Tuyển sinh
Trang chủ   >  Tin tức  >   Thông báo  >   Tuyển sinh
Về Ðề án đổi mới công tác thi và tuyển sinh
Bộ Giáo dục và Ðào tạo vừa xây dựng "Ðề án tổng thể về đổi mới công tác thi và tuyển sinh" (dự thảo). Ðể bạn đọc hiểu rõ hơn nội dung bản dự thảo đề án đang thu hút sự quan tâm của dư luận này và mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ sở giáo dục và đào tạo, các tầng lớp nhân dân, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu những nét cơ bản của Ðề án.

Kỳ thi quốc gia sau trung học phổ thông

Giải pháp cơ bản của đề án đổi mới tổng thể công tác thi và tuyển sinh là tiến tới tổ chức chỉ một kỳ thi quốc gia hằng năm, lấy kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT (cả bổ túc THPT), vừa xét tuyển vào các trường ÐH, CÐ, TCCN; hoàn thành khâu thi, có kết quả rồi mới tổ chức xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh.

Chuyển việc ra đề thi từ hình thức tự luận sang hình thức trắc nghiệm (khách quan) đối với các môn thi, trừ phần văn học của môn ngữ văn. Thực hiện chấm thi bằng máy và công cụ tin học.

Tăng cường sự phối hợp giữa các trường phổ thông và các trường ÐH, CÐ, TCCN trong công tác tổ chức kỳ thi: in sao đề thi, tổ chức thi tại địa phương theo các khu vực, chấm thi...

Ðồng thời, áp dụng các biện pháp tích cực nhằm giảm áp lực của "kỳ thi chung" tại các địa điểm coi thi, bảo đảm tuyệt đối an toàn, nghiêm túc. Sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong quy trình tổ chức thi, công khai trên mạng internet kết quả thi, kết quả xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh của từng thí sinh, bảo đảm sự minh bạch về thông tin, dữ liệu của kỳ thi.

Chuyển việc tuyển sinh theo khối thi (A, B, C, D) sang việc xét tuyển theo ngành, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh đối với một nhóm môn thi cần cho (đầu vào) từng ngành đào tạo.

Tên kỳ thi sẽ là: "Kỳ thi quốc gia sau THPT". Mục đích của kỳ thi sau THPT: Lấy kết quả để sử dụng vào việc xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào trường ÐH, CÐ, TCCN. Môn thi: Trong kỳ thi sau THPT tổ chức thi tất cả tám môn trong chương trình THPT, đến hết lớp 12, là ngữ văn (gồm phần ngôn ngữ và phần văn học), ngoại ngữ, toán, vật lý, hoá học, sinh học, lịch sử, địa lý.

Các môn thi để được xét tốt nghiệp THPT: Thí sinh phải thi 6 môn, bao gồm ba môn thi bắt buộc cố định (ngữ văn, toán và ngoại ngữ), một môn bắt buộc do Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định từng năm, bảo đảm cho học sinh học toàn diện; hai môn do thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại (của tám môn); thí sinh không được học ngoại ngữ (hoặc học không đủ thời gian quy định) sẽ được thi môn thay thế môn ngoại ngữ.

Hằng năm vào cuối tháng 5, Bộ Giáo dục và Ðào tạo công bố môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp và môn thi thay thế môn ngoại ngữ; như vậy thí sinh vẫn có thời gian chuẩn bị cho kỳ thi, mà trường không phải dạy dồn những môn không thi (như hiện nay: công bố môn thi vào ngày 31-3);

Các môn thi để được xét vào ÐH, CÐ, TCCN: Trước kỳ thi, trường ÐH, CÐ, TCCN quy định các môn phải thi (trong số tám môn của kỳ thi và môn năng khiếu, nếu có) theo yêu cầu tuyển vào ngành đào tạo; các môn năng khiếu tổ chức thi riêng tại các trường ÐH, CÐ, TCCN có ngành năng khiếu;

Lịch thi sẽ được sắp xếp sao cho tám môn được tổ chức thi liên tục, không trùng nhau về thời gian; như vậy thí sinh có thể dự thi tối đa tám môn của kỳ thi.

Ðề thi các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ và phần ngôn ngữ của môn ngữ văn thi theo hình thức trắc nghiệm; số phiên bản đề trắc nghiệm đủ lớn để tăng tính khách quan trong khâu coi thi. Phần văn học của môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Thời gian thi mỗi môn trắc nghiệm là 90 phút, mỗi môn thi tự luận là 120 phút. Mỗi môn thi đều ra theo chương trình THPT, có phần đề thi theo chương trình chuẩn (để có điểm sàn xét tốt nghiệp) và phần đề thi theo chương trình nâng cao, phân hóa (tương ứng với điểm sàn tuyển sinh). Ðề thi do Bộ Giáo dục và Ðào tạo ra; tổ chức in sao tại khoảng 30 trường ÐH được chọn trên toàn quốc; đề thi được niêm phong đến tận phòng thi.

Việc tổ chức chấm thi (cả trắc nghiệm và tự luận) tại mỗi tỉnh, có sự phối hợp của Sở GD và ÐT với các trường CÐ, TCCN trên địa bàn tỉnh, các trường ÐH trong và ngoài tỉnh; tại nơi chấm thi, thực hiện việc giám sát tập thể (thanh tra, giám sát viên, cán bộ bảo vệ an ninh văn hóa, tư tưởng) liên tục, tại chỗ.

Việc chấm bài trắc nghiệm được thực hiện bằng máy quét bài, xử lý sơ bộ và gửi ngay dữ liệu bài thi theo quy định thống nhất về Bộ Giáo dục và Ðào tạo để kiểm soát trước khi chấm. Kết quả thi được công khai trên mạng internet ngay sau khi chấm xong từng môn ở mỗi Ban chấm thi.

Xét tốt nghiệp THPT: Kết quả xếp loại học lực, hạnh kiểm, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có); điểm thi trong kỳ thi quốc gia sau THPT của từng thí sinh đăng ký xét tốt nghiệp được công khai trên mạng.

Sở GD và ÐT căn cứ quy chế xét tốt nghiệp, căn cứ kết quả thi sáu môn tốt nghiệp và kết quả xếp loại học lực, hạnh kiểm, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) của người học để xét tốt nghiệp THPT; điều kiện về văn hóa để tốt nghiệp THPT là người học đạt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình chuẩn, đạt điểm tối thiểu (điểm sàn tốt nghiệp) trở lên, người tốt nghiệp THPT được xếp loại (giỏi, khá, trung bình) theo quy chế. Sở GD và ÐT công bố trên mạng kết quả xét tốt nghiệp THPT của từng thí sinh.

Xét tuyển vào ÐH, CÐ, TCCN: Hằng năm, Hội đồng chỉ đạo thi của Bộ GD và ÐT xác định điểm sàn tuyển sinh vào trường ÐH, CÐ, TCCN. Các mức điểm sàn và thông tin về từng thí sinh thuộc diện được đăng ký xét tuyển vào trường ÐH, CÐ, TCCN (đủ điều kiện tốt nghiệp, có điểm thi tối thiểu bằng điểm sàn) được công khai trên mạng.

Dựa vào kết quả điểm thi ba môn tuyển sinh của mình, thí sinh đã đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, gửi đăng ký xét tuyển vào trường ÐH, CÐ, TCCN. Ðăng ký xét tuyển vào trường của thí sinh coi là hợp lệ chỉ khi trường nhận được hồ sơ đăng ký, lệ phí xét tuyển do thí sinh nộp vào tài khoản của trường và được trường thông báo trên mạng.

Trước kỳ thi hằng năm, các trường ÐH, CÐ, TCCN phải công bố chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành, những môn thi để xét tuyển theo từng ngành (không nhất thiết theo khối A, B, C, D và số môn thi như hiện nay). Căn cứ kết quả kỳ thi quốc gia sau THPT, các trường xét tuyển theo cách sau đây: chọn số thí sinh trúng tuyển chính thức từng ngành học từ số thí sinh đăng ký hợp lệ, theo điểm từ cao xuống thấp (đã có điểm ưu tiên, khuyến khích) đúng bằng số chỉ tiêu tuyển sinh (kể cả số học sinh được ưu tiên tuyển trước: tuyển thẳng, tuyển ưu tiên theo quy chế);

Ưu điểm và nhược điểm của mô hình kỳ thi

Xét về nhiều góc độ, ưu điểm của mô hình này là hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây.

Thí sinh muốn được xét vào ÐH, CÐ, TCCN có thể chọn thi một nhóm môn trong tám môn thi quy định (hoặc thi cả tám môn lịch thi cho phép) để vào nhiều ngành, ở nhiều trường khác nhau, tùy thuộc vào khả năng của thí sinh, không phân biệt khối thi A, B... như trước đây.

Mô hình này bảo đảm nghiêm túc, hạn chế vi phạm, tiêu cực nhờ việc tổ chức in sao đề thi chỉ tập trung ở một số trường ÐH, nơi có điều kiện cách ly tốt, mặt khác đề thi được niêm phong (theo từng túi) đến từng phòng thi.

Tổ chức coi thi tập trung chỉ ở một số đơn vị thi trong mỗi tỉnh, có sự tham gia của các trường ÐH, CÐ, TCCN bảo đảm cho lực lượng coi thi có chất lượng, khách quan hơn. Nhờ áp dụng tối đa hình thức thi trắc nghiệm, đề thi được xáo trộn thành nhiều phiên bản để hạn chế tối đa việc quay cóp trong phòng thi. Bài trắc nghiệm được chấm bằng máy với sự giám sát chặt chẽ, bảo đảm kết quả thi khách quan, chính xác.

Do các khâu trong kỳ thi đạt được sự nghiêm túc, chính xác, khách quan, hạn chế vi phạm, ngăn ngừa tiêu cực, việc đánh giá trình độ thí sinh là thực chất và công bằng.

Do tổ chức thi tại địa phương, gần với thí sinh, giảm bớt sự tốn kém tiền của, thời gian, công sức, mặt khác, thi theo phương pháp trắc nghiệm cũng là yếu tố cho phép tổ chức thi tại địa phương nên kỳ thi gọn nhẹ, giảm bớt tốn kém, căng thẳng. Mô hình kỳ thi sau THPT có thể đi vào ổn định lâu dài.

Nhưng bên cạnh những ưu điểm, kỳ thi theo mô hình này cũng có những nhược điểm, đó là sự phức tạp trong khâu chỉ đạo, điều hành nếu tổ chức kỳ thi đồng loạt trên toàn quốc.

Nhược điểm này có thể được giảm bớt nếu tổ chức kỳ thi theo phương án phân vùng, với các đề thi tương đương. Khâu in sao đề trắc nghiệm tốn nhiều vật liệu, thời gian, công sức và đòi hỏi phương tiện, kỹ thuật cao.

Việc xét tuyển và tổ chức nhập học mất khá nhiều thời gian cho các trường ÐH, CÐ, TCCN. Tuy nhiên "quy trình lặp" trong khâu nhập học là phương thức phổ biến ở nhiều nước, đáp ứng nhiều nguyện vọng, có lợi cho thí sinh.

 Theo Nhân dân - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :