính là sinh hoạt quan họ chứ không đơn thuần chỉ là hát liền anh, liền chị với nhau.

Còn cụ Tịnh, ngày xưa đã từng bán cả công lúa non để có tiền và thời gian chơi quan họ. Xin được nói để độc giả biết thêm về chơi quan họ và sự cầu kỳ, tốn kém của nó: Mỗi liền chị chơi quan họ xưa đều có một xà tích bằng bạc quấn quanh dài chừng 1,5m. Người hát quan họ phải mặc quần lụa, dải yếm, bao, áo năm thân và áo trắng bên trong. Khăn chít mỏ quạ không bao giờ được quá dài thì mới tạo được vẻ cân đối cho khuôn mặt… Từ hàng nghìn năm nay, các làng thường kết chạ với nhau trong sinh hoạt quan họ. Liền anh gọi liền chị là chị cả, liền chị lại gọi liền anh là anh cả, hai bên tôn trọng nhau vô cùng. Và không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng mời được những liền anh, liền chị như các cụ Chịch và cụ Tịnh ra đối đáp. Nghe kể: ngày xưa, có lần hai cụ tới một làng xem hội, làng đó vốn là nơi kết chạ với Y Na. Hai cụ thong dong ngồi ở trong quán nước bên cạnh đình làng. Để mời hai cụ ra hát, những liền anh ở làng ấy phải ra làm đủ các nghi thức như một khúc dạo đầu cho cuộc chơi quan họ. Anh rằng:

A di đà phật

Em chào chị hai quan họ

Em chào chị ba quan họ

Em rằng:

A di đà phật

Em chào anh hai quan họ

Em chào anh ba quan họ.

Rồi hai cụ sẽ nhận miếng trầu từ tay liền anh quan họ làng ấy. Thì khi đó mới được coi như là một lời chấp thuận để vào cuộc chơi. Cái lệ quan họ từ bao đời nay vẫn vậy. Mà đã cùng chơi quan họ là phải đủ liền anh, liền chị, sót một người cũng hỏng. Bởi thế mà tự ngày xưa, cứ tới vụ chiêm, nhà nào chưa thu hoạch xong thì những liền anh, liền chị kết chạ lại sang thu hoạch giúp cho để còn kịp đi chơi quan họ lúc xuân về. Nhà cụ Chịch nhiều ruộng hơn nên bao giờ cũng phải có cụ Tịnh giúp một tay thì mới kịp đi chơi quan họ.

Hay cho câu hát:

Chơi xuân kẻo lỡ qua thì,

Trông qua ngoảnh lại còn gì là xuân.

Có lẽ chính vì suy nghĩ ấy chăng mà những liền anh, liền chị xưa khi đã chơi quan họ là hát cả chiều, tối, đêm mà không biết mệt. Khi sinh hoạt, nam đi một đường và nữ đi một đường chứ không được đi chung với nhau và những cặp liền anh, liền chị dù yêu nhau chừng nào cũng không bao giờ có thể xây dựng gia đình với nhau được.

Chọn nhau làm cặp hát từ khi còn trẻ, cụ Chịch và cụ Tịnh đã cùng nhau trải qua không biết bao nhiêu cuộc chơi quan họ. Tình bạn của họ suốt hơn 70 năm đã gắn liền với nét văn hoá ấy. Có những khi, trong dịp sinh hoạt, hai cụ gặp phải những vế hát đố hóc búa. Thế là về đến nhà, hai cụ mất ăn mất ngủ để tìm ra một câu hát đối cho bằng được để lần sinh hoạt sau trả lời thì mới yên lòng.

Quan họ có tới 213 làn điệu. Vậy làm thế nào để giữ gìn nét văn hoá truyền thống sao cho không mất đi một làn điệu nào? Chỉ có cách dùng tình yêu quan họ với niềm say mê đến cháy bỏng mới có thể làm được điều ấy. Ngay từ khi thôi không còn đi ca hát nhiều như trước, hai cụ đã cùng nhau đi truyền nghề cho những thanh niên trong làng, trong xã mình. Những buổi dạy có khi dưới gốc đa ngoài đồng, có khi trong khoảng sân đình nhỏ (nơi xưa kia gắn với những ngày học quan họ của hai cụ). Chưa có ai biết đến những việc làm thầm lặng xuất phát từ lòng say mê tới ý thức giữ gìn văn hoá ấy. Hai cụ đã tự bỏ tiền của mình để dạy dỗ những giọng hát quan họ kế cận với mong muốn bảo tồn nét đẹp văn hoá quê nhà.

Bây giờ, khi cả hai cụ đã không còn nhanh nhẹn như ngày trước, thì những câu nảy điệu từ "La rằng" hay "Ngồi tựa mạn thuyền"… của hai cụ vẫn mượt mà đằm thắm và ăn khớp với nhau tới kỳ lạ. Vẫn ngồi lặng lẽ têm những miếng trầu, hai cụ đã buông nón không còn đi hát từ lâu. Tuổi tác cũng không còn cho phép hai cụ đủ sức để tiếp tục rong ruổi với ước mong dạy dỗ lớp trẻ những giá trị văn hoá quê hương. Hai cụ chỉ còn biết ngồi lại với nhau, để hát, để cùng ôn lại những kỷ niệm về một tình bạn gắn với quan họ đã 70 năm có lẻ.

Hôm nay và mãi mãi sau này, mỗi lần đến với Bắc Ninh, chúng ta được nghe lời hát:

Vào nhà mời rót nước ấy mấy pha trà

Mỗi khi ra về được gửi theo lời “Giã bạn", rằng:

“Người ơi! người ở đừng về.”

Những phút giây ấy, chúng ta sẽ thấy yêu quan họ, yêu Kinh Bắc biết bao. Và có lẽ, đó cũng là ước mong, là khát khao đến cháy bỏng của hai cụ bà - đôi bạn hát quan họ đã cùng nhau đi qua những giai đoạn thăng trầm nơi quê hương quan họ.

Những cơn gió lạnh đầu tiên thổi qua làm tung bay hai mái đầu phất phơ tóc trắng. Bụi thời gian đã đè nặng nơi đôi vai gầy nhăn nheo của đôi bạn - cặp liền chị nổi tiếng một thời. Dòng đời vẫn chảy, và con người rồi không ai có thể cưỡng lại số phận. Nhưng tôi biết rằng, chỉ tới khi nhắm mắt xuôi tay, hai nghệ nhân mới thực sự rời xa quan họ…

 Nguyễn Mạnh Cường - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 175, tháng 9/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :