Giải thưởng ĐHQGHN
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >   Giải thưởng Khoa học - Công nghệ  >   Giải thưởng ĐHQGHN
Giải thưởng ĐHQGHN 2010: Lịch sử Việt Nam: Truyền thống và Hiện đại

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009
1. Tên tác giả: GS.TSKH Vũ Minh Giang
2. Giới thiệu tóm tắt công trình
Đây là một tuyển tập các công trình nghiên cứu bao gồm các chuyên khảo, chuyên luận, các bài nghiên cứu và các tham luận khoa học. Phần lớn các công trình trong tuyển tập này đã được công bố dưới các hình thức khác nhau trong khoảng thời gian hơn 20 năm qua và được cộng đồng khoa học kiểm nghiệm, góp ý và đánh giá cao. Trên cơ sở đó, năm 2009 tác giả đã tuyển chọn, tu chỉnh, bổ sung để xây dựng một tập đại thành với bốn nội dung lớn như sau:
Phần thứ nhất: Truyền thống và hiện đại.
Phần này gồm có 10 chuyên luận, có thể được chia làm hai nhóm công trình. Nhóm thứ nhất bàn về các vấn đề cơ bản như “Nội dung truyền thống Việt Nam” và “Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam”. Đây là những vấn đề được đề cập đến trong rất nhiều công trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiếm khi các nhà nghiên cứu đặt vấn đề nghiên cứu nghiêm túc và toàn diện về hai vấn đề trên. Do đó, cách hiểu về hai vấn đề trên trong giới nghiên cứu không những khác nhau mà còn có cả một số cách hiểu không đúng, ngộ nhận. Với những chuyên luận này, lần đầu tiên hai vấn đề trên được khảo cứu một cách sâu sắc, theo cách tiếp cận liên ngành và phân tích đa chiều, đa diện. Nhờ đó nhiều nhận thức mới về hai vấn đề trên đã được nêu ra trên cơ sở những luận cứ chắc chắn.
Nhóm thứ hai trong phần này là một loạt chuyên luận bàn về những biểu hiện, những sắc thái và những nội dung cụ thể của truyền thống Việt Nam và của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đặt trong mối liên hệ với những quá trình, những vấn đề của xã hội Việt Nam hiện đại, như vấn để đổi mới hệ thống chính trị, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, vấn đề giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ vv... Mỗi vấn đề cụ thể là một sự tìm tòi, khám phá và thể nghiệm sáng tạo của cách hiểu và cách tiếp cận hai vấn đề cơ bản đã trình bày ở nhóm chuyên luận thứ nhất.
Phần thứ hai: Lịch sử và văn hóa
Phần này bao gồm 15 chuyên luận được chia làm ba nhóm lớn. Nhóm thứ nhất: “Vấn đề ruộng đất – nông nghiệp và nông dân” bao gồm 5 công trình tập trung khảo cứu về chế độ và các hình thức sở hữu và chiếm hữu ruộng đất trong các thời kỳ lịch sử. Đây là một trong những vấn đề đã được thảo luận nhiều trong giới nghiên cứu về lịch sử và kinh tế Việt Nam. Các chuyên luận được công bố trong tuyển tập này trình bày những phát hiện và những cách kiến giải riêng của tác giả tiếp cận vấn đề theo hai hướng chủ đạo: thứ nhất nhìn nhận vấn đề ruộng đất như một yếu tố cơ bản, hằng xuyên của lịch sử kinh tế Việt Nam, như một chìa khóa để nhận thức mối quan hệ giữa làng với nước, giữa kinh tế và chính trị, giữa tập quán và pháp luật. Hướng tiếp cận thứ hai là đặt vấn đề ruộng đất, nông nghiệp và nông dân trong mối liên hệ giữa truyền thống với hiện đại, thông qua đó khám phá những chiều cạnh văn hóa và lịch sử trong chính sách đối với nông dân, nông thôn, nông nghiệp hiện nay.
Nhóm thứ hai: “Xã hội và thể chế” bao gồm 4 chuyên luận bàn về một số vấn đề cơ bản của mối quan hệ giữa việc xác lập các thể chế, các chế định, bao gồm cả pháp luật của nhà nước quân chủ, với cơ tầng văn hóa và xã hội Việt Nam đặt trong cái nhìn xuyên suốt từ truyền thống đến hiện đại. Với cách tiếp cận này, tác giả mong muốn đưa lại những cách nhìn nhận và nhận thức khoa học mới về lịch sử xác lập thể chế và pháp luật ở Việt Nam.
Nhóm thứ ba: “Một số vấn đề cần làm sáng tỏ”, bao gồm 6 công trình là những nghiên cứu chuyên sâu của tác giả về một số vấn đề vốn được bàn thảo nhiều trong nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam đặt trong những mối liên hệ khu vực và quốc tế. Ở từng vấn đề tác giả trình bày những lập luận và những cách kiến giải riêng của mình, góp phần làm sáng tỏ một số tồn nghi lịch sử, như vấn đề trang bị, hành quân của nghĩa quân Tây Sơn, vấn đề thời điểm lập quốc và hình thành dân tộc, vấn đề tương tác và giao lưu văn hóa của Việt Nam với các dân tộc trong khu vực vv...
Phần thứ ba: Nhận thức lịch sử từ một số phương pháp tiếp cận      
Đây là một trong những phần quan trọng nhất, bao gồm 11 chuyên luận, tập trung thảo luận về một loạt vấn đề liên quan đến phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận. Để thấy rõ ý nghĩa của những công trình này cần phải ghi nhận một thực tế là: giới nghiên cứu sử học nói riêng và nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn nước ta nói chung đều rất ít khi thảo luận về vấn đề lý luận khoa học, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận. Thực tế này xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là hiện tượng nghèo nàn trong tư duy, tìm tòi về phương pháp. Phần đông các nhà nghiên cứu tỏ ra “yên tâm” với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin và những “phương pháp truyền thống”. Thứ hai, thường thì những nghiên cứu, tìm tòi trong lĩnh vực này vừa đòi hỏi nhà nghiên cứu tham bác và có hiểu biết sâu sắc về những lý thuyết và phương pháp mới, đồng thời bản thân họ phải tự mình vận dụng, thử nghiệm những phương pháp, cách tiếp cận mới trong các nghiên cứu của mình, trên cơ sở đó mới có thể đúc kết lý luận và kinh nghiệm rồi trình bày chúng trong những công trình nghiêm túc.
Xuất phát từ thực tế trên, trong các công trình này, tác giả không đi sâu, trình bày trực tiếp về một hệ thống phương pháp nghiên cứu hay cách tiếp cận nào mà ngược lại, cố gắng chỉ ra cách vận dụng những hệ phương pháp và cách tiếp cận hiện đại thông qua việc xem xét và giải quyết một số vấn đề cụ thể của khoa học lịch sử và của ngành Việt Nam học. Có những chuyên luận tác giả đi sâu thể nghiệm một số phương pháp cụ thể như văn bản học, phê phán sử liệu, phân tích định lượng vv... nhưng điều tác giả muốn nhấn mạnh hơn là việc sử dụng hợp lý một loạt phương pháp nghiên cứu theo hướng tiếp cận liên ngành trong giải quyết những nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể.
Phần thứ tư: Nhìn nhận lại một số nhân vật lịch sử
Trong lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới luôn tồn tại nhiều nhân vật lịch sử “có vấn đề”, tức là do những nguyên nhân nào đó mà họ không được trình bày và đánh giá nhất quán bởi giới nghiên cứu hoặc công luận. Sự thiếu nhất quán này có thể bắt nguồn từ chỗ những sử liệu liên quan đến các nhân vật đó còn chưa được thu thập đầy đủ, thông tin xác thực về nhân vật lịch sử chưa được cung cấp đủ. Nhưng trong phần lớn các trường hợp thì sự khác nhau nằm ở chỗ các nhà nghiên cứu có những định kiến chính trị, văn hóa khác nhau hoặc họ dựa trên những lý luận, phương pháp và cách nghiên cứu khác nhau.
Trong phần này, với 9 bài nghiên cứu, tác giả đưa ra những cách kiến giải riêng của mình về một số nhân vật quan trọng trong lịch sử Trung đại Việt Nam, như Lý Công Uẩn, Lý Nghĩa Mẫn, Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, Quang Trung và Đặng Tiến Đông. Những nghiên cứu này không chỉ cung cấp thêm thông tin, mà phần lớn là những thông tin từ các nguồn sử liệu mới, mà còn đề xuất những cách tiếp cận mới, cách nhìn nhận mới để góp phần vào việc đánh giá toàn diện, đầy đủ và chính xác hơn về các nhân vật lịch sử nói trên.
Tóm lại, với 45 chuyên luận khoa học, tập đại thành các công trình nghiên cứu này công bố có tính hệ thống những vấn đề cơ bản trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam đặt trong mối liên hệ biện chứng giữa nội dung các vấn đề nghiên cứu với lý luận, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận hiện đại; giữa các vấn đề truyền thống và hiện đại, giữa kinh tế với chính trị, xã hội và văn hóa. Trong từng vấn đề cụ thể, tác giả đều cố gắng đưa ra những cách kiến giải, lập luận riêng, song đều tập trung hướng tới một mục đích là góp phần đổi mới nhận thức lịch sử dân tộc theo hướng toàn diện, đầy đủ, chân thực hơn.
Xét trên cả phương diện lý luận khoa học, phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận cũng như trên phương diện những nghiên cứu cụ thể, tuyển tập các công trình này đều có những đóng góp mới mẻ và có ý nghĩa khoa học thiết thực và quan trọng, góp phần vào bước phát triển mới của nền sử học nước nhà phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước.
Đây là kết quả, là thành tựu của một quá trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu, công phu và sáng tạo của tác giả, nhưng trên hết là tâm huyết của một nhà giáo gắn bó với giảng đường đại học đến nay đã hơn ba thập kỷ. Tác giả tin tưởng rằng đồng nghiệp và các thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành sử và các ngành khoa học xã hội và nhân văn sẽ tìm thấy ở công trình này không chỉ những chỉ dẫn cụ thể về chuyên môn, những chỗ dựa về phương pháp mà cả tình cảm tha thiết và thái độ nghiêm cẩn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.

 Ban Khoa học Công nghệ - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :