Trang chủ   >   >    >  
Tìm hướng đi cho Hà Nội học
Hội thảo “Hà Nội học - phương pháp tiếp cận và nội dung nghiên cứu” do Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN và Hội Sử học Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 24/12/2011.

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN đã tham dự hội thảo.
Hội thảo được tổ chức với sự điều hành của GS. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, và GS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện VNH&KHPT.
Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Lê Xuân Tùng, Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, PGS.TS Phạm Xuân Hằng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, PGS.TS Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội và nhiều nhà khoa học đầu ngành thuộc các lĩnh vực lịch sử, địa lý, môi trường, quy hoạch đô thị, kinh tế xã hội trong và ngoài ĐHQGHN.
Sau thành công của hội thảo “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hoà bình” tháng 10/2010, trước yêu cầu của thực tiễn, các nhà khoa học đã thống nhất đề nghị các cấp chính quyền thành lập một trung tâm hoặc viện nghiên cứu liên ngành về Hà Nội học, cung cấp các cứ liệu khoa học, đồng thời trực tiếp tư vấn cho các nhà quản lý, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thủ đô. Hội thảo lần này là bước tiếp nối cụ thể trên con đường hiện thực hoá nguyện vọng trên, thông qua việc lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành lĩnh vực khác nhau về những vấn đề: xác định nội dung, đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu Hà Nội học; những khó khăn, thách thức và tương lai phát triển ngành học này… Tất cả nhằm dựng nên diện mạo cụ thể của ngành học mới cũng như xác định các bước đi cho việc ra đời một đơn vị nghiên cứu đầu ngành về Hà Nội học tại Việt Nam.
Hội thảo đã nhận được tham luận của 30 nhà khoa học tập trung bàn luận về hệ các vấn đề về phương pháp tiếp cận, phương pháp luận, nội dung của khái niệm Hà Nội học, trong đó có 2 bài của các tác giả nước ngoài (một bài của GS. Sakurai Yumio - ĐH Quốc gia Tokyo và một bài của GS. Philippe Papin - Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp).
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển cho biết: Trong chương trình xúc tiến hợp tác giữa Hà Nội và ĐHQGHN, lãnh đạo thành phố và Ban Giám đốc ĐHQGHN đã đặt việc đầu tư xây dựng và phát triển ngành Hà Nội học có tính học thuật và chuyên môn cao thành một nội dung hợp tác. Đấy chính là cơ sở quan trọng để các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo Thủ đô cùng nhau bàn thảo thúc đẩy sự ra đời của một ngành học mà lý ra nó phải được khai sinh từ nhiều thập kỷ trước: ngành Hà Nội học.
Tại hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã chỉ ra những khó khăn hiện tại khi xây dựng Hà Nội học, đó là chưa có sự thảo luận để đi đến thống nhất về khái niệm và nội hàm Hà Nội học; chưa xác định rõ đối tượng, không gian nghiên cứu của ngành học này; lý thuyết và phương pháp nghiên cứu còn nhiều tuỳ biến… Tuy nhiên, những thuận lợi cũng có thể nhìn thấy như: thành quả nghiên cứu về Hà Nội trên nhiều lĩnh vực chuyên ngành cho đến nay là rất lớn, các lý thuyết nghiên cứu vùng và khu vực học hiện rất phát triển; tâm huyết và sự nhiệt tình của các nhà khoa học với Thủ đô… Đây sẽ là những điều kiện tốt cho việc hình thành Hà Nội học như một chuyên ngành của Khu vực học với cách tiếp cận liên ngành, đa ngành.
Một điểm cốt lõi khi xây dựng Hà Nội học, theo GS. Vũ Minh Giang là khi đặt vấn đề xây dựng Hà Nội học như một ngành học riêng biệt thì phạm vi nghiên cứu của ngành học ấy phải dung chứa nội dung đủ lớn, đủ phong phú tới độ tạo ra những nhận thức sâu sắc và ảnh hưởng ở phạm vi rộng lớn hơn.
Tiến tới hình thành những cơ sở nghiên cứu mạnh về Hà Nội học, GS. Vũ Minh Giang cho rằng cần có một đơn vị đóng vai trò chủ công, với tiềm lực khoa học mạnh, có nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu liên ngành, có uy tín học thuật sâu rộng trong nước và quốc tế. Theo đó, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN là cơ sở nghiên cứu và đào tạo có đủ các điều kiện và khả năng lãnh nhận trách nhiệm này
Cuối cùng, GS. Vũ Minh Giang cho rằng cần thảo luận cụ thể để xác định rõ đối tượng nghiên cứu cũng như xây dựng được hệ thống lý luận và phương pháp nghiên cứu hoàn chỉnh cho Hà Nội học.
Vài hình ảnh của hội thảo:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Tin: Thanh Hà - Ảnh: Quốc Toản - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: