Đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >   Đại học
Để có lực lượng cử nhân kinh tế đáp ứng được nhu cầu xã hội
Đó là vấn đề cơ bản được hơn 100 đại biểu bao gồm các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, chuyên gia kinh tế của ĐHQGHN; lãnh đạo một số hiệp hội, tập đoàn kinh tế lớn cùng đại diện một số doanh nghiệp, công ty cung ứng nguồn nhân lực uy tín của Việt Nam đưa ra thảo luận tại hội nghị "Đào tạo theo nhu cầu xã hội" do Trường ĐH Kinh tế tổ chức ngày 25/4/2009.

Trong số nhiều giải pháp hướng tới xây dựng các trường đại học đạt trình độ quốc tế ở Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN đã xác định mô hình "kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp" là hướng đi cơ bản và khả thi. Mục tiêu của Nhà trường là hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp, trong đào tạo là cung cấp cho họ nguồn nhân lực chất lượng cao; trong nghiên cứu khoa học là thường xuyên chuyển giao các kết quả nghiên cứu và cung cấp các dịch vụ tư vấn có giá trị kinh tế, có hiệu quả thực tiễn cao để các doanh nghiệp sử dụng, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế phát biểu tại hội nghị. 

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế phát biểu khai mạc

Với định hướng chiến lược đó là trở thành trường đầu ngành về nghiên cứu kinh tế và quản lý trên khía cạnh học thuật, do vậy, hợp tác trong nghiên cứu và tư vấn được nhấn mạnh như là một trong hai trọng tâm để Trường ĐH Kinh tế "bắt tay" cùng các doanh nghiệp...

Thế nào là đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội? Câu hỏi này đã được nhiều đại biểu sôi nổi thảo luận tại hội nghị. Để đáp ứng được nhu cầu của xã hội, trước hết các trường đại học phải đào tạo đúng các ngành nghề mà xã hội có nhu cầu và không đào tạo thừa, vì như thế là gây lãng phí. Thứ đến là trình độ sinh viên khi tốt nghiệp phải đáp ứng được mong đợi của người sử dụng tức là ngoài những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất về ngành, chuyên ngành được đào tạo thì sinh viên còn phải được trang bị thêm phương pháp tự học và một số kỹ năng mềm. Từ vấn đề lý luận đó tham chiếu vào tình hình thực tiễn của các chương trình đào tạo tại Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN, TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó hiệu trưởng cho rằng: Thời gian qua, các chương trình đào tạo của Nhà trường nhìn chung là phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của xã hội cũng như xu hướng sắp tới của nền kinh tế đất nước. Sinh viên ra trường đã được trang bị nền tảng kiến thức và kỹ năng toàn diện cả về lý thuyết và thực tế, kiến thức chuyên ngành và kiến thức xã hội tổng hợp từ đó các em có thể tự tin bước vào những môi trường làm việc với mức độ cạnh tranh khác nhau. Theo kết quả những cuộc điều tra, khảo sát định kỳ về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp do Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Nhà trường thực hiện thì hầu hết các cơ quan sử dụng lao động đều đánh giá cao tư duy logic, kiến thức hệ thống, kỹ năng của sinh viên Trường ĐH Kinh tế cũng như khả năng tự học, tự nghiên cứu để ngày càng phát triển của họ. Bên cạnh đó, theo TS. Thanh thì các chương trình liên kết quốc tế mà Nhà trường đang triển khai đã đi đúng hướng, được xã hội thừa nhận; các chương trình đào tạo sau đại học cũng đã nghiên cứu kỹ nhu cầu của xã hội và phát triển các hình thức phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng học viên.

Các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia kinh tế của ĐHQGHN cùng các lãnh đạo cao cấp của nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp uy tín đã sôi nổi thảo luận tại hội nghị

Tại hội thảo, ngoài ý kiến của các nhà khoa học, đại diện lãnh của các tập đoàn, doanh nghiệp với tư cách là những đơn vị trực tiếp sử dụng nguồn nhân lực cũng đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho việc đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội của Trường ĐH Kinh tế. Các ý kiến này chủ yếu tập trung vào 5 vấn đề chính gồm: Cần tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo của xã hội hàng năm; Điều chỉnh quy mô đào tạo; Mở các chương trình đào tạo mới; Tăng cường mở rộng hợp tác giữa Nhà trường và cộng đồng doanh nghiệp; Nên có các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho sinh viên sắp tốt nghiệp...

* Ông Vũ Hồng Nam
- Phó tổng giám đốc Tập đoàn Gami: Sinh viên tốt nghiệp đại học là sản phẩm của các trường đại học. Muốn có sản phẩm tốt thì trước tiên những người tạo ra sản phẩm đó phải có “trình độ sản xuất” đạt chuẩn. Xã hội thay luôn thay đổi từng ngày, sinh viên ra trường nếu chỉ vận dụng những kiến thức được dạy thì sẽ khó làm được việc, còn nếu muốn được việc thì phải biết những thứ “nằm ngoài sách vở”. Qua quá trình tuyển dụng nhân sự cho công ty, tôi nhận thấy rằng có một tình trạng rất phổ biến hiện nay đó là sinh viên định vị sai về bản thân mình. Một số em khi đi xin việc luôn tỏ ra tự ti, mặc cảm nhưng ngược lại cũng có nhiều em quá tự tin, nhiều câu trả lời hoặc câu hỏi "bị mất điểm" trước nhà tuyển dụng. Tôi luôn cho rằng sinh viên của ta giỏi, năng động nhưng điều không kém phần quan trọng đó là các em cần phải được trang bị thêm những kỹ năng về ứng xử, trả lời phỏng vấn, xin việc...

* Bà Phương Anh
- Phó tổng giám đốc Tập đoàn DOJ: Các doanh nghiệp nên tham gia cùng đào tạo nhân lực với Nhà trường. Việc này không đơn thuần chỉ là “bỏ tiền” cho các trường tự đào tạo mà sẽ cùng tham gia vào quá trình đào tạo và tái đào tạo lao động. Xu thế mới đó là doanh nghiệp không chỉ đơn giản sử dụng “sản phẩm” mà cũng phải được nhà trường mời tham gia đóng góp ý kiến cho chương trình đào tạo được tốt hơn, mở các seminar chuyên sâu cho sinh viên. Theo tôi, việc đào tạo ra những “sản phẩm” đáp ứng nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp cũng chính là đáp ứng nhu cầu của chính bản thân người đào tạo, người tham gia vào công tác đào tạo và người được đào tạo. Vì thế, không chỉ doanh nghiệp hay sự nỗ lực của bản thân sinh viên là đủ. Các thầy cô - chính là những người gánh trách nhiệm lớn trong quá trình đào tạo ra - cũng phải tự cập nhất kiến thức, công nghệ, kỹ thuật mới để có cơ sở giảng dạy cho sinh viên.

 Trương Minh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :