Trong nước
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Trong nước
Hồi sinh miền cổ tích
Những ngày cuối tháng ba, đoàn công tác của ĐH Quốc gia Hà Nội do GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc và GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc dẫn đầu đã có dịp tới Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, có tuyến đường biên giới giáp Trung Quốc dài 274km.

Chuyến đi nhằm thu thập những tư liệu khoa học và thông tin thực tế, phục vụ việc triển khai hoạt động hợp tác giữa ĐH Quốc gia Hà Nội và Hà Giang, mà trước mắt là tiến hành Hội thảo khoa học và Diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển” được tổ chức vào ngày 21/4/2011, tại Hà Nội.

Đêm gần khuya, sau một hành trình dài và vất vả, chúng tôi có mặt tại Thành phố Hà Giang – trung tâm hành chính của Tỉnh Hà Giang. Tiếp đoàn có TS. Đàm Văn Bông – Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng và một số sở, ban, ngành của tỉnh. Đó không chỉ là buổi tiếp xã giao mà nhiều công việc đã được bàn đến ngay sau đó

Anh Long – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh giãi bày: “Các anh lãnh đạo trên này mong gặp GS.TS Mai Trọng Nhuận và GS.TSKH Vũ Minh Giang lắm. Ngoài việc trao đổi trực tiếp qua điện thoại, thư điện tử, lãnh đạo 2 bên cũng đã gặp nhau nhiều lần ở Thủ đô để bàn bạc về việc hợp tác giữa đại học và địa phương. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hà Giang đã cử Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn là người dẫn đoàn đi thực tế lần này. Anh Sơn còn trẻ nhưng đã trải qua nhiều vị trí công tác và thấu hiểu thực tế địa phương”.

Trong khi ấy, ở vị trí chủ tọa, TS. Đàm Văn Bông tha thiết đề nghị lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội: “Mong muốn của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Hà Giang là nhờ sự giúp sức trí tuệ của các nhà khoa học tại ĐH Quốc gia Hà Nội - một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, chuyển giao khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu cả nước để giúp Hà Giang phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Chúng tôi tin rằng chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội mới có đủ sức mạnh tổng hợp để giúp Hà Giang thoát nghèo, thoát khỏi những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng quy hoạch và phát triển tổng thể kinh tế - xã hội địa phương hiện nay”.

GS. Giám đốc Mai Trọng Nhuận nói lên những suy nghĩ nung nấu từ lâu và nay đến Hà Giang mới có dịp tỏ bày. Giáo sư đã thật sự xúc động khi thấy đồng chí Chủ tịch luôn trăn trở về sứ mệnh đặc biệt quan trọng mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã trao cho lãnh đạo Hà Giang và ĐH Quốc gia Hà Nội.

 

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn cũng chia sẻ: “Lãnh đạo cấp tỉnh của Hà Giang hôm nay, nhiều người đã từng học tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và tiếp tục được đào tạo sau đại học ở ĐH Quốc gia Hà Nội nên các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất tin tưởng những gì các Thầy đang và sẽ làm đối với địa phương. Sự tham gia tập thể của các nhà khoa học thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng giải quyết các vấn đề mang tính tổng thể của Hà Giang sẽ góp phần đưa tỉnh sớm thoát được cái nghèo và phát huy những nét độc đáo để thu hút sự đầu tư trong và ngoài nước”.

“Với vai trò của một đại học nòng cột trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, là diện mạo giáo dục đại học quốc gia, ĐH Quốc gia Hà Nội là điểm đến của các nguyên thủ quốc gia có quan hệ quốc tế với Việt Nam. ĐH Quốc gia Hà Nội đồng thời tham gia giải quyết các vấn đề lớn có tầm quốc gia. Ngoài công việc thường xuyên ĐH Quốc gia Hà Nội còn có các quan hệ hợp tác với các địa phương mà ở đó rất nhiều vấn đề cần giải quyết không chỉ có ý nghĩa đối với địa phương mà còn có ý nghĩa đối với quốc gia, quốc tế. Với ý nghĩa đó, Hà Giang là một trong các đối tác như vậy” – GS.TSKH Vũ Minh Giang tiếp lời.

Buổi làm việc đặc biệt đầu tiên của những lãnh đạo Hà Giang và ĐHQGHN cứ tiếp tục như vậy cho đến khi kết thúc.

Hơn 23h, không khí tĩnh mịch bao trùm thành phố vùng biên. Lễ kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 55 năm Ngày Bác Hồ đến với mảnh đất Hà Giang ngay tại Quảng trường gần trụ sở UBND tỉnh đã xong từ lúc nào mà không ai biết. Tiết trời tháng 3 ở Hà Giang lạnh có vẻ đẹp trong lành, thuần khiết.

6h ngày 27/3, với sự hướng dẫn của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn, đoàn chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi đỉnh Lũng Cú – nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc. Trên đường chúng tôi qua, đoàn sẽ dừng ở những điểm đặc biệt, nơi mà các nhà khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội đánh dấu trên bản đồ để hoàn thiện bản quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội Hà Giang. Ở xe bên kia, lãnh đạo cao nhất của ĐH Quốc gia Hà Nội và Hà Giang đang bàn thảo về những nội dung mang tính vĩ mô còn xe bên này của chúng tôi rôm rả nói về những điều rất cụ thể. Phía cuối xe, GS.TS Trương Quang Hải, PGS.TS Tạ Hòa Phương, PGS.TS Đặng Văn Bào và PGS.TS Vũ Văn Tích bắt đầu sôi nổi thảo luận về địa hình, địa mạo, diện mạo phát triển kinh tế xã hội của những vùng đất mà đoàn tới.

PGS.TS Tạ Hòa Phương (mà sau này những người trong đoàn thường gọi thân mật là GS. Tạ) là người đã gần 30 năm gắn bó với Hà Giang, kể từ khi ông còn là giảng viên trẻ của Khoa Địa chất, Trường ĐHKHTN. Ông thuộc từng khúc cua trên con đường đi Đồng Văn – huyện xa nhất của tỉnh, cách TP. Hà Giang 144 km. Nói với các thành viên trong đoàn bằng chất giọng rủ rỉ, GS. Tạ kể không ít lần ông đã đi bộ qua cung đường này và đã đánh dấu trong bản đồ của riêng mình – nhà nghiên cứu về cổ sinh học, địa tầng – hàng loạt vị trí đặc biệt có thể khai thác thành điểm dừng chân cho du khách trong tương lai. Qua con mắt của một nhà nghiên cứu đã được đào tạo bài bản tại Liên Xô cũ và có nhiều trải nghiệm với thực tế địa phương, GS. Tạ đã đo vẽ và ghi chép cụ thể về cấu trúc địa chất từng mét chiều dài cung đường ấy. Ông đang ấp ủ cho ra đời một cuốn sách khoảng 300 trang viết về Hà Giang: miền đá – miền cổ tích. Đó là câu chuyện gồm nhiều chương viết về địa chất, khoảng sản, thắng cảnh, tiềm năng của một địa phương qua lăng kính của một nhà nghiên cứu địa chất am hiểu văn chương và say mê hội họa.

Cổ vũ nhiệt tình cho ý tưởng này của vị GS. họ Tạ, GS. Trương Quang Hải đệm thêm: viết về địa chất mà như viết văn, cả Việt Nam may ra chỉ có anh Phương làm được thôi. Trường ĐHKHTN đã rất hãnh diện khi nhà khoa học của Trường giành giải nhất cuộc thi dịch thơ Puskin. Cuộc thi ấy có cả những nhà thơ, dịch giả chuyên nghiệp tham gia. Trong khi ấy, Giáo sư Tạ trần tình rằng tham gia cuộc thi chỉ là để cho vui, giống như mỗi khi căng thẳng trong nghiên cứu về địa chất, ông thường tìm niềm vui qua nét cọ màu, những vần thơ và những cuốn tiểu thuyết. Tất cả những điều ấy là một phần tất yếu trong cuộc sống của ông và cá nhân ông có thể đảm đương được. Nỗi niềm trăn trở mà ông đeo nặng bấy lâu là chưa tìm kiếm được “nhân tố điển hình” để nối tiếp bước đường của ông trong hành trình nghiên cứu cổ sinh học – địa tầng.

Không khí trong xe trầm xuống khi câu chuyện đề cập đến việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ kế cận trong lĩnh vực khoa học cơ bản. Tôi nhớ đây cũng là chủ đề, là câu chuyện mà GS.TSKH Vũ Minh Giang đại diện cho đội ngũ những nhà khoa học ở ĐH Quốc gia Hà Nội đã đề cập nhiều lần và trình bày ý kiến trong các buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Rất đồng tình với ý kiến của GS.TSKH Vũ Minh Giang, nhiều nhà khoa học cùng chung quan điểm cho rằng khoa học cơ bản là xương sống của mỗi nền khoa học công nghệ và để lĩnh vực này của nước nhà phát triển thì Nhà nước phải ưu tiên tập trung đầu tư. Khoa học cơ bản không mang lại những lợi ích trước mắt mà đem đến hiệu quả lâu bền cho tương lai nên khó thu hút kinh phí ngoài ngân sách, trong khi đó việc đầu tư lại đòi hỏi một lượng khổng lồ mà không một tổ chức, cá nhân nào kham nổi. Ước mơ thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng với ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản đã được các thầy đề cập từ lâu, nhưng đến nay vần còn là mơ ước. Bên cạnh năng lực chuyên môn sẵn có, cơ chế ấy có thể sẽ giúp các cơ sở đào tạo đảm bảo được năng lực tài chính nuôi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản. Nghề khoa học cơ bản khó có việc làm thêm và không có doanh nghiệp nào đeo đuổi. Chính vì những lý do ấy mà cho đến tận hôm nay, trăn trở về đội ngũ kế cận trong khoa học cơ bản không chỉ thường trực với những lãnh đạo cao nhất của ĐH Quốc gia Hà Nội như: GS. Nhuận, GS. Giang mà còn lan tới những chủ nhiệm bộ môn như GS. Tạ , GS. Bào.

Thực hiện một số nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đặt hàng của các địa phương thực sự là một “cửa” giúp các nhà khoa học có thâm niên tìm được nguồn thu, hỗ trợ thêm cho những cán bộ trẻ cùng chí hướng nghiên cứu với mình. Cách làm ấy đã được các giáo sư có mặt trong đoàn công tác thực hiện từ bấy lâu nay và tên các ông xuất hiện trong các công trình nghiên cứu của hầu hết các địa phương từ Bắc chí Nam nhưng hầu như mới chỉ mang tính chất cá nhân. Còn hôm nay, khi việc bắt tay giữa đại học với địa phương, giữa ĐH Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Giang thì cách làm ấy được nâng lên một tầm cao mới, được thực hiện một cách tổng thể, hệ thống, mang tính vĩ mô và có tổ chức. Danh xưng nhà khoa học không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực với cá nhân mà còn đưa thương hiệu ĐH Quốc gia Hà Nội ngày càng lan tỏa, thể hiện trách nhiệm với quốc gia, tạo dấu ấn với đời sống xã hội địa phương, với các tổ chức trong nước và quốc tế. Tôi nhớ trong một hội nghị giao ban về công tác đảm bảo chất lượng mới đây, Giám đốc ĐHQGHN đã nhấn mạnh phải thúc đẩy việc xây dựng văn hóa chất lượng trong ĐHQGHN. Ông cho rằng văn hóa chất lượng là thói quen làm cho mọi việc có chất lượng và các bên liên quan cần thấu hiểu giá trị công việc mỗi cá nhân thì văn hóa ấy mới mang ý nghĩa lớn lao cho tổ chức.

Mé bên trái xe, cuộc tranh luận giữa PGS. Tích và PGS. Bào về cách thức xây dựng bản đồ địa mạo át cả tiếng còi xe. Chưa bao giờ tôi thấy nhà khoa học Vũ Văn Tích vốn là “thủ lĩnh” Đoàn của Trường ĐHKHTN lại sôi nổi đến thế. Cách anh tranh luận với thầy Bào khiến tôi ngộ ra một điều chỉ khi niềm đam mê song hành cùng khả năng thì con người mới thăng hoa.

Ngồi ở đầu xe trên cùng băng lái, GS.TS Trương Quang Hải nói với PGS. Tạ rằng phải tư vấn với tỉnh Hà Giang việc xây dựng Cổng trời Quản Bạ thành cửa ngõ và điểm dừng chân ấn tượng đầu tiên trên hành trình du khách đến với Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. GS.TS Trương Quang Hải cho rằng đã xuất hiện những đặc điểm kinh tế xã hội khác biệt so với vùng dưới và khoảng cách 40 km tính từ thành phố Hà Giang phù hợp với nhịp dừng chân của dân du lịch. Khi Dự án sân bay Hà Giang phục vụ du lịch được xây dựng tại đây cũng tạo thuận tiện cho du khách quay ngược về thành phố hoặc ở lại trung tâm huyện để dưỡng sức một đêm cho hành trình tiếp theo.

Theo quan sát của một nhà khoa học nghiên cứu về địa mạo, PGS. Bào cho rằng di sản kiến tạo mặt trượt đứt gãy và đới dăm kết vôi rất đặc trưng ở Quản Bạ. Mặt trượt đứt gãy ở Quản Bạ trơn mịn, màu đỏ do chứa oxyt sắt là dấu tích pha hoạt động cuối cùng của đứt gãy này trong giai đoạn Tân kiến tạo (cách ngày nay khoảng 5 triệu năm - Hiện đại) còn lại đến ngày nay. Trong khi ấy, tấm biển đề tên xã Hợp Tiến gây bức bối cho GS. Hải. Ông cho rằng Hà Giang nên quay về với những tên xã truyền thống cổ xưa để tăng hấp dẫn và kích thích sự quan tâm của du khách. Tên làng Đán dùng cho địa danh này hay hơn nhiều, gợi hơn nhiều. PGS. Tạ thì bày tỏ nỗi ám ảnh của mình về miền đất cổ và ủng hộ nhiệt tình việc sử dụng các tên truyền thống ở Hà Giang.

Chỉ tay về phía thị trấn Tam Sơn, Huyện Quản Bạ mờ mờ phía trước, PGS. Tạ chia sẻ: “Di sản địa chất độc đáo 2 chóp núi đá vôi có hình dạng giống hệt đôi gò bồng đảo của người thiếu nữ, nằm nổi bật giữa cánh đồng Quản Bạ bằng phẳng, màu mỡ có tên gọi là Núi Vú cô Tiên, bắt nguồn từ vẻ đẹp quyến rũ của nó. Ngày nay mọi người thường gọi là Núi đôi cô Tiên nhưng tôi thích cách gọi cổ hơn. Dân dã, gần gũi mà rất gợi”.

Giải thích cho một kẻ ngoại đạo của ngành Địa chất là tôi, PGS. Đặng Văn Bào bảo: Núi Vú cô tiên thực chất là sản phẩm của quá trình rửa trôi, bào mòn đều đặn tập dăm kết vôi nằm trong đới phá hủy của đứt gãy Quản Bạ - Hương Chà mà pha hoạt động cuối cùng của nó xảy ra cách ngày nay khoảng 5 triệu năm. Đây là một dạng cảnh quan karst dạng đồi độc đáo của Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn vì mặc dù được cấu tạo bởi đá dăm kết vôi nhưng lại mang nét mềm mại của địa hình đá lục nguyên.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang, sau khi GS.TS Mai Trọng Nhuận đề cập đến những vấn đề khái quát, mang tính vĩ mô, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến Cột cờ Lũng Cú, trống đồng Lũng Cú, Nhà Vương, Cổng trời Quản Bạ, vườn tượng Thạch Sơn Thần và di sản địa chất Núi Vú cô tiên. GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng: Hà Giang - trong đó có huyện Quản Bạ - sẽ phát triển nhanh hơn nếu thu hút được nhiều người đến địa phương để thưởng lãm những danh thắng độc đáo nơi đây và mang về những sản phẩm chỉ nơi đây có. Sản phẩm mô phỏng di sản địa chất Núi Vú cô tiên và các sản phẩm mang theo địa danh Lũng Cú sẽ thực sự hút khách. Sự quan tâm của nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu Việt Nam cho rằng: “Phải tuyên truyền ngay và bền bỉ việc Lũng Cú là nơi địa đầu cực Bắc của Việt Nam. Các nhà khoa học thì luôn hiểu điều này nhưng hiệu quả cụ thể của công tác truyền thông là để mọi công dân Việt Nam và du khách quốc tế phải nằm lòng Lũng Cú là đỉnh biên cương cực bắc của Tổ quốc giống như mọi người đã biết về Mũi Cà Mau. Tinh thần yêu nước cứ lớn dần lên từ những việc nhỏ ấy”. Cái rét lạnh cóng của Lũng Cú hôm đó không xua đi được sự rực sáng và tự hào trong đôi mắt nhà nghiên cứu lịch sử khi thấy cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên đỉnh núi Rồng. Suốt các buổi làm việc và trao đổi công việc sau đó, ông còn tiếp tục đề cập đến việc khôi phục Nhà Vương sao cho sinh động và nỗi niềm lo cho chiếc trống đồng Lũng Cú duy nhất còn sót lại bị hỏng...

Mang theo mọi thiết bị hiện đại nhất trong hành trang công tác, nhà nghiên cứu địa chất trượt – lở Mai Trọng Nhuận đã chỉ dẫn cho các thành viên về khoảng cách, vị trí của từng địa điểm mà đoàn thị sát. Chiếc ống nhòm của Giáo sư đã giúp các thành viên quan sát được ngôi làng cách đỉnh cột cờ khoảng 1 km – làng Lô Lô Chải (nơi có trống đồng Lũng Cú). Vì tận mắt chứng kiến được quang cảnh của hơn chục nóc nhà còn sót lại ở làng này mà Giáo sư lại thêm một mối băn khoăn làm sao để người Lô Lô thường xuyên mặc trang phục truyền thống... Tiếp tục quan sát, Giám đốc ĐHQGHN nhặt một hòn đá và cho biết phiến đá đặc trưng cho thạch bọ ba thùy cổ nhất, chỉ xuất hiện ở Lũng Cú. Giám đốc ĐHQGHN đã mang phiến đá ấy trải qua hành trình 500 km về Hà Nội và dự kiến sẽ trưng bày cho mọi người tham quan khi Bảo tàng Khoa học tự nhiên của ĐHQGHN hoàn tất.

Chia sẻ về việc người Lô Lô giờ ít mặc trang phục truyền thống, anh Mã Thanh Giang – Giám đốc Ban quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: người phụ nữ Lô Lô phải mất ít nhất một giờ đồng hồ mới có thể mặc xong trang phục truyền thống. Cùng với đó, các phụ kiện đi kèm rất nhiều, ảnh hưởng không tốt tới sinh hoạt hàng ngày và năng suất lao động của người dân nên họ chỉ mặc trong những ngày lễ hội của dân tộc. Thêm nữa, giá một bộ trang phục truyền thống vì làm thủ công cộng với trang sức làm bằng bạc nõn rất đắt đỏ (có khi lên tới hàng chục triệu đồng), nên người Lô Lô hàng ngày đã lựa chọn loại trang phục thuận tiện và có giả cả phù hợp với điều kiện thực tế hơn.

Cách chân cột cờ Lũng Cú khoảng 500m trên con đường trở lại Mèo Vạc có một ngôi làng người Mông có đời sống phong lưu hơn những vùng chúng tôi qua, đang nhen nhóm trở thành làng du lịch cộng đồng theo mô hình của các quốc gia phương Tây. Người đàn ông Mông địu con trên lưng cho biết 50.000 đồng/một tối lưu trú là giá dịch vụ mà du khách phải trả. Các thành viên trong đoàn đều cho rằng giá ấy không phải là đắt, nhưng lãnh đạo tỉnh và các nhà khoa học cần phải tiếp tục hỗ trợ thêm để làng vẫn giữ nguyên được bản sắc vốn có và du khách đến đây có thể hòa nhập được với tập tục địa phương đồng thời dân bản địa có thể tăng thêm nguồn thu. Tôi nhớ tới một ngôi làng khác thuộc thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn - cũng đang hoàn thiện một mô hình tương tự. Sau khi đi thực tế, đội ngũ cán bộ khoa học của ĐHQGHN vẫn đang ấp ủ đề xuất phương án tối ưu cho Tỉnh về điện, đường giao thông, quy hoạch làng, trang trí nội thất cho từng hộ gia đình, các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường và phát triển bền vững trong tương lai.

Là một trong tổng số 22 dân tộc, chiếm gần 30% dân số của tỉnh, dấu ấn người Mông để lại dậm nét trên hầu hết các di tích của Hà Giang. Đi qua 2 ngôi làng đang thí điểm xây dựng mô hình homestay, di sản kiến trúc Dinh họ Vương, chúng tôi còn tiếp tục được mục sở thị Phố Cáo và khu Phố Cổ Đồng Văn. Đây là 2 khu vực tiêu biểu cho người Mông đô thị, giàu có và phát triển, có tiềm năng du lịch rất rộng mở. Người say sưa với Phố Cáo nhiều nhất là GS.TS Mai Trọng Nhuận. Với con mắt của một nhà quản lý đã đi nhiều nơi, biết nhiều phong tục và am hiểu cách thức du lịch của người nước ngoài, GS. cho rằng phải có bàn tay, khối óc và trái tim của nhà khoa học cộng với sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo địa phương thì Phố Cáo mới thật sự là địa điểm du lịch không chỉ đến một lần. Theo GS. Nhuận, tiềm năng thu hút khách du lịch đến với Phố Cáo lớn lắm. Phố Cáo gồm khoảng hơn 20 nóc nhà cổ hơn trăm tuổi, tiêu biểu cho kiến trúc của dân tộc Mông. Nhà có tường trình đất, mái lợp ngói âm dương và bao quanh là hàng rào đá. Giữa làng còn tồn tại nghĩa địa mà chỉ nhìn thoáng qua đã nhận ra là nơi an táng những người Mông khuất núi. Những nấm mồ đắp chồng bằng nhiều lớp đá, ngay trong vườn nhà. Thửa đất bên cạnh, người phụ nữ Mông đang dắt bò đi cày. Trong khu vực 4 huyện thuộc Công viên địa chất Công viên đá Đồng Văn, điều kiện tự nhiên khiến đàn trâu khó có thể tồn tại và người dân nơi đây “nuôi bò trên lưng” – một thuật ngữ mà GS. Hải truyền lại cho tôi. Đất ở đây hiếm hoi, xen kẽ trong từng hốc đá và chỉ có loài cỏ voi mới sinh tồn được trên dẻo đất này. Dân bản địa phải cõng cỏ về nhà nuôi bò vì đá nhiều, bò cũng không thể di chuyển đến nơi có cỏ mà ăn được. Có lẽ do đá ở khu vực công viên địa chất nhiều quá mà khác với người Mông ở một số địa phương sống trên đỉnh núi cao, người Mông ở Hà Giang thường sinh sống ở trong thung lũng. Sau 3 lần vòng đi vòng lại, thị sát Phố Cáo, GS. Mai Trọng Nhuận khẳng định với Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn về tính khả thi trong việc bảo tồn Phố Cáo. ĐHQGHN sẽ giúp Hà Giang thu hút đầu tư của các tổ chức nước ngoài, thực hiện dự án đối với khu vực này.

Đến với Phố Cổ Đồng Văn – trung tâm của Công viên địa chất – nơi được ví với Phổ Cổ Hội An thu nhỏ. Không phải là phố cổ nhất, cũng không phải là nơi có không gian rộng nhất so với Hội An, Đường Lâm song phố cổ Đồng Văn như một đốm lửa trên cao nguyên, đọng lại dư vị văn minh sớm của người Mông bản địa từ khoảng gần 400 năm về trước. Các nhà khoa học của ĐHQGHN cùng cho rằng sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất phương án bảo tồn và phát huy các giá trị của khu phố này. Hội An, Đường Lâm đã ghi danh của rất nhiều nhà khoa học thuộc ĐHQGHN trong việc bảo tồn và trong tương lai chắc chắn thêm một lần ghi dấu ấn của cán bộ khoa học ĐHQGHN tại Phố Cổ trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Dưới sự chỉ dẫn tận tình của lãnh đạo địa phương, đoàn cán bộ ĐHQGHN đã đi thực tế qua tất cả các khu vực đặc biệt của Công viên địa chất: đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, hẻm vực Nậm Lang ở xã Du Già, hóa thạch Tay cuộn ở Ma Lé, hoang mạc đá ở Sảng Tủng, tận mắt chứng kiến các di sản khoáng vật - khoáng sản, tới hồ treo, thăm thủy điện, đồng thời thăm khu mỏ và nhà máy luyện angtimon… Đoàn cán bộ khoa học ĐHQGHN cũng đã tới thăm khu kinh tế mở Thanh Thủy và quan sát khu vực biên mậu nơi cửa khẩu Thanh Thủy, cách thành phố Hà Giang chừng 16km. Để thị sát được bằng ấy địa điểm, cứ khoảng 6giờ mỗi sáng, đoàn chúng tôi xuất phát và thường kết thúc ngày làm việc lúc 22giờ đêm. Tối 27/3, dưới sự chủ trì của GS. Mai Trọng Nhuận, cả đoàn đã cùng nhau làm việc thâu đêm mà không ai thấy mệt. Bản đồ giăng kín phòng họp.

Kết thúc chuyến công tác là buổi làm việc chính thức của lãnh đạo tỉnh với Đoàn. Đại diện cho lãnh đạo và đội ngũ các nhà khoa học ĐHQGHN, ý kiến đề xuất của GS.TS Mai Trọng Nhuận về việc phát triển tổng thể kinh tế xã hội Hà Giang đã nhận được tràng pháo tay hưởng ứng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương. Giám đốc ĐHQGHN thể hiện những trăn trở và suy nghĩ về những giải pháp cho Hà Giang phát triển, thông qua mô hình tam giác đột phá là: Kinh tế cửa khẩu – công nghiệp – du lịch trên cơ sở khai thác những cái duy nhất, đặc hữu chỉ có trên bề mặt đá vôi với cách tiếp cận liên ngành, liên vùng, dựa trên nền phát triển toàn diện trong đó có lưu ý phát triển trọng điểm, đột phá riêng.

Trong nguyên tắc đầu tư là không phải đầu tư vào cái tốt nhất mà nên đầu tư vào cái độc đáo. Mà theo đó, du lịch được coi là số một bởi không phải mang đi nhiều mà người dùng phải đến; sản xuất cái ít phải vận chuyển nhất. ĐHQG Hà Nội đề xuất khai thác tối đa kỳ quan địa chất và địa mạo mà đỉnh điểm là 4 huyện thuộc công viên địa chất kèm theo một số tài nguyên đặc biệt trên hệ thống đá vôi vì hang động còn xuất hiện ở Vị Xuyên – một huyện không thuộc geopark. Du lịch phải đặt trong bối cảnh 6 tỉnh phía Đông, 8 tỉnh phía Tây của Việt Nam và Châu Văn Sơn, Trung Quốc. Để phát triển du lịch của Hà Giang cần phải có một quy hoạch tổng thể mang tính liên vùng (kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan trong và ngoài nước), làm đẹp những di sản đã được biết đến.

Cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Đàm Văn Bông, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn và Giám đốc Mai Trọng Nhuận, Phó Giám đốc Vũ Minh Giang cùng lãnh đạo 2 bên diễn ra như cuộc hội ngộ của những người tri kỷ. Hình mẫu về hợp tác giữa Đại học và Địa phương đang trên đường đến đích.

>>> Tin liên quan:

 Đỗ Ngọc Diệp - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :