Con người & Thành tựu
Trang chủ   >  Chuyên trang chào mừng 20 năm Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội  >   Con người & Thành tựu  >  
Đại học Quốc gia Hà Nội: Đổi mới, tiên phong trong đào tạo chất lượng cao
Với 5.000 cử nhân, 3.000 thạc sỹ, 200 tiến sĩ đào tạo hàng năm, với 108 CTĐT đại học, 121 CTĐT thạc sỹ và 112 CTĐT tiến sỹ, việc thực hiện mục tiêu đào tạo chất lượng cao (CLC) hướng tới đạt chuẩn quốc tế là một thách thức đối với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).

>>> Một số hình ảnh của Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập ĐHQGHN (Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5)

Nhiều giải pháp sáng tạo, có tính đột phá để hiện thực hoá mục tiêu trên đã được triển khai trong thời gian qua.

Lấy nghiên cứu khoa học làm nền tảng

Kiên trì theo đuổi triết lý phát triển đào tạo chất lượng cao, đào tạo tinh hoa, không dựa vào số lượng, nhiều năm qua, ĐHQGHN giữ ổn định quy mô đào tạo chính quy một cách hợp lý để có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo. Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên chính quy/giảng viên đạt 15/1 - tỉ lệ cao nhất trong các trường đại học của Việt Nam. Tỷ lệ học viên đào tạo SĐH đã chiếm gần 30% tổng số sinh viên, học viên chính quy.

Trên cơ sở kế thừa truyền thống đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu đất nước của Trường   Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng với việc phát huy cao độ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ĐHQGHN đã phát triển đại học theo hướng tích hợp chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học theo mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến, đào tạo gắn với nghiên cứu và thông qua nghiên cứu. GS.TSKH Vũ Minh Giang (chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN) chia sẻ quan điểm: “ĐHQGHN coi NCKH là một chỉ báo về chất lượng đào tạo. Các quy chế về NCKH và các chính sách khác của ĐHQGHN đều khuyến khích và tạo cơ chế để các cấp học “nhúng sâu”vào môi trường NCKH. Học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu với giảng viên là điều rất phổ biến ở ĐHQGHN”. Nghiên cứu khoa học cũng đã tạo các tiền đề để ĐHQGHN phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới, chưa có trong danh mục đào tạo của Nhà nước, tạo ra nét độc đáo và tiên phong của ĐHQGHN như  các chuyên ngành vật liệu và linh kiện nanô, biến đổi khí hậu, khoa học bền vững…

Từ năm 2011, ĐHQGHN xây dựng các CTĐT theo chuẩn đầu ra, trên cơ sở điều tra nhu cầu của thị trường lao động, yêu cầu của các doanh nghiệp sử dụng lao động và phản hồi của các cựu sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp hệ chuẩn phải có trình độ Tiếng Anh đạt IELTS 4.0, hệ chất lượng cao đạt trình độ IELTS 5.5, hệ chuẩn quốc tế đạt trình độ IELTS 6.0 và phải có chứng chỉ tối thiểu của 5 kỹ năng mềm. Đây là những yêu cầu khá cao so với mặt bằng chung của các trường đại học tại Việt Nam, cũng là những điểm đặc sắc trong chiến lược phát triển đào tạo của ĐHQGHN trong suốt thời gian vừa qua.

Hội nhập quốc tế theo cách đi riêng

Năm 2006, Đảng bộ ĐHQGHN chủ trương triển khai đề án Nhiệm vụ chiến lược (NVCL), chọn một số ngành, chuyên ngành có các điều kiện cận kề chuẩn mực quốc tế để tập trung đầu tư mạnh nhằm tạo sự “bứt phá”, đưa chất lượng đào tạo các ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế. Để thực hiện NVCL, ĐHQGHN đẩy mạnh hợp tác với các đại học hàng đầu quốc tế như: ĐH Lund (Thuỵ Điển), ĐH Illinois (Hoa Kỳ), ĐH Quốc gia Singapore, ĐH California (Hoa Kỳ), ĐH New South Wales (Australia)… Sinh viên, học viên được theo học CTĐT tiên tiến, học bằng tiếng Anh, bảo vệ luận văn bằng tiếng Anh trước hội đồng gồm các chuyên gia trong và ngoài nước. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Phó Giám đốc ĐHQGHN) cho biết: “Đây là giải pháp có tính sáng tạo của ĐHQGHN. NVCL là việc cụ thể hoá triết lý: đưa chất lượng đào tạo của ĐHQGHN dần tiến lên đạt chuẩn quốc tế bằng cách đưa từng ngành, từng bộ phận lên trước và lan toả ra các ngành đào tạo khác. Điều cốt lõi tạo nên thành công của các chương trình NVCL là đào tạo được đội ngũ giảng viên đạt trình độ quốc tế”.

Đến nay, NVCL đã được triển khai ở 8 ngành đào tạo bậc đại học, 4 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ, 4 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, trải rộng ra nhiều lĩnh vực như: Hoá học, Sinh học, Vật lý, Địa chất, Điện tử viễn thông, Khoa học máy tính, Ngôn ngữ học, Lịch sử Việt Nam, Việt Nam học, Quản trị kinh doanh… Số lượng các CTĐT thuộc NVCL ngày càng được mở rộng, lộ trình đến năm 2020 sẽ có khoảng 60-70% các ngành và chuyên ngành đạt trình độ quốc tế. 

GS. Douglas D.Osheroff (Giải thưởng Nobel Vật lý 1996, ĐH Stanford, Hoa Kỳ) trong một chuyến thăm và khảo sát tại ĐHQGHN từng nhận xét: “Các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế của ĐHQGHN thực sự là những chương trình rất tốt. Sự hợp tác của ĐHQGHN với các trường đại học danh tiếng và việc áp dụng mô hình của các trường đại học này là chiến lược đúng đắn để từng bước tiến đến chuẩn quốc tế của các trường đó”.

Anh Nguyễn Thế Tuyên (cựu sinh viên chương trình NVCL, ĐHQGHN, làm việc tại Cty Sky Technology) chia sẻ về những lợi ích có được từ chương trình đạt chuẩn quốc tế:Tại các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế có các giáo sư nước ngoài đến giảng dạy bằng Tiếng Anh. Tôi phải làm khoá luận tốt nghiệp hoàn toàn bằng tiếng Anh, bảo vệ trước hội đồng với các chuyên gia nước ngoài. Tôi thấy đây là một chương trình rất đẳng cấp, bổ ích và phù hợp với xu thế hiện đại hoá giáo dục của Việt Nam hiện nay”.

Tiên phong trong kiểm định chất lượng

ĐHQGHN là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên triển khai kiểm định chất lượng đào tạo từ năm 2007. Kiểm định chất lượng được coi là một yếu tố tiên quyết để đảm bảo mục tiêu đào tạo chất lượng cao tại ĐHQGHN. Cho đến nay, ĐHQGHN đã ban hành bộ tiêu chí kiểm định chất lượng nội bộ cho các đơn vị thành viên, kiểm định các chương trình đào tạo và triển khai đánh giá bài giảng của giáo viên. Hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo không chỉ trở thành hoạt động thường xuyên, mà còn được phát triển lên trở thành văn hoá chất lượng trong ĐHQGHN.

Hiện nay, đã có 4 đơn vị của ĐHQGHN được công nhận là đơn vị đạt chuẩn quốc gia về chất lượng đào tạo với tỷ lệ phần trăm các tiêu chí đạt chuẩn gần như tuyệt đối. Tiến thêm một bước, từ năm 2009, ĐHQGHN chủ trương thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (AUN), bắt đầu từ một số CTĐT các ngành Hoá học, Công nghệ thông tin, Kinh tế đối ngoại, Sư phạm tiếng Anh, Ngôn ngữ học... Kết quả kiểm định các CTĐT này cho thấy: chất lượng đào tạo của ĐHQGHN ngày càng được nâng cao, được xếp hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao đã đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á.

Đánh giá về tính tiên phong và những nỗ lực của ĐHQGHN trong công tác kiểm định chất lượng, PGS.TS Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “ĐHQGHN có cơ cấu tổ chức, hệ thống đơn vị ĐBCL tương đối hệ thống, mạch lạc với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng ở các cấp. Hoạt động KĐCL ở ĐHQGHN có tính chất định hướng cho những đổi mới trong lĩnh vực KĐCL giáo dục ĐH ở Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng và sẽ tạo điều kiện tốt nhất để ĐHQGHN trở thành trung tâm kiểm định chất lượng đầu tiên của cả nước”.

Kiên trì với mục tiêu đào tạo chất lượng cao, không ngừng đổi mới, sáng tạo với những giải pháp mới, sản phẩm đào tạo của ĐHQGHN đã được xã hội đánh giá cao, có tính thích ứng nghề nghiệp tốt trong môi trường lao động có cạnh tranh gay gắt hiện nay. Năng lực tư duy và phương pháp giải quyết vấn đề là một thế mạnh nổi bật của sản phẩm đào tạo đến từ ĐHQGHN. Theo thống kê, gần 20% sinh viên tốt nghiệp ĐHQGHN hàng năm tiếp tục học tập và nghiên cứu cao hơn tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, làm việc tại các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới. Một năm sau tốt nghiệp, 90% sinh viên có việc làm, 60% sinh viên làm đúng ngành nghề được đào tạo.

Ông Kang Chul Ho (Giám đốc nhân sự Công ty Samsung Electronics Vietnam) nhận xét: “Samsung là một tập đoàn xuyên quốc gia, vì vậy chúng tôi đòi hỏi người lao động có trình độ tiếng Anh tốt. Tôi được biết, tại ĐHQGHN, sinh viên được học theo các khoá học bằng tiếng Anh thế nên khả năng đáp ứng công việc bằng tiếng Anh của họ rất tốt. Theo bộ tiêu chí đánh giá năng lực người lao động của Samsung, các sinh viên tốt nghiệp từ ĐHQGHN thường đạt kết quả rất cao. Tập đoàn Samsung rất hài lòng với khả năng đáp ứng công việc của sinh viên ĐHQGHN”.

->>>>>Xem chi tiết bài đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại số ra ngày 7/12/2013.

 VNU Media - Báo Giáo dục và Thời đại
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :