Video
Trang chủ   >  Video  >    >  
Giáo sư Bernhard Dahm người luôn hết mình vì Việt Nam
Có thể nói, cả cuộc đời mình, GS. Dahm, đã gắn bó với sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu về lịch sử Đông Nam á. Sinh năm 1932 ở Siegerland, miền bắc nước Đức, ông sớm có mối quan tâm đến lịch sử và sự phát triển của khu vực xa xôi này. Chính vì thế, năm 1964 ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ chuyên sâu về lịch sử và văn hoá Inđônêxia. Trình độ chuyên môn của ông đã được thừa nhận và đánh giá cao ở nhiều trường đại học trên thế giới, trong đó phải kể đến đại học danh tiếng Yale (Hoa Kỳ) trong các năm 1967-1969 và 1972-1973, khi ông tham gia chương trình nghiên cứu Đông Nam á và là giáo sư thỉnh giảng ở đây.

Ở CHLB Đức, sau 10 năm giảng dạy ở Đại học Kiel (1973-1983), bắt đầu từ năm 1984, chính ông là người đã đắp móng xây nền cho ngành Đông Nam á học thuộc Đại học Passau. Bằng tất cả kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình, GS. Dahm đã góp phần quyết định trong việc biến Passau thành một trong những trung tâm có tên tuổi trong “làng” nghiên cứu Đông Nam á ở phạm vi toàn thế giới. Ông là tác giả của hàng chục chuyên khảo và hàng trăm bài báo có giá trị, trong đó phải kể đến Sukarnos Kampf um Indonesiens Unabhaengigkeit (Sukarno và cuộc đấu tranh giành độc lập cho Inđônêxia, Tiếng Đức -1966), đã được dịch sang tiếng Hà Lan (1966), tiếng Anh (1969) và tiếng Inđônêxia (1987), History of Indonesia in the Twentieth Century (Lịch sử Inđônêxia trong thế kỷ XX, 1971), Vietnamese Village in Transition (Làng xã Việt Nam thời kỳ chuyển đổi, 1999) và gần đây nhất là Suedostasien-handbuch (Sách tra cứu Đông Nam Á, 1999).

GS. B.Dahm cùng các học trò và đồng nghiệp.

Với Việt Nam, ngay từ cuối những năm 1980, GS. Dahm cùng với GS. Phan Huy Lê là những người đi tiên phong trong việc thiết lập và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học của hai nước Việt - Đức, giữa Đại học Passau và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1990, GS. Dahm đã có sáng kiến tổ chức tại Đại học Passau một cuộc hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành đến từ Hà Nội, mở ra một thời kỳ mới cho sự hợp tác khoa học hiệu quả giữa hai bên. Những năm tiếp theo, cùng với các giáo sư của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS. Dahm đã tiến hành chương trình nghiên cứu về tác động của chính sách đổi mới đối với sự phát triển của các làng nghề truyền thống của Việt Nam. Thông qua hợp tác này, ông đã cung cấp cho Khoa một bộ sách tra cứu quan trọng và một số trang thiết bị giúp cho giáo viên và sinh viên giảng dạy và học tập tốt hơn. Với sự giúp đỡ tận tình của ông, hàng chục lượt cán bộ Việt Nam đã đến Đại học Passau giảng dạy, nghiên cứu, nâng cao trình độ theo các chương trình học bổng khác nhau. Trong số họ, có nhiều người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. 

Mùa xuân này, mặc dù tuổi đã cao, nhưng GS. Dahm vẫn nhận lời mời của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tham dự hội thảo “Bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - CHLB Đức”, được tổ chức vào ngày 23-24/2/2005. Với ông, đó là niềm vui được quay trở lại đất nước mà ông đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình, được gặp lại các đồng nghiệp đã cùng ông chia sẻ những tháng ngày gian khó, vất vả. Với chúng tôi, đó là niềm vui được đón người thầy cũ luôn hết lòng vì học trò. Tất cả chúng tôi đều gọi ông bằng cái tên Việt Nam trìu mến “Bác Đăm”./.

 

                                                              Hà Nội  2/2005

                                                     PHẠM QUANG MINH

                 (*) TS, khoa Quốc tế học, trường ĐHKHXH&NV

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: