Đào tạo
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >  
ĐHQGHN tổng kết đánh giá chương trình Nhiệm vụ chiến lược giai đoạn 2008 – 2014
Trung tuần tháng 10 vừa qua, tại ĐHQGHN đã diễn ra Hội nghị Tổng kết đánh giá thực hiện chương trình Nhiệm vụ chiến lược giai đoạn 2008 – 2014. Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

Tới dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng và các Ban chức năng của ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị đào tạo, Giám đốc các đề án thành phần.
Từ năm 2008, ĐHQGHN đã tập trung củng cố và phát triển một số ngành, chuyên ngành theo hướng đạt chuẩn quốc tế và coi đây là nhiệm vụ chiến lược (NVCL) của ĐHQGHN. Cùng với việc đầu tư phát triển một số ngành, chuyên ngành, ĐHQGHN đã tổ chức đào tạo các chương trình đào tạo đại học và sau đại học theo mô hình của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới. ĐHQGHN ưu tiên quản lý và tổ chức đào tạo theo chương trình đào tạo của các trường đại học có uy tín của nước ngoài bằng tiếng Anh – điều kiện tiên quyết cho việc đào tạo chuyên môn ở trình độ cao và hội nhập quốc tế. Việc tổ chức giảng dạy bằng tiếng Anh nhằm nâng cao cơ hội quốc tế hóa và hội nhập cho giảng viên và sinh viên trong nước, cũng như nâng cao khả năng thu hút giảng viên, sinh viên nước ngoài đến giảng dạy và học tập ở ĐHQGHN.
Tháng 10/2012, ĐHQGHN đã tổ chức đánh giá sơ kết tình hình thực hiện NVCL giai đoạn 2008 – 2012. Theo đó, việc đầu tư phát triển một số ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế theo mô hình hiện đại được coi là đúng hướng đối với các lĩnh vực công nghệ, khoa học tự nhiên, kinh tế, kỹ thuật. Đối với các ngành thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn, mô hình cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của từng ngành. Tháng 9/2013, ĐHQGHN đã có những điều chỉnh căn bản trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chiến lược, cụ thể là đồng thời với việc tổ chức các chương trình NVCL bằng tiếng Anh, các đơn vị có thể tổ chức đào tạo các chương trình hệ chuẩn song song để có sự chuyển đổi sinh viên giữa 2 hệ trong quá trình kiểm tra đánh giá, sàng lọc chất lượng người học trong quá trình đào tạo. 
Đến nay, ĐHQGHN có 10 Đề án thành phần NVCL với 16 chương trình đào tạo từ bậc cử nhân đến bậc tiến sỹ (8 chương trình đào tạo bậc cử nhân, 4 chương trình đào tạo bậc thạc sỹ, 4 chương trình đào tạo bậc tiến sỹ). Tất cả các chương trình đều áp dụng theo mô hình của các trường đại học đối tác nằm trong nhóm 200 trường đại học hàng đầu thế giới.
Sau 6 năm thực hiện chương trình NVCL, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên nói chung và đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên chương trình đạt chuẩn quốc tế nói riêng đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Từ 2008 đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích cực tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, thu hút các nhà khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên tham gia chương trình đào tạo chuẩn quốc tế. So với kế hoạch đặt ra trong tổng số các đề án thành phần, ĐHQGHN đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu về: Phát triển đội ngũ có chức danh phó giáo sư, tiến sĩ; Mời giảng viên từ trường đối tác và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu nước ngoài sang giảng dạy, hợp tác nghiên cứu; Các giảng viên tham gia NVCL đều được cử đi đào tạo bồi dưỡng (chuyên môn/ngoại ngữ/phương pháp giảng dạy) ở nước ngoài.
Về khoa học và công nghệ, tổng số đề tài khoa học công nghệ do các đề án thành phẩn triển khai thực hiện thuộc NVCL là 268, trong đó số đề tài cấp Nhà nước và nghiên cứu cơ bản (NAFOSTED) chiếm 25%; đề tài nhóm A, B cấp ĐHQG chiếm 20%. 55% còn lại là các đề tài, dự án các cấp khác. Kết quả đạt được là 683 bài báo/báo cáo khoa học trong nước và 378 bài báo/báo cáo khoa học quốc tế, 40 sách chuyên khảo được xuất bản, 01 bằng sáng chế và 07 giải thưởng khoa học công nghệ. Các sản phẩm khoa học công nghệ tính chung cho toàn ĐHQGHN đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu.
Chương trình đào tạo đã được xây dựng đảm bảo các yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập theo chương trình đào tạo của các trường đại học đối tác có uy tín. Chuẩn đầu ra được xây dựng đáp ứng mục tiêu nâng cao khả năng sáng tạo, phát triển tầm nhìn và có kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm phù hợp. Một số chương trình đã được đánh giá kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN và đạt điểm cao, như các chương trình Hóa học, Sinh học, Ngôn ngữ học, Khoa học Máy tính và Điện tử Viễn thông. Đến nay, ĐHQGHN đã đầu tư mua 646 đầu mục giáo trình và sách tham khảo gồm 4.386 cuốn phục vụ các chương trình đào tạo nhiệm vụ chiến lược. Tính riêng giáo trình, tổng số đầu mục đã mua là 245. Mức độ phủ giáo trình tiếng Anh cho các môn học đạt 92%. Xây dựng 25 phòng học hiện đại phục vụ đào tạo cho sinh viên NVCL.
Trong quá trình thực hiện, 100% các đề án thành phần đều có đối tác hợp tác đào tạo đạt yêu cầu (nằm trong 200 trường hàng đầu thế giới). Không chỉ dừng ở việc tham khảo chương trình đào tạo, một số đơn vị như Trường Đại học KHTN, Trường Đại học Công nghệ đã phát triển quan hệ hợp tác bền vững trong việc trao đổi giảng viên, hợp tác nghiên cứu, ... với các trường đối tác của các Đề án. Cùng với đó, các đơn vị đào tạo đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, như: Samsung, Viettel, Tập đoàn dầu khí và một số tập đoàn, công ty khác. Đây là các nhà tuyển dụng thường xuyên nguồn sinh viên từ NVCL.
Tổng số sinh viên và học viên NVCL từ năm 2008 đến năm 2013 là 2525 trong đó có 324 học viên cao học và nghiên cứu sinh, 2201 sinh viên. Tính đến tháng 9/2014, các chương trình Ngôn ngữ học, Quản trị Kinh doanh, Khoa học Máy tính, Công nghệ Điện tử Viễn thông đã có 3 khóa tốt nghiệp, các chương trình Vật lý, Sinh học, Địa chất có 2 khóa tốt nghiệp. Tổng số sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn quốc tế trong toàn ĐHQGHN là 490, đạt tỷ lệ 54%. Trong đó, chương trình có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao nhất là Quản trị Kinh doanh, đạt tỷ lệ 69%. Các chương trình khác lần lượt là Khoa học Máy tính (66%), Địa chất (60%), Công nghệ Điện tử Viễn thông (54%), Sinh học (52%), Vật lý (43%).
Năm 2014, ĐHQGHN bắt đầu tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực để tuyển chọn người học cho các chương trình đào tạo đặc biệt bao gồm đào tạo chuẩn quốc tế (NVCL). Cùng với việc ban hành Quy định điều chỉnh về việc cho phép các đơn vị đồng thời triển khai đào tạo chương trình chuẩn, quy mô tuyển sinh đối với các chương trình đạt chuẩn quốc tế có thay đổi. Số lượng tuyển sinh phụ thuộc năng lực đáp ứng chương trình đào tạo của người học.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà các đề án thành phần đã đạt được trong giai đoạn 2008 – 2014. Qua 6 năm thực hiện chương trình NVCL, ĐHQGHN đã có những kết quả nổi bật với các điểm sáng thuộc 5 lĩnh vực: Phát triển đội ngũ; Nâng cao chất lượng các hoạt động khoa học và công nghệ; Hiện đại hoá chương trình và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trong nước và quốc tế; Đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Tuy nhiên, Giám đốc cũng thẳng thắn cho rằng, cấu trúc, kế hoạch, các bước thực hiện NVCL chưa thật sự nề nếp, một số đề án, chương trình chưa thật sự rõ nét, chưa chỉ rõ điểm điểm yếu, điểm mạnh để có thể “khắc phục cái yếu, phát triển cái mạnh”; Chúng ta cần nhìn nhận công bằng, khách quan và trách nhiệm trước xã hội là số sinh viên kiếm được việc làm đúng ngành nghề ngay sau khi tốt nghiệp tỉ lệ chưa cao, chưa huy động được cao nhất lực lượng giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong toàn ĐHQGHN, đặc biệt công tác chuẩn bị nhân sự của chương trình còn nhiều hạn chế, dẫn đến khi vào thực hiện đề án thì vẫn còn lúng túng.
Giám đốc đánh giá, các chương trình đào tạo NVCL là hướng đi đúng đắn của ĐHQGHN theo đúng đường lối đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học của Đảng, Nhà nước, chính vì vậy cần tiếp tục đầu tư ở các mức độ khác nhau để chương trình này có thể phát triển hơn nữa. Đồng thời, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị đào tạo cần phải chủ động, ĐHQGHN sẽ tạo điều kiện tối đa về mặt cơ chế, đây là cơ chế đặc thù gắn với từng chương trình chứ không gắn rời rạc với từng đơn vị. Các đơn vị đào tạo cần dựa trên tính đặc thù về chuyên môn của từng chương trình đào tạo để phê duyệt các đề án thành phần, từ đó xác định điều kiện đạt chuẩn quốc tế của các chương trình đào tạo. Giám đốc ĐHQGHN đề nghị các đơn vị đào tạo cần rà soát, củng cố 16 đề án thành phần, bên cạnh đó phát triển thêm các ngành, chuyên ngành mới theo tiêu chí của chương trình NVCL và cần phân loại cụ thể; chủ động trong việc tổ chức đào tạo với phương thức linh hoạt, chú trọng từ chuẩn đầu vào đến chuẩn đầu ra.

 Thiên Hương - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :