Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Pháp - Việt và những mối quan tâm chung về giáo dục đào tạo
Bài nói chuyện của Bà Valérie Pécresse, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu của Cộng hoà Pháp tại Giảng đường Ngụy Như Kontum - Đại học Quốc gia Hà Nội sáng ngày 13/11/2009

Bức tranh do Họa sĩ Victor Tardieu  vẽ tại giảng đường Nguỵ Như Kontum ĐHQGHN

Kính thưa Ngài Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kính thưa Ông Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

Thưa các Thầy, Cô giáo

Tôi rất vui mừng và vinh dự được có mặt cùng với các quí vị tại giảng đường Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN), một trong những cơ sở đào tạo đại học có uy tín nhất ở châu Á ! Với nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu, với hàng vạn sinh viên của mình, ĐHQGHN là một thực thể riêng, nằm trong một thủ đô chuyên tâm trau dồi tri thức và hiểu biết. Khi tìm hiểu tôi biết rằng hơn bao giờ hết, ĐHQGHN chính là biểu trưng của một Việt Nam: một dân tộc luôn hướng về tương lai với quyết tâm xây dựng nền tri thức dựa trên các thế mạnh của mình. Vì vậy, đối với cá nhân tôi, đây không chỉ là niềm vui mà còn là một đặc ân được nói chuyện với các quí vị. Thực sự mà nói, tôi rất tâm huyết với buổi nói chuyện này, bởi vì như các quí vị đã biết, hợp tác đại học và khoa học giữa hai nước chúng ta là một trong các chủ đề chính trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Pháp François Fillon lần này.

Chuyến thăm mang tính lịch sử trước hết vì đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của vị Thủ tướng Pháp. Chuyến thăm lần này cũng rất đặc biệt vì nó đánh dấu một bước ngoặt trong mối qua hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực đại học và nghiên cứu khoa học. Không có nơi nào tốt hơn giảng đường này để khẳng định lại cam kết của nước Pháp đưa hợp tác đại học, nghiên cứu khoa học trở thành một trong các lĩnh vực tuyệt vời của mối qua hệ hợp tác song phương giữa hai nước chúng ta.

Bức tranh vẽ trên tường của giảng đường này, do người sáng lập trường Đại học Mĩ thuật Đông dương, Hoạ sĩ Victor TARDIEU sáng tác, nhắc nhở chúng ta còn hơn cả một một bài diễn văn dài, chính lịch sử chung đang gắn kết hai nước chúng ta, và ngày hôm nay được thể hiện bằng “một đối tác mang tính lịch sử và mẫu mực”.

Hợp tác đại học Pháp Việt được minh chứng bằng sự trao đổi lẫn nhau của giới đại học hai nước. Với hơn sáu ngàn sinh viên Việt Nam đang theo học tại Pháp trong đó có gần 700 là nghiên cứu sinh, Việt Nam là cộng đồng Châu Á đứng thứ hai trong các trường đại học Pháp

Hiện tại ở Việt Nam nhiều quan hệ đối tác giữa các trường đại học Pháp và đại học Việt Nam được thiết lập thông qua các chương trình đào tạo chất lượng cao đã được công nhận một cách rộng rãi. Nhất là chương trình đào tạo kĩ sư chất lượng cao mà chúng ta mới kỉ niệm mười năm ngày thành lập với hơn một ngàn kĩ sư đã được đào tạo ở Việt nam, được cấp bằng kĩ sư của Pháp, đây là hình thức đào tạo duy nhất trên thế giới. Đó là Trung tâm Đào tạo về Quản lí Pháp Việt được mở năm 1992 tại Hà Nội, năm 1993 tại thành phố Hồ chí Minh và tất nhiên có cả Trung tâm Đại học Pháp thành lập năm 2006 nhân kỉ niệm một trăm năm thành lập Đại Học Đông đương, tiền thân của Đại Học Quốc Gia Hà Nội

Kính thưa ngài Phó Thủ tướng,

Chuyến thăm của Thủ tướng François FILLON cũng là dịp chúng ta gặp nhau lần thú tư trong hai năm qua: hai lần tại Pháp và hai lần tại Việt Nam. Mỗi lần gặp gỡ cho thấy hai bên phải đương đầu với nhiều thách thức: cả hai nước chúng ta cần đáp ứng nhu cầu đào tạo thế hệ trẻ. Thế hệ thanh niênViệt Nam ngày càng đông mà việc giáo dục và hoà nhập vào môi trường nghề nghiệp vừa là thế mạnh tuyệt vời nhưng cũng là sự thách thức rất lớn đối với sự phát triển đại học và nghiên cứu. Tôi tin rằng Việt Nam sẵn sàng vượt qua thách thức này. Và trên con đường hướng tới một xã hội tri thức, nước Pháp luôn sát cánh cùng Việt Nam.

Thưa Ngài Phó Thủ tướng, sau mỗi lần chúng ta gặp gỡ, tôi nhận thấy chúng ta cùng chia sẻ một niềm tin: đó là lòng say mê tri thức và ham hiểu biết, đây chính là nguồn gốc của mọi tiến bộ mà nhân loại đạt được trong tiến trình lịch sử lâu dài. Niềm tin này đang lan rộng trên thế giới ở giai đoạn mà mỗi nước đều nhất trí thừa nhận rằng tương lai của chúng ta trước hết dựa vào việc xây dựng một xã hội tri thức toàn cầu.

Chính từ nhà trường của nền Cộng hoà Pháp nhà khoa học Louis PASTEUR đã trưởng thành, ông chính là người đã phát hiện ra vi trùng và phát minh ra loại thuốc tiêm phòng chống bệnh chó dại, tạo nên một bước tiến nhảy vọt cho loài người. Chính nhà trường này đã đào tạo ra một Gustave EIFFEL, đã cung cấp cho ông mọi phương tiện để xây lên một trong các công trình nổi tiếng nhất thế giới, tháp Eiffel sừng sững canh giữ trời Paris, cầu Long Biên ở Hà Nội. Chính nhà trường này đã đào tạo ra giáo sư Barré-Sinoussi, người đạt giải thưởng Nobel về y học năm 2008, ông được biết đến ở Việt Nam và đã được chính phủ Việt Nam trao Huy chương vì sự nghiệp Y tế vào mùa xuân năm ngoái.

Ở Việt Nam cũng thế, trong 15 năm, Việt Nam đã tăng số lượng sinh viên lên mười lần và tiến trình này chắc chắn sẽ còn tiếp tục.

Dự án thành lập Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (Trường ĐHKHCNHN) chính là ý nghĩa của đề xuất mà Ngài Phó Thủ tướng cho tôi biết năm ngoái khi Ngài bày tỏ mong muốn nước Pháp trở thành đối tác của Việt Nam về việc xây dựng Trường ĐHKHCNHN tại khu công nghệ cao Hoà Lạc. Tôi đã tiếp nhận đề xuất này với niềm tin lớn, niềm tin mà Ngài chia sẻ với một đối tác đã có lịch sử chung lâu dài cho phép nhìn về một tương lai cùng gánh vác. Chính vì thế mà nước Pháp đã tiếp nhận đề xuất của Ngài, chung tay phấn đấu để thành lập một trường đại học chất lượng quốc tế tại Thủ đô của các quí vị

Đông đảo các trường đại học và các trường lớn (Grande Écoles - BBT) của nước Pháp đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ Việt Nam. Hơn ba mươi trường đại học của nước chúng tôi đã tập hợp lại thành một khối thống nhất cùng nhau đóng góp vào dự án của nước Ngài. Đây là bằng chứng về mối quan tâm của nước Pháp đối với dự án này. Ngài Thủ tướng của chúng tôi mong rằng hai đại diện của khối này là giáo sư Louis CASTEX, Hiệu trưởng Trường Đại học Toulouse, giáo sư Guy COUARRAZE, Hiệu trưởng Trường Đại Học Paris Sud 11 hỗ trợ dự án này

Các trường đại học Pháp sẽ tham gia vào Trường ĐHKHCNHN trên ba phương diện: đào tạo, nghiên cứu và đổi mới công nghệ

Trước hết về đào tạo: Dự án Trường ĐHKHCNHN, cho phép tăng cường đào tạo 400 tiến sĩ tại Pháp trong 10 năm để hình thành đội ngũ giảng viên đại học của nhà trường. Khối các trường đại học Pháp sẽ giúp tư vấn kiểm định để lập ra các ngành đào tạo chất lượng cao của nhà trường. Tíếp đến là lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Sáu lĩnh vực mang tính chiến lược đã đựợc xác định, ở mỗi lĩnh vực đó, các trường đại học Pháp sẽ tham gia thành lập các đơn vị nghiên cứu quốc tế hỗn hợp. Các đơn vị này là trung tâm của hợp tác khoa học song phương giữa hai nước chúng ta. Đó là các lĩnh vực môi trường, công nghệ sinh học, dược học, hàng không vũ trụ, khoa học công nghệ truyền thông, vật liệu và công nghệ nano. Đây chính là các vấn đề mà nước Pháp ưu tiên trong chiến lược khoa học và đổi mới công nghệ của mình. Phương diện thứ ba trong hợp tác của nước Pháp với việc thành lập Trường ĐHKHCNHN là đổi mới công nghệ. Phương diện này là trọng tâm chính của dự án: nó giải thích việc lựa chọn đặt Trường ĐHKHCNHN tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, nơi đó có vườn ươm công nghệ liên kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng dự án này sẽ đạt được kết quả tốt, đáp ứng được nhu cầu của chính phủ nước Ngài trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước Việt Nam trên con đường hoà nhập với khu vực và thế giới. Mặc cho suy thoái kinh tế toàn cầu ở đầu thế kỉ hai mốt này, hai nước chúng ta sẽ vượt qua mọi thách thức, cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, một xã hội tri thức.

 MediaVNU - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan