Video
Trang chủ   >  Video  >    >  
Trung tâm giáo dục đầu mối: ảo tưởng hay thực tế?
Trong ba thập kỷ qua, quốc tế hóa đã và đang làm biến đổi không chỉ giáo dục đại học mà chính bản thân quá trình này cũng đang có những chuyển biến mạnh mẽ. điều này đặc biệt dễ nhận thấy đối với giáo dục qua biên giới (cross-border education). Bước phát triển mới đây chính là cuộc đua trong việc tạo lập thành công của các trung tâm giáo dục đầu mối ở cấp độ khu vực có tính cạnh tranh cao.

Trung tâm giáo dục đầu mối: Ảo tưởng hay thực tế? >> GS Jane Knight

 

Trung tâm đầu mối đã trở thành một trào lưu, càng ngày càng phổ biến sâu rộng. Các quốc gia cố gắng thiết lập vị thế của mình như là các trung tâm đầu mối về tài chính, truyền thông, giao thông, chế tạo, thời trang và giáo dục. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể hay đánh giá nào về các điều kiện cần thiết, thậm chí là các đặc điểm và những yếu tố cơ bản làm nên một trung tâm giáo dục đầu mối thành công và bền vững. Trung tâm giáo dục đầu mối là một tên gọi đang được các quốc gia Trung đông và đông Nam Á sử dụng để chỉ một loạt các sáng kiến đổi mới và đa dạng trong nỗ lực biến đất nước mình thành các trung tâm xuất sắc về giáo dục.

Dubai, thuộc các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, xây dựng Làng Tri thức năm 2003, và gần đây là Thành phố Giáo dục Quốc tế Dubai. Các sáng kiến có tính kết nối này hướng tới việc thu hút các chi nhánh đại học nước ngoài nhằm cung cấp các chương trình giáo dục và đào tạo cho sinh viên quốc tế, những người được trang bị để sẵn sàng cho các công việc trong nền kinh tế tri thức và dịch vụ đang phát triển nhanh chóng tại các quốc gia vùng vịnh. Các công ty và các cơ sở giáo dục quốc tế được sắp xếp cạnh nhau trong các đặc khu kinh tế tự do với các lợi ích hấp dẫn về thuế và tài chính.

Qatar lại áp dụng một cách tiếp cận khác, theo đó nước này mời và tài trợ cho sáu trường đại học Hoa Kỳ, một trường ĐH Anh Quốc để họ cung cấp các chương trình và bằng cấp toàn phần cho các sinh viên của nước này cũng như sinh viên trong khu vực. Dự án này được chi trả toàn bộ bởi Quỹ Qatar và vì vậy có thể coi đây là một mô hình khó áp dụng theo. Mục đích của dự án này là nhằm đưa Qatar trở thành nguồn cung cấp giáo dục chất lượng cao và giúp chuẩn bị cho nước này cũng như khu vực sẵn sàng cho một xã hội và nền kinh tế định hướng tri thức. Dự án Trường học Toàn cầu của Singapore là một dự án nổi tiếng, thu hút một số lượng các trường đại học nước ngoài và sinh viên quốc tế với mục tiêu xác định vị thế của đất nước mình như một trung tâm đầu mối của khu vực về cả giáo dục và nghiên cứu. Malaysia, Hong Kong, Bahrain và Botswana đã công bố kế hoạch trở thành các trung tâm đầu mối về giáo dục của khu vực, đồng thời đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong việc thu hút sinh viên nước ngoài.

Các loại Trung tâm đầu mối

Các sáng kiến này có một số điểm tương đồng, song cũng có những khác biệt quan trọng về mục tiêu, nguyên nhân căn bản, nguồn tài trợ và các hoạt động. Thuật ngữ chung trung tâm đầu mối về giáo dục của khu vực không phản ánh được các cách tiếp cận và mục đích khác nhau và do đó cần được phân biệt thành ba loại.

Trung tâm đầu mối về sinh viên là loại hình trung tâm đầu mối giáo dục phổ biến nhất. Mục tiêu mấu chốt của nó là tuyển sinh các sinh viên quốc tế với các mục đích quốc tế hóa các cơ sở giáo dục đại học trong nước, gia tăng nguồn thu tài chính và phát triển danh tiếng quốc tế. Theo kịch bản này, các trường đại học trong nước đóng vai trò chủ yếu trong việc tuyển sinh sinh viên cho từng cơ sở của mình, mặc dù trong một số trường hợp các chi nhánh nước ngoài cũng tham gia vào kế hoạch này. Các quốc gia tuy đã có các chính sách cần thiết và một chiến lược quốc gia về tuyển sinh, nhưng từng trường sẽ tự tuyển chọn sinh viên cho các chương trình và khóa học của chính họ. Mục đích là nhằm đạt được chỉ tiêu quốc gia về số sinh viên quốc tế và tạo dựng danh tiếng, trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế, nơi mà họ có thể thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng cao.

Trung tâm đầu mối về giáo dục và đào tạo khác biệt so với trung tâm đầu mối về sinh viên ở chỗ nhiều sinh viên quốc tế được tuyển sinh hơn, xuất phát từ những lý do căn bản và kỳ vọng khác. Các trường đại học nước ngoài được mời vào để thành lập các đơn vị vệ tinh dưới hình thức các trung tâm giảng dạy hay các cơ sở đào tạo chi nhánh. Các công ty giáo dục và đào tạo tư nhân quốc tế cũng được khuyến khích cung cấp các dịch vụ đào tạo và các cơ hội phát triển nghề nghiệp nhắm vào các sinh viên trong nước và sinh viên quốc tế. Các mục đích cơ bản của việc này là nhằm giáo dục và đào tạo sinh viên trở thành lực lượng lao động có kỹ năng và tri thức làm việc cho các công ty trong nước và khu vực, nhằm cung cấp nhiều hơn cơ hội tiếp cận với giáo dục đào tạo cho các sinh viên trong nước và quốc tế cũng như các cư dân địa phương, nhằm chứng minh những “chất lượng tốt nhất” của các cơ sở giáo dục nước ngoài, và nhằm thiết lập vị thế địa chính trị trong khu vực. Trong một số trường hợp, các cơ sở giáo dục đào tạo và các công ty được phân bố tại cùng một khu vực địa lý để có thể chia sẻ các trang thiết bị cũng như thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở này với các ngành công nghiệp.

Trung tâm đầu mối về tri thức và sáng tạo không chỉ giới hạn trong việc giáo dục và đào tạo mà còn bao gồm cả hoạt động sản sinh và cung cấp tri thức và sự sáng tạo. Các công ty và viện nghiên cứu nước ngoài với các hoạt động nghiên cứu và triển khai lớn cũng được khuyến khích xây dựng trụ sở tại các quốc gia này và hợp tác với các trường đại học và các công ty đào tạo trong và ngoài nước nhằm xây dựng một đội ngũ chuyên gia xuất sắc, đông đảo và vững mạnh. Các mục tiêu căn bản là giúp xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức và dịch vụ, giáo dục và đào tạo đội ngũ lao động lành nghề, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của khu vực. Sự hợp tác giữa các thành viên chủ chốt – các ngành công nghiệp địa phương và nước ngoài, các trung tâm nghiên cứu, các cơ sở giáo dục và các công ty – là yếu tố then chốt trong việc xây dựng một trung tâm đầu mối về tri thức và sáng tạo.

Phát triển tuyến tính hay nhảy vọt

Thoạt nhìn vào các lý do cơ bản được tuyên bố bởi các chương trình dự kiến hoặc đã được triển khai, tại bảy quốc gia kể trên (Qatar là một ngoại lệ), có thể thấy việc tuyển sinh sinh viên quốc tế được coi là trọng điểm. Bốn quốc gia bao gồm các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Malaysia, và Singapore đã thu hút được một số lượng đáng kể các trường đại học hay công ty nước ngoài vào cung cấp ngày càng nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo cho các sinh viên trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên hướng đi này giả định về sự phát triển tuyến tính từ trung tâm đầu mối về sinh viên, thành trung tâm đầu mối về giáo dục và đào tạo, rồi tới trung tâm đầu mối về tri thức và sáng tạo. điều này có thể là một cách nhìn nhận hạn chế hoặc một giả thiết thiếu chính xác. Liệu có thể nhảy cóc từ một trung tâm đầu mối về sinh viên để trở thành một trung tâm đầu mối về tri thức, hay liệu việc hình thành ngay từ ban đầu một trung tâm đầu mối về tri thức và sáng tạo có khả thi không? Nhìn từ khia cạnh giáo dục, có thể nói rằng hiện nay chưa có một quốc gia nào có được năng lực để gây dựng trung tâm đầu mối về tri thức, mặc dù một số nhà kinh tế hay một chuyên gia về thương mại có thể sẽ có quan điểm khác.

Các trung tâm đầu mối về giáo dục của khu vực là những bước phát triển quan trọng mới, nhưng liệu chúng có phải chỉ mang tính chất nhất thời hay không? Liệu chúng có ảo tưởng hay thực tế? Có lẽ là không, nhưng để các trung tâm đầu mối giáo dục này phát triển bền vững và đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi việc lập kế hoạch kỹ càng; sự chuẩn bị chu đáo về chính sách; cơ sở hạ tầng đầy đủ về trang thiết bị, công nghệ và con người; cũng như sự đầu tư công của các chính phủ. Trung tâm đầu mối giáo dục không nên chỉ là một nhãn hiệu do các quốc gia tự đặt ra nhằm tạo lợi thế về kinh tế hay địa chính trị trong khu vực. Cần có thêm các nghiên cứu phân tích về sự phát triển mới quan trọng và đầy phức tạp này trong giáo dục qua biên giới.

 

 

 

 GS. Jane Knight - Nguyễn Thùy Anh dịch - Barn tin số 243, tháng 5/2011
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :