Đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >   Đại học
ĐHQGHN xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trình độ tiếng Việt cho học viên quốc tế
Vừa qua, Hội đồng nghiệm thu cấp ĐHQGHN do GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN làm Chủ tịch HĐ đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trình độ tiếng Việt của học viên quốc tế” (QG.TĐ. 13-17) do GS.TS Vũ Đức Nghiệu (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) chủ trì.

Đề tài có hai nhiệm vụ chính là xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá trình độ tiếng Việt của học viên quốc tế và xây dựng bộ đề tổ chức thi online đánh giá trình độ tiếng Việt của học viên quốc tế.
Nhóm chuyên gia đã triển khai các nhiệm vụ của đề tài căn cứ trên định dạng phân loại 3 trình độ, 6 cấp của khung tham chiếu châu Âu để xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá; căn cứ trên khung chung để bảo đảm cập nhật thông lệ quốc tế, yêu cầu của khoa học dạy tiếng, nhưng cũng phù hợp và thoả đáng với thực tế tiếng Việt và việc học - dạy tiếng Việt.
Những kết quả chính của đề tài gồm:
- Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn về kiểm tra đánh giá năng lực ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng.
- Xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt gồm 10 tiêu chuẩn và 51 tiêu chí.
- Xây dựng 24 bộ đề thi với 3600 câu hỏi thi khác nhau.
Đề tài đã nhận được những nhận xét, đánh giá cao từ các uỷ viên hội đồng và các chuyên gia trong ngành Ngôn ngữ học. Đây là lần đầu tiên một bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt được thiết kế dựa trên cơ sở lý luận hiện đại và thực tiễn giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Việt Nam. Kèm theo bộ tiêu chuẩn là 24 bộ đề gốc và văn bản hướng dẫn sử dụng đánh giá năng lực tiếng Việt của học viên quốc tế. Bộ tiêu chí này còn có thể sử dụng như là cơ sở đối chứng cho việc thiết kế chương trình giảng dạy, biên soạn giáo trình tiếng Việt phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Bộ đề thi đánh giá năng lực tiếng Việt của học viên quốc tế còn có thể sử dụng trên phạm vi toàn cầu thông qua mạng Internet.
GS.TS Đinh Văn Đức (Trường ĐHKHXH&NV) - uỷ viên Hội đồng thẩm định - nhận xét: Đề tài có tính khoa học, tính ứng dụng và tiên phong trong lĩnh vực ngôn ngữ học ứng dụng theo hướng giáo dục ngôn ngữ trong địa hạt đánh giá, kiểm định chất lượng trình độ học viên quốc tế học tiếng Việt như một ngoại ngữ. Đây là một nghiên cứu cấp thiết bởi chúng ta đã giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ nửa thế kỷ nay và đến giờ vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn đánh giá nào như ở các ngoại ngữ khác.
Sinh viên nước ngoài đang thi thử trên hệ thống phần mềm VITEST do
Trung tâm Ứng dụng CNTT thuộc Viện CNTT, ĐHQGHN thực hiện
GS. Đinh Văn Đức cũng cho rằng thành công của đề tài trước hết là nằm ở đội ngũ các nhà khoa học tham gia thực hiện đều là những chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ học, có bề dày kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt và hơn nữa, đã trăn trở, tâm huyết và ấp ủ việc thực hiện đề tài này từ rất lâu.
Cũng chia sẻ những quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học) nhận định: Tiếng Việt với tư cách ngoại ngữ cho người nước ngoài đã được giảng dạy từ lâu, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có lý do về nhu cầu học tiếng Việt như một ngoại ngữ chưa nhiều so với các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Hán… nên đến nay vẫn chưa có khung đánh giá mang tính quốc tế. Với đề tài này, lần đầu tiên ĐHQGHN nói riêng và ngành giáo dục Việt Nam nói chung có một Bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt đối với học viên quốc tế bài bản, khoa học và chuẩn mực. Bộ này sẽ là “bản gốc”, là “nền tảng” để sử dụng, và qua quá trình sử dụng sẽ được điều chỉnh, hoàn thiện theo từng giai đoạn cụ thể của sự phát triển tiếng Việt.
GS. Nguyễn Văn Khang cũng nhấn mạnh đến tính cập nhật, hiện đại trong các kết quả nghiên cứu của đề tài. Nhóm tác giả không chỉ tiếp thu có chọn lọc và linh hoạt các bộ tiêu chuẩn đánh giá đã có trên thế giới mà còn căn cứ vào thực tiễn bối cảnh ngôn ngữ xã hội của tiếng Việt để xây dựng thành Bộ tiêu chuẩn đánh giá tiếng Việt vừa bao quát, lại vừa chi tiết, cụ thể.
Đề tài đã nhận được kết quả đánh giá xuất sắc từ Hội đồng nghiệm thu. Hội đồng cũng kiến nghị cần mau chóng đưa những sản phẩm nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Việt cho học viên quốc tế thông qua hệ thống phần mềm VITEST (do Trung tâm Ứng dụng CNTT Viện CNTT, ĐHQGHN thực hiện), ứng dụng trên toàn cầu. Cùng với đó, cần tiến hành hoạt động đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho những kết quả nghiên cứu trên nhằm bảo hộ quyền lợi cho nhóm tác giả công trình.

 Thanh Hà - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :