Trang chủ   >   >    >  
Việt Nam học phải là nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa đáng tin cậy của Việt Nam với thế giới
Diễn văn bế mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 của GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN

Hội thảo quốc tế Việt Nam học là diễn đàn khoa học lớn nhất, nơi các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và thế giới quy tụ để trình bày và trao đổi những kết quả nghiên cứu mới nhất về đất nước, con người, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam. Với tầm vóc và ý nghĩa quan trọng đặc biệt như vậy, Hội thảo đã dành được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian gặp gỡ và trao đổi thân tình với đoàn đại biểu của Hội thảo gồm trên 50 nhà khoa học Việt Nam và quốc tế.
Hội thảo của chúng ta cũng vinh dự được chào đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đến tham dự, chủ tọa và phát biểu tại phiên khai mạc, đã gửi đến giới nghiên cứu nhiều thông điệp quan trọng của ngành Việt Nam học nói chung và của cuộc Hội thảo nói riêng.
Xứng đáng với kỳ vọng và sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của công luận và giới nghiên cứu, Hội thảo đã thành công trên một số phương diện sau đây:
Thứ nhất, Hội thảo nhận được gần 2000 tham luận, trong đó gần 1000 tham luận chất lượng cao nhất đã được lựa chọn. Hơn 1200 nhà khoa học, trong đó có 200 nhà khoa học nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực đã đến tham dự, trình bày tham luận và sôi nổi thảo luận với hàng nghìn ý kiến tại các tiểu ban của Hội thảo trong suốt hai ngày qua. Điều đó cho thấy rằng việc xác định chủ đề của Hội thảo cũng như việc tổ chức 15 tiểu ban là quyết định chính xác của hai cơ quan đồng tổ chức Hội thảo phù hợp với mối quan tâm chung của giới nghiên cứu về Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Thứ hai, nét đặc trưng học thuật quan trọng nhất, cái tạo nên thương hiệu của Hội thảo quốc tế về Việt Nam học là tính liên ngành, liên lĩnh vực. Các hệ vấn đề mà Hội thảo lần này tập trung thảo luận hết sức phong phú, trong các lĩnh vực KHXH&NV trong các lĩnh vực kinh tế, KHTN và công nghệ, trong đó ngày càng xuất hiện nhiều hơn các hệ vấn đề mang tính liên ngành rất cao, như khu vực học, địa chính trị, đô thị học, toàn cầu hóa, tài nguyên, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Thứ ba, việc các nhà khoa học thuộc đủ các lĩnh vực, các thế hệ từ hơn 30 nước và vùng lãnh thổ gặp nhau tay bắt mặt mừng cùng hoan hỷ chia sẻ tâm tư, tình cảm và các dự định nghiên cứu cũng có ý nghĩa hết sức to lớn. Các nhà khoa học tận dụng mọi điều kiện để chia sẻ, trao đổi và cọ xát ý tưởng, nhằm làm cho các kết quả nghiên cứu đạt tới tầm học thuật cao hơn, có giá trị ứng dụng thiết thực hơn. Có thể nói rằng, Hội thảo của chúng ta không chỉ là diễn đàn học thuật lớn nhất, quan trọng nhất, mà thực sự còn là nơi hội tụ của giới nghiên cứu về Việt Nam toàn thế giới và củng cố và phát triển mạng lưới nghien cứu và đào tạo Việt Nam học  trên thế giới, thúc đẩy hợp tác cùng nhau phát triển đào tạo và nghiên cứu Việt Nam học và thông qua đó thức đây hợp tác trên các lĩnh vực khác
Thứ tư, nhìn vào đội ngũ nhà khoa học tham dự Hội thảo lần này, Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức Hội thảo – và có lẽ là tất cả chúng ta đều hết sức vui mừng. Bên cạnh các nhà khoa học lão thành, những người tiên phong mở đường, nay tuy tuổi đã cao nhưng sức vẫn khỏe, tràn đầy trí tuệ và tâm huyết, có đến hơn một nửa số người tham gia Hội thảo lần này là các nhà khoa học trẻ, tràn đầy nhiệt huyết, khát vọng, có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ giỏi. Họ đang hăm hở kế tục và phát huy sự nghiệp của các bậc thầy trong bối cảnh mới và ở tầm cao mới. Nhìn vào đó, chúng ta có đủ cơ sở vững chắc để tin rằng ngành Việt Nam học sẽ tiếp tục phát triển, hứa hẹn nhiều thành tựu phong phú với chất lượng cao.
Thứ năm, Đây là Hội thảo thực sự khoa học với sự trao đổi rất sôi nổi, cởi mở và thẳng thắn về tất cả các vấn đề trong đó có cả những vần nóng của quá trình phát triển của VN ở tất cả các tiẻu ban và với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học từ buổi đầu tiên đến buổi cuối cùng. Thảo luận tại các tiểu ban đã đề xuất nhièu kiến nghị cho Việt Nam hội nhập và PTBV mà chúng tôi sẽ chắt lọc, tổng hợp để chuyển đến các cơ quan hữu quan như là đóng góp quan trọng của Hội thảo lần này.Thảo luận tại các Tiểu ban cũng đã nêu lên nhiều vấn học thuật gợi mở cho các nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học tiếp theo trên hầu hết các lĩnh vực chuyên ngành và liên ngành mà các Trưởng tiểu ban đã trình bày tại phiên toàn thể hôm nay, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng sâu rộng tiếp cận liên ngành và khu vực học tong nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học.
Thứ sáu, để cuộc Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV thành công tốt đẹp, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, của các bộ, ngành, của Thủ đô Hà Nội và đặc biệt là sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của các nhà khoa học, chúng ta cần phải ghi nhận nỗ lực phi thường, những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ làm công tác thư ký, hậu cần, phiên dịch, an ninh, y tế và các bộ phận khác thuộc Viện KHXHVN, ĐHQGHN và Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Thay mặt Ban Chỉ đạo Hội thảo, tôi xin được trân trọng ghi nhận và cảm ơn tất cả các anh chị em.
Sau Hội thảo, các nhà khoa học sẽ tiếp tục cùng nhau và tình nguyện phát triển mạng lưới, kể cả hội giảng dạy và nghiên cứu để phát triển Việt Nam học ở Việt Nam và trên thế giới, động thời kiến nghị với các cơ quan hữu quan hỗ trợ , tạo kiều kiên thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững Việt Nam học, trong đó có phát triển các trung tâm nghiền cứu và đào tạo về Việt Nam học, xây dụng cơ sở dữ liệu tích hợp đầy đủ dẽ dàng chia se và cập nhật về Việt Nam học ...
Các nhà khoa học tích cực nghiên cứu để có nhiều kết quả trình bày tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5 vào khoảng 2016, có thể có thêm nhiều nội dung mới nhưng chủ đề Việt Nam trên đường hội nhập và Phát triển bền vững vẫn có nhiều vấn đề lý thú để khám phá, đồng thời chú ý nghiên cứu các vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các nghiên cứu cả liên ngành lẫn chuyên sâu về Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa, y tế, tài nguyên, môi trường, ứng dụng công nghệ cao… nhằm góp phần giải quyết hiệu quả các bài toán đang đặt ra cho Việt Nam trên đường hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Việt Nam học phải là nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa đáng tin cậy của Việt Nam với thế giới, góp phần giúp cho người dân và Chính phủ Việt Nam hiểu biết hơn về thế giới và làm cho nhân dân và chính phủ các nước hiểu biết đúng đắn và đầy đủ hơn về đất nước, con người, kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử và khát vọng của dân tộc Việt Nam.
 

 VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: