Sau đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Thông báo  >   Sau đại học
Thông tin LATS của NCS Phạm Thị Thủy
Tên đề tài luận án: A Study on the Evaluation of Translation Quality of Literary Works (Prose) [Nghiên cứu đánh giá phê bình bản dịch Anh-Việt trong lĩnh vực văn học (văn xuôi)]

1.     Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Thị Thủy                        

2.     Giới tính: Nữ

3.     Ngày tháng năm sinh: 27/11/1965                                      

4.     4. Nơi sinh: Hà Nội

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 3739/QĐ-SĐH ngày 03 tháng 11 năm 2009 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (và số 1077/QĐ-SĐH ngày 09 tháng 11 năm 2009 của Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN)

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Thời gian đào tạo từ năm 2009 – năm 2012

7. Tên đề tài luận án: A Study on the Evaluation of Translation Quality of Literary Works (Prose) [Nghiên cứu đánh giá phê bình bản dịch Anh-Việt trong lĩnh vực văn học (văn xuôi)]

8. Chuyên ngành: Ngôn ngữ Anh

9. Mã số: 62 22 15 01

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Lê Hùng Tiến

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

Luận án tập trung đánh giá phê bình chất lượng bản dịch văn học Anh – Việt, cụ thể là bản dịch năm truyện ngắn Úc, trích trong Tuyển tập Truyện ngắn Úc - Australian Short Stories, (NXB Hội nhà Văn, 2005). Các phương pháp nghiên cứu của luận án bao gồm: (i) phân tích định tính bằng mô hình dụng học – chức năng (1997) của Julian House; (ii) phân tích định lượng, áp dụng phương pháp (2006) của Julian House, cụ thể là phân tích tần số xuất hiện của một số cấu trúc ngôn ngữ; (iii) câu hỏi trắc nghiệm dụng học; và (iv) phỏng vấn nhóm. Trong đó, phân tích định tính là phương pháp chính, ba phương pháp còn lại để kiểm chứng cho kết quả phân tích trong phần phân tích định tính.

Mô hình phê bình dịch thuật (1997) của House sử dụng khái niệm “chức năng ý niệm” và “chức năng liên nhân” cho chức năng của văn bản và lý thuyết về ngữ vực (trường diễn ngôn, ý chỉ diễn ngôn, và phương thức diễn ngôn) của Halliday, và các lý thuyết khác như lý thuyết về dụng học, lý thuyết về phân tích diễn ngôn, và lý thuyết về thể loại ngôn bản.

Kết quả phân tích cho thấy một số khác biệt về đặc trưng ngôn ngữ giữa bản dịch tiếng Việt và bản gốc truyện ngắn Úc. Bản dịch tiếng Việt chứa đựng một số đặc tính ngôn ngữ thể hiện văn hóa giao tiếp của người Việt như (i) sử dụng các đại từ nhân xưng, danh từ thân tộc, và danh từ chỉ nghề nghiệp để dịch cùng một đại từ nhân xưng tiếng Anh, trong đó danh từ thân tộc được dùng nhiều hơn; (ii) nhiều câu bị động trong bản gốc được chuyển ngữ thành câu chủ động trong bản dịch; và (iii) danh từ trong một số câu trong bản gốc được chuyển thành động từ trong bản dịch, và  hơn 85% các câu này được độc giả người Việt đánh giá là nghe tự nhiên trong tiếng Việt. Luận án cũng chỉ ra bản dịch và bản gốc tương đương ở cấp độ thể loại ngôn bản và cấp độ chức năng ý niệm trong mô hình (1997) của House, còn ở cấp độ chức năng liên nhân luận án nhận thấy bản dịch ‘được đánh dấu’ nhiều hơn so với bản gốc.

12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:

Kết quả của luận án cho thấy khả năng áp dụng mô hình dụng học – chức năng của House vào đánh giá phê bình bản dịch truyện ngắn Anh –Việt rất cao. Mô hình này được sử dụng nhiều trong phê bình bản dịch các ngôn ngữ châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, và lần đầu tiên được áp dụng vào phê bình bản dịch văn xuôi Anh – Việt. Kết quả của luận án chỉ ra khả năng kết hợp đa phương pháp trong nghiên cứu dịch thuật: phân tích định tính kết hợp với phân tích định lượng, câu hỏi trắc nghiệm dụng học và phỏng vấn nhóm. Câu hỏi trắc nghiệm dụng học, thường được sử dụng trong nghiên cứu dụng học, có thể áp dụng vào nghiên cứu dịch thuật. Đây cũng là một nỗ lực cải biến mô hình phân tích của House khi áp dụng vào đánh giá dịch thuật Anh-Việt. Kết quả của luận án có khả năng ứng dụng trong giảng dạy tiếng Anh nói chung, và giảng dạy dịch thuật Anh-Việt, nói riêng, cũng như trong giảng dạy giao tiếp giao văn hóa và ngữ dụng. Kết quả nghiên cứu có thể sử dụng để thiết kế tài liệu và hoạt động giảng dạy nhằm nâng cao năng lực giao tiếp tiếng Anh và tiếng Việt của người học.

13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:

Phương pháp nghiên cứu của luận án có thể áp dụng để đánh giá chất lượng bản dịch ở các thể loại khác của ngôn bản văn học như tiểu thuyết, thơ ca và kịch, cũng như ở các thể loại ngôn bản phi văn học như ngôn bản thương mại, ngôn bản khoa học – kĩ thuật. Đồng thời, các xu hướng giao tiếp thể hiện qua ngôn từ của người Việt như việc sử dụng các tiểu từ ‘à, ư, nhỉ, nhé’, v.v; cách nói “cám ơn”, “tạm biệt”, hoặc sự ưa dùng động từ và câu chủ động có thể được tiếp tục nghiên cứu ở các thể loại ngôn bản để kiểm chứng cho các nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu thêm về thức và tình thái để khẳng định mức độ đánh dấu của cấp độ chức năng liên nhân theo mô hình dụng học – chức năng (1997) của House  trong bản dịch tiếng Việt.

14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:

* Tạp chí:

1.     Phạm Thị Thủy (2014). Phân tích cách dịch đại từ nhân xưng trong bản dịch truyện ngắn ‘Đêm nóng nhất thế kỷ’ từ quan điểm ngữ dụng học. Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ - Đại học Hà Nội, 38/2014, trang 127-140.

2.     Phạm Thị Thủy (2013). House’s functional-pragmatic model of translation assessment and implications for evaluating English-Vietnamese translation quality (Mô hình đánh giá dịch thuật theo dụng học-chức năng của House và đề xuất cho phê bình bản dịch Anh – Việt). Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội – Chuyên san Nghiên cứu nước ngoài, Tập 29, Số 1, 2013, trang 56-64.

3.     Phạm Thị Thủy (2012). An application of House’s functional-pragmatic model of translation assessment to evaluating the Vietnamese translation “Đêm nóng nhất thế kỷ”. (Thử nghiệm đánh giá bản dịch ‘Đêm nóng nhất thế kỷ’ theo mô hình dụng học chức năng của House). Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ - Đại học Hà Nội, 33 (tháng 12 năm 2012), trang 75-91.

4.     Phạm Thị Thủy (2009). Thử nghiệm phân tích đánh giá bản dịch một truyện ngắn theo mô hình của Newmark. Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 7 (165)-2009, trang 27-34.

* Báo cáo khoa học:

Phạm Thị Thủy (2014). Một số mô hình đánh giá phê bình dịch thuật và áp dụng vào phê bình bản dịch văn học Anh – Việt. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học lần thứ 34 – ĐHNN-ĐHQGHN, Hà Nội, 5/2014, trang 66.

>>>>> Xem thông tin chi tiết bản tiếng Anh.

 Cầm Tú - VNU - ULIS
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :