Sau đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >   Sau đại học
Đại đức Thích Minh Trí bảo vệ luận án Tiến sĩ Sử học: Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với Phật giáo
Ngày 30/5/2012, Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp ĐHQGHN do GS. Phan Huy Lê làm chủ tịch đã họp đánh giá luận án TS của NCS Hoàng Đức Thắng (tức Đại đức Thích Minh Trí) với tên gọi: “Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với Phật giáo”.

Luận án thuộc chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại, do GS.TSKH Vũ Minh Giang hướng dẫn. Đến dự buổi bảo vệ có ông Trương Quang Được - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Trị sự phật giáo Hà Nội cùng nhiều đại biểu khác.

Nghiên cứu sinh
Đại đức Thích Minh Trí

Sau khi nghe NCS trình bày tóm tắt nội dung luận án, các uỷ viên Hội đồng đã nêu ý kiến nhận xét và góp ý cho luận án.

GS. Phan Huy Lê khẳng định: Đây là một đề tài có nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn, Công tác tư liệu được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc. Tác giả khai thác các tư liệu trong thư tịch cổ, tận dụng các văn bia thời Lý, Trần, kể cả những văn bia mới phát hiện gần đây, tham khảo các công trình liên quan đã công bố.... Là một nhà tu hành Phật giáo, tác giả có ý thức đi sâu vào nguồn gốc đạo Phật, quá trình phát triển và truyền bá, nhất là sự phát triển về mặt giáo lý, tổ chức....
Thượng tọa Thích Thanh Đạt (TS. Nguyễn Phúc Đàn) đã phân tích và chỉ ra ý nghĩa to lớn của đề tài xét trên cả bình diện tín ngưỡng, tâm linh, văn hóa và thực tiễn của đất nước hiện nay. Thượng tọa nhận định: “Tác giả không chỉ có kiến thức về sử học mà còn là một tu sĩ có tuổi đời, tuổi đạo vững vàng; có trình độ Phật học, Hán học cao. Nội dung của Luận án không chỉ phản ánh đúng với đề tài, mà còn làm sáng tỏ thêm những sự kiện lịch sử về đạo Phật, về lịch sử Phật giáo Việt Nam và những đóng góp của Phật giáo cho nền văn hóa nước nhà”. PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế nhận xét: “Vấn đề của Luận án đặt ra không chỉ hay cả về yêu cầu khoa học sử học mà còn chứa đựng, gợi mở cả với các khoa học chính trị, văn hóa và phục vụ chính trị hiện nay”. PGS.TS. Phạm Hồng Tung đặc biệt đánh giá cao việc tác giả đã biết phối hợp khá hài hòa, nhuần nhuyễn giữa cách tiếp cận của khoa học lịch sử với cách tiếp cận của Phật học.
Các uỷ viên Hội đồng đã nhất trí đánh giá cao giá trị của luận án trên các phương diện chính: đã góp phần thu thập, chỉnh lý, tập hợp những nguồn sử liệu có liên quan đến đề tài, bao gồm cả các nguồn sử liệu từ kinh điển, thư tịch Phật giáo, các cuốn sử cũ và văn bia, minh chuông. Qua việc phân tích các nguồn sử liệu này, luận án góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề có tính lý luận về Phật giáo, đặc biệt là cách luận giải về bản chất, phương thức nhập thế và tham chính của Phật giáo nói chung và Phật giáo ở Việt Nam nói riêng. Luận án cũng đi sâu khảo cứu và phân tích, làm rõ thái độ và chính sách của nhà nước quân chủ Lý, Trần đối với Phật giáo nói riêng và đối với tôn giáo nói chung. Luận án đã chỉ ra thái độ, phương thức tham chính và những đóng góp to lớn, đa dạng của Phật giáo vào sự nghiệp trị quốc, an dân của hai vương triều Lý, Trần; góp phần xây dựng xã hội đồng thuận, hài hòa, với nền văn hiến rực rỡ và những võ công hiển hách của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ này. Qua những nghiên cứu của mình, luận án góp phần đúc rút những bài học kinh nghiệm lịch sử hữu ích cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.
Hội đồng đã bỏ phiếu, nhất trí đánh giá Luận án tiến sĩ của NCS. Hoàng Đức Thắng với số phiếu xuất sắc là 5 trên 7.

 

Ảnh, người thứ 2 từ trái sang: GS.TSKH Vũ Minh Giang, ông Trương Quang Được - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, NCS Hoàng Đức Thắng - Đại đức Thích Minh Trí tại lễ bảo vệ luận án.

 Thanh Hà - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :