Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Đôi điều về thơ Thụy Điển
Văn học Thụy Điển (TĐ) nói chung, thơ TĐ nói riêng, chưa phải đã được biết đến nhiều lắm ở Việt Nam. Nhưng có một số tên tuổi tác giả đã xuất hiện và được ghi nhớ.

Như nhà văn Selma Lagerlöf (1858-1940) với hai tác phẩm nổi tiếng Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của cậu bé Nils (The Wonderful Adventures of Nils (1906-1907) và Truyện cổ Gösta Berlings (Gösta Berlings saga (1891). Bà đã được trao giải Nobel văn học 1909. Như Astrid Lindgren (1907 – 2002), nhà văn viết truyện thiếu nhi xuất sắc, với những tác phẩm mới được dịch ra tiếng Việt gần đây: Pipi tất dài (Pippi Longstocking), Karlsson trên mái nhà (Karlsson-on-the-Roof), Mio, con trai tôi (Mio, my son).

Thơ hiện đại Thụy Ðiển phát triển vào những thập niên 30 và 40 của thế kỷ XX. Những đặc điểm nổi bật của nó là ham tìm tòi thể nghiệm, đa dạng phong cách, thường dùng thể loại thơ văn xuôi không có nhịp điệu hay âm vận. Nhân vật hàng đầu của thơ hiện đại Thụy Ðiển phải kể đến là Hjalmar Gullberg (1898 – 1961) với những bài thơ đậm chất thần bí và Thiên chúa giáo như trong các tập Những bài tập tinh thần (1932) và Mắt, môi (1959).

Các nhà thơ hiện đại quan trọng khác của Thụy Ðiển là Artur Lundkvist (1906 – 1991), Gunnar Ekelöf (1907 – 1968), Edith Södergran (1892 –1 923), Harry Martinson (1904 – 1978) và Tomas Tranströmer (1931 –). Xin nói qua về hai người được tuyển vào tập Thơ TÐ này.

Gunnar Ekelöf được coi là nhà thơ siêu thực TÐ đầu tiên, sau khi ông xuất bản tập thơ đầu tay Sent på jorden (Ðến muộn trên trái đất, 1932), một tập thơ mới mẻ đến mức khiến người đọc ngỡ ngàng nên chưa được đánh giá cao. Nhưng sau đó Ekelöf chuyển sang chủ nghĩa lãng mạn và được đánh giá tốt hơn trong tập thơ thứ hai Dedikationen (Ðề tặng, 1934). Tập thơ tiếp theo của ông, Färjesång (Bài hát trên phà, 1941) hòa trộn chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa siêu thực và những đám mây đen của cuộc chiến tranh đang đến gần, đã ảnh hưởng mạnh đến các nhà thơ Thụy Ðiển về sau. Tập này chịu ảnh hưởng nhiều của T. S. Eliot, có nhiều liên hệ với thơ phương Ðông, với Ðạt Ma và Lão tử, nhưng bài mở đầu nói đến người lái đò âm phủ thì lại ám gợi tới bãi chiến trường ở châu Âu hồi đó. Trong Thế chiến II, Thụy Ðiển giữ thái độ trung lập, mặc dù nhiều nước đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến. Trong tình hình đó nhiều nhà văn nhà thơ đã lên tiếng phê phán đường lối trung lập của chính phủ mình. Ekelöf cũng chịu sức ép mạnh của chiến tranh dù là ông vẫn giữ thái độ đứng ngoài.

Tôi là kẻ lạ trên xứ sở này

Nhưng xứ sở này không là kẻ lạ trong tôi

Ông là thành viên Viện Hàn lâm Thụy Ðiển từ 1958. Cũng năm đó ông được nhận bằng tiến sĩ triết học danh dự của Trường ÐH Uppsala.

Thơ Gunnar Ekelöf có nhiều sự quy chiếu đến triết học, lịch sử, huyền thoại, tôn giáo, văn học nên thường là khó đọc, mặc dù năm 1989, Hội Gunnar Ekelöf đã được lập ra để nghiên cứu và quảng bá thơ ông.

Gunnar Ekelöf nói với ta rằng: “Mỗi người là một thế giới”:

Mỗi người là một thế giới, chất chứa đầy

những kẻ mù lòa sống trong chấn động tối tăm

chống lại cái tôi là đức vua đang cai trị chúng.

Trong mỗi linh hồn là hàng ngàn linh hồn bị cầm tù,

Trong mỗi thế giới hàng ngàn thế giới đang ẩn náu

Và những kẻ mù lòa kia, những âm ty địa ngục nọ

đều đang sống thật dẫu chẳng vẹn nguyên

thật như chúng ta đang sống đây.

(Nghiêm Huyền Vũ dịch)

Tomas Tranströmer (15/4/1931) là nhà văn, nhà thơ, dịch giả, thơ ông ảnh hưởng mạnh ở Thụy Ðiển, cũng như trên thế giới. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi, và in tập thơ đầu tay 17 dikter (17 bài thơ) năm 1954. Tập thơ mới nhất của ông Den stora gåtan (Ðiều bí ẩn lớn) xuất bản năm 2004. Ông có viết một tự truyện ngắn mang tên Minnena ser mig (Ký ức nhìn tôi) xuất bản năm 1993.

Một số nhà thơ, nhất là những người làm “thơ chính trị” những năm 1970, lên án ông là xa rời truyền thống của mình và không đưa các vấn đề chính trị vào thơ văn. Thực ra, thơ Tranströmer vẫn nằm trong dòng chảy của thơ và ngôn ngữ thơ thế kỷ XX. Trong thơ ông, những bức tranh rõ ràng, có vẻ như đơn giản lấy từ cuộc sống thường ngày và nhất là từ thiên nhiên là để bộc lộ cái nhìn huyền bí vào các phương diện phổ quát của tâm trí con người. Ông từng tuyên bố trong bài “Tiền đồn” (“Outpost”): “Tôi là nơi / sáng tạo tự làm ra nó” ("I am the place / where creation is working itself out,"). Thơ ông đượm tính thần bí Thiên chúa giáo, chuyển động trên rìa giữa mơ và thực, vật chất và siêu hình.

Tác phẩm Tranströmer cấu trúc nên những không gian cho phép ta nhập vào khoảng trống, nhưng không phủ nhận bản chất ngẫu nhiên của thời điểm lịch sử trong bài thơ. Bằng cách lặng lẽ đương đầu với khoảng trống, nơi “cái lạnh từ đáy biển sâu” dâng lên trong bản thể chúng ta, ông làm cho những bài thơ của mình gần gũi với vực thẳm mà vẫn ý thức được còn rất nhiều khoảng rỗng quay cuồng bên dưới chúng ta.

Bầu trời trên cao kia mở ra khi dựa lưng vào tường

Giống như lời cầu nguyện với cái là rỗng không

Và cái là rỗng không quay mặt lại chúng ta thì thầm:

“Ta không phải rỗng không, ta đang mở”

Tomas Tranströmer đã nhiều lần được đề cử giải Nobel văn học, và được coi là một trong những nhà thơ hàng đầu của Thụy Ðiển.

Người trẻ nhất trong tập Thơ Thụy Ðiển này là nhà thơ nữ Jenny Tunedal sinh 1973. Những bài thơ văn xuôi của bà mang lại cho người đọc cảm giác cô đơn và thanh sạch.

Tôi nói với bạn một điều gì đó mà tôi cũng không biết nữa, điều gì đó đôi khi như một lời hứa, và đôi khi như một đe dọa. Có thể tôi có ít khả năng làm người khác nhìn được thấu lòng tôi. Nợ nần cũng như nỗi hổ thẹn đều làm con người gắn lại với nhau, và những thanh chắn cũng vậy. Thì đấy, hãy nhìn đi, hãy nhìn những mái nhà nông thôn với mảnh vườn riêng biệt ở vùng ngoại biên thành phố. (Châu Diên dịch)

Thơ Thụy Ðiển có thể nói là tập thơ đầu tiên giới thiệu một cách tương đối hệ thống và kỹ lưỡng nền thơ Thụy Ðiển đến bạn đọc VN. Hai mươi mốt nhà thơ được tuyển chọn là những gương mặt tiêu biểu của nhiều thế hệ, nhiều bút pháp, nhiều xu hướng trong thơ Thụy Ðiển thế kỷ XX. Người làm công tác tuyển chọn và giới thiệu, nhà thơ Erik Bergqvist, đã rất công phu và tinh tế, để mỗi gương mặt nhà thơ Thụy Ðiển ở đây được hiện lên với những sắc thái riêng biệt. Các dịch giả tiếng Việt đã cố gắng chuyển ngữ những bài thơ đến từ một vùng đất khác, một nền văn hóa khác, rất khác hơn nữa thơ là thứ sáng tác rất khó dịch, lại chủ yếu là qua một thứ tiếng trung gian, tiếng Anh và cả tiếng Italia, chứ không phải từ nguyên gốc tiếng Thụy Ðiển, một công việc dịch thuật khó khăn vô cùng, phức tạp vô cùng, và cũng liều lĩnh vô cùng, nhưng vẫn tin là ở bản dịch tiếng Việt những bài thơ Thụy Ðiển sẽ có được âm vọng âm vang phần nào, như những viên gạch đặt trụ cầu thơ giữa hai dân tộc, hai nền văn hóa.

 Phạm Xuân Nguyên - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 219, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :