Trang chủ   >   >    >  
Gắn kết nghiên cứu khoa học công nghệ với giáo dục trách nhiệm xã hội
Ngày 14/10/2011, Trường ĐH KHTN đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề Quy hoạch môi trường, Biến đổi sử dụng đất và Quan trắc môi trường. Hội thảo có sự tham gia đồng tổ chức của Viện Nghiên cứu Phát triển Vùng và Đô thị Sinh thái (IOER) do Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) tài trợ.

Tới dự hội thảo về phía Việt Nam có TS. Nguyễn Linh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó giám đốc ĐHQGHN, PGS. Bùi Duy Cam - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Về phía khách quốc tế có: Bà Hannelore Bossmann - Trưởng đại điện Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức tại Hà Nội (DAAD), GS. Bernhard Müller - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Vùng và Đô thị Sinh thái (IOER), các giảng viên và nhà khoa học thuộc trường Đại học Kỹ thuật Dresden và viện IOER.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Hữu Đức đã đánh giá cao nỗ lực tổ chức hội thảo nhằm trao đổi học thuật của Trường ĐH KHTN với các đối tác khoa học nước ngoài. Giáo sư Phó giám đốc cảm ơn sự hợp tác lâu dài và hiệu quả của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) và Viện Nghiên cứu Phát triển Vùng và Đô thị Sinh thái (IOER).
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, truyền thống nghiên cứu khoa học và thế mạnh trong hợp tác nghiên cứu của Trường ĐH KHTN đã có những kết quả ban đầu: nhiều nghiên cứu sinh đã và đang được đào tạo, nghiên cứu tại các đối tác nước ngoài, đặc biệt là CHLB Đức. Giáo sư Phó giám đốc mong muốn Trường ĐH KHTN và các đối tác Đức gắn kết nghiên cứu khoa học công nghệ với giáo dục trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững, phát triển các mô hình hợp tác mới cho tương lai. Các bên cần chuyển từ giai đoạn hợp tác là chia sẻ thông tin, tri thức, trao đổi kinh nghiệm sang một giai đoạn mới là triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học chung, hướng dẫn nghiên cứu sinh chung để hướng tới các sản phẩm khoa học công nghệ chung.
Hợp tác đào tạo, nghiên cứu và các chương trình trao đổi sinh viên, học thuật với các đối tác Đức tham dự hội thảo lần này đã được Trường ĐH KHTN thực hiện từ năm 2007 với nhiều hoạt động mang tính thực tiễn. Năm 2010, Viện IOER, TU Dresden đã hỗ trợ tổ chức hội thảo và mở khoá đào tạo về Quy hoạch môi trường cho các chuyên viên, các nhà quản lý môi trường thuộc một số tỉnh thành Việt Nam. Hội thảo khoa học lần này là một nội dung nằm trong chương trình mang tên: International Summer School & Conference on Environmental Planning, Land Use Change and Monitoring diễn ra từ ngày 10.10.2011. Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu và quy hoạch môi trường trên toàn quốc.
GS. Bernhard Müller và bà Hannelore Bossmann khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ trường ĐH KHTN trong việc hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học cũng như triển khai các đề tài, dự án hợp tác quốc tế. GS. Bùi Duy Cam mong muốn trong thời gian sắp tới trường ĐH KHTN có thể triển khai được chương trình đào tạo thạc sỹ phối hợp về Quy hoạch môi trường với các đối tác Đức. Điều này cũng được sự ghi nhận và ủng hộ của phía Bộ TN & MT.
Trao đổi với phóng viên, TS. Vũ Văn Mạnh, Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý Môi trường, Khoa Môi trường Trường ĐH KHTN, điều phối viên chương trình, thành viên ban tổ chức hội thảo cho biết: “sản phẩm đầu ra của chương trình hợp tác nghiên cứu và đào tạo chung với các đối tác Đức đã được đánh giá cao và đang được giới nghiên cứu khuyến nghị áp dụng vào thực tiễn. Đó là các đề tài xây dựng hệ thống thông tin môi trường, quy hoạch môi trường hay gần đây nhất là điều chỉnh và tối ưu hóa mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Vĩnh Phúc với khuyến nghị giảm số điểm lấy mẫu môi trường không khí xuống còn từ 12 đến 20 điểm. Để đánh giá hiện trạng môi trường, các mẫu phải được lấy cùng thời điểm. Trước đây, các mẫu nghiên cứu được lấy ở các thời điểm khác nhau, việc xác định vị trí lấy mẫu trong không gian địa lý mang tính chủ quan, cảm tính, các điểm quan trắc dày đặc dẫn tới tốn kinh phí nhưng chất lượng số liệu vẫn chưa thể hiện được đầy đủ hiện trạng môi trường, việc tổng hợp và phân tích thiếu tính khoa học cao. Các kết quả quan trắc đã được nhóm nghiên cứu tổng hợp và công bố tại các hội thảo, tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành. Từ kết quả của nhóm nghiên cứu, TS. Mạnh cũng đã đề xuất giảm số điểm quan trắc môi trường đồng nghĩa với việc giảm kinh phí vận hành cũng như có các số liệu khách quan và khoa học hơn. Việc này được sự hưởng ứng, đồng thuận của các cơ quan quản lý môi trường và sẽ thực hiện ngay trong thời gian tới. TS. Mạnh cho rằng các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhóm nghiên cứu lần đầu tiên ở Việt Nam đã được ứng dụng ngay cũng như sẽ mang lại hiệu quả về phân tích khoa học, kinh tế. Việc tiếp theo của nhóm nghiên cứu là thực hiện quy hoạch môi trường, xây dựng hệ thống thông tin môi trường Việt Nam, quan trắc môi trường theo thời gian thực, theo dõi, phân tích, quản lý trực tuyến thiết bị và số liệu quan trắc trên cơ sở kết hợp GPS, GSM, GPRS và internet. Hệ thống này sẽ có khả năng lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính, việc quan trắc theo thời gian thực được thực hiện qua sóng di động GSM và hệ thống mạng internet.

 

 Bùi Tuấn - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: