Con người & Thành tựu
Trang chủ   >  Chuyên trang chào mừng 20 năm Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội  >   Con người & Thành tựu  >  
PGS.TS Bạch Gia Dương: Suốt đời muốn làm người lính cụ Hồ
Không chỉ đơn thuần là một giảng viên, một nhà quản lí mà ông còn nắm trong tay nhiều sản phẩm công nghệ được ứng dụng, đăng kí 2 sáng chế/giải pháp hữu ích trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông phục vụ dân sự và quân sự.

PGS.TS. Bạch Gia Dương sinh năm 1950, nguyên quán Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội trong một gia đình truyền thống làm nghề dạy học. Lớn lên, nối nghiệp gia đình, ông đã theo học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là ĐHQGHN.
Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ.
Năm 1974, khi Bộ Quốc Phòng có chính sách lấy người có trình độ đại học về làm công tác chuyên môn, ông được cấp trên phân công về một đơn vị chuyên về đo lường ở Hà Nội. Một công việc đúng với chuyên môn mà ông đã học, song với niềm đam mê tiếp tục được dạy học sau khoảng thời gian bị giãn cách đã thôi thúc ông rời xa Thủ đô để về một vùng quê nghèo ở Sơn Tây làm nghiên cứu và phục vụ cho công tác giảng dạy. Lúc đó, Trường Trung cấp Vô tuyến điện ở Sơn Tây, nơi mà ông về công tác còn thiếu thốn đủ mọi thứ: cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa được trang bị đầy đủ, thư viện ngổn ngang chưa sắp xếp. Ông chia sẻ: “lúc đấy thực chất tôi cũng có thoáng chút buồn và thất vọng, nhưng khi nghe đồng chí Trưởng khoa động viên và chỉ rõ nhiệm vụ đang rất cần mình phải thực hiện đã thôi thúc tôi làm việc và tiếp tục nghiên cứu phục vụ cho Trường”. Tại đây ông đã tham gia viết và soạn thảo nhiều giáo trình, bài giảng cho hệ trung cấp và bậc đại học đầu tiên của Học viện Phòng không – Không quân cho đến năm 1988.
Năm 1988 – 1990, để tiếp tục nâng cao trình độ, ông được đơn vị cử đi thực tập sinh cao cấp ngành Điện tử - Viễn thông sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Lê-nin-grat. Tại đây ông tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực cộng hưởng từ hạt nhân và làm kĩ thuật xử lí tín hiệu và kĩ thuật siêu cao tần. Có thể nói, những năm tháng học tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội ấy đã nhen nhóm cho ông tình yêu với khoa học. Ông còn rất nhớ: “Những hình ảnh của các thầy Đàm Trung Đồn, Nguyễn Châu, Ngô Quốc Quýnh, Nguyễn Khang Cường, Nguyễn Kim Giao, là những tấm gương sáng để tôi luôn phấn đấu noi theo, vượt mọi khó khăn để học hỏi và phấn đấu.. Ngày ấy, các thầy đa phần được đào tạo từ thời Pháp thuộc, chỉ học sư phạm, học khoa học cơ bản chứ chưa có định hướng công nghệ như bây giờ, đa phần chỉ từ những kiến thức cơ bản, các thầy xây dựng giáo trình bài giảng rồi đi dạy, sau đó chủ yếu dựa vào ý thức tự nghiên cứu, mày mò đọc sách để tiếp cận khoa học kĩ thuật trên thế giới”. Vậy mà, trong những năm chiến tranh khốc liệt, khi Tổ quốc cần lực lượng các nhà khoa học vào cuộc để hỗ trợ cho chiến truờng, giải quyết các bài toán phức tạp trong thực tế, chẳng hạn như làm sao để phá bom từ trường, thủy lôi, phá trinh sát điện tử của địch phát hiện các đoàn xe của ta vào chiến trường...“ khi các vấn đề được đặt ra, thì các thầy của chúng ta đều có thể giải quyết được hết. Nhìn thấy sự đam mê của các thầy khi đó đã thôi thúc niềm tin, sự đam mê trong mỗi sinh viên lúc bây giờ".
Một kỉ niệm khác mà ông chia sẻ, đó là lúc đi sơ tán từ Thái Nguyên về Đông Anh rồi Thượng Đình, Hà Nội, hình ảnh các phòng thí nghiệm của thầy Đồn, thầy Cường, thầy Quýnh vẫn sáng ánh đèn khuya hàng đêm luôn hiển hiện trong tâm trí. Có một lần, khi còn đi học, ông đã cắp sách đến nhà thầy Cường dạy vô tuyến để hỏi bài. Khi đến thì thấy Thầy đang ngồi trước nhà chẻ củi, vừa chẻ vừa suy nghĩ gì đó cho đến khi những thanh củi bé như những que tăm. Lúc bấy giờ, khi được hỏi tại sao Thầy cứ chẻ củi nhỏ như thế, Thầy mới chợt nhận ra là mình quá mải mê mà quên mất cả thời gian và không gian xung quanh. “Cái đam mê của tôi bây giờ, thực chất là do môi trường đào tạo đem lại, tuy ngày ấy rất khổ, cơm không đủ ăn, nhưng cái mơ ước làm chủ khoa học công nghệ rất lớn, rất say sưa. Cũng vì thế sau khi đi bộ đội, có điều kiện làm công tác chuyên môn, nhưng mong muốn của tôi vẫn là đi dạy học và nghiên cứu, chính là nhìn vào những tấm gương của các Thầy ngày xưa”.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp và làm xong nghiên cứu sinh, ông tiếp tục về phục vụ cho đơn vị quân đội với vai trò là nghiên cứu viên chính tại Viện kĩ thuật Phòng không – Không quân. Trong thời gian này, ông còn tham gia, kiêm nhiệm giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, hướng dẫn các sinh viên thực tập, thực hành làm sản phẩm công nghệ. Chính tại đây, ông đã có cuộc gặp gỡ với GS.VS Nguyễn Văn Hiệu và trở về Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN, nơi ông công tác hiện nay.
Năm 2005, ông quyết định rời khỏi quân ngũ khi đang là Đại tá Trưởng phòng nghiên cứu Rada để về Trường ĐHCN; “Nhiều bạn bè của tôi lúc ấy nói tôi đã có một quyết định sai lầm”. Ông cười chia sẻ. “Thời điểm đó, thầy Nguyễn Văn Hiệu đang có nhu cầu cần người về làm tại bộ môn Xử lí tín hiệu do thầy Huỳnh Hữu Tuệ làm trưởng bộ môn, nhưng do thầy Tuệ ở Canada rất ít có thời gian về nên GS. Hiệu có mong muốn tôi về đó làm xử lí tín hiệu, đồng thời duy trì và phát triển Trung tâm Điện tử - Viễn thông. Khi được thầy Vinh, thầy Chử An giới thiệu, được thầy Hiệu mời về, tôi mừng lắm. Lúc ấy, đồng chí tư lệnh cũng quý mến và muốn giữ nhưng chính thầy Hiệu đã thuyết phục, vì lợi ích chung nên đồng chí Tư lệnh đã đồng ý để tôi về trường để dạy học”. Sau đó, tôi đảm nhận cương vị Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Điện tử Vĩên thông từ ấy.
Khi hỏi nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu viên trong Trường ĐH Công nghệ, ấn tượng của họ về thầy Dương thì đều nhận được câu nhận xét thầy luôn có một phong thái đạo mạo, đôn hậu, hiền lành, bao dung, giản dị.
Ông luôn gần gũi, thương yêu và sẵn sàng chia sẻ với học trò của mình không chỉ những kiến thức khoa học, những kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy mà cả những lời an ủi, động viên. Có những sinh viên đến với thầy, đến với trung tâm để thực hành, đều được ông chỉ dẫn nhiệt tình và cung cấp đủ vật tư linh kiện và những trang thiết bị cần thiết. Ông tâm niệm: “Đã là sinh viên, nhất là sinh viên công nghệ thì phải được tiếp cận với thực hành; nếu có thời gian phải bám sát các thầy vào phòng thí nghiệm để làm sao được thực hành một cách tối đa, học cách thiết kế mô phỏng lắp ráp điện tử, cách sử dụng các trang thiết bị máy đo và đánh giá các tham số kĩ thuật của sản phẩm chế tạo ra”. Vì vậy, mỗi khi dạy các sinh viên của mình, ông không khuyến khích các sinh viên học giáo trình theo kiểu thuộc lòng, hay chỉ sử dung các phần mềm máy tính mà luôn tạo điều kiện làm sao để các em tìm ra phương pháp, nguyên tắc và ý nghĩa chính, vấn đề cơ bản của bài học. “Nếu bắt các em đưa ra những ý tưởng, đưa ra giải pháp kĩ thuật, thiết kế mô phỏng và tự tìm kiếm linh kiện lắp ráp đến khâu cuối cùng thì sẽ rất khó cho các em, vì thế sinh viên đến phòng thí nghiệm để nghiên cứu, thực hành, làm khóa luận thì tôi luôn chuẩn bị cho các em những linh kiện thực tập hiện đại. Tôi thường tìm cách trích kinh phí từ những đề tài của mình để cung cấp linh kiện thực hành cho các em, giúp các em có điều kiện tiếp cận được kĩ thuật và công nghệ mới”.
Hiện nay, ông đang soạn thảo giáo trình và viết sách tham khảo phục vụ chương trình đào tạo ngành Công nghệ Điện tử - Viễn thông thuộc NVCL vì thế, ông có điều kiện đưa vào các bài giảng của mình những định hướng cho các em học và nắm chắc Kĩ thuật điện tử cơ bản. “Khi lên lớp, tôi luôn dạy cho sinh viên cách tiếp cận với vấn đề, tôi luôn quán triệt, nếu một vấn đề em trình bày quanh co tức là em chưa hiểu hết được bản chất vấn đề, ngay cả thầy cũng vậy, nếu thầy trình bày một vấn đề rất phức tạp khó hiểu tức là thầy cũng chưa nắm rõ thực chất, bởi vì “chân lí là những điều rất giản đơn”.
Một trong những công trình nghiên cứu của ông gần đây đó là “Máy phát nhận biết chủ quyền quốc gia” đã được nghiệm thu thành công và đăng kí SHTT cũng một phần nhờ nắm rõ được bản chất của vấn đề, công nghệ lõi. Trước đó, việc xây dựng mô hình máy phát công suất lớn để phát siêu cao tần ở nước ta đều không thành công do trang thiết bị nghiên cứu đắt tiền, tốn kém, nhiều rủi ro, thiếu cán bộ khoa học có kĩ thuật và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhưng với quyết tâm làm chủ công nghệ lõi về kĩ thuật thu phát siêu cao tần công suất lớn, ông đã thành công và mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới. Ngoài máy phát nhận biết chủ quyền quốc gia, ông đã sáng chế và làm chủ rất nhiều bộ sản phẩm phục vụ trong lĩnh vực dân sự và quân sự như Máy thu trả lời tích cực rađa P37, Máy thu trung tần rađa P37, Khuếch đại cao tần tạp âm thấp rađa P19… thay thế cho các công nghệ nhập đắt tiền trước đó từ Liên Xô cũ. Các giải pháp hữu ích của ông đều dựa vào nhu cầu sử dụng và được đưa vào ứng dụng một cách hiệu quả. Thậm chí, một số máy móc được ông thiết kế và chế tạo với giá thành rất rẻ và nhỏ gọn hơn rất nhiều so với sản phẩm Liên Xô cũ cồng kềnh và đắt tiền.
Ông nhận định “Việt Nam là nước đang phát triển, mình đi sau công nghệ so với các nước trên thế giới, nhưng nếu mình cứ mua các trang thiết bị của nước ngoài thì suốt đời mình chỉ đi sau”. Khi làm chủ những đề tài nhà nước có kinh phí lớn, ông đã nhận thấy đây là một cơ hội tốt để đầu tư và sản xuất phát triển các lĩnh vực mà mình nghiên cứu, làm chủ công nghệ lõi phát triển ra các lĩnh vực dựa vào công nghệ lõi đó. Ông và nhóm nghiên cứu của mình luôn chuẩn bị hành trang tiếp cận những kĩ thuật công nghệ mới, đào tạo cán bộ để khi có nhu cầu của xã hội thì ngay lập tức có thể tham gia và hoàn toàn chủ động sáng tạo, để có thể tiếp cận và chế tạo được sản phẩm công nghệ cao.
Đi dạy học và nghiên cứu từ năm 1974 cho đến nay, có thể nói những cống hiến của ông dành cho sự nghiệp giáo dục, quốc phòng là không ít, có nhiều thế hệ học trò của ông nay là cán bộ chủ chốt của các đơn vị tại quân đoàn, sư đoàn trên khắp cả nước nhiều lần gặp ông, gợi lại những kỉ niệm xưa cũ. Những lúc ấy ông cảm thấy vô cùng tự hào vì bản thân mình cũng đã đào tạo ra được một thế hệ có ích cho đất nước.
Riêng đối với Trường ĐH Công nghệ, ông có một tình cảm đặc biệt, bởi ở đây không chỉ gợi lại cho ông những hình ảnh của Trường ĐH Tổng hợp mà nó còn là một địa chỉ tin cậy, uy tín; là nơi mà sự sáng tạo, đổi mới được chắp cánh và tạo điều kiện thuận lợi nhất để được thực hiện ước mơ của mình.
Về gia đình, ông có một người vợ cùng làm trong ngành giáo dục, luôn sẻ chia và sát cánh cùng ông. Ông luôn cảm phục người vợ, người bạn đời của mình trong những lúc ông tập trung nghiên cứu đã nuôi dạy các con nối tiếp sự nghiệp của gia đình, hiếu thuận và thành đạt.
Thành công cả ở trên phương diện sự nghiệp và gia đình, nhưng khi được hỏi về những thói quen trong sinh hoạt thường ngày, ông lại chỉ có một ước mơ giản dị đó là bơi dọc trên dòng sông Tích Giang một, hai cây số như mấy chục năm về trước khi còn dạy học ở Sơn Tây. Nhưng với điều kiện hiện nay không cho phép, ông lại thích trồng rau trên nóc nhà, giản dị vậy thôi nhưng nó là nguồn giải trí nhẹ nhàng xen giữa khoảng thời gian ông dành cho nghiên cứu. Khi được hỏi: “Liệu lúc nào đó thầy có muốn nghỉ ngơi về hưởng thú vui an nhàn”. Thầy lắc đầu cười và nói:“ Nhà nước có cho tôi về hưu thì tôi vẫn tiếp tục làm việc, vì cuộc đời tôi chỉ vui khi gắn với sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu mà thôi”.

 Việt Nga - Bản tin số 260 - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :