Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Cha tôi là người làm thuê (Tuỳ bút)
Ngày tôi học lớp 2 thì cha phải vào Nam để làm thuê cho một người bà con xa mở công ty trong đó. Hai năm, cũng có khi lâu hơn ông mới về thăm mẹ con tôi.

Không phải ông không muốn về mà vì ông tiếc số tiền ông phải bỏ ra để mua vé từ Nam ra, và cả tiền quà cho những ông già, bà lão ở quê vì ít ra ông cũng mang cái tiếng đi mấy năm mới về mà ông chú, bà thím ở quê không có lấy cái kẹo, cái bánh gọi là quà cháu đi xa về. Ông nhẩm tính mỗi lần về như vậy sẽ bỏ ra được 3 - 4 tạ thóc gửi về cho mẹ con tôi. Vì thế mà ông không dám về, cứ lần nữa mãi ông mới dám về quê, số lần về quê của ông ngày một thưa dần, dù ông rất nhớ mẹ con tôi.

Ngày tôi đỗ đại học, sau 2 ngày một đêm say xe tôi cũng đặt chân tới Sài Gòn - thành phố náo nhiệt với bao nhà máy xí nghiệp, những con đường đẹp nên thơ, những ống khói nhà máy làm tôi thấy sung sướng và thầm mong được sống nơi đây. Cha dẫn tôi vào công ty nơi ông làm việc, ông làm bảo vệ nên được ở ngay trong công ty. Đêm Sài Gòn với những ánh đèn sáng loáng khác xa so với sự tối tăm mù mịt của vùng quê nơi tôi và mẹ sinh sống làm tôi choáng ngợp trong sự ngưỡng mộ và so sánh cuộc sống của cha với mẹ con tôi. Cha chỉ cười mà không nói gì. Tôi chìm vào giấc ngủ ngon lành bởi khí hậu mát mẻ trong lành và cũng đã thấm mệt sau chuyến đi dài. Trong cơn mơ tôi thấy hình ảnh ông đang bỏ màn, bắt muỗi cho tôi, nhẹ nhàng đóng cửa để cho tôi ngủ và ông lại đi làm công việc hàng đêm ông vẫn làm. Gần sáng, tôi tỉnh giấc vì khí hậu về đêm của Sài Gòn rét hơn ngoài Bắc, ngồi trong chòi canh là ông một mình với chiếc bóng dài đổ xuống nền gạch hắt hiu do ánh sáng từ chiếc bóng điện dọi xuống. Một mình giữa đêm khuya mình ông ngồi với con chó becgiê và khi đi tuần kiểm tra an ninh cũng chỉ mình ông với con chó. Ngồi, đi tuần và lại ngồi lại đi tuần... ông lấy trong góc chòi chiếc điếu cầy ra và rít lên một hơi thật ngon lành để xua đi cơn buồn ngủ đang hành hạ ông. Rồi ông lại đi, lại ngồi cũng chỉ một mình với con chó giống Đức tinh khôn. 5 giờ sáng có người thay ca ông mới đi ngủ và không quên nhắn lại với họ khi nào tôi dậy bảo tôi "cứ đi ăn sáng, và đợi ông tới khoảng 9 giờ ông sẽ dậy đưa tôi đi chơi...". Ban ngày ở trong công ty nơi cha đang làm việc tôi mới thấy cuộc sống nơi đây thật khắc nghiệt, con ngưòi nơi đây sao xa lạ vô cảm nó không giống những người dân quê tôi. Tôi chỉ có duy nhất căn phòng của cha làm bạn, nhưng căn phòng của cha lại đặt gần với xưởng máy. Tiếng máy gầm thét làm cha tôi phải kiếm cho mình một góc tối tăm của nhà kho chứa đồ phế liệu để tránh những âm thanh đó mong có được giấc ngủ bù đêm qua. 9 giờ sáng theo chỉ dẫn của người gác cổng tôi cũng tìm được nơi cha tôi đang trú ngụ, căn phòng không có điện, nhờ ánh sáng hiếm hoi từ khe hở của tấm liếp cửa tôi mới mò vào được vào trong, mùi ẩm mốc, sự hôi hám của những phế liệu làm tôi hắt hơi liên tục khiến cha tỉnh giấc.

Ông dẫn tôi đi tới thăm tất cả những địa điểm du lịch nổi tiếng của Sài Gòn - những nơi mà tôi đã từng ước ao bao năm trời. Tôi vui sướng đòi cha mua vé cho tôi đi hết nơi này tới nơi khác. Xế chiều, ông dẫn tôi vào đảo lan của khu du lịch Đầm Sen, ông bảo tôi cứ đi chơi để ông ngồi ghế đã đợi vì ông đã thấm mệt. Người nằm trên ghế đá, co ro với một thân hình gầy đen kia là cha tôi ư, tôi bàng hoàng nhận ra mái tóc bóng mượt ngày xưa của ông đã điểm những sợi bạc, thân hình trai tráng một thời đã từng làm mê mẩn bao cô gái làng nay sao giống như một người nghiện đang co ro trên ghế đã công viên. Nhìn ông từ xa mà tôi thấy mặn chát đầu môi, tim tôi đau nhói, vậy mà cũng đã hơn chục năm cha đi làm thuê để lấy tiền nuôi chúng tôi ăn học. Cha tiếc một ngày làm của cha mấy chục nghìn nên không dám xin nghỉ để đưa tôi đi chơi, biết tôi thích đi chơi nên ông đã cố đưa tôi đi chơi và tranh thủ ngả lưng trên ghế để tối về còn lấy sức làm việc, và cũng tại căn bệnh đau lưng do ngồi mấy nghìn đêm nay làm việc của cha không thể ngồi được nữa. Ồng ôm tôi vào lòng mà rằng: "Vì các con cha mẹ sẽ làm tất cả để đời các con sau này không phải đi là thuê khổ nhục như cha".

 

 Ngọc Phúc, K50 Khoa Báo chí - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 206 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :