Văn bản - Quyết định
Trang chủ   >  Tin tức  >   Thông báo  >   Văn bản - Quyết định
Đề án tuyển sinh ĐHCQ của ĐHQGHN áp dụng từ năm 2016

Ngày 12/4/2016, ĐHQGHN đã có công văn số 998/ĐHQGHN-ĐT trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Đề án tuyển sinh ĐHCQ của ĐHQGHN áp dụng từ năm 2016.
Theo đó, ĐHQGHN tiếp tục thực hiện các nội dụng thuộc Đề án tuyển sinh năm 2015 và điều chỉnh một số điểm phù hợp với tình hình thực tiễn.
1. Mục tiêu
Thực hiện công tác đổi mới tuyển sinh toàn diện, bền vững ở ĐHQGHN; Đảm bảo tuyển được thí sinh chất lượng, đúng nguyện vọng theo học tại các đơn vị đào tạo; Tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của đơn vị đào tạo; Khai thác tận dụng mọi nguồn lực hiện có của ĐHQGHN phục vụ công tác tuyển sinh; Chuyên nghiệp hóa nhiệm vụ thi và xét tuyển ở ĐHQGHN.
2. Đối tượng tuyển sinh
Người học hết chương trình THPT và tốt nghiệp THPT trong năm đăng ký dự thi (ĐKDT); người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và có bằng tốt nghiệp THPT; người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT không trong thời gian bị kỷ luật theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
3. Phương án tuyển sinh
3.1. Nguyên tắc chung
Thí sinh dự thi vào ĐHQGHN làm bài thi ĐGNL. Trên cơ sở kết quả điểm bài thi ĐGNL, Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐHQGHN quy định tiêu chí và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Trên cơ sở tiêu chí và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Ban chỉ đạo tuyển sinh, HĐTS các đơn vị xây dựng điểm trúng tuyển theo phương án tuyển sinh của đơn vị và chỉ tiêu đã công bố.
Các thí sinh đạt điểm ngưỡng tuyển vào ĐHQGHN theo kết quả thi ĐGNL, để được công nhận trúng tuyển thí sinh cần tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Các thí sinh đã trúng tuyển, có thể đăng ký vào học các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế nếu đủ điều kiện theo quy định của đơn vị đào tạo và được vào học các chương trình này.
Các thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ trước năm 2016, đăng ký làm bài thi ĐGNL để xét tuyển vào ĐHQGHN.
Thí sinh có kết quả ĐGNL còn trong thời hạn có thể ĐKXT vào các đơn vị đào tạo.
Thí sinh trúng tuyển đã nhập học vào các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN không được ĐKXT các đợt tiếp theo.
Xét tuyển đợt 1 đối với thí sinh dự thi ĐGNL;
Xét tuyển đợt 2 (nếu có) đối với thí sinh sử dụng kết quả thi ĐGNL và thí sinh sử dụng kết quả tổ hợp 3 môn thi THPT quốc gia theo khối thi đối với các ngành còn chỉ tiêu (điểm xét tuyển cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định trong năm tuyển sinh).
3.2. Phương án tuyển sinh của các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐHQGHN
a) Trường Đại học Công nghệ
Trường Đại học Công nghệ(ĐHCN) xét tuyển thí sinh đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định. Thí sinh được ĐKXT tối đa 2 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. HĐTS Trường xác định ngưỡng điểm trúng tuyển theo kết quả tổng điểm thi ĐGNL, điểm ưu tiên (nếu có) và được xác định theo nhóm ngành. Thí sinh trúng tuyển vào nhóm ngành nhưng không trúng tuyển vào ngành ĐKXT (nguyện vọng 1) sẽ được xét chuyển sang ngành khác theo nguyện vọng 2 nếu thí sinh đủ điểm và còn chỉ tiêu.
Trường ĐHCN dành 120 chỉ tiêu tuyển sinh cho 2 chương trình đào tạo chất lượng cao đáp ứng Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 của Bộ GD&ĐT là ngành Khoa học Máy tính và ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử, Truyền thông. Thí sinh sử dụng kết quả thi ĐGNL và ĐGNL ngoại ngữ (tiếng Anh) do ĐHQGHN tổ chức hoặc kết quả tổ hợp 3 môn thi THPT quốc gia (Toán, Lý, Anh) (nếu còn chỉ tiêu) để ĐKXT. Sau các đợt xét tuyển theo kế hoạch của ĐHQGHN, nếu còn chỉ tiêu Trường sẽ xét tuyển bổ sung. Ngưỡng điểm trúng tuyển được tính trên tổng điểm thi ĐGNL, thi ĐGNL ngoại ngữ (tiếng Anh) và điểm ưu tiên (nếu có) hoặc tổng điểm tổ hợp các môn thi THPT quốc gia (Toán, Lý, Anh) và điểm ưu tiên (nếu có), lấy từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu.
b) Trường Đại học Giáo dục
Xét tuyển dựa vào kết quả thi ĐGNL do ĐHQGHN tổ chức, với phần tự chọn Khoa học tự nhiên (KHTN) vào các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học hoặc Khoa học Xã hội (KHXH) vào các ngành Sư phạm Ngữ Văn, Sư phạm Lịch sử. Căn cứ tiêu chí và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐHQGHN, Trường Đại học Giáo (ĐHGD) dục xây dựng điểm trúng tuyển theo ngành kết hợp với điểm trúng tuyển theo trường, nếu thí sinh đủ điểm vào Trường nhưng không đủ điểm vào ngành đã đăng ký sẽ được chuyển vào ngành theo nguyện vọng 2 nếu đủ điểm và còn chỉ tiêu.
c) Trường Đại học Kinh tế
Trường Đại học kinh tế (ĐHKT) xét tuyển thí sinh đạt ngưỡng đảm chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định. Thí sinh được ĐKXT tối đa 2 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. HĐTS Trường ĐHKT xác định ngưỡng điểm trúng tuyển dựa trên tổng điểm thi ĐGNL và điểm ưu tiên (nếu có) từ cao xuống thấp theo từng ngành học. Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xem xét gọi nhập học nguyện vọng 2 nếu đủ điểm và còn chỉ tiêu.
Trường hợp thí sinh có điểm thi ĐGNL bằng nhau, HĐTS xét các tiêu chí phụ: Tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn Toán học, Văn học, Ngoại ngữ và điểm trung bình chung tích lũy lớp 12 của thí sinh.
Trường ĐHKT dành 120 chỉ tiêu tuyển sinh cho hai chương trình đào tạo chất lượng cao đáp ứng Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 của Bộ GD&ĐT là ngành Kinh tế Quốc tế và ngành Quản trị Kinh doanh. Thí sinh sử dụng kết quả thi ĐGNL và ĐGNL ngoại ngữ hoặc điểm tổ hợp 3 môn thi THPT quốc gia (Toán, Lý, Anh) (nếu còn chỉ tiêu) để ĐKXT. Ngưỡng điểm trúng tuyển được tính trên tổng điểm thi ĐGNL, thi ĐGNL ngoại ngữ (tiếng Anh theo thang điểm 100) và điểm ưu tiên (nếu có) hoặc tổng điểm tổ hợp các môn thi THPT quốc gia (Toán, Lý, Anh) và điểm ưu tiên (nếu có), lấy từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu.
d) Trường Đại học Ngoại ngữ
Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN) xét tuyển thí sinh đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định. Thí sinh được ĐKXT tối đa 2 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Thí sinh dự thi ĐGNL ngoại ngữ là một trong các tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật phù hợp với yêu cầu xét tuyển của từng chương trình đào tạo.
Trường ĐHNN xác định ngưỡng điểm trúng tuyển vào Trường theo điểm thi ĐGNL và điểm trúng tuyển vào ngành học theo điểm thi ĐGNL ngoại ngữ. Thí sinh đủ điểm vào Trường nhưng không đủ điểm vào ngành ĐKXT được xem xét chuyển vào ngành học khác của Trường nếu còn chỉ tiêu.
e) Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Trường Đại học Khoa học Tự nhiện (ĐHKHTN) xét tuyển thí sinh thi ĐGNL với phần tự chọn là KHTN đạt ngưỡng đảm chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định. Thí sinh được ĐKXT tối đa 2 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. HĐTS Trường xác định ngưỡng điểm trúng tuyển theo kết quả tổng điểm thi ĐGNL và điểm ưu tiên (nếu có) theo ngành học kết hợp với điểm trúng tuyển vào trường. HĐTS Trường chủ động chuyển thí sinh không trúng tuyển vào ngành theo nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 nhưng đạt điểm ngưỡng trúng tuyển vào trường sang ngành khác nếu thí sinh đáp ứng yêu cầu và ngành đó còn chỉ tiêu.
f) Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) xét tuyển thí sinh đạt ngưỡng đảm chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định. Thí sinh được ĐKXT tối đa 2 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Ngưỡng điểm trúng tuyển được xây dựng dựa trên tổng điểm thi ĐGNL và điểm ưu tiên (nếu có) từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu của từng ngành. Trường hợp thí sinh có điểm thi ĐGNL bằng nhau thì lần lượt xét đến các tiêu chí phụ theo thứ tự ưu tiên: Điểm phần thi Ngữ văn, điểm phần thi Toán học, điểm phần thi Tự chọn. Trong trường hợp có xét tuyển đối với thí sinh sử dụng kết quả thi THPT quốc gia thì tổ hợp 3 môn thi gồm: Toán, Lý, Hóa (khối A), Văn, Sử, Địa (khối C) và Toán, Văn, Ngoại ngữ (khối D).
g) Khoa Luật
Khoa Luật xét tuyển thí sinh đạt ngưỡng đảm chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định. Thí sinh được ĐKXT tối đa 2 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Ngưỡng điểm trúng tuyển được xây dựng dựa trên điểm tổng thi ĐGNL và điểm ưu tiên (nếu có) từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu của từng ngành. Trường hợp thí sinh có điểm thi ĐGNL bằng nhau thì xét theo tiêu chí phụ: Tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xem xét gọi nhập học nguyện vọng 2 nếu thí sinh đủ điểm và còn chỉ tiêu. Trong trường hợp có xét tuyển đối với thí sinh sử dụng kết quả thi THPT quốc gia thì tổ hợp 3 môn thi gồm: Toán, Lý, Hóa (khối A); Văn, Sử, Địa (khối C) và Toán, Văn, Ngoại ngữ (khối D).
h) Khoa Y Dược
Khoa Y Dược xét tuyển thí sinh đạt ngưỡng đảm chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định. Khoa Y Dược chỉ xét tuyển đối với các thí sinh dự thi ĐGNL với phần tự chọn KHTN. Điểm ngưỡng trúng tuyển được xây dựng dựa trên tổng điểm bài thi ĐGNL và điểm ưu tiên (nếu có), lấy từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu.
i) Khoa Quốc tế
 Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN hoặc kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Thí sinh có kết quả thi ĐGNL hoặc kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định. Đối với các thí sinh đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia theo các tổ hợp các môn Toán, Lý, Hóa (khối A); Toán, Lý, Tiếng Anh (khối A1) và Toán, Văn, Ngoại ngữ (khối D).
HĐTS của Khoa xét tuyển theo nguyên tắc từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu. Thí sinh không trúng tuyển vào ngành nhưng đạt điểm ngưỡng trúng tuyển vào Khoa có thể được xem xét điều chuyển sang ngành khác nếu đáp ứng yêu cầu và còn chỉ tiêu.
Thí sinh trúng tuyển được làm bài kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào do Khoa tổ chức. Những thí sinh chưa đạt trình độ tiếng Anh tương đương Bậc 4 (B2) theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được bố trí học tiếng Anh bổ sung trong năm thứ nhất để đạt trình độ tiếng Anh B2 trước khi vào học các môn chuyên ngành.
Ngoài các đợt xét tuyển theo kế hoạch của ĐHQGHN, Khoa xét tuyển đợt bổ sung (nếu còn chỉ tiêu) với điều kiện xét tuyển tương tự như các đợt chính thức.
4. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào
4.1 Căn cứ vào kết quả thi ĐGNL, ĐHQGHN quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hàng năm nhưng không thấp hơn 70,0/140,0 điểm .
4.2 Các thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐHNN ngoài việc đáp ứng điều kiện ở mục 2.4.1 thì phải có điểm bài thi ĐGNL ngoại ngữ đạt từ 4,0/10,0 điểm trở lên.
4.3 Các ngành đào tạo xét tuyển thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải đạt điểm xét tuyển tối thiểu bằng hoặc cao hơn theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định đối với từng khối tổ hợp môn thi trong năm tuyển sinh tương ứng.
Chi tiết tại văn bản đính kèm

 VNU Media - Ban Đào tạo
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :