Trang chủ   >   >    >  
Nghiệm thu Đề án Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012
Sáng 31/10/2012, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã bảo vệ đề án nghiên cứu Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế”.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm khoa học chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN - thực hiện. Công trình nghiên cứu này bắt đầu được thực hiện vào năm 2009, và được công bố dưới dạng một chuỗi các báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn của năm trước, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời. Đề tài thuộc danh mục đề án nghiên cứu khoa học đặc biệt cấp ĐHQG do TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐHKT - ĐHQGHN chủ trì.
Hội đồng nghiệm thu đề án gồm có 9 thành viên, Chủ tịch hội đồng là GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQGHN. Hai ủy viên phản biện gồm TS. Đinh Quang Ty, Hội đồng lý luận T.Ư và TS. Trương Đình Tuyển, Chuyên gia kinh tế. Các ủy viên Hội đồng nghiệm thu gồm TS. Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế; TS. Vũ Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN; PGS.TS Phạm Hồng Tung, Trưởng Ban KHCN, ĐHQGHN; TS. Nguyễn Đăng Minh, Trường ĐH Kinh tế.
TS. Nguyễn Đức Thành đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt ̀ phương pháp nghiên cứu cũng như các kết quả đạt được. Ngoài việc tổng kết toàn bộ kết quả của Đề án dưới dạng sách, xuất bản bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh, nhóm nghiên cứu còn sử dụng các kết quả nghiên cứu để xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành kinh tế hàng đầu tại Việt Nam.
Nhìn chung, Hội đồng đánh giá đề án Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 là một công trình khoa học lớn, nghiêm túc, sáng tạo và có nhiều điểm khác biệt, kế thừa được các thành quả nghiên cứu của những năm trước. Kết quả nghiên cứu của đề án cũng mang tính khách quan, dựa trên nguồn số liệu đa dạng và đáng tin cậy hơn so với một số báo cáo khác hiện nay, điều này thể hiện được lợi thế đặc thù của một cơ quan nghiên cứu thuộc trường đại học. Một số uỷ viên hội đồng cũng đánh giá sau khi công bố, Báo cáo thực sự có tiếng vang, sức lan tỏa và ảnh hưởng xã hội lớn.
Các thành viên Hội đồng nhất trí tán thành nghiệm thu Đề án Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 với số điểm trung bình 88,75/100.

 

 TQT - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: