Đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >   Đại học
Người yêu nước không thể dửng dưng với truyền thống
Vì sao ngành sử học hiện nay không được xã hội quan tâm đúng mức? Phải chăng môn học này không còn phù hợp hay cách dạy và học sử đã lỗi thời? Trong bối cảnh như vậy, việc đổi mới phương thức dạy và học môn sử có ý nghĩa như thế nào? GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQGHN có ý kiến về vấn đề này.

GS.TSKH Vũ Minh Giang trong một buổi tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân
(ảnh: Bùi Tuấn)
 
Giáo sư có suy nghĩ gì về hiện tượng nhiều học sinh, sinh viên không hào hứng học môn lịch sử? 
Dạy và học môn Lịch sử hiện nay ở bậc phổ thông lẫn bậc đại học hoặc ở các trường chuyên nghiệp không được nhiều người học quan tâm là một thực tế. Nhưng để giải thích hiện tượng ấy thì quả thực cho đến nay chưa có một công trình nào nghiên cứu sâu sắc để đưa ra những luận giải thật thuyết phục. Tuy nhiên, có thể không khó để nhận ra rằng hiện nay phương pháp giảng dạy, môn Lịch sử cũng như các môn khoa học xã hội nói chung đã lạc hậu.
Giáo sư có thể cho biết cụ thể hơn?
Như chúng ta đã biết, việc học tập một môn học nào đó điều cốt yếu không phải là ở những kiến thức cụ thể, nhất là ở thời đại tin học. Tri thức cụ thể của nhân loại là vô tận. Nếu chúng ta yêu cầu người học phải ghi nhớ trong đầu tất cả những kiến thức đó đều là không tưởng, vả lại những kiến thức ấy của người cung cấp kiến thức chưa hẳn đã chuẩn xác. Điều quan trọng bậc nhất là truyền cho người học niềm ham mê học tập môn học, dạy cho người học những công cụ để có thể tự tìm hiểu, nghiên cứu những tri thức liên quan tới môn học ấy. Cho nên, phương pháp dạy và học là quan trọng hàng đầu, chứ không phải là những kiến thức cụ thể.
Theo lối học “tầm chương trích cú” truyền thống, khi mà tri thức còn ít, cách thức trang bị kiến thức còn thô sơ, những lượng kiến thức cụ thể được coi là tiêu chuẩn dánh giá trình độ. Chính vì vậy mà trong các kì thi đều đưa ra các câu hỏi kiểm tra những kiến thức cụ thể đã được trang bị. Đấy không phải chỉ là vấn đề của sử học mà còn là hạn chế chung của khoa học xã hội nhân văn mà chúng ta chưa thoát ra được. Cách dạy này không còn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại ngày nay và đang tỏ ra bất cập, làm cho người học ngao ngán, chán nản. Mặt khác người chuẩn bị kiến thức để trang bị cho học sinh chưa chắc đã lựa chọn được những kiến thức hay nhất, chính vì vậy khó tạo sự hứng thú đối với học sinh trong việc học để nhớ. Ở các nước tiên tiến đối với khoa học lịch sử , người học chỉ phải nhớ những kiến thức cơ bản. Bất cứ một giai đoạn lịch sử nào cũng có một số sự kiện cơ bản không thể quên. Người chuẩn bị chương trình, người dạy phải tìm ra những sự kiện tiêu biểu, quan trọng, nếu không biết hoặc nhớ sai thì sẽ làm hỏng tất cả những tri thức khác. Đó mới là những kiến thức cơ bản. Điều quan trọng nhất là người dạy phải xác định phương pháp dạy, kết hợp với hệ thống bổ trợ để tạo hứng thú cho người học, khiến người học yêu thích môn học đó.
Như chúng ta đã biết, quá khứ là cả một kho kinh nghiệm với biết bao nhiêu sự kiện những diễn biến, những tình tiết hấp dẫn. Việc chọn ra những sự kiện cốt yếu và dạy cho người ta yêu tìm hiểu lịch sử rõ ràng hiện nay chúng ta chưa chú ý, thậm chí chưa để tâm đến. Rồi hệ thống bổ trợ như bảo tàng, hay các cách thức truyền tải khác như nghệ thuật điện ảnh, tiểu thuyết thì còn quá thiếu.
Khoa học lịch sử còn có sứ mệnh giáo dục ý thức công dân, là phương tiện để giúp ta dung dưỡng tinh thần và lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc, truyền cho người học tình cảm, nhiệt huyết với lịch sử dân tộc, yêu dân tộc. Không thể nói rằng một người nói là yêu nước mà lại ghẻ lạnh với lịch sử dân tộc, dửng dưng trước truyền thống của cha ông. Để làm cho người học hiểu được ý nghĩa này đôi khi người dạy cũng không chú ý lắm mà chỉ giảng dạy những bài học lịch sử, những ý của người này, người kia, hay của thầy, rồi bắt người học chôn chặt những phân tích, ý nghĩa đó, chứ chưa phải là truyền cho người ta tình cảm yêu thích môn học.
Kì thi tuyển sinh đại học vừa qua đã có hàng nghìn điểm 0 môn Lịch sử, ý kiến của Giáo sư về vấn đề này?
Trước thực tế điểm thi môn lịch sử đạt kết quả rất thấp của kì thi tuyển sinh đại học vừa qua có người cho là bình thường, nhưng quan điểm của tôi thì khác. Trong khi một kỳ thi quốc gia thì bất kì một lĩnh vực nào đó có hàng nghìn điểm 0 đều đáng báo động. Bởi thí sinh đã có một khoảng thời gian chuẩn bị rất kĩ cho môn học đó. Như vậy, hàng nghìn thí sinh, không làm được tí gì thì phải nghiêm túc xem xét lại từ cách dạy, cách học và cách đánh giá, chứ không thể chỉ đơn giản trách sinh viên.
Hàng nghìn điểm 0 môn Sử thì mức độ báo động lại còn nghiêm trọng hơn. Lịch sử không chỉ là một môn học thông thường mà là một khí cụ dung dưỡng tình cảm đối với dân tộc, đối với đất nước mình. Hàng nghìn người không thể trả lời được đề thi phải coi là rất bất thường.
 Phải chăng Nhà nước cần có những chính sách ở tầm vĩ mô để giúp những người làm Sử yên tâm với nghề?
Hiện nay, xã hội bị đồng tiền chi phối vì nhu cầu mưu sinh, học xong ai cũng mong có việc làm tốt và được trả lương cao. Những ngành quản trị kinh doanh, ngân hàng, kinh tế,… có nhiều cơ hội tìm việc và được trả lương đúng, đủ, cho nên ai cũng đổ xô đi học những ngành đó. Đấy chưa phải là một xã hội. Xã hội phải có nền tảng đạo đức, văn hóa và rất nhiều lĩnh vực khác nữa. Vì vậy, Nhà nước phải có sự điều chỉnh thế nào để những người làm việc không trực tiếp kiếm ra tiền mà có những đóng góp, những giá trị nhất định vào sự phát triển chung của xã hội. Hiện nay chúng ta chưa làm được việc đó. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải có một chương trình Quốc gia đối với khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có môn Lịch sử để có sự điều tiết trong tổng thu nhập của xã hội. Đây là một thực trạng đáng báo động trước một hiện tượng lệch lạc là cả xã hội đổ xô vào những lĩnh vực có thể kiếm được tiền ngay mà không chú ý tới tính phát triển bền vững của một quốc gia, của một dân tộc.
Vậy đâu là giải pháp căn bản để khắc phục thực trạng đó, thưa Giáo sư?
Cần tăng cường hơn nữa về phương pháp nghiên cứu. Phải coi lịch sử là thực thể khách quan, là đối tượng nghiên cứu của một khoa học. Để tiếp cận được đối tượng khách quan phải có những phương pháp nghiên cứu phù hợp. Phương pháp đã được Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đang được thực hiện được tiến hành.
Cùng với việc dạy và học, Nhà nước cũng cần phải tăng cường hệ thống bổ trợ, đầu tư thích đáng cho việc làm phim lịch sử, đầu tư, trang bị hệ thống bảo tàng hấp dẫn và nhiều hình thức khác,...
Việc tổ chức thi môn lịch sử cũng cần thay đổi theo hình thức đánh giá năng lực, tư duy phân tích của người học thay vì kiểm tra kiến thức của họ. Vừa qua, ĐHQGHN đã xây dựng đề án chuyển hình thức thi kiểm tra kiến thức sang hình thức thi đánh giá năng lực và đã được thử nghiệm trong kì thi tuyển sinh sau đại học đợt 1 năm 2011 theo hình thức này, đây là bước tiến vô cùng quan trọng trong việc đánh giá năng lực của học sinh.
Trong chuyến thăm và làm việc với ĐHQGHN, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã chỉ đạo xây dựng một Đề án Quốc gia về khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có Lịch sử. Đây là dịp để chúng ta đổi mới một cách căn bản việc dạy và học môn lịch sử và phát triển khoa học lịch sử.
 
 

 Việt Hà (thực hiện)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :