Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Tô đậm tình hữu nghị bền chặt Việt Nam – Ca-dắc-xtan
Sáng 1/11/2011, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng thống Ca-dắc-xtan Nua-xun-tan Na-dắc-bai-ép đến thăm ĐHQGHN.

Nhân dịp này, để ghi nhận uy tín, cũng như đóng góp vào việc củng cố và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Ca-dắc-xtan, ĐHQGHN vinh dự trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự cho Tổng thống Nua-xun-tan Na-dắc-bai-ép.
Cùng dự buổi lễ có ông Đào Việt Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ  nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN; đại diện các bộ, ngành cùng toàn thể cán bộ, thầy cô giáo, nhà khoa học, học viên, sinh viên ĐHQGHN.
Thay mặt cán bộ, các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên ĐHQGHN, GS.TS Mai Trọng Nhuận bày tỏ niềm vinh dự được chào đón Giáo sư, Viện sĩ Ngài Nu-xun-tan Na-da-bai-ep, Tổng thống nước Cộng hoà Ca-dắc-xtan và đoàn đại biểu cấp cao.
Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep chân thành cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên ĐHQGHN dành cho ông và đoàn sự mến khách và đón tiếp nồng nhiệt.
Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep cho biết, đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam. “Ngay từ khi đặt chân đến đất nước các bạn, tôi đã cảm nhận được tình cảm nồng ấm của nhân dân Việt Nam dành cho chúng tôi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng tôi cũng dành cho các bạn những tình cảm như vậy và nó xuất phát từ sự yêu mến và quan tâm của người dân Ca-dắc-xtan đối với Việt Nam. Là nước CH thuộc Liên xô cũ, Ca-dắc-xtan đã dành sự ủng hộ thắm tình anh em cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của các bạn. Chúng tôi luôn ngưỡng mộ tinh thần bất khuất và yêu nước của người dân Việt Nam”, Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep nói.
GS.TS Mai Trọng Nhuận cho biết, trong những năm qua, ĐHQGHN đã vinh dự được đón tiếp nhiều vị Lãnh đạo cao cấp, các nhà chính trị, học giả danh tiếng khắp năm châu và sự hiện diện của Ngài Tổng thống cũng như tất cả các thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao ngày hôm nay một lần nữa mang đến vinh dự lớn lao cho toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐHQGHN, đồng thời biểu thị sự trân trọng đối với một trung tâm tri thức lớn của Việt Nam và tiếp nối tình hữu nghị truyền thống, bền chặt, sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan.
GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh, Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep là nhà lãnh đạo kỳ cựu, xuất sắc của đất nước Ca -dac-xtan trong nhiều thập kỷ qua và đã được Luật Hiến pháp của Quốc gia này vinh danh là Lãnh tụ dân tộc. Từ năm 1991 đến nay, Ngài Nu-xun-tan Na-da-ba-ep đã 5 lần được bầu làm Tổng thống nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan. Dưới sự lãnh đạo của ngài, tình hình chính trị của đất nước ổn định, kinh tế phát triển, vị thế của Cộng hòa Ca-dắc-xtan ngày càng được nâng cao trong khu vực Trung Á và trên thế giới. Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep cũng chính là người đầu tiên đề xuất sáng lập Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở Châu Á (CICA) tại Khoá họp lần thứ 47 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 5/10/1992 mà Việt Nam là thành viên của Hội nghị này.
GS.TS Mai Trọng Nhuận khẳng định, với vai trò chèo lái và tầm ảnh hưởng của mình, Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep đã có những đóng góp quyết định trong việc không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Cộng hòa Ca-dắc-xtan - Việt Nam trên nhiều mặt. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, bản Hiệp định mới về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Cộng hòa Ca-dắc-xtan được ký kết ngày 15/9/2009 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ca-dắc-xtan của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, vững chắc cho việc triển khai các hoạt động hợp tác giáo dục đào tạo của 2 quốc gia trong thời kỳ mới.
GS.TS Mai Trọng Nhuận tin tưởng rằng, từ chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep, bản Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục mà hai nước đã ký kết sẽ được cụ thể hóa bằng các chương trình hợp tác cụ thể nhằm nhanh chóng hiện thực hóa các ý tưởng hợp tác như lãnh đạo cấp cao hai nước đã cam kết.
ĐHQGHN vui mừng và vinh dự được trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự - danh hiệu cao quý nhất của ĐHQGHN - cho Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep để thể hiện sự ghi nhận của Việt Nam đối với uy tín, trình độ cũng như những đóng góp to lớn, quan trọng và hiệu quả của Ngài Tổng thống đối với việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam và Ca-dắc-xtan trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và đào tạo. 
GS.TS Mai Trọng Nhuận bày tỏ mong muốn, dù ở cương vị nào, Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep cũng sẽ luôn là người bạn lớn, ủng hộ và tạo điều kiện để mở ra những cơ hội hợp tác mới cho nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung, cho ĐHQGHN nói riêng với các đại học và các nhà khoa học danh tiếng của Ca-dắc-xtan cũng như của thế giới nhằm mang tới hoà bình, thịnh vượng cho cả hai đất nước chúng ta.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep khẳng định, “Tôi gặp các bạn ngày hôm nay vì chính các bạn - thế hệ trê sẽ quyết định tương lai của đất nước. Chính các bạn sẽ vun đắp nên những giá trị chung, củng cố truyền thống hữu nghị, tin cậy và ủng hộ lẫn nhau giữa hai dân tộc chúng ta. Theo truyền thuyết tổ tiên của người Việt Nam là mẹ Âu Cơ, người đã truyền lại cho các bạn sự thủy chung. Nhân dân chúng tôi có câu ngạn ngữ rằng, “sức mạnh loài chim là đôi cánh, con người là tình bạn”. Chúng tôi coi đất nước các bạn là người bạn và đối tác tin cậy, cởi mở để đối thoại và phát triển hợp tác toàn diện vì sự thịnh vợng của hai dân tộc, 2 quốc gia chúng ta”,
Ngay từ những ngày đầu độc lập, Ca-dắc-xtan đã lựa chọn con đường hội nhập, mở cửa và tham gia tích cực vào mạng lưới rộng khắp các tổ chức đa phương. Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep cho biết, Ca-dắc-xtan đặt trọng tâm phát triển kinh tế tri thức và sáng tạo. Tại mỗi quốc gia đang phát triển, vốn nhân lực chiến tới 70-80% tài sản quốc gia. Chính vì vậy, một trong những ưu tiên của Ca-dắc-xtan là xây dựng một quốc gia tri thức. Ở cấp quốc gia, Ca-dắc-xtan đã tăng đầu tư ngân sách cho giáo dục lên gấp 25 lần, đến năm 2015, dự kiến đưa con số này lên mức 2,5% GDP.
Chúng tôi cho rằng, chìa khóa cho thành công trong thế kỷ 21 là 4 định hướng: hiện đại, tri thức, hội nhập và thịnh vượng, Đất nước của chúng ta chọn con đường phát triển công nghiệp - tri thức. Chúng tôi mong muốn phát triển hợp tác giữa hai thủ đô - thành phố non trẻ Astana và thành phó Hà Nội nghìn năm văn hiến, cũng như giữa các trung tâm kinh tế và tài chính hàng đầu của hai nước chúng ta – Almata và Chủ tịch. Hồ Chí Minh”, Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep mong muốn.
Dự án giáo dục đại học lớn nhất thời gian qua là việc thành lập trường đại học quốc tế mang tên Na-da-bai-ép tại Astana, với ý nghĩa là trung tâm đào tạo và nghiên cứu tạo nên những thay đôi về chất trong hệ thống giáo dục và nghiên cứu khoa học của Ca-dắc-xtan.
Để thực hiện dự án này, Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep cho biết, Ca-dắc-xtan đã thông qua một luật riêng và thành lập một quỹ tài trợ đặc biệt. Hiện Ca-dắc-xtan cũng đang có hơn 20 trường năng khiếu, nơi các học sinh tài năng nhất được đào tạo về các chuyên ngành toán và tự nhiên. Học sinh tốt nghiệp các trường năng khiếu là các sinh viên tiềm năng của trường Đại học Na-da-bai-ép và các trường đại học Ca-dắc-xtan khác.
Để đảm bảo đội ngũ cán bộ có khả năng phát triển kinh tế sáng tạo, Ca-dắc-xtan chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo. ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong các trường phổ thông được đưa vào chính sách quốc gia. Hầu như tất các các trường phổ thông tại Ca-dắc-xtan đều được kết nối mạng internet.
Ca-dắc-xtan là quốc gia Trung Á đầu tiên tham gia khu vực đào tạo đại học châu Âu. Năm 2010, Ca-dắc-xtan đã gia nhập Hiệp ước Văn hóa châu Âu vầ Tiến trình Bologma. Những thanh niên tài giỏi của Ca-dắc-xtan có cơ hội đặc biệt được học tại các trường đại học tốt nhất thế giới theo chương trình đặc biệt của Tổng thống, chương trình “Tương lai”. Hiện nay, hơn 20 nghìn sinh viên Ca-dắc-xtan đang di học ở nước ngoài.
Chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi mời các đối tác Việt Nam hợp tác với trường đại học Na-da-bai-ép và các trường đại học khác củat Ca-dắc-xtan. Chúng tôi quan tâm đến trao đổi sinh viên và giáo viên, đào tạo các chuyên gia theo chuyên ngành kỹ thuật và các chuyên ngành khác, cùng tiến hành nghiên cứu khoa học”, Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep nhấn mạnh.
Tổng thống Nu-xun-tan Na-da-bai-ep cho rằng, việc tiến hành ngày văn hóa Việt Nam tại Ca-dắc-xtan trong năm tới sẽ có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển quan hệ văn hóa nhân văn giữa hai nước. Và năm 2013 sẽ diễn ra những ngày văn hóa Ca-dắc-xtan tại Việt Nam.

 

 

>> Xem thêm:

- Chinhphu.vn: Trao bằng Tiến sĩ Danh dự ĐHQGHN cho Tổng thống Kazakhstan

- Vietnamplus.vn: Trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Tổng thống Kazakhstan

 Bùi Tuấn - Đức Phường - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :