Video
Trang chủ   >  Video  >    >  
Nigeria Các ngân hàng cần phải đầu tư cho giáo dục
LTS: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội hóa giáo dục và đa dạng hóa các nguồn thu cho giáo dục là xu thế tất yếu tại tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại các nước thế giới thứ 3, nơi có nền giáo dục chưa phát triển. Ý thức được vấn đề đó, chính phủ Nigeria đang tổ chức nhiều hoạt động, nhằm khuyến khích sự đầu tư cho giáo dục từ phía các ngân hàng.

"Các ngân hàng cần phải đầu tư cho giáo dục nhiều hơn nữa bởi tương lai của chính họ bởi nền kinh tế quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng giáo dục hiện nay". Đó là lời phát biểu bế mạc của giám đốc quản lý kiêm điều hành của ngân hàng Spring Bank Plc, tiến sĩ Suleyman Ndanusa trong buổi lễ trao Giải thưởng Giáo dục bang Lagos 2008, do Dự án Greatglorious tổ chức tại sân vận động quốc gia Lagos.

 

Ông Ndanusa cho rằng các ngân hàng đang phải đối mặt với việc nhân sự thiếu kỹ năng trầm trọng, hậu quả của việc chất lượng giáo dục quá thấp.

 

Tuy nhiên, ông cũng tin rằng cùng với mối quan hệ ngày càng được mở rộng  giữa các ngân hàng và trường học từ hai năm nay, nền kinh tế đất nước sẽ có những biến chuyển nhanh chóng."Nếu các bạn muốn biết sự thay đổi ở Nigeria đang diễn ra như sao, các bạn hãy nhìn vào diện mạo nền giáo dục, bởi đó chính là tấm gương phản chiếu tương lai của đất nước; do vậy chúng ta không thể xem nhẹ vấn đề này."

 

Nhấn mạnh vào vai trò của các tổ chức tư nhân trong việc phát triển nền giáo dục, ông cho rằng các tiêu chuẩn của giáo dục cần phải được gắn liền hơn nữa với sự tham gia của các tổ chức tư nhân.

 

Giám đốc chương trình Giải thưởng Giáo dục Bang Lagos, tiến sĩ Cosam Gabriel cho biết sự kiện này đã đóng góp không nhỏ cho công tác phổ biến giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học đối với thanh niên; điều đã trở thành một yếu tố then chốt để đương đầu với các thách thức của thế kỷ XXI.

 

Giải thưởng này bao gồm 29 lĩnh vực, hướng tới tất cả các lĩnh vực mà sinh viên đang quan tâm như nghệ thuật, khoa học, game, âm nhạc, khiêu vũ với mục đích thư giãn, phát triển tài năng trong một nền giáo dục tiên tiến. Những người đạt giải phải là những sinh viên chăm chỉ và có tinh thần trách nhiệm cao nhất. Họ cũng phải chứng minh được khả năng cạnh tranh và tinh thần đồng đội, là những yếu tố cơ bản mà con người cần phải có trong một xã hội cùng nhau hợp tác và chung sống trong hòa bình.

 

Nigeria là nước đông dân nhất tại châu Phi và đông dân thứ 9 trên thế giới. Theo số liệu tháng 7/2007, dân số của Nigeria là 135.031.164 người[1], mật độ dân số khoảng 139 người/km². Con người đã có mặt tại Nigeria khoảng 9000 năm trước công nguyên. Trong lịch sử, tại Nigeria đã tồn tại rất nhiều quốc gia khác nhau với nhưng nền văn hóa riêng đặc sắc. Bước sang thế kỉ XIX, Nigeria trở thành một thuộc địa của Đế chế Anh. Nước này giành được độc lập vào ngày 1/10/1960. Ngày nay, Nigeria vẫn là một nước nghèo, chỉ số phát triển con người ở mức rất thấp. Nigeria là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi và là thành viên của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Nhờ xuất khẩu dầu mỏ, kinh tế Nigeria đã bắt đầu phát triển trong những năm gần đây nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, trong đó có giáo dục. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng cho đến nay nền giáo dục của Nigeria vẫn còn khó khăn và bất cập. Cho đến nay, chỉ có khoảng 68% dân số biết đọc, biết viết, 47% trẻ em trong độ tuổi đi học được tới trường. Trong cả nước, Nigeria chỉ có hơn 30 cơ sở giáo dục đại học, với khoảng 200.000 sinh viên. Tuy nhiên, chất lượng của các trường này cũng vẫn còn rất thấp. Có ý kiến cho rằng, Nigeria là đất nước có tỷ lệ kỹ sư lành nghề thấp nhất trong các nước thế giới thứ 3.

 Phạm Văn tổng hợp - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :