Tuyển sinh
Trang chủ   >  Tin tức  >   Thông báo  >   Tuyển sinh
Thi trắc nghiệm: Kiến thức là quan trọng nhất!
Từ kinh nghiệm của mình, GS. Lâm Quang Thiệp tư vấn cho thí sinh một số lưu ý trong quá trình chuẩn bị cho các môn thi trắc nghiệm. GS Lâm Quang Thiệp (ĐHQG Hà Nội) là chuyên gia hàng đầu về khoa học đo lường, đánh giá trong giáo dục, có nhiều năm nghiên cứu về thi trắc nghiệm và xây dựng đề thi trắc nghiệm.

Không thể học tủ, quay cóp...

Thi trắc nghiệm khách quan có ưu điểm rõ ràng là đánh giá phạm vi kiến thức rộng hơn hình thức thi tự luận. Thi tự luận, mỗi câu hỏi, bài tập có thể rơi vào một vấn đề nào đó. Đề bài có tổng hợp đi chăng nữa vẫn có xác suất trúng “tủ”. Đề thi trắc nghiệm khách quan với khoảng 50-70 câu hỏi có thể phủ kín phạm vi kiến thức của một môn học trong chương trình THPT. Vì vậy thi bằng trắc nghiệm khách quan, HS không thể học “tủ” mà phải học toàn diện. Sẽ có TS đặt câu hỏi “học như thế nào cho toàn diện?”. Rất đơn giản, đừng bỏ qua bất cứ kiến thức cơ bản nào có trong chương trình.

Việc tự học trong đào tạo theo hình thức tín chỉ là hết sức quan trọng. Trong ảnh là giờ tự học của sinh viên ĐHQGHN tại thư viện. Ảnh: Bùi Tuấn

Với phạm vi bao quát rộng của đề thi, TS khó có thể chuẩn bị tài liệu để quay cóp. Nếu có ý định nhìn bài trong phòng thi hay gian lận bằng thi hộ, thi kèm cũng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tối đa hiện tượng này. Trong đó máy tính có thể giúp xáo trộn thứ tự các câu hỏi TN và các phương án trả lời, TS ngồi gần nhau sẽ nhận được các đề thi khác biệt nhau về hình thức, phải đánh dấu vào phiếu trả lời theo những cách hoàn toàn khác nhau, do đó rất khó cóp bài của nhau.

Kiến thức quan trọng hơn kỹ năng

Những đề thi trắc nghiệm khách quan được in bán tràn lan bên ngoài hiện nay hầu hết là những đề thi không có chất lượng, chưa đúng với yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì thế, TS có thể sử dụng để tập làm quen với trắc nghiệm, chứ để luyện thi thì chưa chắc đã có lợi.

Làm quen với thi trắc nghiệm càng sớm, càng nhiều là tốt nhưng cũng không cần phải quá nhiều. Gần đây, tôi có cảm giác TS và cả các thầy cô giáo ở trường THPT quá lo lắng cho việc HS có nắm được kỹ thuật làm bài, có quen với cách thi trắc nghiệm khách quan hay không. Có thể khẳng định: kiến thức quan trọng hơn kỹ năng. Có kiến thức mới làm được bài trắc nghiệm khách quan.

Có nhiều kiểu câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sử dụng loại câu hỏi nhiều lựa chọn. Cụ thể là mỗi câu TS sẽ phải chọn một trong bốn phương án trả lời A, B, C, D. Trong đó chỉ có một phương án đúng hoặc đúng nhất. Các phương án khác được đưa vào có tác dụng gây nhiễu đối với TS.

Chọn theo xác suất: không hiệu quả

Chúng ta hãy bàn về sự may rủi. Với kiểu đánh dấu có vẻ giản đơn khi làm đề trắc nghiệm khách quan, một số người tưởng rằng một TS không có chút kiến thức nào cũng có thể làm tốt bài thi nếu “số đỏ” giúp anh ta đánh dấu đúng vào những chỗ cần thiết.

Từ suy nghĩ đó, một số người thường hay nhầm tưởng đề thi trắc nghiệm khách quan tạo nên độ may rủi nhiều hơn đề thi tự luận. Hoàn toàn ngược lại. Với một đề thi tự luận còn có thể gặp may rủi do trúng tủ, trật tủ. Còn với đề thi trắc nghiệm khách quan, may rủi hầu như hoàn toàn không xảy ra.

Vậy “số đỏ” có bao giờ đến với những TS đánh dấu bừa vào bài thi mà không cần nắm được kiến thức không? Có thể khẳng định là không bao giờ. Một số người cho rằng đối với loại câu trắc nghiệm bốn phương án, nếu chọn ngẫu nhiên cũng có xác suất đúng được 25%.

Ngay cả khi có tần suất trả lời đúng đạt tối đa của xác suất này (số câu TS làm đúng chiếm khoảng 25% số câu hỏi), theo cách chấm điểm trắc nghiệm khách quan thông thường đối với đề thi chuẩn, làm đúng 25% số câu hỏi chỉ được coi là cái ngưỡng của người “không biết gì”, lân cận với điểm 0. Với mặt bằng kết quả thi ĐH những năm gần đây, nếu TS đạt điểm thi quy về thang điểm 10 ở mức 2,5 điểm/môn trở xuống thì cũng chẳng có hy vọng gì.

Thông thường làm đề thi trắc nghiệm khách quan, TS không bao giờ nên tập trung dành quá nhiều thời gian cho một câu nào đó. Nếu chưa giải quyết được ngay thì nên chuyển sang câu khác, lần lượt đến hết, sau đó sẽ quay lại nếu còn thời gian. đừng để xảy ra tình trạng “vướng” ở một câu mà bỏ qua cơ hội giành điểm ở những câu hỏi khác trong khả năng của mình ở phía sau.

Khi nhìn vào một câu trắc nghiệm khách quan, nếu chưa nhìn ra ngay đáp án đúng thì nên loại các phương án sai. Ví dụ, có bốn phương án trả lời, chưa biết cái nào đúng thì loại trước hai phương án sai, còn lại, khi lựa chọn sẽ nhanh và xác suất trả lời đúng sẽ cao hơn. Nhìn vào các phương án, TS đã phải phán đoán, loại được phương án sai rồi thì mới kịp trả lời tất cả các câu và có kết quả cao.

 Q.T (Theo Tuổi trẻ) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :