Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Ca-dắc-xtan - Giáo dục là chìa khóa của tương lai
Ca-dắc-xtan trước kia là một nước Cộng hòa trong Liên bang Xô viết, có diện tích lớn thứ chín thế giới giàu về dầu mỏ, kim loại.Quốc gia Trung Á nàycó trữ lượng dầu mỏ đứng thứ tám thế giới, riêng ở vùng biển Ca-xpi của Ca-dắc-xtan có trữ lượng 8 tỷ tấn dầu; đứng thứ ba về trữ lượng Crôm, thứ hai thế giới về trữ lượng Uran, thứ tư về trữ lượng quặng thiếc, thứ tám về trữ lượng vàng và than. Tổng thống Nazarbaev quyết biến Kazactan thành một trong 50 nước phát triển nhất thế giới vào năm 2012.

Phát triển đột phá
Thoát ra từ nền kinh tế kế hoạch, Ca-dắc-xtan phải bắt đầu xây dựng nền kinh tế thị trường từ trong bối cảnh sụp đổ của Liên bang Xô viết. Tháng 10/ 1990, Ca-dắc-xtan tuyên bố chủ quyền như một nước cộng hoà bên trong Liên xô và tuyên bố độc lập ngày 16/12/1991. Đây là nước cộng hoà cuối cùng thuộc Liên xô tuyên bố độc lập.
Những năm sau độc lập được đánh dấu bởi những cải cách to lớn với nền kinh tế kiểu Xô viết. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nursultan Nazarbayev, Ca-dắc-xtan đã có những bước tiến to lớn trong việc phát triển một nền kinh tế thị trường, đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh từ năm 2000, một phần nhờ các trữ lượng dầu mỏ, khí đốt, và khoáng sản to lớn. Ca-dắc-xtan dự báo sẽ trở thành một trong những nhà xuất khẩu uranium lớn nhất thế giới. Quốc gia này cũng nổi tiếng với ngành khai thác vàng, vì vậy nhiều địa điểm trên đất nước này gắn với từ “vàng” trong tên gọi như khách sạn Golden Moon hay Golden Hills.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Ca-dắc-xtan Nazabayev Nursultan Abishevich
Kinh tế Ca-dắc-xtan được tiếp động lực chủ yếu từ “vàng đen”, khi dầu mỏ là nguồn thu nhập chủ chốt của quốc gia này. Những phân tích công nghiệp cho rằng, kế hoạch mở rộng sản xuất dầu mỏ, cộng với sự phát triển những giếng dầu mới, sẽ cho phép nước này đạt sản lượng 500 nghìn m³ mỗi ngày vào năm 2015, trở thành một trong 10 quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Hệ thống ngân hàng Ca-dắc-xtan phát triển nhanh chóng. Tư bản hoá của hệ thống ngân hàng hiện tại vượt hơn 1 tỷ USD. Nhiều ngân hàng lớn nước ngoài đã có chi nhánh tại Ca-dắc-xtan, gồm cả RBS, Citibank, và HSBC. Raiffeisen Zentralbank và UniCredit gần đây đều đã thâm nhập vào thị trường dịch vụ tài chính Ca-dắc-xtan qua việc mua lại hoặc góp vốn.
Nông nghiệp chiếm 10.3% GDP của Ca-dắc-xtan năm 2005. Ca-dắc-xtan là nước sản xuất lớn thứ bảy thế giới về ngũ cốc và gia súc là các mặt hàng nông nghiệp quan trọng nhất. Các sản phẩm gia súc chính gồm các sản phẩm sữa, da, thịt, và len. Các mặt hàng lương thực chính của nước này gồm bột mì, lúa mạch, bông, và gạo. Xuất khẩu bột mì, một nguồn thu ngoại tệ lớn, đứng trong tốp các mặt hàng xuất khẩu hàng đẩu của Ca-dắc-xtan. Ca-dắc-xtan được cho là một trong những quê hương của táo.
Ca-dắc-xtan trở thành nước cộng hoà cũ đầu tiên của Liên xô trả lại toàn bộ khoản vay của mình cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 7 năm trước thời hạn. Ca-dắc-xtan cũng trở thành quốc gia đầu tiên trong CIS nhận được sự đánh giá mức độ tín nhiệm cấp đầu tư từ một cơ quan đánh giá mức độ tín nhiệm lớn của thế giới. Đà tăng trưởng kinh tế, cộng với những kết quả từ những cuộc cải cách lĩnh vực thuế và tài chính trước đó, đã cải thiện đáng kể tình hình tài chính chính phủ.
“Đất nước phải đi lên từ giáo dục”
Tổng thống Nazarbaev quyết biến Kazactan thành một trong 50 nước phát triển nhất thế giới đến 2012. Muốn vậy toàn bộ nền giáo dục phải đổi mới từ chương trình, sách giáo khoa, đến phương pháp dạy, trang thiết bị. Quan đểm nhất quán của Tổng thống Nazarbaev là: Giáo dục là chìa khóa của tương lai, đất nước phải đi lên từ giáo dục.
Tổng thống Ca-dắc-xtan Nazabayev Nursultan Abishevich
Giáo dục phổ cập cho tới cấp hai và tỷ lệ biết chữ ở người trưởng thành là 99.5%.   Hệ thống các giáo dục bậc cao của Kazactan có các trường đại học, viện hàn lâm, và viện, nhạc viện, trường đại học và cao đẳng. Chúng có ba cấp chính: giáo dục cao học căn bản cung cấp những kiến thức nền tảng của lĩnh vực học tập lựa chọn và người tốt nghiệp sẽ được cấp bằng đại học; giáo dục cao học chuyên nghiệp theo đó sinh viên sẽ được trao Bằng chuyên viên; và giáo dục sư phạm khoa học với Bằng Master. Giáo dục sau đại học với Kandidat nauk (Candidate of Sciences) và Tiến sĩ Khoa học. Với việc thông qua Luật về Giáo dục và Giáo dục Cao học, một lĩnh vực tư nhân đã được thành lập và nhiều định chế tư nhân đã được cấp phép hoạt động.
Bộ Giáo dục Ca-dắc-xtan điều hành một chương trình học bổng “Tương lai” (Bolashak) rất thành công với xấp xỉ 3000 xuất học bổng hàng năm. Quỹ cung cấp học bổng cho việc theo học ở các trường nước ngoài, gồm cả các trường đại học danh tiếng ở University College London, Oxford và Ivy League. Các điều khoản của chương trình gồm việc bắt buộc quay trở về Ca-dắc-xtan để làm việc trong ít nhất 5 năm.
Những người lãnh đạo của nhà nước mới - nước Cộng hòa Kazactan- đứng đầu là Tổng thống Noursoultan Nazarbaev nhận định: quan trọng hàng đầu là vấn đề cán bộ. Chìa khóa của tương lai phụ thuộc vào giáo dục, đào tạo chuyên viên hành chính, khoa học, kỹ thuật … Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn về kinh tế Tổng thống kiên quyết trích từ ngân quỹ eo hẹp một số kinh phí để “đầu tư cấp tốc cho tương lai gần”. Trong bối cảnh đó học bổng “Tương lai” (Bolashak) ra đời vì “đồng tiền eo hẹp” nên lúc đầu chỉ có một số rất ít SV có khả năng được cấp 100% học bổng để đi học nước ngoài. Aryn Orsariev sau nhiều năm học Khoa học Chính trị ở Đại học Sorbonne Pháp, hiện là chuyên viên Tổ chức Hành chính nói: Tôi là người đầu tiên được hưởng học bổng “Tương lai”. Đó là một dịp đặc biệt để có thể đi học nước ngoài vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới.
14 năm sau khi thành lập học bổng “Tương lai”, từ năm 2000 Kazactan đã có sự phát triển gần 10% mỗi năm. Hiện có 3.000 người được cấp học bổng này. Quỹ học bổng “Tương lai” hàng năm lên đến 85 triệu Euro. Giám đốc Quỹ, ông Kadisha Dairova nói: Không cần phải gửi SV đi học nước ngoài từ đầu, mà chỉ cần gửi họ đi làm master (tương đương thạc sĩ) hoặc tiến sĩ. Kazactan có thể tự túc phần giáo dục cơ bản trong nước. Vấn đề là chất lượng của các bằng master và Tiến sĩ đem về. Muốn vậy phải cung cấp điều kiện tốt cho SV khi học ở nước ngoài (sinh viên học ở Paris đề nghị 1.200 Euro/ tháng, trong khi học bổng cấp 750 Euro/tháng).
 
Với diện tích khoảng 2.7 triệu km², Ca-dắc-xtan là quốc gia rộng thứ chín trên thế giới và là quốc gia không giáp biển có diện tích lớn nhất. Diện tích của Ca-dắc-xtan tương đương với diện tích của vùng Tây Âu. Nước này chia sẻ đường biên giới với các nước Nga (6648 km), Uzbekistan (2203 km), Trung Quốc (1533 km), Kyrgyzstan (1051 km), Turkmenistan (379 km). Các thành phố chính gồm Astana (thủ đô từ năm 1997), Almaty (thủ đô cũ), Karaganda, Shymkent, Semey và Turkestan.
Địa hình từ tây sang đông trải dài từ bờ biển Caspian đến dãy núi Altay, từ phía bắc là đồng bằng Tây Siberia đến phía nam là các hoang mạc khô cằn của vùng Trung Á. Thảo nguyên Ca-dắc-xtan có diện tích khoảng 804.500 km², chiếm một phần ba diện tích đất nước và là vùng thảo nguyên lớn nhất trên thế giới. Trong các thảo nguyên có nhiều đòng cỏ và các hoang mạc cát. Các sông và hồ quan trọng ở Ca-dắc-xtan bao gồm: biển Aran, sông Ili, sông Irtysh, sông Ural, hồ Balkhash và hồ Zaysan.
Do có khí hậu lục địa nên biên độ nhiệt trong năm của Ca-dắc-xtan rất lớn. Mùa hạ nhiêt độ lên cao, trung bình đạt hơn 25 °C, nhưng đến mùa đông nhiệt độ lại xuống rất thấp, có lúc xuống hơn -20 °C. Chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cũng rất lớn. Lượng mưa ít và tập trung chủ yếu vào mùa hạ.

 

 Quốc Thắng - Thanh Quang
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :