Trang chủ   >   >    >  
Đánh B-52 qua “vùng mù” của máy gây nhiễu
Trước thủ đoạn gây nhiễu mới của không quân địch, đầu năm 1972, chấp hành chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) phối hợp với Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không-Không quân tập trung nghiên cứu tìm biện pháp chống nhiễu.

Đoàn cán bộ Viện KTQS chia thành hai nhóm: Nhóm tìm kiếm, thu thập các loại khí tài gây nhiễu và nhóm nghiên cứu. Không quản ngày đêm, cứ nghe tin máy bay địch bị bắn rơi là các cán bộ được giao nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập chiến lợi phẩm lại tìm đến để thu thập các loại khí tài gây nhiễu. Đoàn nghiên cứu cũng đến tận các đài ra-đa, các đơn vị tên lửa để nghiên cứu các loại nhiễu của máy bay B-52. Tại Quảng Trị, đoàn đã đến Trung đoàn Tên lửa phòng không 274 để tìm hiểu các trận đánh B-52, các loại nhiễu của máy bay EB-66 và gặp gỡ, tìm hiểu kinh nghiệm của các trắc thủ, các sĩ quan điều khiển tên lửa đã từng bắn rơi B-52… Các nhà khoa học của viện cũng trực tiếp hỏi cung tù binh phi công để tìm hiểu thủ đoạn gây nhiễu mà địch sử dụng.
Sau một thời gian tìm kiếm, ta thu được một máy gây nhiễu ALQ-87 của không quân Mỹ. Đây là loại máy lắp trên các máy bay tiêm kích và cường kích, có khả năng gây nhiễu chặn, nhiễu quét, nhiễu ngắm. Mặc dù bị rơi từ trên cao, các mạch bị hỏng hóc nhiều, nhưng chúng tôi vẫn tìm cách cho máy phát nhiễu và đo được công suất, phổ tần, vẽ được sơ đồ phân bố nhiễu trong không gian mặt đất. Chúng tôi cũng khôi phục được đèn phát và nắm được công suất phát của máy, từ đó đã nghiên cứu hiểu rõ cấu tạo, tính năng chiến, kỹ thuật… của máy nhiễu.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích cơ chế và nguyên lý hoạt động của máy gây nhiễu, chúng tôi rút ra kết luận: Máy gây nhiễu tuy có cường độ rất lớn, kết hợp được nhiều loại nhiễu nhưng không thể gây nhiễu hoàn toàn, phải có chỗ nhiễu mạnh, chỗ nhiễu nhẹ. Nói cách khác, máy gây nhiễu luôn tồn tại “vùng mù”. Đây là điểm hạn chế “chết người” của máy. Cụ thể: Khi máy bay bay thẳng, phía trước sẽ nhiễu mạnh, phía sau nhiễu nhẹ. Dưới bụng máy bay, đặc biệt khi máy bay lượn vòng sẽ tạo ra “vùng mù” ít nhiễu. Những kết luận này rất quan trọng, giúp bộ đội ra-đa có thể phát hiện mục tiêu trên cơ sở cường độ nhiễu và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt máy bay. Sau khi nghiên cứu các thiết bị gây nhiễu của máy bay B-52, chúng tôi thấy an-ten máy phát của máy bay B-52 cũng tương tự như loại ALQ-87. Các kết luận khi nghiên cứu về máy gây nhiễu ALQ-87 cũng đúng với máy bay B-52. Từ kết quả nghiên cứu, Bộ đội Phòng không đã tìm ra cách đánh máy bay B-52 hiệu quả trên cơ sở lợi dụng triệt để nhược điểm của hệ thống máy gây nhiễu là tồn tại “vùng mù”.
Chỉ ra được “vùng mù” của máy gây nhiễu là thành công nổi bật của bộ đội ta trong nghiên cứu chống nhiễu. Chính tài liệu của địch sau này cũng đã thừa nhận, một trong những nguyên nhân B-52 bị bắn rơi nhiều là do tồn tại “vùng mù”, đặc biệt là khi bay vòng. Đây là kết quả quá trình làm việc nghiêm túc, khoa học trên cơ sở kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết với thực tế trên chiến trường. Công trình nghiên cứu chống nhiễu trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1997.
Thiếu tướng, GS, TS Trần Thức Vân, Nguyên Viện trưởng Viện KTQS, đồng tác giả công trình “Nghiên cứu chống nhiễu trong cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ”.

 

 TRUNG KIÊN (ghi) - Báo QĐND
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: