Đô thị Hòa Lạc
Trang chủ   >  Đô thị Hòa Lạc  >    >  
Hợp tác "4V" - Tạo đột phá cho khoa học, giáo dục Việt Nam
Thực tế còn nhiều công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu vẫn còn nằm chờ, chưa thể đưa ngay vào cuộc sống, bên cạnh đó có sự chồng chéo giữa các đề tài nghiên cứu, chưa khai thác hết các nguồn lực nghiên cứu, cơ sở vật chất. Để khắc phục triệt để những lãng phí ấy, chương trình Hợp tác “4V” nhằm tạo các giá trị đặc sắc theo cấp số nhân của bốn đơn vị: Viện KHCN Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam, ĐHQGHN và ĐHQG-HCM, là một giải pháp tối ưu.

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> Hợp tác “4V” – Tạo đột phá cho khoa học, giáo dục Việt Nam (pdf)

Đòi hỏi từ thực tiễn

Hiện nay, giới khoa học rất quan tâm đến các chính sách cơ chế để có hướng đổi mới. Ở Việt Nam đang có hệ thống cơ quan nghiên cứu và đào tạo phong phú với nhiều loại hình cấp độ khác nhau. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQGHN, điều dễ nhận thấy là hiệu quả hoạt động của khoa học công nghệ chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng phát triển của đất nước. Cụ thể là những nghiên cứu phát minh, công nghệ mới, công nghệ nguồn của chúng ta còn chiếm tỉ lệ thấp, vẫn lệ thuộc vào công nghệ ngoại nhập. Nhiều kết quả nghiên cứu cả trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn được nghiệm thu tốt nhưng khả năng ứng dụng vẫn chưa rõ ràng.

Những hạn chế đó xuất phát từ nhiều lí do, nhưng theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, có một nguyên nhân rất căn bản là sự gắn kết giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng chưa chặt chẽ, gắn kết giữa lí thuyết và thực hành chưa nhuần nhuyễn và đặc biệt là giữa đào tạo với nghiên cứu vẫn còn khoảng cách xa nhau. Nhiều trường đại học đào tạo mà không chú trọng đầu tư nghiên cứu khoa học, trong khi bản chất của đại học là tham gia sáng tạo tri thức mới. Đây là một trong những nguyên nhân rất căn bản dẫn tới các hoạt động nghiên cứu chưa đạt hiệu quả cao.

Nhìn vào bối cảnh chung ở tầm quốc gia và là đại diện của Việt Nam trên trường quốc tế thì thấy 4 đơn vị nổi lên là: Viện KH&CN Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam, ĐHQGHN, ĐHQG TPHCM. Hoạt động của các đơn vị này cần sự gắn kết triệt để, mang tính chất bổ sung, hỗ trợ nhau. Trước đây, 4 trụ cột này chưa gộp thành sức mạnh mang tính tổng lực, chưa có mối quan hệ gắn kết mang tính hữu cơ để tạo nên sự phát triển vững mạnh hơn. Tuy nhiên, sự quan tâm sát sao của Chính phủ và sự đồng thuận của của 4 trụ cột đã tạo nên sự gắn kết chặt chẽ và kỳ vọng là bệ phóng cho nền khoa học công nghệ và giáo dục đại học nước nhà.

 

Tạo thế chân kiềng vững chắc

Trong buổi làm việc diễn ra vào đầu tháng 4/2012 vừa qua tại Viện KHCN Việt Nam, lãnh đạo 4 đơn vị đã thảo luận các vấn đề nhằm đưa hợp tác 4V lên tầm cao mới, từ đó tạo ra nhiều đột phá trong nghiên cứu và đào tạo, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Các bên đã thống nhất họp giao ban thường niên và thúc đẩy các hợp tác cụ thể trong việc xây dựng chương trình đào tạo chung, chia sẻ nguồn lực, phòng thí nghiệm và các chương trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, các bên cũng trao đổi những ý kiến cho việc tổ chức hội nghị về hợp tác, phát triển KHCN và đào tạo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.

PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc ĐHQG-HCM khẳng định, 4V có vị trí chiến lược trong nền giáo dục và KHCN Việt Nam, cần thiết phải khẳng định địa vị pháp lí cũng như tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất, đầu tư chiến lược trọng điểm và xứng tầm để 4V phát huy hơn nữa tiềm lực trí tuệ, sáng tạo dồi dào. GS.TS Phan Thanh Bình nhấn mạnh, phải có cơ chế hợp lý để phát triển 4V thành thế chân kiềng vững chắc cho nền giáo dục đại học và KHCN nước nhà.

Đồng tình với nhận định trên, GS.TS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện KHCN Việt Nam nhấn mạnh, đóng góp về KHCN của 4V chiếm tỉ trọng khoảng 60-70% KHCN cả nước, vì vậy cần phải có sự đầu tư trọng điểm cho bốn trụ cột này. GS.TS Châu Văn Minh cho biết, sự hợp tác 4V không chỉ bù trừ những mặt còn chưa mạnh của nhau mà sẽ tạo nên nhiều đột phá mới trong nghiên cứu và đào tạo

GS.TS Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam cho rằng, cần phải nhận diện 4V ở tầm chiến lược vì đây là nơi đảm đương nhiệm vụ giải quyết những bài toán lớn, quan trọng của đất nước. Ông lý giải, muốn làm được điều này, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ của nghiên cứu liên ngành. Sự hợp tác 4V sẽ không chỉ đáp ứng được yêu cầu đó mà còn tạo nên những đột phá mới của sự phát triển. Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ hơn nữa để 4V trở thành bệ phóng cho sự phát triển KHCN Việt Nam, đặc biệt là đầu tư mang tính đột phá về nguồn nhân lực và cơ chế tài chính. GS.TS Võ Khánh Vinh cũng cho rằng, sự hợp tác bền vững của 4V phải chú trọng gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo, và phát triển 4V không chỉ ở tầm quốc gia mà phải hướng đến tầm khu vực và thế giới.

GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN cũng khẳng định, 4V đã có nhiều đóng góp mang tính cốt yếu của KHCN nước nhà, tiên phong triển khai những nghiên cứu mũi nhọn và là những đơn vị chủ lực sáng tạo tri thức mới. Do đó cần phải có cơ chế thúc đẩy, khuyến khích các đơn vị của 4V hợp tác phát triển, liên thông, liên kết trên cơ sở gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. GS.TS Mai Trọng Nhuận nhận định, sự hợp tác của 4V không chỉ là phép cộng, mà thực chất đó là một cấp số nhân để tạo ra những giá trị đặc sắc. Sự giao thoa của 4 đơn vị sẽ tạo nên bước tiến ngoạn mục cho sự phát triển KHCN và giáo dục đại học Việt Nam.

Cùng quan điểm, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị sẽ cộng hưởng sức mạnh, đưa KHCN và giáo dục đại học Việt Nam lên tầm cao mới. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, KHCN như là bê tông, cốt thép của một tòa nhà đẹp, nếu chỉ chạy theo công nghệ thì sẽ có lúc chúng ta phải trả giá. GS.TSKH Vũ Minh Giang đặc biệt nhấn mạnh, cần sớm xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động và chương trình hành động cụ thể giữa 4 đơn vị để hỗ trợ cũng như chia sẻ nguồn lực chung, phát huy thế mạnh của mỗi bên.

Bên cạnh những thuận lợi và lợi ích thì hợp tác 4V cũng đặt ra những khó khăn cần vượt qua mà trước hết đó là làm thế nào để xây dựng một chỉnh thể liên thông, liên kết với nhau hiệu quả. Thứ hai, cơ chế tài chính có những quy định còn khá “cứng”, vì vậy khi phối hợp chắc chắn sẽ nảy sinh khó khăn về phối hợp nguồn lực. Bên cạnh đó, khi làm kế hoạch, xây dựng chiến lược đòi hỏi 4 đơn vị phải có quyết tâm rất cao, tầm nhìn rất rộng. Và cuối cùng là cần phải đảm bảo sự hợp tác bền vững do đó cần có sự hậu thuẫn của Chính phủ, tạo cơ chế phối hợp mềm dẻo.

 ĐỨC MINH (thực hiện) - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :