Trong nước
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Trong nước
Từ năm 2020 sẽ tổ chức đào tạo liên thông giữa hai Đại học Quốc gia
Năm 2019, ĐHQG Tp.HCM và ĐHQGHN tiếp tục là hai đại học duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách 1.000 đại học xuất sắc nhất thế giới do Tổ chức xếp hạng QS công bố, càng khẳng định vai trò đầu tàu trong hệ thống giáo dục nước nhà và tầm nhìn chiến lược cùng sự tin tưởng của Đảng và Chính phủ vào hai ĐHQG. Trong thời gian tới, nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh tổng lực, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh trao đổi đào tạo sinh viên giữa hai ĐHQG, hướng tới bổ khuyết nguồn nhân lực cho các cơ quan Chính phủ.

Đây là định hướng hợp tác chủ lực sắp tới mà hai ĐHQG cùng thảo luận tại Hội nghị giao ban thường niên năm 2019, diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham gia của Ban Giám đốc, lãnh đạo các Ban chức năng và các trường thành viên của hai Đại học Quốc gia.

Hội nghị giao ban thường niên giữa hai ĐHQG năm 2019

Trước đó, hai bên đã cùng nhìn lại năm học 2018 – 2019 với nhiều thách thức lớn ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình tổ chức hoạt động và cơ chế của hai ĐHQG, song, hai ĐHQG đã tích cực phối hợp, vượt qua khó khăn, cùng triển khai tốt những kết luận tại Hội nghị Giao ban 2018.

Năm học vừa qua, việc hai ĐHQG kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định mô hình của ĐHQG là mô hình đại học tiên tiến theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, được ưu tiên đầu tư phát triển và đã có những thành công, thể hiện qua Điều 8 về ĐHQGHN vẫn được giữ nguyên trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012, được Quốc hội bổ phiếu thông qua ngày 19/11/2018. Sau khi Luật sửa đổi được thông qua, ĐHQGHN và ĐHQGHCM đã thành lập Tổ công tác và chủ trì việc xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định và Quy chế về ĐHQG để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sau nhiều cuộc làm việc, hai ĐHQG đã cơ bản hoàn thiện dự thảo Nghị định và Quy chế mới về ĐHQG.

Những thành tựu và vai trò của ĐHQGHN và ĐHQG Tp.HCM đối với giáo dục đại học nói riêng và sự phát triển kinh tế xã hội nói chung tiếp tục được khẳng định và lan tỏa qua hoạt động của bộ phận truyền thông của hai đơn vị và qua truyền hình, báo điện tử, báo in, v..v. nhằm thông tin về mô hình, vai trò của hai ĐHQG tới công chúng, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng mô hình này.

Giám đốc ĐHQG Tp.HCM phát biểu tại Hội nghị

Năm học vừa qua, hai ĐHQG đã cùng phối hợp để triển khai thỏa thuận hợp tác đào tạo đã ký tại Hội nghị Giao ban năm 2018. Trong năm học vừa qua, hai ĐHQG đã thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác đào tạo, đặc biệt trong mảng tuyển sinh sau đại học, nhằm hỗ trợ, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng và số lượng tuyển sinh. Hiện nay trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV), trường Đại học Kinh tế - Luật của ĐHQG Tp.HCM đã dự kiến về số lượng học viên, nghiên cứu sinh cũng như các ngành học để trao đổi học tập tại ĐHQGHN giai đoạn 2020 - 2023. Cùng với đó, hai ĐHQG đang khẩn trương phối hợp xây dựng Đề án đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cho các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh miền Nam có mong muốn được theo học các chương trình đào tạo tại ĐHQGHN.

Đối với lĩnh vực trụ cột là nghiên cứu khoa học, trong thời gian qua, hai ĐHQG đã tăng cường huy động các nhà khoa học tham gia thực hiện các nhiệm vụ, chương trình khoa học công nghệ lớn, giải quyết các vấn đề thực tiễn, đưa ra các công nghệ hay tư vấn chính sách góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia. Hiện nay, hai ĐHQG là cơ quan chủ trì của hai Chương trình KH&CN phát triển bền vững vùng là Chương trình KH&CN phục vụ Phát triển bền vững vùng Tây Bắc (ĐHQGHN) và Chương trình KH&CN phục vụ Phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ (ĐHQG Tp.HCM). Bên cạnh đó, hai Đại học đã cùng hợp tác trong khuôn khổ một số chương trình lớn khác như “Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới”, Chương trình phát triển vật lý theo QĐ 380/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nhiệm vụ Quốc chí,… Ngoài ra, hai ĐHQG đã phối hợp với nhau tổ chức nhiều hoạt động và hội thảo khoa học để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, hai ĐHQG đã có những hợp tác nhất định trong các công tác xây dựng cơ chế đặc thù cho việc triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở mới của hai ĐHQG, công tác sinh viên, khảo thí, đảm bảo chất lượng và kiểm định giáo dục, v…v.

Năm học 2019 – 2020, ngoài các hợp tác về đào tạo, nghiên cứu, hợp tác phát triển, truyền thông, kiểm định chất lượng, chia sẻ dữ liệu, học liệu, hai định hướng hợp tác trọng tâm của hai bên là cùng phối hợp với các địa phương xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo đặt hàng và hoàn thành Đề án đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cho các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh miền Nam có mong muốn được theo học các chương trình đào tạo tại ĐHQGHN. Đây là hướng đi phù hợp với nhu cầu đa dạng hóa nhân lực tại các cơ quan Trung ương.

Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức trình bày đề án trao đổi đào tạo sinh viên giữa hai ĐHQG

Các đại biểu tham dự bày tỏ sự đồng tình với định hướng này cũng như tích cực thảo những phương thức để thu hút sinh viên như nghiên cứu tâm lý vùng miền, hỗ trợ học bổng, thiết kế các chương trình đào tạo tài năng, song ngành giữa hai ĐHQG, tạo cơ hội thực hành, thực tập, cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp, v..v

Giám đốc ĐHQG Tp.HCM Huỳnh Thành Đạt và Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn nhất trí với đề xuất kế hoạch hợp tác năm học 2019 – 2020 của Văn phòng ĐHQGHN và bổ sung thêm một số mặt công tác như kiểm định chất lượng giáo dục, phát huy vị thế nằm trong nhóm 1000 đại học hàng đầu thế giới của hai ĐHQG; tham gia chung tay với các địa phương xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế vùng và tiếp tục kiến nghị với Đảng và Nhà nước để khẳng định mô hình ĐHQG và chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong việc xây dựng mô hình này. Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đề nghị, đối với công tác kiểm định, hai Trung tâm kiểm định của hai ĐHQG sẽ tổ chức trao đổi chuyên đề, thống nhất hoạt động theo Luật Kiểm định. Đối với Đề án trao đổi sinh viên, từ nay đến hết tháng 9/2019, hai bên sẽ thành lập Tổ Công tác để nghiên cứu, xây dựng đề án. Cả hai ĐHQG cùng quyết tâm tạo một cú hích mạnh mẽ cho sự luân chuyển của sinh viên giữa hai bên.

 

>>> Các tin bài liên quan:

Giao ban 2 ĐHQG năm 2018: phát huy tiềm năng, thế mạnh mô hình ĐHQG để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước

Giao ban 2 ĐHQG năm 2017: hướng tới hoàn thiện mô hình đại học đa ngành đa lĩnh vực thích ứng với giai đoạn mới

Giao ban Công đoàn Đại học Quốc gia, Đại học vùng và cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2015 tại ĐHQGHN (2015)

Hội nghị Giao ban thường niên 2 Đại học Quốc gia (2013)

Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định mới về Đại học Quốc gia (2013)

Tăng cường hợp tác giữa đoàn thanh niên hai Đại học Quốc gia (2012)

Hai Đại học Quốc gia: Phối hợp để vươn tầm quốc tế (2010)

PVN và hai ĐHQG: Tăng cường năng lực cạnh tranh (2010)

Hai ĐHQG chung sức sáng tạo sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học - công nghệ (2009)

Hội nghị giao ban giữa ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và ĐHQG Hà Nội (2008)

 

 Thùy Trang - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :