Con người & Thành tựu
Trang chủ   >  Chuyên trang chào mừng 20 năm Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội  >   Con người & Thành tựu  >  
Sản phẩm khoa học giá trị sao không đem bán?
Đó là phát biểu của Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tại buổi ra mắt sản phẩm phần mềm từ điển Việt – Nhật, Nhật – Việt (VNUDIC-J) do Trung tâm Hợp tác và Chuyển giao tri thức (CTK) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 17.7.

Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản Miyake Hirofumi: Sản phẩm khoa học tốt là quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải bán được ra tiền.
Sự tiện dụng và các tiện ích vượt trội
VNUDIC-J bao gồm khoảng 335.000 mục từ, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống trên nền 3 ngôn ngữ giao diện là tiếng Nhật, Việt, Anh. VNUDIC-J bao gồm 10 từ điển tập trung vào các lĩnh vực: Từ điển thông dụng, từ điển kỹ thuật, từ điển thương mại và từ điển máy tính.
Theo TS. Hoàng Xuân Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Chuyển giao tri thức, VNUDIC-J là phần mềm từ điển Việt – Nhật – Việt tốt nhất và chuyên nghiệp nhất hiện có trên thị trường. So với các dòng sản phẩm hiện có thì đây là phần mềm từ điển có thêm nhiều tính năng mới và tiến bộ vượt bậc.
VNUDIC-J đã sử dụng các công nghệ phức tạp, mang lại sự tiện dụng và các tiện ích vượt trội cho người sử dụng như tra từ thông minh, vừa tra từ vừa có thể mở rộng hiểu biết thông qua các công cụ tìm kiếm được tích hợp.
Anh Tạ Yên Thái, đại diện nhóm phát triển sản phẩm cho biết, để có được sản phẩm từ điển hoàn thiện trên, nhóm đã dành rất nhiều công sức và tâm huyết. Đây là kết quả hợp tác của rất nhiều nhà khoa học, giảng viên và sinh viên. VNUDIC-J không xung đột với các bộ gõ tiếng Nhật cũng như các bộ gõ tiếng Việt đang chạy trên hệ điều hành.
Sản phẩm dù chưa mở rộng bán trên thị trường nhưng đã được sinh viên, đặc biệt sinh viên các khối ngành ngôn ngữ, văn hóa Việt – Nhật đón nhận và đánh giá cao. Em Nguyễn Thị Liên – Sinh viên lớp J4K45 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa phương đông, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội nói: “Em thật sự bất ngờ, hầu như VNUDIC-J đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dùng từ việc tra cứu ngược đến việc đọc hoàn thiện cả đoạn văn”.
Ông Inami Kazumi – Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá phần mềm từ điển này không chỉ là công cụ tra cứu thông dụng, hữu ích mà còn là cầu nối quan trọng trong việc giao lưu văn hóa Việt – Nhật.
… nhưng quan trọng phải bán được ra tiền
Phát biểu tại buổi ra mắt phần mềm từ điển, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ĐHQGHN rất mạnh về nghiên cứu cơ bản. Năm 2012, đã công bố gần 300 công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế và đã được xếp hạng vào nhóm 250 trường đại học hang đầu châu Á.
Không dừng lại ở đó, ĐHQGHN đang chủ trương phát triển nhiều hơn các sản phẩm KHCN hoàn chỉnh hướng tới cộng đồng. VNUDIC-J chỉ là một trong các sản phẩm đó. Tháng 4 vừa qua, ĐHQGHN đã phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức công bố kết quả nghiên cứu của mình về Quy hoạch công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Sắp tới, 36 tấn dầu diesel sinh học đầu tiên cũng sẽ được tổ chức chuyển giao sử dụng ở địa phương...
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức tự tin: Các nhà khoa học ĐHQGHN đang nắm giữ một số công nghệ lõi và đã có một số sản phẩm KHCN tiềm năng. ĐHQGHN sẵn sàng nhận đơn đặt hàng và phối hợp với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để nghiên cứu phát triển, đưa sản phẩm phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Theo giáo sư, chỉ có quyết tâm thực hiện việc gắn các nghiên cứu khoa học với thực tiễn, đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường, đến với người sử dụng mới thực sự thực hiện được quan điểm “khoa học vị nhân sinh”.
Sản phẩm khoa học có đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì nhà khoa học mới có thêm kinh phí để tiếp tục nghiên cứu – một việc ai cũng biết nhưng không phải dễ tìm ra lời giải. Giáo sư cũng cho biết thêm, sắp tới sẽ có nhiều buổi giới thiệu, công bố các sản phẩm, công nghệ hoàn thiện với công chúng cũng như sẽ có các buổi giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tiềm năng để thu hút đầu tư, phối hợp nghiên cứu hoàn thiện và chuyển giao.
Ngài Miyake Hirofumi – Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vui  mừng cho biết, ông sẽ để sản phẩm này nơi trang trọng nhất trong phòng làm việc để giới thiệu với mọi người, ông cũng sẽ đem sản phẩm này “khoe” với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân để minh chứng cho sự kết hợp trong nghiên cứu khoa học sẽ làm gần gũi, gắn bó hơn về văn hóa giữa hai nước.
Ông cũng cho hay sẽ nhanh chóng hỗ trợ các tổ chức để phổ biến phần mềm hữu ích này đến công chúng Nhật Bản, đặc biệt đối tượng sinh viên và những người yêu thích văn hóa Việt Nam. Một điều có lẽ các nhà khoa học trong nước … ngại nói ra, ông Miyake Hirofumi đã thẳng thắn đặt vấn đề: “Sản phẩm khoa học tốt thế sao không nhanh chóng bán ra thị trường?”.
>>> Nguồn: Báo Lao động

 

 XH - Báo Lao động
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :