Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Hợp tác nghiên cứu công nghệ đào tạo giáo viên với MGU
Từ ngày 25/10 đến ngày 01/11/2014, trong chuyến đi cùng lãnh đạo ĐHQGHN sang thăm và làm việc tại Liên Bang Nga, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN sẽ có kí kết quan trọng với Khoa Giáo dục Sư phạm, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU) về nội dung nghiên cứu công nghệ đào tạo giáo viên trong thế kỷ 21.

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ và Giám đốc ĐHQG Mát-xcơ-va (MGU) Viktor A. Sadovnichiy kí Thỏa thuận về hợp tác Khoa học và Giáo dục, tháng 5/2013
Chương trình kí kết giữa Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN và Khoa Giáo dục Sư phạm, MGU là một trong những nhiệm vụ được thực hiện nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và cụ thể hóa các hoạt động hợp tác giữa ĐHQGHN và MGU trong biên bản ghi nhớ do Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ và Giám đốc MGU Viktor A. Sadovnichiy kí vào tháng 5/2013. Việc kí kết này đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai đại học lên một tầm cao mới.
Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov được thành lập năm 1755, là đại học lớn nhất và lâu đời nhất ở Nga. Thư viện MGU bao gồm 17 tòa nhà, 65 phòng đọc (3500 chỗ) với lượng người đọc lên tới 65 nghìn. Số lượng đầu sách hơn 10 triệu cuốn, trong đó 3 triệu cuốn bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt có 400 nghìn cuốn có giá trị lịch sử đặc biệt (từ thế kỷ XI).
MGU có khoảng 5000 cán bộ, trong đó có 4000 giáo sư, giảng viên; 35000 sinh viên; 7000nghiên cứu sinh/thực tập sinh cao cấp. Đã có 7 cán bộ của MGU nhận giải thưởng Nobel và 4 người được nhận giải thưởng Fields. Đến nay, MGU có 40 Khoa và 15 Viện nghiên cứu, hơn 300 bộ môn và 6 phân hiệu (với 5 phân hiệu ở nước ngoài).
MGU là đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, dẫn đầu Liên xô trước đây, nay là Liên bang Nga, và cũng là một trong những đại học hàng đầu thế giới về nghiên cứu cơ bản. Năm 2013, MGU đứng thứ 70 của Thế giới theo bảng xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải (lĩnh vực Toán học đứng thứ 36) và đứng thứ 120 theo bảng xếp hạng QS Thế giới.
Trải qua 259 năm thành lập và phát triển, rất nhiều người học tại đây đã trở thành các nhà lãnh đạo quốc gia, nhà quản lý tài năng, tổng công trình sư, kỹ sư, nhà khoa học, bác học tầm cỡ thế giới. Một thống kê cho thấy, MGU đã đào tạo hơn 11 nghìn chuyên gia cao cấp cho hơn 150 nước, trong đó có hàng nghìn chuyên gia Việt Nam.
Giám đốc của MGU từ năm 1992 đến nay là Viện sĩ Viktor A. Sadovnichiy – người đã nhận bằng Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN năm 1997.
Khoa Giáo dục Sư phạm, MGU là đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học giáo dục, sư phạm và đào tạo giáo viên; có đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục và sư phạm có uy tín cao trong giới khoa học giáo dục của LB Nga; các điều kiện cơ sở vật chất được đáp ứng; có mạng lưới liên kết, hợp tác quốc tế rộng khắp trên thế giới trong lĩnh vực đào tạo giáo viên.
ĐHQGHN giao cho Trường ĐH Giáo dục triển khai thực hiện hợp tác với Khoa Giáo dục Sư phạm, MGU thông qua hình thức hình thành các nhóm nghiên cứu chung để thực hiện đồng bộ các dự án chung về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện trong 03 năm (từ 2014-2017) với các mục đích chính: Đề xuất triết lí, các mô hình đào tạo giáo viên phù hợp với bối cảnh của Việt Nam trên cơ sở kế thừa, tổng hợp các mô hình đào tạo giáo viên trên thế giới; Đề xuất bản đồ năng lực và hệ thống chuẩn năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, chuẩn đánh giá giáo viên theo thông lệ quốc tế; Triển khai thí điểm trong mô hình đào tạo giáo viên tại Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN; Nghiên cứu xây dựng “Trung tâm nghiên cứu sư phạm và phát triển nghề nghiệp” theo mô hình trung tâm xuất sắc (COE).
Theo TS. Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN), mô hình đào tạo giáo viên tại Khoa Giáo dục Sư phạm, MGU có nhiều nét tương đồng với mô hình của Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN đặc biệt là về đào tạo, nâng cao chuẩn của giáo viên, đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học. Do đó, hợp tác này mang lại nhiều cơ hội và triển vọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Giáo dục.
Thông qua hợp tác này, hai bên có thể xây dựng được các luận cứ khoa học về mẫu hình giáo viên chất lượng cao của thế kỉ 21 và mô hình đào tạo tương ứng (bao gồm: năng lực chuyên môn, sư phạm, kĩ năng nghề nghiệp, khả năng thích ứng… của người giáo viên); đề xuất mô hình đào tạo giáo viên theo năng lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bao gồm phương thức, chương trình, phương pháp, hình thức và các chính sách đào tạo, xây dựng phát triển chương trình đào tạo; tổ chức các khóa đào tạo tập huấn cho giáo viên theo hướng phát triển nghề nghiệp tiếp cận chuẩn quốc tế; chuyển giao công nghệ đào tạo giáo viên, công nghệ dạy học tiên tiến; đề xuất mô hình triển khai tư vấn giáo dục và phát triển nghề nghiệp cho giáo viên, các hoạt động dịch vụ giáo dục khác; đề xuất mô hình triển khai đánh giá (sát hạch) năng lực giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê giáo dục, khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu giáo viên chất lượng cao.
Với mục tiêu phấn đấu trở thành một trung tâm hàng đầu trong đào tạo những nhà giáo dục chất lượng cao đạt trình độ khu vực và quốc tế, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN là đơn vị luôn đi đầu trong việc đổi mới phương thức, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên. Bên cạnh việc phát huy thế mạnh của đội ngũ các nhà nghiên cứu và chuyên gia đào tạo có uy tín trong hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên của Việt Nam, Trường ĐH Giáo dục còn chú trọng phát triển và mở rộng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu về khoa học giáo dục trong và ngoài nước.
Hợp tác với MGU được xem là một trong những bước cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kì 2011-2020; thực hiện Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020; đồng thời, góp phần thực hiện sứ mệnh tiên phong và đổi mới của ĐHQGHN trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục và đào tạo.
Nhân dịp này, đại diện lãnh đạo Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN cũng sẽ có cuộc gặp và làm việc với ông Artem Stepanenko, Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế và phát triển (CICED) trực thuộc Chính phủ LB Nga về vấn đề hợp tác nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực Đo lường và Đánh giá trong giáo dục.
Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva
 
Tháng 5/2013, trong chương trình làm việc chính thức của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Liên bang Nga, tại Nhà khách Chính phủ LB Nga, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ LB Nga Dmitry Medvedev cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ và Giám đốc ĐHQG Mát-xcơ-va (MGU) Viktor A. Sadovnichiy đã kí Thỏa thuận về hợp tác Khoa học và Giáo dục giữa hai ĐHQG. Hai bên tập trung triển khai hợp tác trong các lĩnh vực như: thúc đẩy trao đổi cán bộ và sinh viên đại học và sau đại học; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm; hỗ trợ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; thúc đẩy trao đổi các xuất bản phẩm và tài liệu nghiên cứu hiện hành; chia sẻ kinh nghiệm các phương pháp và công nghệ dạy học tiên tiến; đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế chung; thực hiện các dự án và chương trình nghiên cứu chung...
 

 Sinh Vũ - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   |