Video
Trang chủ   >  Video  >    >  
ĐHQGHN ký thoả thuận hợp tác với Đại học Ryukyus, Nhật Bản
Ngày 17/3/2005, tại Okinawa, Nhật Bản đã diễn ra Lễ ký kết văn bản thoả thuận hợp tác giữa Đại học Ryukyus - Okinawa và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tham dự lễ ký kết về phía Đại học Ryukyus có GS. Morita Moshin, Giám đốc Đại học Ryukyus, cùng các Phó giám đốc, các nhà quản lý đại diện một số đơn vị đào tạo và nghiên cứu của ĐH Ryukyus. Về phía ĐHQGHN có GS.TSKH Đào Trọng Thi, Giám đốc ĐHQGHN cùng lãnh đạo một số ban chức năng của ĐHQGHN.

ĐH Ryukyus là đại học tổng hợp quốc lập duy nhất của Okinawa, quần đảo cực Nam của Nhật Bản, được thành lập tháng 3/1950 với sứ mệnh quan trọng là xây dựng một nền giáo dục và nghiên cứu hàn lâm trên cơ sở những đặc điểm địa lý và lịch sử đặc trưng của Okinawa. ĐH Ryukyus bao gồm 8 khoa thành viên, 6 khoa sau đại học trực thuộc, nhiều trung tâm nghiên cứu và trung tâm phục vụ. Từ 44 thành viên trong buổi đầu thành lập, sau 55 năm xây dựng và phát triển, đến nay ĐH Ryukyus đã có 1744 cán bộ viên chức, trong đó có 295 giáo sư, 249 phó giáo sư và nhiều nhà nghiên cứu có trình độ cao.

Trong nhiều năm gần đây, đã có một số giáo sư, nhà nghiên cứu, học viên, sinh viên của Việt Nam và của ĐHQGHN nói riêng sang ĐH Ryukyus tham gia các chương trình nghiên cứu, đào tạo về một số chuyên ngành như kinh tế, công nghệ thông tin, ngôn ngữ và văn hoá, công nghệ sinh học... Song đây là lần đầu tiên một văn bản thoả thuận khung chính thức được ký kết giữa ĐH Ryukyus và ĐHQGHN trên cơ sở sự đồng thuận, trong khuôn khổ cho phép về tài chính, cơ sở vật chất và năng lực của mỗi bên. Hai đại học nhất trí xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên và cán bộ, trao đổi các tài liệu và ấn phẩm khoa học, cùng nhau phối hợp hợp tác nghiên cứu, tổ chức các hội nghị và hội thảo chuyên đề cùng các trao đổi khoa học khác với các mục đích về khoa học, giáo dục, văn hoá, góp phần vào lợi ích phát triển chung của hai đại học.

Đối với ĐHQGHN, văn bản thoả thuận hợp tác chính thức với ĐH Ryukyus mở ra một cơ hội giao lưu, trao đổi, hợp tác mới trong một số lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học với một trong những cơ sở đào tạo có uy tín của Nhật Bản. Sau văn bản thoả thuận khung, một số chương trình trao đổi sinh viên, giáo viên, nghiên cứu khoa học cụ thể sẽ được triển khai trong thời gian sắp tới.

 Thanh Lan - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 169, tháng 3/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :