Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Bảo tàng Sinh học thuộc ĐHQGHN
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 28/2 - 05/3/2017, chiều ngày 02/3, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã tới tham quan Bảo tàng Sinh học thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN – nơi lưu giữ hai hiện vật là cá bống trắng và gà Onagadori do Hoàng gia Nhật Bản tặng.

Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN Nguyễn Văn Nội (phải) bên Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản xem lại tiêu bản cá bống tại Bảo tàng Sinh vật

Là người say mê nghiên cứu các loài cá nước ngọt, Nhà vua Nhật Bản Akihito đã phát hiện ra giống cá bống trắng mới trên thế giới tại một nhánh sông Cần Thơ, khi làm luận án tiến sỹ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam những năm 1970. Năm 1976, Ngài đã gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQGHN). Hiện tiêu bản này vẫn được bảo quản tại Bảo tàng. 

Trong chuyến tham quan, trò chuyện với lãnh đạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Bảo tàng Sinh học, Nhà vua Akihito và Hoàng Hậu Michiko bày tỏ vui mừng và gửi lời cảm ơn Nhà trường cũng như Bảo tàng đã lưu giữ, bảo quản chu đáo tiêu bản này. Nhà vua Akihito cho biết, ngay khi phát hiện ra giống cá bống trắng mới tại một nhánh sông Cần Thơ, Ngài đã đưa giống cá bống này gửi tới các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản để kiểm nghiệm xem đây có phải là giống cá bống mới trên thế giới không. Sau đó, khi các nhà khoa học chứng minh đây là giống cá bống trắng mới trên thế giới, Nhà vua đã quyết định gửi tặng tiêu bản này cho Việt Nam. 

Ngoài giống cá bống trắng, hiện Bảo tàng Sinh học còn lưu giữ hiện vật gà Onagadori, thuộc giống gà quý ở Nhật Bản, là quà tặng của Hoàng tử Nhật Bản Akishino ngày 17/8/2012.

Bên cạnh những mẫu hiện vật do Hoàng gia Nhật Bản tặng, Nhà vua Akihito còn quan tâm đến nhiều mẫu hiện vật khác tại bảo tàng, tìm hiểu về số lượng các loài động thực vật được trưng bày, nhất là những loài quý hiếm và sự tồn tại của các loài này trên thế giới hiện nay. 

Phát biểu về ý nghĩa chuyến thăm, TS. Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Bảo tàng Sinh học cho biết: “Chuyến thăm của Nhật hoàng tới Bảo tàng Sinh học có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ trên phương diện chính trị, ngoại giao, mà còn trên phương diện khoa học. Sự quan tâm của Nhật hoàng về các bộ sưu tập tại Bảo tàng  cho thấy tinh thần yêu khoa học, đồng thời tiếp thêm nỗ lực bảo vệ, gìn giữ các mẫu vật để truyền lại cho đời sau của cán bộ, nhân viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.”

Bảo tàng Sinh học thuộc khoa Sinh học, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN, là Bảo tàng Sinh học đầu tiên ở Đông Dương, được thành lập năm 1926. Hiện nay, Bảo tàng Sinh học nằm trong hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. 

Tại đây hiện lưu trữ, bảo tồn hàng trăm nghìn mẫu động vật, thực vật của Việt Nam sưu tầm từ cuối thế kỷ 19 đến nay, trong đó có cả vật mẫu của các vùng địa lý khác nhau trên thế giới do nguyên thủ quốc gia, các nhà khoa học và các bảo tàng nước ngoài tặng. 

Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Sinh học luôn giữ vai trò là “phòng thí nghiệm” tự nhiên tốt nhất, phục vụ cho giảng dạy và đào tạo. Hàng năm, khoảng 1.000 lượt khách từ các trường đại học, cao đẳng, phổ thông, các viện nghiên cứu, các bảo tàng… trong nước và nước ngoài đến tham quan, làm việc, học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng Sinh học.

 

 

Tiêu bản cá bống trắng Nhật hoàng đã gửi tặng Bảo tàng Sinh học từ năm 1976

 

 

Tiêu bản gà quý hiếm mà Hoàng tử Akihito, con trai Nhật hoàng, tặng Bảo tàng Sinh học

Một số hình ảnh cán bộ, sinh viên Trường ĐHKHTN đón tiếp tiếp Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tại Bảo tàng Sinh vật (19 Lê Thánh Tông, Hà Nội):

 

Một số hình ảnh về Bảo tàng Sinh học của Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN

Bảo tàng Sinh học có 2.507 mẫu vật thú, của 136 loài và phân loài. So với tổng số loài thú hiện có ở Việt Nam, bộ sưu tập mẫu vật thú ở Bảo tàng Sinh học chiếm 45,3 % về số loài (136/300).

Sơ đồ hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên chỉ rõ nơi phân phối của từng loài động thực vật của dải đất hình chữ S.

Đặc biệt, bảo tàng có mẫu (da và sọ) của loài Vượn mào đen má hung Trung Bộ, Chà vá và một số mẫu vật chưa có trong bộ sưu tập của các bảo tàng khác ở Việt Nam như mẫu nhồi Bò tót (Bos gaurus), Bò rừng (Bos banteng).

Số lượng mẫu lưỡng cư đã kiểm kê là 3.299 vật mẫu của 78 loài, chiếm 35,5% (78/220) tổng số loài lưỡng cư đã được phát hiện ở Việt Nam.

Nơi đây có 714 mẫu vật bò sát của 162 loài chiếm hơn 37% số loài bò sát đã được phát hiện ở Việt Nam. Ngoài ra, còn khoảng 1.000 mẫu bò sát chưa được kiểm kê hoặc định loại do chưa có điều kiện.

Đặc biệt tại Bảo tàng Sinh học có một mẫu chuẩn của loài rắn nước Tam Đảo và một số loài thằn lằn.

381 loài chim có mẫu vật ở đây cũng chiếm 45% tổng số loài chim hiện có ở Việt Nam. Tuy nhiên, bộ sưu tập chim của Bảo tàng còn thiếu mẫu vật của các loài chim thuộc bộ Hải Âu. Tất cả mẫu chim của Bảo tàng đều là mẫu nhồi, có cả mẫu nằm và mẫu đứng.

Bộ xương của những loài thú lớn đặc như voi, trâu,...được dựng thành mô hình.

Thông tin liên quan:

- Dân trí: "Dấu ấn" Nhật Hoàng tại bảo tàng Việt Nam

- TTXVN: Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản gây ấn tượng mạnh với các nhà khoa học Việt Nam

- VOV: Nhật hoàng Akihito hào hứng chia sẻ đam mê nghiên cứu sinh học

- VTC: Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Bảo tàng sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội

- Giáo dục Việt Nam: Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tham quan Bảo tàng Sinh học

- Vnexpress: Giống gà quý con trai Nhật hoàng tặng bảo tàng Việt Nam

- Thanh niên: Nhà vua Nhật Bản thích thú với những hiện vật ở bảo tàng sinh học

- Tuổi trẻ: Nhà vua Nhật thăm nơi lưu giữ món quà đã tặng Việt Nam

- Lao động: Nhật Hoàng vui mừng gặp lại cá bống tại Bảo tàng Sinh học

- Zing.vn: Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Bảo tàng Sinh học

 

 

 Minh Khuê - Ảnh: Huy Hoàng, Ngọc Thành (VNExpress), Zing.vn - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   |