Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Hội thảo quốc tế “Tài chính cho đổi mới, khởi nghiệp và tái tạo năng lượng”
Ngày 16/8/2017, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và Trường ĐH Lincoln (Vương quốc Anh) đã kí kết văn bản hợp tác song phương và đồng tổ chức Hội thảo quốc tế chủ đề “Tài chính cho đổi mới, khởi nghiệp và tái tạo năng lượng”.

Thay mặt lãnh đạo hai bên, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và GS. David Charles – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lincoln đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp hợp tác nghiên cứu về Tài chính ngân hàng xanh và tài chính cho khởi nghiệp. Về đào tạo, Trường ĐH Lincoln sẽ hộ trợ tư vấn phát triển chương trình đào tạo Cử nhân chất lượng cao chuyên ngành Tài chính ngân hàng và chương trình đào tạo Thạc sỹ chất lượng cao chuyên ngành Quản trị các tổ chức tài chính. Trường ĐH Lincoln sẽ cử các chuyên gia tham gia với tư cách là giảng viên thỉnh giảng và diễn giả cho chương trình. Hai bên cũng sẽ thực hiện việc trao đổi sinh viên, học viên dưới dạng các khóa học mùa hè tại trường hoặc thực tập thực tế tại trung tâm tài chính hàng đầu thế giới ở London.

Ngay sau lễ ký kết là hội thảo quốc tế “Tài chính cho đổi mới, khởi nghiệp và tái tạo năng lượng” - hoạt động chung đầu tiên được 2 bên phối hợp triển khai. Hội thảo thu hút sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học, các chuyên gia tài chính Việt Nam và quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho biết đây là hội thảo nhằm chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, chia sẻ quan điểm và trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, sáng tạo và phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới và tại Việt nam.

Ngoài ra, hội thảo cũng hướng tới việc lan tỏa và tăng tính ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế hy vọng thông qua diễn đàn khoa học này, các học giả trong lĩnh vực tài chính, kế toán và ngân hàng, các chuyên gia thực tiễn, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách sẽ cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp các khuyến nghị và biện pháp nhằm phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế một cách bền vững trên cơ sở tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Hội thảo đã nghe các tham luận từ các diễn giả là các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng trong nước và quốc tế. GS.TS David Charles -  Trường ĐH Lincoln đã phân tích các giải pháp cho đổi mới và khởi nghiệp trên thế giới.

Tiếp đó, TS. Cấn Văn Lực,  Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Giám đốc Trường Đào tạo Cán bộ BIDV trình bày các bài học kinh nghiệm của quốc tế về tài chính cho khởi nghiệp và rút ra một số hàm ý chính sách cho Việt nam. Các hàm ý chính sách xoay quanh vấn đề đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và tái cơ cấu ngành tài chính; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao tính hấp dẫn của đầu tư; cải thiện khung khổ pháp lý (bao gồm thừa nhận nhà đầu tư thiên thần, thu hút vốn cộng đồng và vốn đầu tư mạo hiểm); đồng thời tăng cường hoạt động của các quỹ bảo lãnh vay vốn.

Đến từ Trường ĐH Swinburne (Australia), PGS.TS.Malcolm Abbott đưa ra các phân tích về năng lượng tái tạo cho tương lai dựa trên các phân tích về năng lượng tái tạo của các nước phát triển, trong đó nghiên cứu tình huống điển hình tại Australia. Ông cho rằng, cơ hội cho phát triển năng lượng tái tạo ngày càng mở rộng bởi vì thực tế đã chứng minh chi phí liên quan đến sử dụng nguồn năng lượng này (ví dụ như gió, mặt trời..) đã giảm xuống trong những năm gần đây.

Bà Nguyễn Tường Khanh (Quỹ GIZ) giới thiệu tầm quan trọng của phát triển năng lượng tái tạo và các công cụ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm: hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, tài chính công và các công cụ tài khóa, các quỹ tài chính quốc tế dành cho môi trường, các công cụ ngăn ngừa rủi ro…. Bài nghiên cứu nhấn mạnh vào một số cơ chế chia sẻ rủi ro (RSF) mà ở đó có sự chia sẻ tổn thất song phương giữa nhà tài trợ và người khởi tạo. Trong bối cảnh Việt nam, nghiên cứu chỉ ra rằng, các nhà sáng lập sẽ là các ngân hàng địa phương.

“Phát triển kế toán bền vững” là chủ đề báo cáo của diễn giả Nguyễn Mai Chi, quyền Trưởng Văn phòng Đại diện Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tại Việt Nam. Để triển khai kế toán xanh thì cần có sự vào cuộc của Chỉnh phủ, doanh nghiệp, trong đó Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của doanh nghiệp thông qua Khung pháp lý và kế hoạch hành động nhằm kiểm soát tác động của môi trường do các  hoạt động kinh tế; đồng thời khuyến khích sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả.  

Trong rất nhiều bài nghiên cứu gửi về, Ban Tổ chức Hội thảo đã lựa chọn ra 37 bài nghiên cứu chất lượng nhất để biên tập và xuất bản trong Kỷ yếu Hội thảo; từ đó lựa chọn 26 bài nghiên cứu để trình bày tại hội thảo theo các nội dung như sau: (i) Phát triển năng lượng tái tạo; (ii) Khởi nghiệp và sáng tạo; (iii) Tài chính xanh và ngân hàng xanh; (iv) Kiểm toán và kế toán xanh;  (v) Một số vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính.

 Sinh Vũ - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   |