Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Đụng lợn ngày Tết
Ở quê tôi, việc chuẩn bị các thủ tục cho ngày Tết Nguyên đán khá cầu kỳ và tất bật. Ăn đụng thịt lợn là một trong những việc người ta phải quan tâm đến đầu tiên ngay từ trước Tết cả tháng trời.

Những gia đình khá giả thì thường một mình thịt một lợn, còn đa số các gia đình trong làng lựa chọn cách ăn đụng. Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, người làng đã bàn tán xôn xao xem lợn nhà nào ngon, lợn nhà nào có thể ăn đụng được. Những con lợn được hàng xóm chọn để ăn đụng thường là to vừa vừa và không phải là lợn mỡ. Loại lợn mà mọi người thích ăn đụng nhất là “lợn cọc”, tức là những con chậm lớn. Nhiều con tốn cám tốn bã nuôi cả năm trời mà cũng chỉ được ba bốn chục cân. Những con loại này có nhiều nạc, ít mỡ, chắc thịt không phải loại lợn mà cánh lái buôn, thợ mổ ưa chuộng vì ít lời lãi nhưng lại thường được rất nhiều nhà đăng ký ăn đụng vào dịp Tết.

Những nhà có lợn cọc, nếu chưa có người dạm ăn đụng, chủ chuồng có thể đi mời, đi dạm xem nhà nào chưa ăn đụng thịt lợn với ai thì rủ hay gợi ý khéo léo rằng sẽ cho chịu tiền đến ra Giêng hay lâu hơn một chút. Đó cũng là một cách giúp đỡ lẫn nhau lúc năm cùng tháng tận nhất là với những gia đình neo túng không đủ tiền trả ngay. Trong làng còn có nhiều người ăn đụng lợn nhưng phải đợi đến tận vụ gặt sang năm mới trả được bằng thóc.

Người ta gặp nhau để rủ trong lúc làm đồng, trong bữa cơm gia đình, trong những đêm “trà dư tửu hậu” hay khi đến dự bữa cỗ cưới xin, ma chay ngày cuối năm. Chính vì đây là việc rất quan trọng nên các ông, các bà, những người chủ gia đình phải ăn lo không thể nào quên. Người ta chỉ cần gặp nhau, hẹn và giao ước bằng miệng là mọi chuyện coi như đâu đã vào đó chứ không cần phải có tiền đặt trước. Nhiều nhà có lợn đụng nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có thể để cho bà con ăn đụng trả tiền trước để mua sắm cho gia đình những thứ thiết yếu khác phục vụ ngày Tết. Lợn mổ ăn đụng thường vào ngày 29 hoặc 30 Tết, ai cũng tính để đảm bảo được một công hai ba việc. Buổi sáng làm thịt lợn để buổi chiều có thịt gói giò, gói bánh chưng và làm cơm cúng tất niên.

Từ khi trời còn tinh mơ đã nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc khắp làng trên, xóm dưới cùng với tiếng người gọi nhau í ới. Nhóm này nhóm kia gặp nhau trò chuyện xôm cả ngõ làng. Người nọ hỏi mượn người kia con dao nhọn chọc tiết lợn, mượn thùng nấu bánh chưng, mượn chày, mượn cối để giã giò... Thường thì ở làng không phải ai cũng có nồi to để đun bánh vậy nên nhiều nhà phải nấu trước để có nồi cho bà con mượn, hay chuyện cối giã giò cũng vậy. Nhiều người để tránh phải mang đi mang lại đã chọn giải pháp mang luôn thịt đến nhà có cối, có chày cùng nhau thay tay giã. Dù thiếu, dù đủ nhưng ở làng bao giờ bà con cũng giúp đỡ, san xẻ cho nhau nhiệt tình. Những cuối năm, nếu về ăn Tết ở làng ta sẽ cảm nhận rõ rệt sự đoàn kết cộng đồng và tình làng, nghĩa xóm bình dị mà thấm thía, sâu sắc.

Con lợn đụng làm lông xong được ngả ra nong để những người khéo tay pha thịt, lạc xương. Mọi thứ sẽ được phân ra rất đều nhau căn cứ theo số lượng người ăn đụng từ phần nạc, phần mỡ, phần xương, miếng thủ, miếng tai, miếng lưỡi đến tiết canh, lòng, dồi... Đôi khi có nhà ít người chỉ ăn đụng một góc, dù khó chia cũng không thể lấy thứ nọ bù thứ kia được. Trước khi đi đụng lợn bao giờ người ta cũng chuẩn bị sẵn cho mình một vật gì đó làm dấu riêng để ném thăm. Vật ném thăm của các nhà phải không được giống nhau và càng đơn giản, dễ nhận càng tốt. Tiếp theo đó, mọi người gọi một đứa trẻ con hàng xóm hoặc một người nào đó vô tình không biệt được dấu riêng của nhà nào làm người ném thăm “phân mô”. Người ném thăm có thể trộn đều những vật làm thăm rồi ném những thứ ấy mỗi mô thịt một cái. Vật ký hiệu của nhà nào rơi vào mô thịt nào thì người đó mang rổ rá tới lấy phần đó. Khâu làm dồi lợn cũng là một khâu khá mất công. Những thịt vụn, mỡ chài, đậu xanh, gạo nếp, rau thơm, nước tiết... được trộn hỗn hợn cùng gia vị và nhồi vào khúc lòng già đã được rửa sạch. Sau khi đúc dồi thường người ta sẽ luộc chín để chia phần. Lòng non làm xong cũng được chia ra từng đoạn và chia cùng với tim gan cũng như các phần nội tạng. Đi ăn đậu lợn ngày Tết, phần mà ít người không nghĩ tới đó là tiết canh. Tiết được hãm riêng ở một cái liễn sứ, mọi người mang cái đựng nhà mình đến để chia nhau. Con lợn của nhà nào mà hãm hỏng tiết canh thì ai cũng tiếc hùi hụi...

Xóm làng vang lên tiếng dao, thớt, tiếng chày cối giã giò. Không khí làng quê ngày tất niên nhộn nhịp, sôi động và thật đầm ấm. Khắp các ngõ ngách trong làng vương vất mùi thịt luộc, mùi chả nướng, chả rang đưa theo gió. Không khí ngày Tết, lo Tết như dồn nén từ những ngày tháng Chạp đến chiều 30 Tết mới bung trào trong không gian làng quê. Người làng ra đường gặp nhau hồ hởi trong tiếng mời chào, hỏi han về bánh trái, mâm ngũ quả cứ râm ran. Người thiếu lá dong, người thừa lạt dang, lá chuối gặp nhau đổi trao vui vẻ. Có cảm giác như lúc đó mọi người vội vàng hơn, hối hả hơn, những bước đi rảo nhanh như không kịp thở...

Dân gian ta có câu: “No ba ngày Tết, đói ba tháng hè” vậy nhưng những cái Tết vẫn đến với làng quê ta thật tự nhiên, vui vầy và hạnh phúc. Chẳng ai dỗi hơi mà lo nhiều, lo xa trong những ngày đầu năm ấy. Thói quen của người dân quê là ăn đụng thịt lợn với nhau, tự tay làm lấy để ăn, mệt nhưng vui, đầm ấm và thấm đượm tình làng nghĩa xóm biết bao. Tết Đinh Hợi năm nay, ở làng tôi mọi người vẫn ăn đụng thịt lợn với nhau và chúng tôi đang háo hức chờ mong ngày ấy...

 Minh Trường - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 192, ra tháng 2/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :